Thursday, October 24, 2013

NƠI KHỞI ĐẦU CỦA MỘT SỰ SỐNG MỚI

(LAO ĐỘNG CUỐI TUẦN) – Nhắc đến chuyện ghép mô, tạng và hiến mô, tạng, nhiều người dân ta nghĩ đó là một chủ đề tế nhị, bất bình thường, thậm chí là xui xẻo.
Vì thế, mặc dù Ngân hàng Mô ở Việt Nam đã ra đời từ năm 1989, cho đến nay tồn tại tổng cộng được 12 năm, thực hiện nhiều đề án lớn và cung cấp hàng chục ngàn đơn vị mô ghép cho các ca phẫu thuật nhưng hầu hết người dân hoặc không biết, hoặc coi đây là một nơi xa lạ, thậm chí có phần hơi bí ẩn. Mô người – lúc nào cũng khan hiếm
Bản thân tôi khi tìm đến địa chỉ của Ngân hàng Mô (Tissue Bank) – Labo Nghiên cứu ứng dụng trong điều trị bỏng, trực thuộc Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (đường Nguyễn Chánh, Hà Đông, Hà Tây) cũng đinh ninh rằng đây là một nơi hết sức đặc biệt với toàn phòng lạnh. Và tôi cũng băn khoăn xem liệu nghĩ ra được cách nào để thuyết phục người mà tôi sắp phỏng vấn dẫn đi xem cái kho đông lạnh từng được đặt tên: Nơi chuyển giao sự sống.
Thật không ngờ, lúc kết thúc cuộc trao đổi, bác sỹ Khuất Duy Thái – phụ trách phần bảo quản mô – đã rất vui vẻ cho tôi xem “kho” sau khi tôi rụt rè hỏi kích thước cái kho đó như thế nào. Một trong các “kho” nằm ngay cạnh phòng làm việc của BS Khuất Duy Thái. Bên trong căn phòng với nhiều dụng cụ y tế kê một chiếc tủ lạnh to gấp đôi tủ bình thường, gắn nhãn hiệu Sanyo như bất kỳ tủ kem nào khác. Đó chính là một trong số các kho đông lạnh hiện đang giữ tế bào mô, và sự sống của rất nhiều người sẽ được chuyển giao từ chính chiếc tủ có nhiệt độ -1500C đó. (Tủ lạnh bình thường có nhiệt độ từ 400C đến -1800C).
Hiện nay, ta chỉ có hai cơ sở duy nhất bảo quản và cung cấp mô người là Ngân hàng Mô (Viện Bỏng Quốc gia) và Labo Bảo quản vật liệu sinh học trực thuộc Trung tâm Đào tạo & Bồi dưỡng cán bộ y tế, TP Hồ Chí Minh. Ngân hàng Mô được xây dựng nhờ những nguồn đầu tư ban đầu do các tổ chức quốc tế viện trợ, như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Sở dĩ Ngân hàng Mô liên quan đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử là vì các mô ghép được bảo quản cần kỹ thuật chiếu xạ và tiệt khuẩn bằng tia gamma. Hiện ngân hàng đang cất giữ hai loại mô là mô ghép dị loại bao gồm các màng sinh học lấy từ da ếch, da lợn, ruột bò (chủ yếu phục vụ các ca phẫu thuật ghép da cho bệnh nhân bỏng) và mô ghép đồng loại: xương, sụn, màng não, màng ối, mạch máu…
Năm 1991, sản phẩm mô ghép đầu tiên được nghiên cứu và bảo quản là da ếch, màng ối, xương đồng loại và được thử nghiệm thành công trên người. Và liên tục kể từ đó đến nay, với tiến bộ vượt bậc của y học trong cấy ghép và công nghệ bảo quản mô, mỗi năm Ngân hàng Mô cung cấp 500 đơn vị xương đồng loại cho các ca phẫu thuật, chấn thương chỉnh hình, và từ 1000 – 2000 đơn vị màng sinh học da ếch và trung bì da lợn cho những bệnh nhân bỏng.
Nói thì đơn giản, nhưng BS Khuất Duy Thái cho biết mô người lúc nào cũng hiếm. Ngoài những ca phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh hình cần đến xương, sụn, còn có rất nhiều bệnh nhân bị bệnh về xương, nếu không có mô người thay thế sẽ phải cắt bỏ chân/tay dẫn đến tàn phế suốt đời. Thậm chí có bệnh nhân chưa đầy 16 tuổi đã mắc bệnh ung thư xương. Lúc đó, mô xương do một người vô danh hiến tặng được giữ trong kho đông lạnh sẽ cứu sống cả cuộc đời của một con người.
Phần lớn, những mô ghép đồng loại hiện nay vẫn được tận dụng từ các bộ phận cắt bỏ do tai nạn giao thông hay tai nạn lao động bao gồm chi trên và chi dưới. Ngoài ra, các tai nạn không may xảy ra khiến nạn nhân qua đời nhưng tim vẫn chưa ngừng đập mà y học gọi là “chết não” đều là nguồn cung cấp tế bào mô cho ngân hàng. Ngay khi được tin báo, các chuyên gia của Ngân hàng Mô phải đến tận nơi để xin về.
Ngoài việc thuyết phục người nhà nạn nhân, người của Ngân hàng Mô còn phải làm các thủ tục xét nghiệm HIV cùng các bệnh truyền nhiễm khác cho những bộ phận mà họ xin về nên các công đoạn phải hết sức nhanh chóng để mô ghép có chất lượng tốt nhất. Ngân hàng Mô hoạt động trên nguyên tắc phi lợi nhuận, số tiền mà bệnh nhân được phẫu thuật phải chi trả chỉ là để phục vụ cho các chi phí thu hồi, bảo quản. Tuy nhiên, có không ít người nhà nạn nhân ngỏ ý muốn được chi trả cho các “bộ phận cắt” này. BS Khuất Duy Thái nói: “Nhiều lúc nhận được tin là chúng tôi vội vàng phóng xe máy đến tận nơi để xin về, như mọi công việc công khác, lấy đâu ra tiền để bồi dưỡng cho người nhà nạn nhân”
Hiện nay mô hiếm nhất là giác mạc. BS Thái cho biết Viện Mắt Trung ương thường xuyên đặt Ngân hàng Mô tế bào đặc biệt này mà không có. Trong khi các ca cấy ghép giác mạc ở Việt Nam đã được thực hiện rất thành công và đang có tới hàng ngàn người cần tới giác mạc nhưng lại không có người hiến tặng. Tôi được xem cái lọ đựng giác mạc. Chỉ là một hộp nhựa hình lục lăng, to hơn ngón chân cái một chút, có nắp đậy. Nó đơn giản và giống một thứ đồ chơi của trẻ con, nhưng được dùng để đựng hai con ngươi.
Sau khi lấy ra từ cơ thể người hiến tặng, con ngươi được cho vào lọ, ngâm trong dung dịch lỏng. Khác với những tế bào mô được giữ trong kho đông lạnh hàng chục năm, thậm chí là bảo quản vĩnh viễn trong nitrơ lỏng, giác mạc chỉ tồn tại được 14 ngày trong nhiệt độ 4oC. Vì vậy, người ta nói giữ gìn như con ngươi trong mắt cũng chẳng sai. Thậm chí là con ngươi của một người đã qua đời.
BS Khuất Duy Thái.
Ai là người hiến tặng?
Đó là chuyện cấy ghép, bảo quản mô, còn một vấn đề quan trọng hơn là nguồn mô lấy từ đâu ra. Ngoài mô ghép dị loại, các mô ghép đồng loại khác đều do người hiến tặng.
Có một số loại mô ghép có thể lấy được từ người còn sống như tế bào da, màng ối, xương, tuỷ, gan, thận… còn phần lớn chỉ có thể phù hợp khi lấy từ cơ thể người đã chết. Vì thế, khi nhắc đến chủ đề “người hiến tặng”, mặc dù BS Thái trò chuyện một cách thoải mái nhưng ông cũng cho rằng nhận thức của người Việt ta về việc này chưa cao.
Trên thế giới, việc những người còn sống nộp đơn hiến tạng để tặng môt bộ phận hoặc toàn bộ cơ thể mình sau khi chết cho khoa học là chuyện bình thường. Cựu hoa hậu hoàn vũ Aishwarya Rai đã hiến tặng đôi mắt tuyệt đẹp của mình. Ngân hàng Mô giác mạc (Modern Eyes Bank) của Sri Lanka hàng năm tiếp nhận rất nhiều đơn hiến tặng. Nơi đây, đạo Phật là quốc giáo và người dân cho rằng việc hiến tặng giác mạc sẽ khiến linh hồn của họ siêu thoát sau khi qua đời.
Các Ngân hàng Mô Northwest Tissue Center, Northwest Lions Eye Bank, Lise Center Northwest (Hoa Kỳ) còn phát hành hẳn một cuốn lịch có in hình những người hiến tạng và nhận tạng với nụ cười rạng rỡ. Cái chết và sự sống được xếp xen kẽ nhau trên cuốn lịch là biểu tượng cho tính nhân văn cao đẹp và tình thương đồng loại.
Còn ở ta, BS Thái hỏi tôi: “Cô có biết câu đầu tiên mà người nhà của những người hiến mô và tạng nói với họ là câu gì không?”. Khi tôi trả lời ông, BS Thái gật đầu “Đúng. Câu đầu tiên mà họ nói là Mày điên à? Cái mà chúng ta cần nhất bây giờ không phải là mô mà là sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng. Chỉ có phong trào hiến máu nhân đạo thôi mà tôi thấy thực hiện được cũng rất khó khăn rồi”.
Quả thực trước khi viết bài, tôi có đề cập đến chủ đề tế nhị này thì đều vấp phải sự phản đối ngay lập tức của những người thậm chí là có tri thức và hiểu biết. Theo BS Thái, Luật Bảo vệ Sức khoẻ nhân dân của ta (1989) đã cho phép người dân nhận và hiến mô, tạng; trình độ y học cũng khiến các ca phẫu thuật, bảo quản và cấy ghép thành công; tôn giáo chung của người Việt là đạo Phật ủng hộ việc cứu người; chỉ còn nhận thức cộng đồng là rào cản lớn nhất.
Hiện nay, những mô đã được lấy từ cơ thể người hiến tặng chủ yếu do một số trường hợp biết mình không còn sống được bao lâu nữa nên chủ động làm người tình nguyện, còn những người đang sống rất khoẻ mạnh thì ít khi chịu thực hiện cái việc mà họ cho là “điềm gở” này.
BS Thái cho tôi xem tấm ảnh của bà Huệ, người đầu tiên ở miền Bắc hiến tặng toàn bộ cơ thể cho khoa học. Bà Huệ từng sống tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già cô đơn ở Thái Nguyên. Bà không chồng, không con và nhân một chuyến thăm quan của đoàn cán bộ Ngân hàng Mô đến Thái Nguyên, bà đã liên hệ để làm đơn hiến tặng. Chẳng bao lâu sau đó thì bà mất.
Như tâm nguyện của bà, bài vị người quá cố được Ngân hàng Mô đưa về chùa Quán Sứ (Hà Nội), nhưng thi thể, thay vì được gửi cho các trường ĐH Y để làm giáo cụ trực quan thì nay vẫn được đặt trong một bể inox rất đẹp tại trường ĐH Y Thái Nguyên. Ban lãnh đạo quyết định không sử dụng cho việc thực tập mà để tưởng niệm người đầu tiên hiến tặng.
Việc hiến tạng nhuốm màu sắc lãng mạn hay thần bí
Ngoài việc tiếp nhận các đơn hiến mô thì đơn hiến tạng cũng là một việc làm tình nguyện mà Ngân hàng Mô rất hoan nghênh. Phần lớn người hiến tặng đồng ý hiến toàn bộ cơ thể cho khoa học, mà trong đó bao gồm cả mô và tạng. Tuy nhiên, việc hiến tạng, tiếp nhận tạng, bảo quản và cấy ghép tạng phức tạp hơn mô rất nhiều.
Đa phần nhắc đến từ “hiến tạng” là nhiều người liên tưởng ngay đến việc thay thế một bộ phận trong cơ thể của người chết (thường là chết khi tuổi còn trẻ) cho một người sống. Từ đó người ta hay nghĩ đến một khía cạnh nhuốm màu duy tâm thần bí và thậm chí lãng mạn trong việc hiến tạng này. Nhiều bộ phim của điện ảnh Mỹ coi đây là chủ đề hấp dẫn khi cho nhân vật là cô gái trẻ xinh đẹp thay tim của một võ sĩ da đen. Kết quả là trái tim cấy ghép khiến chủ nhân mới thay đổi hẳn tính cách.
Có đạo diễn còn lấy việc hiến tạng là một đề tài kinh dị ăn khách để khai thác.
Các bộ phim truyền hình của Hàn Quốc cũng không bỏ lỡ cơ hội khi nghĩ ra những cảnh sướt mướt để một anh chàng yêu say đắm cô gái có trái tim thay thế từ cô người yêu cũ đã bị tai nạn chết cách đó không lâu.
Ngoài ra, nhiều bài báo quốc tế còn đưa tin về nạn buôn bán nội tạng trái phép và các tội ác liên quan đến nội tạng khiến dân ta đôi khi không nhận thức đầy đủ nên bị nhiễu thông tin.
Thực ra, hiện nay Ngân hàng Mô ở Việt Nam chỉ như một trạm trung chuyển chứ không lưu giữ các nội tạng. Việc lấy nội tạng và cấy ghép thuộc về các bệnh viện chuyên môn, còn Ngân hàng Mô chỉ chịu trách nhiệm pháp lý trong việc nhận đơn hiến tạng. BS Thái cho biết đã có hơn 1.000 đơn hiến tạng, người nhỏ tuổi nhất là một cháu học lớp 10, phần lớn là từ các sinh viên trường Y, những người đã “giác ngộ” đầy đủ về nghĩa cử cao đẹp này. Rất nhiều người từ xa viết thư đến tha thiết đề nghị được hiến tặng cơ thể.
“Đơn thì rất nhiều nhưng chưa lấy được của ai – BS Thái cười vui vẻ – Tôi và các cán bộ khác là một trong những người hiến tặng tiên phong. Vậy mà khoa học còn chưa lấy được gì của tôi thì các cô gái hiến tặng mới chỉ 20 tuổi, còn lâu lắm”.
Đặc biệt có một người hiến tặng là nữ còn kèm theo một yêu cầu hết sức lãng mạn khi chỉ đồng ý tặng trái tim cho người nhận là một người con trai, để sau này trái tim còn đập mãi trong lồng ngực của anh ta. Nhưng trên thực tế, y học của Việt Nam hiện chưa ghép được tim. Tiến bộ của y học nước nhà mới chỉ cho phép những ca ghép gan, thận đầu tiên mà với chi phí khổng lồ.
Hơn nữa, một quả tim người sau khi lấy ra khỏi cơ thể chỉ giữ được vài ngày trong điều kiện bảo quản đặc biệt. Nên ví thử nếu ta thực hiện thành công những ca ghép tim thì trái tim người hiến tặng chỉ có thể tặng cho bất kỳ ai cần đến nó trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy. Nguồn thứ hai là các tử thi vô thừa nhận (rất hiếm) và nguồn thứ ba từ những người tình nguyện hiến tặng.
BS Khuất Duy Thái cho tôi xem tấm thẻ Quà tặng sự sống của ông. Nó hơi nhàu cũ vì đã được viết từ lâu rồi. Trên thẻ, mặt trước có tên người hiến tặng và tên, địa chỉ của người cần được báo tin. Mặt sau là những cam kết hiến toàn bộ thân thể để cấy ghép cho người sống, để phục vụ học tập, nghiên cứu sau khi người hiến tặng qua đời.
Ngày 29.11.2006, Luật Hiến, lấy, ghép, mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2007. Bộ Y tế cũng đang trong lộ trình ra các văn bản dưới luật để hướng dẫn những người có chuyên môn thực hiện đúng nguyên tắc.
Ngoài ra, các quy định mới cũng được Bộ Y tế gấp rút dự thảo nhằm thành lập thêm nhiều Ngân hàng Mô ở các tỉnh thành VN, nhờ đó, việc hiến và thu hồi mô, tạng sẽ được thuận tiện hơn. Hiện nay, Ngân hàng Mô đang trong giai đoạn nghiên cứu các công nghệ mô mới như nuôi cấy tế bào sừng, nguyên bào sợi, tế bào gốc. Với sự phát triển nhanh chóng của y học cấy ghép, sự thay đổi nhận thức của cộng đồng, rồi đây sẽ ngày càng nhiều sự sống được chuyển giao từ chính nơi này.
Di Li

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code