Thursday, October 24, 2013

TÍNH NHÂN ĐẠO CỦA LUẬT QUỐC TỊCH VIỆT NAM

THS. CAO NHẤT LINH
Một đặc tính bất di bất dịch của pháp luật xã hội chủ nghĩa là nhân đạo. Điều này có nghĩa là, các quy định của pháp luật xã hội chủ nghĩa nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng phải nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ và tạo điều kiện cho các chủ thể trở nên hoàn thiện hơn, chứ không phải mang tính áp đặt, triệt tiêu và dồn chủ thể rơi vào tình thế bế tắc. Thế nhưng, thỉnh thoảng trong pháp luật của Việt Nam, chúng ta vẫn còn thấy một vài quy phạm pháp luật vẫn còn bất cập và chưa hợp lý.
Tính nhân đạo trong Luật Quốc tịch Việt Nam
Nói về tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam, chúng ta có rất nhiều quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực chứng minh điều này. Riêng trong Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998, chúng ta cũng tìm thấy rất nhiều quy định liên quan. Ví dụ, việc tạođiều kiện thuận lợi cho người đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam (Điều 6), việc xác lập quốc tịch của trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam khi cha mẹ là người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam (Điều 18), việc giữ quốc tịch của con chưa thành niên khi cha, mẹ bị tước quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam (Điều 29) …
Nổi trội nhất trong trong những quy định thể hiện rất rõ tính nhân đạo, tương thân, tương ái này là quy định về việc tạo điệu kiện cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quốc tịch và việc cấp quốc tịch Việt Nam cho tất cả trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam. Theo Điều 8, Luật Quốc tịch Việt Nam: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo điều kiện cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quốc tịch và những người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này”. Theo tinh thần đó, Điều 19 của Luật này quy định “Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai, thì có quốc tịch Việt Nam”.
Chúng ta phải khẳng định rằngC, những quy định nêu trên là rất hợp tình, hợp lý. Bởi vì, tất cả những đứa trẻ ở Việt Nam không xác định được cha, mẹ là ai thì sẽ được cấp quốc tịch Việt Nam nhằm đảm bảo quyền có quốc tịch và quyền công dân cho đứa trẻ. Do đó, khi có quốc tịch Việt Nam, đứa trẻ này sẽ có tất cả những quyền lợi của một công dân Việt Nam. Pháp luật Việt Nam không phân biệt màu da, nguồn gốc khi cấp quốc tịch và trao quyền công dân cho đứa trẻ bị bỏ rơi và tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam.
Sự bất cập
Mặc dù Luật Quốc tịch Việt Nam đã áp dụng được gần mười năm, nhưng có lẽ, trên thực tế chưa xảy ra những nghịch cảnh trớ trêu mà về mặt pháp lý có thể xảy ra, nên chúng ta vẫn còn giữ nguyên một số quy định xem ra không phù hợp lắm với tính cách và truyền thống tương trợ, đùm bọc của người Việt Nam.
Cũng theo quy định tại khoản 2 điều 19 nói trên của Luật Quốc tịch, nếu đứa trẻ này chưa đủ 15 tuổi mà tìm thấy cha mẹ đều có quốc tịch nước ngoài, cha hoặc mẹ có quốc tịch nước ngoài, người giám hộ có quốc tịch nước ngoài, thì người đó không còn quốc tịch Việt Nam.
Trong quy định này, chúng ta có thể hình dung ngay được trước mắt là đứa trẻ này tự nhiên mất hết tất cả các quyền của một công dân Việt Nam mà mình đang hưởng với lý do rất đơn giản.tìm được cha mẹ của mình có quốc tịch nước ngoài. Vẫn biết rằng hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận công dân Việt Nam có nhiều quốc tịch, nhưng quy định nêu trên có thể tạo ra nhiều tình huống trớ trêu và thể hiện tính bất cập của quy phạm pháp luật này.
Nếu nói về sự trớ trêu, thì đứa trẻ sẽ gặp bất lợi, nếu quốc gia mà cha mẹ đứa trẻ có quốc tịch, xác định quốc tịch của trẻ em theo nguyên tắc nơi sinh. Có nghĩa là đứa trẻ sinh ra trên lãnh thổ quốc gia nào thì phải có quốc tịch của quốc gia đó. Như vậy, mặc dù đứa trẻ đã mang quốc tịch Việt Nam suốt gần 15 năm, nhưng khi tìm được cha mẹ của mình có quốc tịch nước ngoài thì vẫn phải không còn quốc tịch Việt Nam bất kể đứa trẻ có nhận được quốc tịch của quốc gia khác hay không. Như vậy, trong trường hợp khi nhìn nhận cha mẹ mà đứa trẻ vẫn không có quốc tịch của quốc gia khác, thì đứa trẻ sẽ trở thành người không quốc tịch. Bởi vì lúc đó, quốc tịch Việt Nam đã bị thu hồi. Do đó, nếu muốn giữ quốc tịch Việt Nam, hay nói cách khác, nếu muốn còn là công dân Việt Nam, thì đứa trẻ phải chấp nhận chịu cảnh mồ côi về mặt pháp lý, bằng cách xem như chưa bao giờ tìm được cha mẹ. Bởi vì nếu làm thủ tục nhìn nhận cha, mẹ có quốc tịch nước ngoài thì chắc chắn sẽ không còn quốc tịch Việt Nam trong mọi trường hợp, kể cả trường hợp không được nhận quốc tịch nước ngoài. Điều này không phù hợp với chủ trương, chính sách hạn chế tình trạng không quốc tịch theo điều 8 của Luật Quốc tịch Việt Nam: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo điều kiện cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quốc tịch và những người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này”.
Nếu nói về tính bất cập của quy phạm pháp luật này, chúng ta có thể chứng minh bởi hai trường hợp sau:
Thứ nhất, khi đứa trẻ tìm thấy cha mẹ có quốc tịch nước ngoài nhưng cả hai người này đồng thời lại có quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp này, về mặt pháp lý, cả hai cha mẹ của đứa trẻ đều là công dân Việt Nam. Thực tế đã chứng minh rằng, cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài rất nhiều. Những người này đa số đã nhập quốc tịch nước ngoài những vẫn còn mang quốc tịch Việt Nam. Theo quy định hiện hành thì những người này vẫn là công dân Việt Nam nếu họ chưa được thôi hoặc không bị tước quốc tịch Việt Nam. Như vậy, chúng ta có thể kết luật rằng, trong trường hợp này, một công dân Việt Nam (đứa trẻ bị bỏ rơi đã được cấp quốc tịch Việt Nam), con của cha mẹ là công dân Việt Nam vừa tìm thấy (nhưng cha mẹ đồng thời có quốc tịch nước ngoài) lại không còn quốc tịch Việt Nam.
Cần phải nhắc lại rằng, trong luật Việt Nam, thuật ngữ người có quốc tịch nước ngoài không hẳn là người nước ngoài công dân nước ngoài. Bởi vì hiện nay, “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”(Điểu 3). Do đó, người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm công dân nước ngoài và người không có quốc tịch (Điều 2). Như vậy, khi chúng ta sử dụng thuật ngữ công dân nước ngoài thì đó phải là người có quốc tịch nước ngoài đồng thời không có quốc tịch Việt Nam. Hậu quả là, nếu chúng ta quy định điều kiện để đứa trẻ không còn quốc tịch Việt Nam khi tìm thấy cha mẹ có quốc tịch nước ngoài thì chưa hợp lý. Bởi vì, vẫn có thể cha mẹ của đứa trẻ là công dân Việt Nam nếu họ đồng thời họ có quốc tịch Việt Nam. Để tránh trường hợp nêu trên, chúng ta nên thay thuật ngữ có quốc tịch nước ngoài bằng thuật ngữ công dân nước ngoài.
Thứ hai, khi đứa trẻ tìm thấy cha hoặc mẹ có quốc tịch nước ngoài còn người kia là công dân Việt Nam. Trong trường hợp này, về mặt logic, chúng ta phải áp dụng khoản 2, điều 17 của Luật Quốc tịch. Có nghĩa là: “Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài, thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thoả thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con”. Thế nhưng, theo tinh thần của khoản 2 điều 19 thì rõ ràng, đứa trẻ được tìm thấy này cũng không còn quốc tịch Việt Nam khi có cha hoặc mẹ có quốc tịch nước ngoài. Trong trường hợp này, chúng ta nên quy định lại bằng cách áp dụng điều 17 của Luật Quốc tịch là đứa trẻ vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam nếu cha mẹ của đứa trẻ thỏa thuận bằng văn bản trong trường hợp cha hoặc mẹ là công dân nước ngoài còn người kia là công dân Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng chỉ nên thu hồi quốc tịch của đứa trẻ khi có căn cứ pháp lý chứng minh rằng, đứa trẻ đã hoặc sẽ có quốc tịch nước ngoài nếu cha mẹ không thỏa thuận được quốc tịch Việt Nam cho đứa trẻ.
Tóm lại, theo quy định hiện hành, chúng ta có thể hiểu rằng, đứa trẻ bị bỏ rơi hoặc tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam thì sẽ có quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, đứa trẻ này, khi chưa đủ 15 tuổi, sẽ mất quốc tịch Việt Nam khi tìm được cha hoặc mẹ hay người giám hộ có quốc tịch nước ngoài, bất kể những người vừa tìm được này có quốc tịch Việt Nam hay không, hoặc đứa trẻ có nhận được quốc tịch mới hay chưa.
Có lẽ ngụ ý của các nhà làm luật muốn quy định rằng khi đứa trẻ chưa đủ 15 tuổi mà tìm thấy cha mẹ đều là công dân nước ngoài, cha hoặc mẹ là công dân nước ngoài còn người kia không rõ là ai hoặc là người không quốc tịch nhưng không có nơi thường trú tại Việt Nam, người giám hộ là công dân nước ngoài, thì người đó không còn quốc tịch Việt Nam, với điều kiện là đã có quốc tịch nước ngoài hoặc có căn cứ chứng minh rằng sẽ có quốc tịch nước ngoài..
Có nghĩa là trường hợp nêu trên được áp dụng khi đứa trẻ tìm thấy được cả cha và mẹ là công dân nước ngoài hoặc chỉ tìm thấy được một trong hai người (hoặc là cha hoặc là mẹ) hoặc người giám hộ mà người này có quốc tịch nước ngoài nhưng không đồng thời có quốc tịch Việt Nam, với điều kiện là quốc gia liên quan đã hoặc, theo luật của quốc gia đó, sẽ cấp quốc tịch cho đứa trẻ. Nếu quả thật là như vậy, thì quy định này sẽ không còn bất hợp lý nữa. Tuy nhiên, đây chỉ là sự giải thích không chính thức. Bởi vì các văn bản hướng dẫn thi hành của Luật Quốc tịch Việt Nam hiện tại đều không đề cập và giải thích vấn đề này, ngoại trừ điều kiện xin thôi quốc tịch Việt Nam là phải có bản sao giấy tờ tùy thân, hộ chiếu hoặc giấy tờ khác chứng minh đương sự đang có quốc tịch nước ngoài (đối với người đang có quốc tịch nước ngoài) hoặc giấy xác nhận hoặc bảo đảm về việc người đó sẽ được nhập quốc tịch nước ngoài (đối với người đang xin nhập quốc tịch nước ngoài), trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này. Tuy nhiên, đây là quy định dành cho người xin thôi quốc tịch Việt Nam theo ý muốn tự nguyện của đương sự. Trong khi đó, khoản 2 điều 19 quy định về việc tự động mất quốc tịch Việt Nam khi đứa trẻ dưới 15 tuổi tìm thấy cha mẹ, cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ có quốc tịch nước ngoài. Do đó, nếu không thể áp dụng pháp luật tương tự trong trường hợp này, thì quy định tại khoản 2 điều 19 của Luật Quốc tịch chưa ổn về kỹ thuật lập pháp. Để đảm bảo được thuộc tính thiêng liêng vốn có mà người ta gọi là tính nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa, chi bằng, khi sửa đổi Luật Quốc tịch, chúng ta quy định: chỉ thu hồi lại quốc tịch Việt Nam của đứa trẻ khi có cơ sở pháp lý đảm bảo rằng, đứa trẻ này đã hoặc sẽ có quốc tịch của quốc gia khác giống như trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam, khi đứa trẻ tìm thấy được cha mẹ của mình là công dân nước ngoài hoặc chỉ tìm thấy cha hoặc mẹ hay người giám hộ là công dân nước ngoài.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 123 THÁNG 5 NĂM 2008

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code