Friday, October 25, 2013

VẤN ĐỀ VIỆT KIỀU


image NGUYỄN NGỌC GIAO
Đt vấn đề
Cách đây 3 tháng (năm 2005 – Civillawinfor), báo Thanh Niên đưa tin về cái chết của bà Lê Thị Trúc, một người Việt Nam mang hộ chiếu Việt Nam và thẻ thường trú tại Mỹ. Bà Trúc bị ung thư nặng, và trong chuyến về nước vừa qua, đã từ trần ngày 11-4-2005. Như ta biết, bình thường, do điều kiện khí hậu và theo quy định của nhà nước, lễ mai táng hoặc hoả táng được tổ chức trong vòng 2 ngày sau ngày từ trần. Trong trường hợp bà Trúc, thân nhân phải mất nhiều thời gian hơn để xin được giấy khai tử và giấy phép hoả táng. Đó cũng là điều dễ hiểu. Sở dĩ tờ báo nói tới việc này là vì, sau khi gia đình đã trình đủ các giấy tờ trên, thì cho đến trưa ngày 18-7, một tuần sau khi bà Trúc từ trần, trung tâm hoả táng vẫn chưa tiến hành cuộc hoả táng : họ cần thêm một “công hàm ngoại giao” của tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cuối cùng, thì buổi chiều 18-7 mọi việc đã tiến hành suôn sẻ, nhờ sự giúp đỡ và can thiệp khẩn trương của báo Thanh Niên, Sở Tư pháp TP, Uỷ ban nhân dân Thành phố, và Phòng xuất nhập cảnh Công an Thành phố. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP đã cử cán bộ đến trung tâm hoả táng “giải thích rằng bà Trúc là người Việt Nam định cư tại nước ngoài nên chỉ cần có giấy phép cho mai táng là có thể thiêu xác bà chứ không cần phải có công hàm ngoại giao” (Thanh Niên,22-4-2005).
Tôi muốn mở đầu bài tham luận về “vấn đề Việt kiều” bằng câu chuyện trên, không phải vì muốn “ bi kịch hoá vấn đề ”: sinh tử bệnh lão là chuyện tự nhiên của cuộc sống, cái chết của bà Trúc có lẽ cũng sẽ trở thành một trường hợp phổ biến, điều tôi muốn tìm hiểu là sự trục trặc trong 7 ngày đêm sau cái chết của bà. Rõ ràng ở đây không có sự phiền hà, lạm dụng quyền lực hay sự khiếm khuyết của pháp luật để tham nhũng. Ngược lại, qua thông tin của bài báo – và tiên thiên, không thấy có lí do để hoài nghi độ trung thực – chúng ta thấy rõ là trong trường hợp cụ thể này, chính quyền địa phương ở các cấp, từ thành phố xuống xã, ở các ban ngành – tư pháp, công an – đều đã tích cực tìm cách giải quyết và phối hợp hành động để giải quyết. Và sự chần chừ của trung tâm hoả thiêu không xuất phát từ ý muốn làm khó dễ, mà do không muốn để xảy ra chuyện khó dễ về sau này, trong trường hợp có người – nhất là “người ngoài” – đặt câu hỏi : tại sao lại hoả táng một “người nước ngoài” mà không có “công hàm ngoại giao” ? Vậy thì sự trục trặc này từ đâu mà ra ? tại sao nó xảy ra ?
Tôi thấy có hai loại nguyên nhân. Loại thứ nhất : các quy định pháp luật và hành chính chưa đầy đủ, thiếu nhất quán, và cố nhiên chưa theo kịp những chủ trương đề ra trong các nghị quyết (thí dụ Nghị quyết 36 mà chúng ta nghe nói nhiều từ hơn một năm nay). Trên báo chí và trong nhiều cuộc hội nghị, gặp gỡ, nhiều Việt kiều, nhất là những anh chị có dịp về làm việc nhiều và lâu, cũng như những anh chị đã hồi hương, và, nhiều cán bộ các cơ quan hữu quan – trong đó có Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài – đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm nhanh chóng vượt qua giai đoạn “nghị quyết vẫn chỉ là nghị quyết”, “luật vẫn chỉ là luật”…

Hội thảo này không có mục đích thay thế hay tiếp tục các diễn đàn “hoành tráng” kể trên, và bản thân người tham luận không đủ trải nghiệm để đóng góp cụ thể, vì vậy, bài tham luận này xin bàn ti loại nguyên nhân thứ nhì, liên quan tới cái nhìn, tới quan niệm về/của Việt kiều, quan niệm về mối quan hệ giữa cộng đồng quốc gia – Nhà nước và xã hội công dân, xã hội dân sự — và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tôi xin nhấn mạnh hai chữ bàn tới, đúng hơn phải nói bàn về (vì chắc còn phải bàn lâu mới tới), để tránh mọi dị nghị về tham vọng và tính chất của tham luận : hiện nay chưa có những nghiên cứu khoa học nào về hai, ba triệu (?) người Việt Nam ở nước ngoài, và còn rất khó truy nhập những thông tin về thực tiễn các chính sách về Việt kiều trong mấy chục năm qua, nên bài này sẽ tránh mọi sự “trích dẫn” với mục đích làm cho ra vẻ một bài nghiên cứu. Mục đích của nó rất khiêm tốn : từ những nhận xét về một số sự việc (nghiệm sinh cá nhân, nghiệm sinh tập thể), đưa ra những lí giải và suy nghĩ. Nói cách khác, đó chỉ là những giả định ban đầu cho một cuộc nghiên cứu nghiêm chỉnh. Giả định nào đúng, nó sẽ là bước đầu đi tới những hiểu biết chính xác. Giả định nào sai, thì tác giả sẽ nhẹ nhõm từ biệt vì có nhiều khả năng nó liên quan tới những sự việc không mấy tốt đẹp, mà nếu tốt đẹp mà “giả” thì lại càng… không nên.
Hai tiếng Việt kiu
Trở lại sự trục trặc nói trên. Nó cho thấy rõ một sự lúng túng trong việc xử lí “vấn đề Việt kiều” : họ là người Việt Nam hay là người nước ngoài ? họ là “ta” hay là… “người” ?
Sự “thiếu rõ ràng” này biểu hiện khá rõ ngay trong cái tên gọi “Việt kiều”, nhất là trong lịch sử của danh từ này.
Về ngữ nghĩa, mọi sự tương đối giản dị. Khởi thuỷ, “Việt kiều” là những kiều dânViệt Nam sống ở nước ngoài, hàm ý họ là những người có quốc tịch Việt Nam, cũng như “Ấn kiều”, “Hoa kiều” ở Việt Nam là kiều dân các nước Ấn Độ, Trung Hoa làm ăn, lập nghiệp, thậm chí sinh trưởng ở Việt Nam. Song trước năm 1975, do điều kiện lịch sử (chiến tranh), vấn đề quốc tịch không đặt ra (một phần vì nó quá phức tạp, đa dạng, nên tự nó cũng không có ý nghĩa quan trọng), nên rất sớm “Việt kiều” được hiểu theo nghĩa rộng nhất : nó chỉ tất cả những người Việt Nam cư trú ở nước ngoài, hay nói một cách cụ thể và chính xác, ở các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa, và chính xác hơn nữa : ngoài ba nước láng giềng (Lào, Campuchia, Thái Lan) là các nước phương Tây (mà đông nhất là Pháp) – trong khối các nước xã hội chủ nghĩa, dường như chỉ ở Trung Quốc là có một số Việt kiều.
Tình hình “Việt kiều” thay đổi hẳn sau năm 1975, với hai mốc chính : (1) cuộc di tản, vượt biển và các chương trình ODP, HO… , và (2) sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, những người Việt Nam sang “hợp tác lao động” trở thành một cộng đồng kiều dân mà số lượng phát triển mạnh mẽ nhờ một làn sóng di dân mới.
Như vậy là, bước sang thế kỉ 21, 25 năm sau khi chiến tranh kết thúc, có một cộng đồng người Việt Nam cư trú ở gần một trăm nước trên thế giới, khắp các châu lục, chủ yếu ở ba châu Mỹ, Âu và Đại Dương (nếu không kể 3 nước láng giềng ở châu Á). Gọi họ là gì ? Họ gọi họ là gì ? Hai chữ « Việt kiều » rất đẹp kia, mỗi chữ đều đẹp cả, « Việt » thì đương nhiên rồi, « Kiều » lại càng mặn mà, quyến rũ, ấy thế mà bỗng nhiên, trong ngoài đều không muốn dùng, hay dùng theo những ngữ nghĩa và trong những ngữ cảnh riêng biệt : danh từ « Việt kiều » không được hiểu như một tên gọi chung nữa. Ở Pháp, ngay từ tháng tư 1976, hội « Liên hiệp Việt kiều tại Pháp » đã hoà mình trong « Hội người Việt Nam tại Pháp », và cách đây mấy năm, trong nước, « Ban Việt kiều Trung ương » đã trở thành « Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài ».
Sẽ rất lí thú nếu ta tìm hiểu cặn kẽ vấn đề danh từ : hai chữ « Việt kiều » được hiểu như thế nào ở trong nước và ngoài nước, trong từng giới, từng nơi, và quan trọng hơn, nó gợi lên trong tâm tư mỗi người những ảnh, ý tưởng gì ? Ở đây, tôi chỉ xin giới hạn vào một vài nhận xét có liên quan trực tiếp với những vấn đề muốn bàn :
« Việt kiều » là một danh từ hàm ý chính trị. « Việt kiều » đương nhiên là những người Việt Nam, toàn thể những người Việt Nam (tuy) sống xa đất nước (nhưng luôn luôn) « hướng về tổ quốc », ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước. Điều này tất nhiên toát ra trong mọi văn kiện chính trị, đặc biệt là các lời kêu gọi của Việt Nam dân chủ cộng hoà, rồi của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Hiện thực hay huyền thoại ? Câu trả lời chính xác nhất : huyền thoại hiện thực. Như mọi phong trào dân tộc giành độc lập và thống nhất, dân tộc ta tạo dựng ra những huyền thoại « nền tảng » (mythe fondateur). Cố nhiên, không phải Việt kiều nào cũng tham gia phong trào chống Mỹ, cũng như ở trong nước không phải ai và lúc nào cũng kháng chiến. Nhưng huyền thoại này có cơ sở hiện thực, nó là hiện thực. Trong một thời gian dài và « cơ bản mà nói », « Việt kiều » hầu như đồng nghĩa, đồng nhất với « Việt kiều yêu nước ». Không chỉ ở Pháp, mà lần lượt ở các nước Tây Âu (Bỉ, Đức, Thuỵ Sĩ, Ý, Anh…), Bắc Mỹ (Canada, Hoa Kỳ), Nhật Bản và Úc, phong trào chống chính sách chiến tranh của Mỹ, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ đã phát triển mạnh mẽ và chiếm ưu thế hiển nhiên trên các địa bàn này, kể cả những nơi mà VNDCCH và MTDTGPMNVN không có đại diện hay phái viên. Đó là một hiện thực mà ngay cả chính quyền Việt Nam cộng  hoà cũng mặc nhiên thừa nhận : đối với ông Nguyễn Văn Thiệu và các đại sứ VNCH ở các nước phương Tây, « Việt kiều » đồng nghĩa với… « Việt cộng ».
Rắc rối cũng bắt đầu từ đây. Khi hiện thực và huyền thoại bị/được đồng nhất hoá trong đầu óc, thì nó chi phối cả tư duy và ngôn ngữ. Không phải ngẫu nhiên mà đầu thập niên 70, ra đời những hội « Việt kiều yêu nước » (trong danh xưng). Ở Canada, rồi ở Cộng hoà liên bang Đức. Một cách tuyệt đối tự phát, không hề do một chủ trương hiển ngôn, hay một chỉ thị nào.
Tại Pháp, phong trào « đàn anh », « trưởng thành » hơn, không hề tự xưng là phong trào của « Việt kiều yêu nước », nhưng cũng phải nói một lời tự thú, « tình trong như đã », chỉ « miệng ngoài còn e » thôi.
Chỉ một điều đó thôi, cũng đủ giải thích tại sao, từ sau năm 1975, hai chữ « Việt kiều» trở thành « khó xài ». Sự thật lại phức tạp hơn thế nữa. Đối với trong nước, hai chữ «Việt kiều » cũng gắn liền với những thực tại trái nghịch, và có thể nói, những cái nhìn tương phản, đối ngẫu, nếu không nói là đối nghịch nhau, ngay trong cả chính sách.
Vit kiều Việt kiều
Tôi không muốn đi sâu vào vấn đề khá tế nhị này. Chỉ xin đưa ra vài thí dụ có kiểm chứng và nhân chứng để minh hoạ :
- Cuối thập niên 70 (khi xảy ra vụ người Hoa rồi ông Đặng Tiểu Bình « cho Việt Nam một bài học »), những Việt kiều Tân Đảo, nghĩa là gia đình những nông dân bị mộ phu sang Nouvelle Calédonie, số đông trở thành công nhân mỏ, hồi hương khoảng 1958-60, làm việc ở Khu gang thép Thái Nguyên, tóm lại là thành phần công nông cơ bản, trở thành « đối tượng » phải theo dõi.
- Đầu thập niên 80 (tức là trước đổi mới), hợp tác khoa học kĩ thuật Việt-Pháp khởi động tốt, nhiều thực tập sinh Việt Nam sang Pháp làm luận án tiến sĩ haylàm việc ở các cơ sở khoa học, đại học. Một chỉ thị được « nhà » phổ biến qua đại sứ quán : thực tập sinh được phép tới chơi nhà Việt kiều (xin hiểu « Việt kiều yêu nước »), nhận lời mời ăn cơm, nhưng không được phép… ngủ lại.
- Đầu thập niên 90 (sau đổi mới, vài năm trước bình thường hoá quan hệ Viêt-Mỹ), phái đoàn của một ngân hàng Mỹ (lớn) được Ngân hàng Trung ương mời qua , được Tổng bí thư và Thủ tướng tiếp trọng thể. Trưởng đoàn là một người Việt Nam (mang hộ chiếu Hoa Kỳ, tôi xin miễn kể tên, trước năm 75 đãlàm việc cho ngân hàng này ở miền nam), đi cùng hai phụ tá người Mỹ. Buổi tối, về khách sạn, ba người nhận phòng. Hai phụ tá vào những phòng có đề tên ngoài cửa « Ngài Smith (tôi tạm gọi thế) », « Ngài Doe ». Ông trưởng đoàn đứng trước phòng mình, nhìn ngắm hai chữ « VK », sững sờ.
- Một chị Việt kiều, con một liệt sĩ (biệt động Sài Gòn Chợ Lớn) theo mẹ « làm thuê » sang Pháp lúc 12 tuổi, lớn lên hoạt động phong trào, tham gia « Nhóm Việt ngữ », tốt nghiệp tiến sĩ vừa lúc giải phóng, về nước làm việc được hơn 25 rồi, nhưng, chị cười nói với tôi cách đây mới tháng : « Trong con mắt mọi người, tôi vẫn là…Việt kiều ».
Xin tạm ngừng ở đây cái « gallery » chân dung « Việt kiều ». Cũng không cần nhắc lại những mô hình « Việt kiều yêu nước » sau 1975, của thời kì « kiều hối », cửa hàng «Intershop », của các công ti « imex », « exim »… hay những « Việt kiều Mỹ » sau thời mở cửa. Nói một cách biếm hoạ, thì cái « cốt » của thương hiệu « VK » trên thị trường chứng khoán dân gian coi mòi đã đi trước các chỉ số Nasdaq, lên cũng lên trước, và tụt dốc cũng tụt dốc trước. Nói nghiêm chỉnh hơn, nhận thức của dư luận trong nước không còn đóng khung trong một hình mẫu duy nhất, mà đa dạng hơn, qua thời gian và tiếp xúc, để xích lại gần hơn một hiện thực đa dạng và phức tạp, mặc dầu nhận thức ấy cũng chỉ có tính chất cảm tính, kinh nghiệm chủ nghĩa. Đây cũng là một đề tài xã hội học lí thú, không nằm trong chủ đề tham luận này.
Trong Ngoài, truyền thống và thực tiễn
Qua một vài tình huống phác hoạ ở trên, ta thấy hiện ra vấn đề cốt lõi, vấn đề của mọi vấn đề « Việt kiều », là cách nhìn, là quan niệm phân biệt, đối lập trong/ngoài. Cũng xin nói rõ : giữa « trong nước » và « Việt kiều », giữa hai hoàn cảnh, có những khác biệt, có sự khác biệt không thể chối cãi, có những khía cạnh hiển nhiên, có những nét khó thấy hơn, có thể rất sâu sắc. Chấp nhận và tìm hiểu những khác biệt ấy là một điều lý thú, có thể mang lại cho chúng ta những phát hiện về bản sắc dân tộc, bởi vì khi so sánh con người Việt kiều sau quá trình trải nghiệm sự thích nghi văn hoá, với con người trong nước, chúng ta dễ thấy hơn những cái bất biến, và những biến thiên, biến tướng. Nhưng ở đây, tôi muốn nói tới « tinh thần » phân biệt, đối lập trong quan niệm, trong cách nhìn, và từ đó, trong ứng xử thực chất.
Và cũng xin nói thêm : sẽ quá dễ dàng, và sai lầm, nếu vội vã quy sự phân biệt có thực hoặc « cảm nhận » về một mối : một chính sách, chủ trương thành văn hay mặc nhiên. Đơn giản hoá vấn đề như vậy là quên đi hai nhân tố cơ bản : một là truyền thống dân tộc và xã thôn của một nước nông nghiệp, thị trường quốc gia chưa phát triển, ít giao lưu với nước ngoài – chỉ cần nhắc lại sự phân biệt trong một gia đình giữa bên nội/trong và bên ngoại/ngoài, trong một thôn làng giữa người làng dân ngụ cư ; hai là di sản của một nửa thế kỉ (tức là của hai, ba thế hệ) đấu tranh bí mật và chiến tranh ác liệt, trong đó, mọi yếu tố, mọi nhân tố xa, lạ, từ bên ngoài vào, từ bên kia sang, vì sự sống còn, phải được xử trí với tất cả sự cảnh giác cần thiết, và nhiều khi… không cần thiết. Nói như vậy rồi, có thể nói đến quan niệm, chủ trương, chính sách… và thời gian cần thiết để nói như một công thức hình như ít dùng hơn trước, « đưa nghị quyết vào cuộc sống ». Thời gian là cần thiết để nghiên cứu, lắng nghe, và hoạch địch, thực hiện các biện pháp đồng bộ. Song thời gian ấy có thể rút ngắn bớt, hay ít nhất, không bị kéo quá dài, nếu có ý thức rõ rệt và dứt khoát về một quan niệm của một giai đoạn lịch sử đã qua rồi.
Quan niệm
Tôi nghĩ nhấn mạnh điều này không thừa. Xin đơn cử một thí dụ : năm ngoái, ở Pháp, « Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp » (UEVF) đã ra đời, khác và độc lập với « Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp » (UJVF), có từ lâu, và tiếp nối hội « Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp » thành lập từ năm 1965. Sinh viên là thanh niên (trên nguyên tắc), nhưng ngược lại thì không. Phải chăng hội sinh viên là thành viên của hội thanh niên ? Thưa không, sự khác biệt chủ yếu không nằm ở từ ngữ. Hội « thanh niên » tập  hợp sinh viên và tuổi trẻ « Việt kiều », thế hệ hai của cộng đồng người Việt Nam ở Pháp, còn thành viên của hội « sinh viên » là các du học sinh trong số mấy hơn ba nghìn người mà « ta » cho sang Pháp học tập từ mấy năm nay, số ít có học bổng, tuyệt đại đa số là tự túc. Giữa hai tập hợp cũng lứa tuổi và cùng học một trường này, tất nhiên có nhiều khác biệt. Nhưng chủ trương thành lập hai hội đoàn khác nhau này, theo tôi hiểu, xuất phát từ một quan niệm « quán tính » về tổ chức. Dường như khởi thuỷ còn có chủ trương rằng HSVVNTP là thành viên của hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam, nhưng điều này đi ngược lại pháp luật của Pháp (cũng không khác các nước khác) : một hội đoàn thành lập ở Pháp có thể là thành viên của một liên hội quốc tế, hay liên quốc gia, nhưng không thể là thành viên của một hội đoàn quốc gia ở một nước khác. Đằng sau chủ trương – cũng dễ hiểu – này là một quan niệm cần thảo luận.
Trường hợp cụ thể này dẫn ta tới một vấn đề tổng quát hơn, và cơ bản hơn : quan niệm về các hội đoàn Việt Nam ở hải ngoại. Có « ngoại suy » lắm không khi « giả định » rằng nhà nước Việt Nam vẫn chưa thực sự « đổi mới tư duy » trong lãnh vực này ? Nhìn vào mối quan hệ của các cơ quan đại diện Việt Nam với các « hội người Việt Nam » ở các nước Âu Châu (ở Tây Âu cũng như ở Trung và Đông Âu), nhìn vào sự « giúp thành lập » hội ở những nước chưa có, phải thừa nhận là có thích nghi, thậm chí đổi mới trong phương thức, nhưng cũng phải nói thật : chưa hề có đổi mới trong quan niệm. Đó là nói tới cái vòng hạn hẹp của những giới Việt kiều có quan hệ với sứ quán, nếu nhìn rộng hơn, thì không thể không suy ngẫm về tính chất « siêu thực » của quan niệm tiềm ẩn ấy. Nếu đó là một chủ trương « tình thế », tạm thời ưu tiên hình thức, lấy danh làm thực, thì tất nhiên không cần bàn thêm. Còn nếu không phải như vậy, thì mọi văn bản chủ trương đổi mới thật sự, dù chủ là từng bước, về chính sách « Việt kiều » dễ bị đồng hoá với công thức « vậy mà không phải vậy », đó là điều đáng tiếc. Nếu được nói một cách cường điệu một chút để nêu rõ vấn đề, thì có thể đơn cử sự tiếp nhận nghị quyết 36 trong dư luận Việt kiều ở nước ngoài, và nói rằng : phản ứng hết sức tương phản, đối với « Việt kiều » nói chung thì không mấy quan tâm, ít biết hoặc không biết, còn đối với một số nhỏ ồn ào trong cộng đồng VN ở Hoa Kỳ (nếu ta đọc, một cách thật thà, các « tuyên ngôn », « hiệu triệu » của họ), thì từ một năm nay, nghị quyết 36 đã dang rộng đôi cánh, phủ kín bầu trời Cali, đe doạ « tương lai cộng đồng » như « bóng ma » năm nào giữa thế kỉ 19 ở châu Âu.
Cũng liên quan tới « cách nhìn vấn đề », và để kết thúc tham luận sơ lược này, tôi xin nói một ý kiến nhỏ về câu hỏi vẫn thường được anh em trong nước nêu ra với Việt kiều : nên có « chính sách đãi ngộ » như thế nào đối với trí thức Việt kiều – vì chưa có những nghiên cứu nghiêm túc, nên mỗi người đưa ra một con số ước lượng, tuỳ theo to nhỏ mà ta có thể đoán trước « lập trường » hay vị trí – để « thu hút » chất xám. Câu hỏi này « muôn thuở », nhưng càng ngày càng nóng hổi, một khi mọi người đều ý thức về yêu cầu phát triển bức thiết, và nhất là chúng ta lại nghe nói tới chính sách đãi ngộ hào sảng của Trung Quốc, của chính quyền trung ương cũng như ở các địa phương, đối với các nhà khoa học, kĩ thuật « Hoa kiều » (mà nay họ thường gọi là « Hoa nhân », nếu không nói là « Đài Hoa », « Tân Hoa », « Mỹ Hoa »…).
Trong khuôn khổ chủ đề bài tham luận này, là nêu lên vài suy nghĩ về « cách nhìn », cho phép tôi… nói ngược. Tất nhiên, chính sách đãi ngộ là vấn đề quan trọng và tế nhị, cần phải thảo luận sâu sát, kỹ lưỡng và mạnh dạn thử nghiệm những biện pháp « đột phá », điều này tôi hoàn toàn tán thành, tuy không thấy có khả năng đóng góp gì đặc biệt. Song ở đây và bây giờ, tôi xin nói ngược : tôi cho rằng chưa đến lúc, chưa phải « thời điểm » (moment). Thời điểm đây không nhất thiết là thời gian, mà là trình tự trong thời gian. Trước « chính sách đãi ngộ trí thức Việt kiều », có « chính sách đãi ngộ trí thức ». Có cái này mới có cái kia. Và nhiều khi, chỉ nhìn cái này, người ta cũng suy ra cái kia, cho dù cái kia chưa thành hình, chưa hoàn chỉnh. Nói cụ thể hơn, nếu chúng ta nhìn sự « đóng góp » cụ thể của một vài cá nhân, một vài đơn vị « chất xám », thì có thể giải quyết bằng hợp đồng, « thuận mua vừa bán », hàng giả hàng thật cuối cùng ta cũng phân biệt được. Nhưng nếu quan niệm là cần tạo điều kiện, trước hết là tạo ra một bầu không khí thuận lợi, để đáp ứng ước muốn của trí thức Việt Nam ở nước ngoài, bất luận cũ mới, đông tây, già trẻ, thì không thể đi tắt, đi vòng qua một yếu tố quyết định : sự tin tưởng, mà thước đo khách quan, không thể chối cãi, là quan niệm của xã hội, của chính quyền đối với trí thức (trước tiên, trong nước).
Nói khác đi, và rộng hơn, nền tảng của mối quan hệ giữa Việt Nam và cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài gắn liền với một vấn đề to lớn hơn : quan hệ giữa chính quyền và xã hội công dân, trước hết là quan niệm của nhà nước về vai trò và vị trí của xã hội công dân. Chính sự đổi mới tư duy ở đây là bước đầu cần thiết và quyết định. Đặt một vấn đề tự nó đã phức tạp vào trong một vấn đề rộng lớn và phức tạp hơn gấp bội, phải chăng để lẩn tránh hay trì hoãn ? Đương nhiên là không. Ngược lại, để có một quan niệm nhất quán, tổng thể, mỗi bước tiến thực sự của toàn bộ sẽ tác động quyết định tới chuyển biến của bộ phận, và mỗi đột phá của bộ phận sẽ góp phần vào chuyển biến chung, có thể là một thử nghiệm cho tiến bộ chung, nếu ta không muốn nó chỉ đơn thuần là một biện pháp cục bộ, « tình thế », không tạo ra được sự tin tưởng mới mà mỗi người chúng ta đều biết là cần thiết tới chừng nào.
—————————–
Hiện nay thuật ngữ “Việt kiều” đã được thay thế bằng thuật ngữ “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” – Civillawinfor
SOURCE: HỘI THẢO “TIẾP TỤC ĐỔI MỚI KINH TẾ VÀ XÃ HỘI ĐỂ PHÁT TRIỂN”, ĐÀ NẴNG, 28-30/7/2005
Nguồn ảnh trong bài: http://www.ktdt.com.vn

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code