Friday, October 25, 2013

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN

TRẦN VĂN TRUYỀN – Tổng Thanh tra Chính phủ
Thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã đạt được những kết quả, góp phần vào việc ổn định an ninh, chính trị, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số địa phương vẫn có chiều hướng gia tăng. Bài viết chỉ rõ nguyên nhân, nêu ra những giải pháp cần triển khai thực hiện tốt nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.
Khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, là công cụ pháp lý để công dân bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị xâm phạm, là biểu hiện của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Khiếu nại, tố cáo là một kênh thông tin khách quan phản ánh việc thực thi quyền lực của bộ máy nhà nước, phản ánh tình hình thực hiện công vụ của cán bộ, công chức. Do đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không những có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước, mà còn thể hiện mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đảng và Nhà nước kiểm tra tính đúng đắn, sự phù hợp của đường lối, chính sách, pháp luật do mình ban hành, từ đó có cơ sở thực tiễn để hoàn thiện sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Vì vậy, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là một vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm. Để việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức; tạo cơ sở pháp lý trong giải quyết khiếu nại, tố cáo Nhà nước ta đã ban hành Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2004, 2005. Để phát huy và nâng cao trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của cả hệ thống chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 6-3-2002 về một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay.

Thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo và Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư, các ngành, các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhờ đó, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có những chuyển biến tích cực. Từ năm 2006 đến nay, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp 550.107 lượt người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó có 1.447 lượt đoàn đông người; tiếp nhận 291.887 đơn thư; giải quyết 113,535/138.099 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 82,21%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, cho tập thể, công dân 92.429 triệu đồng; 637,77 ha đất; xử lý hành chính 1.150 người; chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 46 vụ việc với 80 người. Thanh tra Chính phủ đã đẩy mạnh công tác thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo của chính quyền địa phương để chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo. Qua đó, đã kiến nghị các cơ quan hành chính nhà nước điều chỉnh nhiều cơ chế chính sách, pháp luật chưa phù hợp, khắc phục, chấn chỉnh những bất cập trong quản lý nhà nước.
Những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình an ninh, chính trị, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong những năm qua. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số địa phương vẫn có chiều hướng gia tăng, số lượng các vụ việc khiếu kiện vượt cấp, đông người vẫn còn nhiều. Trong những người đi khiếu nại, tố cáo, có những người khiếu nại, tố cáo đúng, mong muốn được pháp luật giải quyết công minh; nhưng cũng có một số người mặc dù về việc khiếu nại đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết đúng pháp luật, nhưng hoặc vì thiếu hiểu biết, hoặc vì cố chấp mà vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài. Một số người đi khiếu nại, tố cáo có thái độ gay gắt, cực đoan, có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội ở một số địa bàn.
Thời gian gần đây, có rất nhiều vụ việc khiếu nại liên quan đến đất đai. Nhiều trường hợp khiếu nại có liên quan đến việc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội, như đòi được bồi thường đất ở, nâng giá bồi thường, tăng tiền hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm; đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai, nhà ở. Ngoài ra, có một số khiếu nại liên quan đến việc thực hiện chính sách xã hội, kỷ luật của cán bộ, công chức… Về nội dung tố cáo, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức làm sai chính sách, tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai, tài chính, đầu tư, xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội, cổ phần hóa doanh nghiệp; thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, bao che người bị tố cáo, không xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.
Nguyên nhân dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay thì có nhiều nhưng chủ yếu là do cơ chế, chính sách, pháp luật còn có những bất cập, chưa phù hợp thực tế; công tác quản lý nhà nước còn có những yếu kém, sai phạm, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Trong nhiều trường hợp khiếu nại về bồi thường giải phóng mặt bằng, đòi lại đất nhưng thiếu cơ chế, chính sách để giải quyết thỏa đáng. Công tác quản lý nhà nước về đất đai ở một số địa phương còn buông lỏng, để xảy ra sai phạm. Quá trình thực hiện thu hồi đất của dân chưa đúng trình tự, thủ tục, thiếu công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và trong một số trường hợp số tiền bồi thường, hỗ trợ chưa đủ để người dân tạo lập chỗ ở mới tốt hơn. Có một số dự án thu hồi đất sản xuất của dân nhưng không được sử dụng hợp lý, đất đai bỏ hoang, lãng phí, trong khi nông dân thiếu đất sản xuất, dẫn đến bức xúc, phát sinh khiếu nại. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, một số chính quyền địa phương chưa làm tròn trách nhiệm của mình, thiếu quan tâm giải quyết từ cơ sở, có nhiều vụ việc giải quyết chậm, thẩm tra, xác minh sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, áp dụng pháp luật cứng nhắc, phương án giải quyết thiếu thuyết phục, dân không đồng tình, tiếp tục khiếu nại, tố cáo. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước để giải quyết khiếu nại, tố cáo có lúc chưa tốt, còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng, trả lời thiếu thống nhất. Việc tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo và công tác hòa giải ở cơ sở chưa được quan tâm thực hiện đúng mức nên có những vụ việc đơn giản vẫn phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, bọn phản động và phần tử cơ hội lợi dụng, kích động những người đi khiếu nại, tố cáo; tổ chức, lôi kéo khiếu kiện đông người, biến các vụ việc khiếu nại thuần túy trở thành vấn đề chính trị – xã hội, dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo thời gian qua có những diễn biến phức tạp.
Từ thực trạng trên, nhận định tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội ở một số địa bàn. Chủ trương hiện nay của Chính phủ là các cấp, các ngành phải nỗ lực hơn nữa trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, quan tâm giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng và kịp thời giải quyết các vụ việc mới phát sinh, không để công dân bức xúc kéo đi khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, không để kẻ xấu xen vào lợi dụng kích động gây rối. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách nhằm góp phần giữ vững ổn định an ninh – trật tự xã hội, tạo điều kiện để phát triển kinh tế – xã hội cũng là thước đo chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cấp, mỗi ngành. Để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay, cần triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đề cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trước hết là nhờ vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền. Các cấp ủy có nghị quyết lãnh đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cấp chính quyền có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, phân công trách nhiệm một cách rõ ràng, cụ thể để giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Trong quá trình giải quyết, các cơ quan nhà nước phải thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ khách quan, làm rõ nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, kết luận rõ đúng, sai, đề ra phương án giải quyết phù hợp, có lý, có tình.
Thứ hai, các cơ quan nhà nước phải củng cố và chấn chỉnh công tác tiếp công dân, thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân, bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đảm nhiệm công tác tiếp dân. Những vụ việc phức tạp các đồng chí lãnh đạo phải đích thân tiếp dân, đối thoại với công dân và trực tiếp chỉ đạo giải quyết với tinh thần “giải quyết để bảo đảm yên dân chứ không giải quyết xong việc”. Khi xảy ra khiếu kiện đông người thì các cơ quan nhà nước phải tăng cường sự phối hợp để tiếp dân và vận động công dân trở về địa phương, đồng thời, có biện pháp giải quyết kịp thời, dứt điểm, không để kéo dài, tái khiếu kiện.
Thứ ba, các cơ quan thanh tra Nhà nước tăng cường thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với thủ trưởng và cán bộ, công chức có trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới, tập trung vào những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, đông người, phức tạp; chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo thấp; không chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên… để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, kiến nghị chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, xử lý công khai, nghiêm minh những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương, tăng cường hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân; tăng cường vận động, thuyết phục công dân chấp hành pháp luật và các quyết định giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối thì phải tiến hành làm rõ, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo sự đồng bộ, nâng cao tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân sách, chính sách xã hội; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để công dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân; đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng nhằm tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, hài hòa, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế – xã hội và hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 6 (150) NĂM 2008

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code