Thursday, October 24, 2013

BẢO HIỂM BẮT BUỘC ĐỐI VỚI CHỦ XE CƠ GIỚI CHƯA HIỆU QUẢ

NGUYỄN HÀ
Tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Việc hạn chế và khắc phục hậu quả TNGT cần có sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức và người dân. Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa TNGT thì giải pháp khắc phục hậu quả thiệt hại do TNGT gây ra như yêu cầu bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là rất cần thiết.
Chế độ bảo hiểm bắt buộc đối với chủ xe cơ giới được quy định tại Nghị định số 30/1988/NĐ-HĐBT ngày 10.3.1988 của Hội đồng Bộ trưởng. Sau gần 10 năm thực hiện, Nghị định này được thay thế bởi Nghị định 115/1997/NĐ-CP ngày 17.12.1997 của Chính phủ. Từ khi Nghị định 115 có hiệu lực, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành chính sách bảo hiểm bắt buộc đối với chủ xe cơ giới. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện các quy định vẫn chưa triệt để. Những người tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới chưa quan tâm đến việc mua bảo hiểm bắt buộc. Theo thống kê, mới chỉ có 80% lượng ô tô và 30% xe máy tham gia mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự. Trong khi đó, mỗi ngày ở nước ta có tới trên 30 người tử vong do tai nạn giao thông (TNGT). Chỉ tính riêng năm 2006, số người tử vong do TNGT lên tới 13 nghìn người. Số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2007 đã xảy ra hơn 7.600 vụ TNGT, làm chết gần 7.000 người. Để giảm tải và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông, vừa qua Bộ tài chính đã ban hành Quyết định số 23/2007/QĐ-BTC ngày 9.4.2007 thay thế Quyết định số 23/2003/QĐ-BTC ngày 25.2.2003 về việc ban hành chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Quyết định số 23/2007 đã quy định rõ: Các doanh nghiệp có trách nhiệm trích tối thiểu 2% doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự thực thu hàng năm, đóng góp vào quỹ tuyên truyền và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam quản lý và sử dụng, Quyết định mới cũng thay đổi các trường hợp loại trừ bảo hiểm theo hướng mở rộng phạm vi bảo hiểm. Khác với quy định trước đây, Quy tắc bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) chủ xe cơ giới ban hành kèm theo QĐ 23/2007 không đưa vào phần loại trừ bảo hiểm 4 trường hợp tai nạn xảy ra khi: Xe không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và môi trường; Lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định của pháp luật hiện hành; Xe sử dụng để đua thể thao, đua xe trái phép, chạy thử sau khi sửa chữa; Xe đi vào đường cấm. Dư luận cho rằng điểm mới này không có tác dụng kiềm chế TNGT. Trong quy tắc bảo hiểm ban hành theo QĐ 23/2003, trường hợp chủ xe tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm cho cùng một xe cơ giới thì khi xảy ra tai nạn, số tiền bồi thường đối với cả thiệt hại về người và thiệt hại về tài sản chỉ được tính trên 1 hợp đồng bảo hiểm. Nhưng theo QĐ 23/2007, trong trường hợp này số tiền bồi thường đối với thiệt hại về người tối đa sẽ là tổng mức trách nhiệm bồi thường thiệt hại về người của các hợp đồng bảo hiểm, không vượt quá số tiền thực tế mà chủ xe phải bồi thường cho các nạn nhân và được chia đều cho các hợp đồng bảo hiểm. Quy định này hạn chế sự bất hợp lý của quy tắc bảo hiểm cũ và chủ xe được hưởng sự bảo đảm lớn hơn, công bằng hơn. Còn quy tắc bảo hiểm cũ quy định mức trách nhiệm bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về người cho cả xe mô tô và xe ô tô là 30 triệu/1người/vụ. Nhưng trên thực tế nhiều trường hợp chủ xe phải bồi thường cho nạn nhân đối với thiệt hại về người lớn hơn mức trách nhiệm tối thiểu đó, nên quy tắc bảo hiểm theo QĐ 23/2007 đã nâng mức trách nhiệm bảo hiểm tối thiểu đối với xe ô tô thành 50 triệu/người/vụ và 50 triệu/tài sản/vụ.
Những quy định mới của QĐ 23/2007 đã phù hợp hơn với yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, từ khi QĐ 23/2007 có hiệu lực thi hành đến nay, việc thực hiện bảo hiểm TNDS của các chủ xe cơ giới vẫn ở mức thấp, theo thống kê tại các địa phương cho thấy, số xe ô tô tham gia bảo hiểm vẫn chỉ dừng ở mức 80% ( trừ xe công an, quân đội và xe không lưu hành); Số xe máy tham gia bảo hiểm ở từng địa phương chỉ nhích hơn so với trước đây 5%. Để những quy định về bảo hiểm bắt buộc đối với chủ xe cơ giới được thực hiện có hiệu quả, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần kiểm tra và xử lý nghiêm các chủ xe cơ giới không chấp hành việc tham gia bảo hiểm TNDS; Thành lập hệ thống thanh tra bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới thực hiện kiểm tra định kỳ theo quy định… Đồng thời, ngành bảo hiểm phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, kết hợp thực hiện các chương trình hành động mà Chính phủ đã đề ra cho các cấp, bộ, ngành và nhân dân; chủ động tuyên truyền, giáo dục, vận động, kết hợp các biện pháp cưỡng chế của cơ quan chức năng… để thực hiện nghiêm túc Quyết định 23/2007.
SOURCE: Báo Người đại biểu nhân dân

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code