Friday, October 25, 2013

PHÁP LUẬT VỀ LÝ LỊCH TƯ PHÁP CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

THS. NGUYỄN MINH PHƯƠNG
Xây dựng Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) là một vấn đề rất mới ở Việt Nam và tương đối phức tạp. Do vậy, tham khảo pháp luật về LLTP của nước ngoài là điều cần thiết. Từ đó, chúng ta tiếp thu những yếu tố hợp lý, vận dụng có chọn lọc phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam.
1. Pháp luật LLTP ở Cộng hòa liên bang Đức
Ở CHLB Đức, cơ quan chuyên cung cấp các thông tin cần thiết về công dân cho các cơ quan tư pháp và hành chính có tên gọi là Cơ quan Đăng ký liên bang trung ương (CQĐKTW), có trụ sở chính đặt tại Bonn. CQĐKTW do Văn phòng Tư pháp liên bang quản lý dưới sự lãnh đạo của Bộ Tư pháp liên bang.
Để các thông tin lưu trữ tại CQĐKTW được cập nhật kịp thời, liên tục và hiệu quả, hiện nay, có ba cơ quan đăng ký được duy trì tại CQĐKTW, đó là:
- Cơ quan đăng ký tội phạm trung ương, bao gồm cả đăng ký tội phạm thanh niên;
- Cơ quan đăng ký các vi phạm về thương mại và công nghiệp;
- Cơ quan đăng ký trung ương về thủ tục tố tụng đang diễn ra.
Ba cơ quan đăng ký nêu trên nằm trong CQĐKTW và hoạt động trên cơ sở công nghệ thông tin hiện đại.
1.1. Cơ quan đăng ký tội phạm trung ương bao gồm cả đăng ký tội phạm thanh niên.
Cơ quan đăng ký tội phạm trung ương trước hết là một công cụ quản lý tư pháp hình sự, được sử dụng trong xét xử để chứng minh sự phạm tội và để hỗ trợ hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp, tương trợ tư pháp. Mục đích của nó là làm cơ sở cho các quyết định của các cơ quan công tố hình sự, đồng thời phục vụ cho việc chuẩn bị các quy định hành chính cũng như thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học.
Trách nhiệm thông báo cho CQĐKTW các quyết định liên quan phục vụ mục đích đã nêu thuộc về Toà án và các cơ quan công quyền. Nội dung của các thông báo này được đưa vào cơ sở dữ liệu của cơ quan đăng ký. Nội dung chính được đăng ký là các bản án hình sự, các quyết định nhất định của cơ quan hành chính và Toà án, như cấm hành nghề hoặc hoạt động thương mại hoặc rút giấy phép tương ứng và các thông báo liên quan đến việc không có năng lực trách nhiệm hình sự.
Thông tin từ Cơ quan đăng ký tội phạm trung ương không phải là thông tin được cung cấp vô hạn và cung cấp cho bất kỳ ai. Tuỳ từng người, cơ quan cụ thể mà thông tin được cung cấp dưới dạng một giấy chứng nhận hành vi hoặc dưới dạng thông tin vô hạn.
Giấy chứng nhận hành vi (hay còn gọi là Phiếu LLTP) được phân ra thành giấy chứng nhận hành vi cá nhân và giấy chứng nhận hành vi chính thức. Giấy chứng nhận hành vi cá nhân sẽ được cấp cho mỗi người từ đủ 14 tuổi trở lên (nếu họ có yêu cầu được cấp loại giấy này) với nội dung là những gì đã được đăng ký liên quan đến người đó. Người này có thể sử dụng giấy chứng nhận hành vi cá nhân vào bất cứ mục đích riêng nào mà họ muốn. Loại giấy này có ý nghĩa thực tiễn to lớn trong lĩnh vực tuyển dụng lao động, bởi vì người sử dụng lao động bao giờ cũng muốn nhận những người lao động có lý lịch trong sạch và giấy chứng nhận hành vi cá nhân chính là công cụ pháp lý chứng minh điều đó.
Giấy chứng nhận hành vi chính thức được cấp cho cơ quan công quyền trong trường hợp cơ quan công quyền đó đang điều tra về một người cụ thể và cần biết một số thông tin về người đó để hoàn thành việc điều tra thuộc thẩm quyền của họ. Trong trường hợp này, phiếu LLTP cấp cho cơ quan công quyền được gọi là giấy chứng nhận hành vi chính thức.
Chỉ những cơ quan nhất định được quy định cụ thể trong luật mới được quyền tiếp cận các thông tin vô hạn (tức là tất cả các nội dung đăng ký được lưu lại tại cơ quan đăng ký).   Những cơ quan này là Toà án, cơ quan công tố nhằm mục đích thực hiện công lý và cảnh sát hình sự nhằm mục đích ngăn ngừa và truy tố tội phạm.
Các thông tin đăng ký tại Cơ quan đăng ký tội phạm trung ương có thể dẫn tới việc tăng hình phạt trong các bản án, có thể dẫn tới việc không được tuyển dụng hoặc bị sa thải. Tuy nhiên, các thông tin được đăng ký không phải được lưu trữ mãi mãi, mà sau một khoảng thời gian nhất định và sau một khoảng thời gian khác nữa (thường là dài hơn) các thông tin về người đó sẽ được xoá khỏi cơ sở dữ liệu đăng ký. Độ dài của khoảng thời gian đó thường phụ thuộc vào mức độ hình phạt áp dụng. Thời hạn để xoá án tích trên chứng nhận hành vi thường là từ 3 đến 10 năm và để xoá hoàn toàn là từ 5 đến 20 năm.
Hiện tại, có khoảng 15, 3 triệu quyết định được lưu trữ tại Cơ quan đăng ký trung ương liên quan đến 6, 3 triệu người, trong đó 1, 5 triệu là người nước ngoài. Hàng năm, có khoảng 9, 6 triệu thông tin được cung cấp, nghĩa là trung bình một ngày cung cấp khoảng 40.000 thông tin.
Ngoài Cơ quan đăng ký tội phạm trung ương, còn có Cơ quan đăng ký tội phạm thanh niên. Các quyết định dựa trên Đạo luật về Toà án thanh niên liên quan đến các tội phạm thanh niên được lưu trữ ở cơ quan đăng ký này; việc cung cấp thông tin từ Cơ quan đăng ký tội phạm thanh niên là rất hạn chế. Nơi nhận các thông tin đó là các toà án hình sự, văn phòng công tố, toà án giám hộ, toà án gia đình và cơ quan phúc lợi thanh niên. Các thông tin đăng ký trong Cơ quan đăng ký tội phạm thanh niên sẽ được loại khỏi cơ quan đăng ký khi người liên quan đó đến 24 tuổi.
1.2. Cơ quan đăng ký trung ương về vi phạm trong công nghiệp và thương mại
Từ năm 1976, ở Đức có một cơ quan đăng ký đặc biệt thuộc Cơ quan đăng ký liên bang trung ương để lưu trữ các thông tin về người đang kinh doanh trên cơ sở các quyết định của Toà án, các cơ quan hành chính và các quyết định phạt liên quan đến người đang kinh doanh. Cơ quan này được gọi là Cơ quan đăng ký trung ương các vi phạm trong công nghiệp và thương mại. Thông qua những thông tin về vi phạm trong công nghiệp và thương mại, cơ quan này giúp có thể loại bỏ những người không đáng tin cậy hoặc không phù hợp khỏi việc thực hiện những nhiệm vụ và chức năng nhất định trong lĩnh vực kinh tế.
Cơ quan đăng ký trung ương các vi phạm công nghiệp và thương mại được tổ chức với một phần là cơ quan đăng ký đối với thể nhân và một phần là cơ quan đăng ký đối với pháp nhân và tổ chức. Hiện nay trong cơ quan này có khoảng 440.000 thông tin đăng ký liên quan đến 275.000 thể nhân, 24.000 pháp nhân và tổ chức.
Cơ quan này có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đăng ký trung ương các quyết định vi phạm trong công nghiệp và thương mại thuộc Toà án và các cơ quan công quyền.
Thông tin từ Cơ quan đăng ký trung ương các vi phạm trong công nghiệp và thương mại được cung cấp cho: những người liên quan; các cơ quan hành chính, toà án, văn phòng công tố và cơ quan cảnh sát và được các cơ quan này sử dụng làm cơ sở cho các quyết định của họ như gia nhập, cho phép, ủy quyền và giấy phép. Thông tin này cũng có thể được cung cấp phục vụ cho mục đích thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học.
Thông tin đăng ký tại Cơ quan đăng ký trung ương các vi phạm trong công nghiệp và thương mại bị loại bỏ khi quyết định mà thông tin đăng ký dựa vào bị hủy bỏ. Các thông tin đăng ký này cũng bị xoá bỏ sau một khoảng thời gian nhất định. Đối với thể nhân thời hạn này từ 3-5 năm; đối với pháp nhân và tổ chức, thời hạn này là 20 năm.
1.3. Cơ quan đăng ký trung ương về quy trình tố tụng đang diễn ra
Từ năm 1999, Cơ quan đăng ký liên bang thành lập thêm một cơ quan đăng ký quan trọng khác là Cơ quan đăng ký trung ương về quy trình tố tụng đang diễn ra.
Cơ quan đăng ký trung ương về quy trình tố tụng đang diễn ra lưu trữ các thông tin liên quan đến tất cả vụ việc hình sự đang điều tra của tất cả các cơ quan công tố hình sự tại Cộng hoà liên bang Đức.
Cơ quan đăng ký cho phép cơ quan công tố khi quyết định khởi tố vụ án biết được vụ án có đang bị truy tố bởi một cơ quan công tố khác về cùng một tội chống lại cùng người đó hay không. Các cơ quan công tố hình sự thông báo cho cơ quan đăng ký ngay khi bắt đầu thủ tục tố tụng với những dữ liệu tối thiểu về việc truy tố đang thực hiện. Các thay đổi và bổ sung đối với thông báo trước về quá trình tố tụng cũng được thông báo. Thông báo của cơ quan công tố được lưu bằng các thiết bị điện tử tại cơ quan đăng ký và sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan có quyền được nhận các thông tin đó. Các cơ quan có quyền đối với thông tin đó, ngoài các cơ quan công tố ra còn bao gồm dịch vụ phản gián, cơ quan cảnh sát, cơ quan điều tra thuế và hải quan. Những cơ quan này có thể yêu cầu cơ quan đăng ký và nhận thông tin. Phạm vi và thời gian cung cấp thông tin dựa trên tính trọn vẹn của thông tin trong yêu cầu, tính cấp thiết của thông tin, bản chất và phạm vi của quyền đối với thông tin của cơ quan yêu cầu. Cơ quan đăng ký được tự động hoá trên phạm vi rộng và được duy trì với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin hiện đại.
Việc loại bỏ thủ tục tố tụng cũng được thực hiện một cách tự động sau khi hết hạn theo quy định của pháp luật hoặc sau khi có thông báo về bản án cuối cùng thuộc thẩm quyền của Cơ quan đăng ký tội phạm trung ương.
Hiện nay, Cơ quan đăng ký này lưu trữ khoảng 12 triệu thông tin đăng ký về quá trình tố tụng điều tra. Mỗi ngày làm việc, cơ quan này nhận được khoảng 1.000 yêu cầu và 70.000 thông báo (kể cả vừa thông báo, vừa yêu cầu). Mỗi thông báo được xử lý để đưa vào đăng ký trong khoảng 3 giờ; trong trường hợp khẩn cấp hoặc có đầy đủ thông tin cá nhân thì việc giải quyết một yêu cầu cung cấp thông tin chỉ mất 20 giây.
2. Pháp luật LLTP ở Bỉ
Giống như ở Đức, ở Bỉ chỉ có một cơ sở dữ liệu LLTP duy nhất đặt tại Brussels có tên gọi là Viện LLTP. Viện LLTP trực thuộc Văn phòng trung ương của Bộ Tư pháp liên bang.
Viện LLTP ra đời từ lâu. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý cho hoạt động của Viện lại chỉ mới được thiết lập bởi một đạo luật ban hành ngày 03/9/1997, có hiệu lực vào tháng 9/2001.
Viện LLTP trung ương có trách nhiệm đăng ký, duy trì và sửa đổi tất cả các dữ liệu có liên quan đến các bản án, quyết định trong lĩnh vực hình sự. Về cơ bản, hệ thống LLTP trung ương là một công cụ tư pháp nhưng đồng thời còn được sử dụng vào mục đích nghiên cứu khoa học, thống kê. Công việc này do Vụ tội phạm học của Bộ Tư pháp liên bang thực hiện
Theo quy định thì thông tin được đăng ký tại Viện LLTP là tất cả các bản án hình sự chung thẩm và một số các quyết định mang tính hành chính thứ cấp (như là quyết định cấm hành nghề hoặc cấm kinh doanh hoặc rút giấy phép) do Toà án ban hành.
Bộ phận chịu trách nhiệm chuyển các bản án đến Viện LLTP là bộ phận hành chính của Toà án. Thời hạn chuyển bản án là 3 ngày kể từ khi bản án là chung thẩm và có hiệu lực thi hành. Khi đó, một bản dữ liệu sẽ được thiết lập đối với một người bị kết án. Các dữ liệu cá nhân của người này sẽ được nhập vào cơ sở dữ liệu với các thông tin về tình trạng dân sự của người bị kết án và bản chất của tội phạm đã phạm phải (phân loại tội phạm, ngày và địa điểm phạm tội, cơ quan tư pháp đã tuyên án, cấp xét xử và bản án đã tuyên).
Một vấn đề cần lưu ý là mặc dù pháp luật Bỉ có quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhưng Bỉ không thành lập một Viện LLTP dành riêng cho pháp nhân. Do vậy, chỉ các cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh và bị Toà án kết án mới phải đăng ký với Viện LLTP.
Các loại tổ chức và cá nhân được quyền tiếp cận các thông tin do Viện LLTP quản lý là: các cơ quan tiến hành tố tụng tư pháp trong lĩnh vực hình sự; các cơ quan hành chính công; các cơ quan tư pháp nước ngoài; cá nhân (yêu cầu cấp bản sao LLTP cho bản thân).
Các cơ quan tiến hành tố tụng tư pháp trong lĩnh vực hình sự: có quyền tiếp cận rộng rãi đến cơ sở dữ liệu đăng ký tại Viện LLTP. Thẩm phán và công tố viên có quyền tiếp cận trực tiếp đến cơ sở dữ liệu LLTP thông qua định dạng cá nhân. Những người này cũng có thể yêu cầu Văn phòng trung ương của Bộ Tư pháp cung cấp danh sách những cá nhân bị kết án về một hoặc một số tội phạm cụ thể. Loại yêu cầu này chỉ có thể do thẩm phán thực hiện trong trường hợp xác định được một người đã thực hiện hành vi phạm tội và bị kết án tối đa 3 năm tù.
Các cơ quan hành chính công: có thể tiếp cận với mức độ hạn chế đến các thông tin LLTP (với lý do cụ thể và rõ ràng). Các cơ quan này có thể yêu cầu cấp một Chứng nhận tư cách tốt (chưa có vi phạm gì) hoặc một bản trích lục từ cơ sở dữ liệu có liên quan đến một cá nhân cụ thể, nhưng chỉ trong mức độ cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ trong thẩm quyền của họ. Danh sách đầy đủ của các cơ quan hành chính công được tiếp cận ở mức độ hạn chế đến các thông tin LLTP do văn bản dưới luật quy định, cụ thể là: Văn phòng Tuyển dụng liên bang (tuyển dụng công chức); Bộ phụ trách cho việc nhập quốc tịch Bỉ; Văn phòng Người nước ngoài liên bang (Bộ Nhập cư và Tỵ nạn); Cơ quan hải quan; Cơ quan thuế.
Các cơ quan tư pháp nước ngoài: Các cơ quan tư pháp nước ngoài có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Bỉ cung cấp một bản trích lục LLTP và các thông tin bổ sung cần thiết khác trong lĩnh vực hình sự liên quan đến một cá nhân đang bị truy nã với cùng các điều kiện áp dụng cho các cơ quan tư pháp của Bỉ trong một vụ việc tương tự (điều kiện để cơ quan tư pháp nước ngoài yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Bỉ cung cấp thông tin là giữa nước có cơ quan yêu cầu đó và Bỉ phải có hiệp định song phương hoặc cùng là thành viên của một hiệp định đa phương). Bản trích lục này chỉ được trao đổi giữa các cơ quan tư pháp với nhau. Cảnh sát không có quyền trao đổi thông tin về lĩnh vực này. Các đảng phái chính trị, ngân hàng, tổ chức nghề nghiệp không có quyền tiếp cận thông tin trực tiếp từ hệ thống dữ liệu LLTP. Việc cung cấp thông tin về LLTP hoàn toàn khác với việc trao đổi thông tin liên quan đến bản án. Trao đổi thông tin về LLTP của một người bao gồm những thông tin liên quan đến người đó từ quá khứ đến hiện tại và chủ yếu liên quan đến lĩnh vực hình sự, còn trao đổi thông tin về bản án thường ngắn gọn và không bao gồm tất cả các thông tin.
Yêu cầu của cá nhân: Bất kỳ người dân nào cũng có quyền yêu cầu cấp Giấy chứng nhận LLTP. Thông tin LLTP được cung cấp cho người dân dưới dạng Giấy chứng nhận tư cách hoặc với những thông tin không hạn chế. Giấy chứng nhận tư cách được công dân Bỉ sử dụng trong trường hợp họ muốn được tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước hoặc vì mục đích khác như xin cấp giấy phép sử dụng súng. Giấy chứng nhận tư cách có 2 loại: loại I và loại II. Giấy chứng nhận tư cách loại I có thể được chính quyền khu tự trị (cấp thành phố) cấp ngay lập tức. Giấy chứng nhận loại II cấp cho những người thường xuyên phải tiếp xúc với trẻ vị thành niên (như giáo viên) nên phải qua cơ quan công an kiểm tra và thường được chính quyền khu tự trị cấp trong vòng 2 tuần.
Để xin cấp Giấy chứng nhận tư cách trong thời gian cư trú ở Bỉ thì công dân Bỉ (hoặc cá nhân có giấy phép cư trú hợp pháp ở Bỉ) phải nộp đơn cho cơ quan có thẩm quyền thành phố ở Bỉ, nơi họ cư trú. Trong trường hợp công dân Bỉ (hoặc cá nhân có giấy phép cư trú hợp pháp ở Bỉ) muốn xin cấp Giấy chứng nhận tư cách trong đó bao hàm thời gian cư trú ở nước ngoài thì:
- Đương sự phải nộp đơn trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó (nếu cư trú ở một quốc gia EU).
- Đương sự phải nộp đơn cho Vụ Hợp tác pháp luật quốc tế trực thuộc Bộ Ngoại giao liên bang ở Brussels (nếu cư trú ở một quốc gia ngoài EU). Vụ này sẽ yêu cầu đại sứ quán hoặc lãnh sứ quán có liên quan của Bỉ kiểm tra với cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại để đảm bảo rằng cá nhân đó không có vi phạm hoặc bị kết án trong thời gian họ ở nước ngoài. Trên cơ sở các thông tin nhận được, Vụ Hợp tác pháp luật quốc tế sẽ quyết định cấp hay không cấp Giấy chứng nhận tư cách. Mặc dù Giấy chứng nhận này được cấp miễn phí ở Bỉ, nhưng cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài khi được đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Bỉ yêu cầu vẫn có thể thu phí cho việc cấp các giấy tờ nhất định. Trong trường hợp này, công dân Bỉ sẽ phải chi trả các chi phí liên quan đến việc đó. Cả hai loại giấy chứng nhận tư cách chỉ có giá trị trong vòng 3 tháng. Tất cả các vi phạm (nếu có) được lưu trữ trong hệ thống LLTP trung ương phải được ghi trong giấy chứng nhận tư cách. Sau một khoảng thời gian do pháp luật quy định, các vi phạm này sẽ không được ghi trong chứng nhận tư cách nữa.
Cơ sở pháp lý cho việc cấp giấy chứng nhận tư cách là văn bản năm 1962 do Bộ Nội vụ liên bang ban hành, nhưng văn bản này hiện đã bị hủy bỏ bởi một quyết định của Toà án hành chính cao nhất của Bỉ. Như vậy về nguyên tắc, chính quyền các khu tự trị không có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tư cách và giấy chứng nhận này hiện nay được thay thế bởi trích lục LLTP trung ương mà cơ sở pháp lý của nó chính là Luật LLTP năm 1997. Theo quy định của Luật LLTP thì cá nhân khi có yêu cầu xin cấp phiếu LLTP cho bản thân phải gửi đơn bằng văn bản thông qua fax hoặc bưu điện đến Vụ LLTP trung ương thuộc Bộ Tư pháp liên bang Bỉ. Đơn phải được đương sự ký, bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ và lý do xin cấp LLTP. Đương sự có thể gửi kèm một bản sao chứng minh thư và hộ chiếu (nếu có). Vụ LLTP sẽ cấp bản sao LLTP miễn phí. Nhưng trên thực tế, các khu tự trị vẫn cấp Giấy chứng nhận tư cách cho công dân. Đây là một khó khăn, bất cập trong việc cấp bản trích LLTP và hiện nay, các nhà làm luật Bỉ đang nghiên cứu, xem xét để tìm hướng giải quyết.
3. Pháp luật LLTP ở Canada
Khác với Bỉ, Canada không có một văn bản pháp lý riêng quy định về việc tổ chức hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý và cấp phiếu LLTP. Tuy nhiên, hệ thống dữ liệu liên quan đến LLTP ở Canada chỉ lưu giữ toàn bộ hồ sơ án đã tuyên (án đã tuyên về hình sự) và hệ thống dữ liệu này do cơ quan cảnh sát quản lý. Do vậy, khi một người muốn có giấy chứng nhận về nhân thân tư pháp của mình (để xin việc làm, xuất cảnh…) hoặc khi cơ quan tuyển dụng lao động muốn biết về nhân thân tư pháp của người mà mình định tuyển dụng, thì họ sẽ đến cơ quan cảnh sát để yêu cầu cung cấp thông tin nếu được sự đồng ý của người đó. Thông tin do cơ quan cảnh sát cung cấp được thể hiện dưới hình thức giấy chứng nhận, trong đó xác nhận người đó có tiền án hay không có tiền án.
Như vậy, ở Canada hệ thống dữ liệu liên quan đến LLTP chỉ thu thập thông tin về hình sự, không thu thập thông tin về dân sự, về hành chính. Cơ quan có trách nhiệm chuyển những bản án hình sự đã tuyên cho cơ quan cảnh sát là toà án.
4. Pháp luật LLTP ở Thụy Điển
ở Thụy Điển, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về LLTP là Tổng cục cảnh sát, trực thuộc Bộ Tư pháp. Tổng cục cảnh sát là cơ quan quản lý dữ liệu đồng thời là cơ quan cung cấp thông tin về án tích.
Dữ liệu án tích được lưu trữ ở Tổng cục cảnh sát không chỉ bao gồm những bản án, quyết định về hình sự mà còn bao gồm những quyết định về hành chính như phạt tiền, phạt vi phạm nội quy… Chính vì nội dung thông tin được lưu trữ trong dữ liệu án tích đa dạng như vậy nên cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin về dữ liệu án tích không chỉ bao gồm toà án, mà còn bao gồm các cơ quan khác như: cơ quan cảnh sát, cơ quan công tố, hệ thống nhà tù, trại giam khi tội phạm đã chấp hành xong hình phạt.
Pháp luật Thụy Điển cũng quy định rõ thẩm quyền tiếp cận, mức độ tiếp cận những thông tin trong dữ liệu án tích của các cơ quan như Tổng cục thuế, Hải quan, Cảnh sát, Viện Kiểm sát, Tổng cục về di dân và một số các cơ quan chính quyền khác.
Có thể nói, mô hình tổ chức, quản lý và hoạt động LLTP của Đức, Bỉ, Canada và Thụy Điển rất hiện đại và hoạt động có hiệu quả rất cao. Phần lớn thông tin được cung cấp cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP là các bản án, quyết định của Toà án. Toà án là cơ quan duy nhất hoặc chủ yếu (theo quy định của pháp luật mỗi nước) chịu trách nhiệm cung cấp các thông tin lên cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về LLTP. Chính vì vậy, cùng với sự trợ giúp của công nghệ thông tin hịên đại, việc cung cấp thông tin cho các cơ quan, cá nhân luôn đảm bảo kịp thời, nhanh chóng và chính xác. Đây là những mô hình có giá trị tham khảo tốt cho Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật LLTP cũng như đề xuất xây dựng trung tâm LLTP phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội ở Việt Nam. /.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 126 – THÁNG 7/2008

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code