Friday, October 25, 2013

LUẬT CƯ TRÚ: SAU MỘT NĂM CÓ HIỆU LỰC, THÔNG THOÁNG NHƯNG CHƯA ĐỒNG BỘ

ĐÔNG PHƯƠNG
Theo nhận định của các chuyên gia, sau hơn 1 năm có hiệu lực thi hành (từ 1.7.2007) Luật Cư trú đã tạo bước chuyển biến mới trong việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân và đổi mới nhận thức về công tác đăng ký, quản lý cư trú ở nước ta. Tuy nhiên những vướng mắc phát sinh kể từ khi Luật Cư trú được áp dụng là một thực tế, cần sớm được các cơ quan chức năng tháo gỡ để tạo điều kiện cho người dân được hưởng những quyền lợi hợp pháp.
Hết thời “khổ vì hộ khẩu”
Theo thống kê chưa đầy đủ, sau một năm triển khai, thực hiện Luật Cư trú, Công an các địa phương đã tiếp nhận, giải quyết đăng ký thường trú cho khoảng 300 nghìn hộ với hơn 1 triệu nhân khẩu và giải quyết đăng ký tạm trú cho hơn 100 nghìn hộ với gần 600 nghìn nhân khẩu. Đại tá Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an) cho biết: Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1.7.2007, trong đó có 16 điều liên quan đến hộ khẩu, như cấp mới, cấp lại, đổi, tách hộ khẩu, chuyển hộ khẩu… Luật mới thông thoáng hơn và mang lại nhiều quyền lợi cho người dân.

Việc áp dụng quy định mới về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng đã giảm phiền hà cho dân, đồng thời vẫn bảo đảm yêu cầu nắm chắc di biến động của công dân trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự. Quá trình thực hiện Luật Cư trú được Công an các địa phương gắn với cải cách hành chính. Hà Nội, Thanh Hóa, TP.HCM và một số tỉnh, thành đã ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực này, xây dựng trang web thông báo tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục, hồ sơ, hướng dẫn biểu mẫu đăng ký hộ khẩu và địa chỉ tiếp dân. Nhờ vậy, đã giảm đáng kể thời gian, chi phí và công sức đi lại của người dân.
Luật Cư trú vẫn giữ nguyên phương thức quản lý nhân khẩu bằng hộ khẩu, chỉ khác là thủ tục nhập khẩu được quy định thoáng hơn. Trong một thời gian dài, hộ khẩu là điều kiện bắt buộc mà các cơ quan hành chính tự đặt ra nhằm bó buộc người dân khi có nhu cầu trao đổi dân sự. Việc không được nhập hộ khẩu vào các tỉnh, thành phố đang sinh sống làm hàng vạn người dân rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” mỗi khi cần tiến hành một giao dịch dân sự bất kỳ. Chính những điều bất cập ấy, trong một thời gian dài, việc được nhập khẩu vào các tỉnh, thành phố lớn là điều mơ ước và không tưởng đối với không ít người.
Trước khi Luật Cư trú được thực thi, số người có nhu cầu được nhập khẩu và hội đủ những điều kiện được quy định theo luật mới tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… là rất lớn. Cũng chính sự thông thoáng của Luật Cư trú mà ngay từ một năm trước, mọi người đều phỏng đoán sẽ có một cuộc di dân ồ ạt từ các tỉnh thành đến các thành phố lớn, nhưng thực tế không hề xảy ra. Mặc dù luật đã thông thoáng hơn, tạo cơ hội cho những người học tập, lao động tại thành phố lớn đã nhiều năm nhưng chưa được đăng ký hộ khẩu, nay họồ được thực hiện quyền hợp pháp của mình. Những quy định đổi mới về đăng ký hộ khẩu được Công an các địa phương áp dụng đúng đắn, điều này thể hiện ở tỷ lệ số hồ sơ làm thủ tục đăng ký với hồ sơ được tiếp nhận đủ điều kiện. Hầu hết các hồ sơ ở các tỉnh đều được thực hiện nhanh chóng, đúng quy định.
Trên thực tế, việc quản lý hộ khẩu tốt sẽ giúp phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra. Trong số 544.081 lượt hộ khẩu được kiểm tra và tiếp nhận thông báo lưu trú trên 2, 1 triệu trường hợp, cơ quan công an phát hiện có 5.596 trường hợp vi phạm. Ngoài ra, qua kiểm tra hộ khẩu, cơ quan công an phát hiện nhiều đối tượng truy nã và trốn thi hành án phạt tù, kịp thời phối hợp CQĐT bắt giữ, xử lý.
Thông thoáng nhưng…
Theo phản ảnh của nhiều người dân, kể từ khi Luật Cư trú được áp dụng đã tạo sự thông thoáng cho người dân, tuy nhiên những vướng mắc đã bắt đầu phát sinh… Tại Hà Nội, trường hợp mua nhà qua trao tay, hợp đồng mua bán không có công chứng, chứng thực của UBND phường rất nhiều. Chính vậy, UBND phường khó khăn trong việc xác nhận tình trạng nhà ở không có tranh chấp trong quyền sở hữu, quyền sử dụng… Những trường hợp mua nhà phải nhờ người khác đứng tên, nay làm thủ tục đăng ký hộ khẩu cũng gặp khó khăn để chứng minh về chỗ ở hợp pháp của mình. Với những trường hợp thuê nhà, mượn, ở nhờ muốn đăng ký nhập khẩu lại không dễ chút nào. Theo quy định, trường hợp thuê, mượn, ở nhờ cũng được coi là chỗ ở hợp pháp nếu có các loại hợp đồng, cam kết cho thuê, mượn, ở nhờ của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân (tức là có sự đồng ý bằng văn bản của chủ cho thuê, mượn, ở nhờ). Để nhập được khẩu, người thuê nhà ngoài việc phải thường xuyên tạm trú từ một năm trở lên, còn có hợp đồng hoặc cam kết của chủ nhà cho thuê, mượn. Hợp đồng hoặc cam kết này phải có công chứng hoặc xác nhận của UBND xã, phường sở tại. Nhiều cá nhân khi đến làm thủ tục đăng ký hộ khẩu chỉ xuất trình mỗi giấy tờ mua bán trao tay, không có xác nhận của chính quyền. Trong khi đó, việc xác nhận của các phường hiện nay lại vênh so với yêu cầu của cơ quan công an.
Trên thực tế, các trường hợp thuê nhà, mượn, ở nhờ được nhập khẩu là rất ít. Bởi lẽ phần lớn người cho thuê, mượn nhà sẽ không đồng ý ký vào bản cam kết hay đồng ý cho nhập khẩu vào nhà họ vì lý do sợ tranh chấp tài sản. Những trường hợp có văn bản đồng ý của chủ nhà, thì cơ quan công an cũng phải mất rất nhiều thời gian để xác minh. Theo bộ phận tiếp nhận hồ sơ công an các quận, ở các trường hợp thắc mắc về thủ tục nhập khẩu nhiều là do vướng mắc trong việc xác nhận chỗ ở hợp pháp.
Luật Cư trú mới tạo điều kiện cho người dân dễ dàng hơn về chỗ ở nhưng nhiều vấn đề trói buộc dựa vào hộ khẩu vẫn khiến cho sự thông thoáng của chính luật này là gánh nặng tiếp theo đặt lên vai nhà quản lý. Nếu tình trạng phân bổ học sinh theo tuyến, hộ khẩu… vẫn còn thì việc tách, chuyển khẩu vẫn liên tục là công việc mà công an các nơi phải làm. Còn với nhiều người dân có đủ điều kiện nhập hộ khẩu như: ở lâu, công việc ổn định, chuyển đến theo dạng tập thể… thì lại đang vấp phải khó khăn từ phía UBND phường sở tại. Theo quy định, việc giấy tờ cho, tặng nhà phải được Phòng Tư pháp quận, huyện chứng thực theo quy định của pháp luật mới có giá trị pháp lý. Việc UBND phường không xác nhận giấy tờ viết tay là đúng chức trách, nhưng trong Luật Cư trú lại nêu rõ: “Chỉ cần chủ hộ cho phép, các cá nhân và hộ gia đình có thể nhập nhờ hộ khẩu nếu đủ thời gian cư trú ở Hà Nội là một năm”. Rõ ràng Luật Cư trú tạo sự thông thoáng, mang lợi ích cho công dân nhưng lại đang thiếu sự đồng bộ giữa các cơ quan chức năng.
SOURCE: DOISONGPHAPLUAT.COM.VN
Trích dẫn từ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code