BÙI ĐỨC HIỂN – Viện Nhà nước và Pháp luật
Ở Việt Nam quyền hiến,
lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã được quy định trong Bộ luật Dân sự
2005 và được cụ thể hóa trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể
người và hiến, lấy xác 2006. Tuy nhiên, pháp luật về vấn đề này vẫn còn
những hạn chế, tồn tại, trong khi nhu cầu về hiến, lấy ghép mô, bộ phận
cơ thể nước ta ngày càng tăng[1],
đòi hòi phải nghiên cứu hoàn thiện hơn nữa pháp luật về vấn đề này.
Điều đó cho thấy việc nghiên cứu pháp luật và kinh nghiệm nước ngoài
đóng vai trò quan trọng. Bài viết này sẽ tập trung nghiên cứu khái quát
các quy định pháp luật một số nước trên thế giới về hiến, lấy ghép mô,
bộ phận cơ thể người và một vài gợi mở đối với Việt Nam.
1. Khái quát pháp luật quốc tế về hiến mô, bộ phận cơ thể người
Sự phát triển của y học, giải phẫu học thế giới đã
làm cuộc sống con người thay đổi kỳ diệu, từ chỗ con người có thể bị
chết do một bộ phận cơ thể nào đó bị bệnh, hỏng, con người lại có thể
được tái sinh sự sống của mình qua việc được cấy, ghép một mô, bộ phận
cơ thể của người nào đó đã bị chết hiến tặng…[2]
Để tạo hành lang pháp lý cho sự kỳ diệu trên được phát triển, để cứu
chữa người bệnh vượt qua hiểm nghèo thì không chỉ pháp luật các quốc gia
mà pháp luật quốc tế cũng ghi nhận về vấn đề này từ rất sớm. Trong
khuôn khổ pháp luật quốc tế đầu tiên có thể kể đến Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, văn hoá và xã hội, viết tắt tiếng Anh là CESCR, và Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị,
viết tắt tiếng Anh là CCPR, được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua
16/12/1966 và có hiệu lực từ ngày 23/3/1976. Việt Nam gia nhập 2 Công
ước này ngày 24/9/1982. Còn trong khuôn khổ Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
đã thông qua Nghị quyết về việc phát triển các hoạt động cấy ghép năm
2004. Thậm chí tổ chức UNNESCO đã thành lập một cơ quan trực tiếp liên
quan đến lĩnh vực này là Ủy ban quốc tế về Đạo đức y sinh. Cơ quan này
cũng đã công bố Tuyên bố toàn cầu về đạo đức sinh học và quyền con
người. Trong đó đã đưa ra những nguyên tắc chung nhằm bảo vệ quyền con
người và được thừa nhận rộng rãi như nguyên tắc không được thương mại
hóa bộ phận cơ thể người, mô, máu, tế bào; nguyên tắc bảo vệ người chưa
thành niên và những người được pháp luật bảo hộ; phải có sự đồng ý của
đương sự về việc hiến.
Trong khuôn khổ Hội đồng châu Âu có Công ước về bảo
vệ quyền con người và nhân phẩm con người trong việc ứng dụng các tiến
bộ y học và sinh học ngày 4 tháng 4 năm 1997 (gọi tắt là Công ước
OVIEDO). Công ước này đã đưa ra nguyên tắc cơ bản như: bắt buộc phải có
sự đồng ý của đương sự; quyền được thông tin đối với cả người hiến và
người nhận. Ngoài ra trong nguồn luật của Liên minh châu Âu có thể chỉ
ra Chỉ thị 2004/23 về thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn áp
dụng đối với các hoạt động hiến, lấy, kiểm soát, xử lý, bảo quản, lưu
trữ phân phối mô và tế bào người…[3]
Qua các Công ước quốc tế và khu vực có thể thấy hiến, ghép mô, bộ phận
cơ thể có vai trò đặc biệt quan trọng và được coi là quyền con người và
để đảm bảo cho hoạt động này được diễn ra hiệu quả, quốc tế đã có những
quy định mang tính nguyên tắc về vấn đề này làm tiêu chuẩn và là nguồn
quan trọng cho các quốc gia trong quá trình nghiên cứu xây dựng pháp
luật nước mình về hiến mô, bộ phận cơ thể người.
Về pháp luật quốc gia nhiều nước cũng xây dựng
hành lang pháp lý về vấn đề này từ rất sớm, tiêu biểu như: Anh năm 1961,
Đan Mạch năm 1975, Hy Lạp 1983. Tại các nước Châu Á từ 1959 đến nay
nhiều nước như Thái Lan, Hồng Kông, Đoài Loan, Nhật Bản, Singapo,
Malaisia, Inđonesia, Philippin đã có quy định pháp luật cho phép tiến
hành lấy mô, bộ phận cơ thể người từ tử thi để ghép…[4]
Nhìn chung pháp luật các nước trên thế giới tập trung quy định về: các
nguyên tắc của hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể; điều kiện hiến, lấy,
ghép mô, bộ phận cơ thể người; các quy định về cơ chế đồng ý trong việc
hiến mô, bộ phận cơ thể người; thẩm quyền, trình tự, thủ tục hiến mô, bộ
phận cơ thể; trung tâm điều phối cấy ghép quốc gia và ngân hàng mô,…
cũng như các quyền, lợi ích người hiến được hưởng khi tham gia hiến cứu
chữa người bệnh…
2. Nội dung pháp luật một số nước trên thế giới về hiến mô, bộ phận cơ thể của cá nhân và một số gợi mở
2.1. Về các nguyên tắc hiến mô, bộ phận cơ thể người
Như chúng ta biết, nguyên tắc về hiến mô, bộ phận cơ
thể người là những tư tưởng, quan điểm chủ đạo về xây dựng cũng như thực
hiện pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Pháp luật
các nước bên cạnh quy định những nguyên tắc chung được cả thế giới thừa
nhận về vấn đề này thì tùy theo thực tế, truyền thống, văn hóa đất nước
cũng có quy định những nguyên tắc riêng. Ở Pháp, trong các đạo luật về
đạo đức y sinh[5]
quy định việc hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người phải tôn trọng
các nguyên tắc như: tôn trọng cơ thể người; nguyên tắc phải có sự đồng ý
của đương sự (Điều L.1211-2 Bộ luật Y tế cộng đồng Cộng hòa Pháp);
nguyên tắc an toàn về y tế và cẩn trọng (Điều L.1211-6/7 Bộ luật Y tế
cộng đồng Cộng hòa Pháp). Nguyên tắc này nhằm tránh những rủi ro có thể
xảy ra với người hiến và người nhận trong quá trình hiến, lấy, ghép mô,
bộ phận cơ thể người; nguyên tắc phân phối sản phẩm ghép và thủ tục đăng
ký vào danh sách chờ ghép[6];
nguyên tắc vô danh tức là người hiến không được biết danh tính của
người nhận và ngược lại. Điều16-8, Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp quy
định: “Không ai được phép công bố bất kỳ thông tin nào cho phép xác
định người cho người nhận bộ phận cơ thể người hoặc sản phẩm từ cơ thể
người, người cho không biết danh tính của người nhận và ngược lại. Trong
trường hợp cần thiết cần thiết vì mục đích chữa bệnh chỉ các bác sĩ của
người cho và người nhận mới được tiếp cận thông tin cho phép xác định
danh tính của họ”. Nguyên tắc vô danh ở Pháp chỉ áp dụng trong
trường hợp lấy mô, bộ phận cơ thể của người chết để cấy, ghép, nguyên
tắc này sẽ không áp dụng với người hiến khi còn sống ví dụ trường hợp
người hiến vì mục đích chữa bệnh khi còn sống thì thường phải được biết
mình hiến cho ai, người mình hiến về hệ số sinh hóa có phù hợp với mình
không…[7]. Do vậy, Luật này chỉ cho phép không thực hiện nguyên tắc này trong trường hợp cần thiết vì mục đích chữa bệnh…
Ở Việt Nam, Điều 4, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận
cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 cũng quy định về các nguyên tắc
trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như
một số nước trên thế gới đó là phải có sự tự nguyện của người hiến;
không vì mục đích thương mại; giữ bí mật về các thông tin có liên quan
đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận
khác hoặc pháp luật có quy định khác. Có thể thấy hầu hết các quốc gia
đều quy định giữ bí mật về thông tin giữa người hiến cũng như người nhận
là một nguyên tắc quan trọng, trừ trường hợp pháp luật có quy định
khác.
Việc quy định nguyên tắc này là một sự dự phòng rất
hợp lý của pháp luật các nước nhằm bảo vệ quyền lợi của cả người hiến
cũng như người nhận, thường thì việc biết thông tin về người được ghép
bộ phận cơ thể của người thân mình, gặp lại họ để xoa dịu nỗi đau về
tinh thần, còn người được ghép gặp lại có thể bày tỏ lòng biết ơn với
người hiến, gia đình họ. Nhưng bên cạnh mặt tích cực chúng ta cũng phải
quan tâm đến mặt tiêu cực của nó vì khi một người chết hiến xác, bộ phận
cơ thể nỗi đau thường thuộc về người còn sống, có thể gia đình người
chết thì không vượt qua hiện thực người thân mình đã chết còn người được
ghép thì họ khó quay lại hiện thực cuộc sống của chính mình bởi những
ám ảnh cuộc sống của một người khác hoặc của một phần thân thể người
khác tồn tại trong cơ thể của mình hoặc hiện tượng người thân của người
được hiến không hiểu; không đồng ý cho hiến, không chấp nhận thậm chí
cho rằng người được ghép đã cướp đi cuộc sống của người thân mình dẫn
tới sẽ có những việc làm bất lợi cho người được nhận ghép (đòi tiền,
quấy rối, đe doạ…). Mặt khác cuộc đời người hiến và người được ghép rất
khác nhau nếu không thông cảm hoặc không chấp nhận được cuộc đời nhau
thì tốt nhất là không nên biết về nhau[8].
Bên cạnh những nguyên tắc tương đồng như trên, pháp
luật Việt Nam không quy định rõ cẩn trọng và bảo đảm an toàn cho người
hiến người ghép thành một nguyên tắc riêng như pháp luật Cộng hòa Pháp.
2.2. Về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể người
Nghiên cứu các quy định pháp luật một số nước trên
thế giới, căn cứ vào thời điểm hiến có thể chia thành hai trường hợp là
hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống và điều kiện hiến mô, bộ phận cơ
thể, hiến xác sau khi chết. Có thể thấy cả hai trường hợp trên đều cần
những điều kiện nhất định đối với người hiến, người nhận và cơ sở y tế
được lấy mô, bộ phận cơ thể. Trong ý này chúng tôi chủ yếu nhấn mạnh đến
điều kiện đối với người hiến. Về cơ bản các nước đều có quy định điều
kiện về độ tuổi, sức khỏe và điều kiện về thủ tục.
a. Điều kiện về độ tuổi
Pháp luật Cộng hòa Pháp quy định rất chặt chẽ về vấn
đề này, đối với trường hợp hiến khi còn sống thì người chưa thành niên
không được hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống. Bởi đối tượng này họ
chưa phát triển hoàn thiện về sinh học cũng như tâm, sinh lý. Việc lấy
mô, bộ phận cơ thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm, sinh lý của người
hiến. Những người được hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống phải là
người đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực nhận thức và năng lực hành
vi. Bên cạnh điều kiện về độ tuổi, pháp luật Cộng hòa Pháp quy định rất
chặt về việc lấy mô, bộ phận cơ thể từ người sống, họ chỉ được thực hiện
trong trường hợp giữa người hiến và người nhận là quan hệ cha, mẹ, con.
Trường hợp ngoại lệ khác có thể là quan hệ giữa vợ chồng, cô, dì, chú,
bác hoặc ông, bà nhưng điều kiện với các trường hợp này cũng rất chặt
chẽ như: người hiến phải được biết về những rủi ro có thể xảy ra; việc
lấy bộ phận cơ thể phải được một ủy ban cho phép; người hiến phải thể
hiện sự đồng ý của mình trước Chánh án tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng…[9]
Trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết. Pháp
luật Cộng hòa Pháp quy định cá nhân từ đủ 13 tuổi trở lên được đăng ký
vào Sổ từ chối hiến[10].
Bởi ở Pháp đủ 13 tuổi được pháp luật thừa nhận là tuổi có nhiều dàn
buộc pháp lý như có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu phạm tội nặng
và 15 năm tuổi thì họ đã có quyền kết hôn… Tuy nhiên, pháp luật nước này
vẫn quy định nếu người chết là người đã thành niên không có tên trong
Sổ đăng ký từ chối, cơ sở y tế vẫn xác minh qua người thân của người
chết về việc người đó không phản đối hiến mô, bộ phận cơ thể, thậm chí
nếu người thân thích của người chết không đồng ý hiến thì cơ sở y tế có
thẩm quyền cũng không tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể của người chết.
Còn trong trường hợp người chưa thành niên chết thì pháp luật quy định
được lấy mô, bộ phận cơ thể người này khi có sự đồng ý bằng văn bản của
cha mẹ người đó, trường hợp đặc biệt nếu cha mẹ ly hôn hoặc quá xa thì
chỉ cần sự đồng ý của một người. Ví dụ đối với trẻ em dưới 13 tuổi, bố
mẹ sẽ là người quyết định về việc cho mô, bộ phận cơ thể người bằng văn
bản[11].
Ở Tuynidi, Marốc hay ở Việt Nam pháp luật cũng đều
quy định điều kiện đối với người hiến. Đạo luật số 91-22 về lấy, ghép bộ
phận cơ thể người được ban hành ngày 25 tháng 3 năm 1991 của Tuynidi
quy định về điều kiện hiến khi còn sống và hiến sau khi chết. Đối với
trường hợp người hiến khi còn sống phải là người thành niên có đầy đủ
khả năng nhận thức và năng lực hành vi. Còn việc lấy mô, bộ phận cơ thể
người chết để phục vụ mục đích chữa bệnh có thể được thực hiện với điều
kiện người đó khi còn sống không từ chối cho bộ phận cơ thể người, đồng
thời không có sự phản đối từ phía gia đình của người đó sau khi người đó
chết[12].
Ở Ma rốc Đạo luật về hiến lấy ghép bộ phận cơ thể
người và hiến mô số 16-98, năm 1998 quy định nếu người hiến là người còn
sống thì phải là người thành niên và phải thể hiện sự tự nguyện của
mình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền[13].
Còn pháp luật Việt Nam hiện hành quy định cá nhân
phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn
sống và sau khi chết (Điều 5 Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và
hiến, lấy xác năm 2006). Qua đó có thể thấy pháp luật Việt Nam quy định
về độ tuổi hiến sau khi chết của cá nhân muộn hơn so với ở Pháp (pháp
luật Việt Nam quy định đủ 18 tuổi trở lên mới được hiến hoặc đăng ký
hiến sau khi chết, còn pháp luật Pháp quy định là 13 tuổi). Sở dĩ có quy
định như vậy bởi các nhà làm luật nước ta quan niệm rằng ở tuổi đó,
người hiến mới phát triển đầy đủ về tâm, sinh lý cũng như về mặt pháp lý
họ là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có thể bằng hành vi của
mình tham gia xác lập các quyền và nghĩa vụ nhất định theo quy định của
pháp luật. Nếu độ tuổi là một dấu hiệu định lượng, là điều kiện cần để
hiến mô, bộ phận cơ thể thì khả năng nhận thức và điều khiển hành vi là
dấu hiệu định tính để xác định xem cá nhân đã hoàn thiện về mặt tâm lý,
về khả năng nhận thức hay chưa.
Pháp luật Việt Nam không cho phép lấy mô, bộ phận cơ
thể người chưa thành niên khi còn sống, nhưng không hạn chế người được
nhận mô, bộ phận cơ thể chỉ là người thân thích như pháp luật Pháp với
điều kiện chỉ được tiến hành sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của
Hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể người (Điều 15, Luật Hiến, lấy
ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006). Mặt khác pháp luật
Việt Nam quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền đăng ký hiến mô,
bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết[14].
Một vấn đề nữa là pháp luật Cộng hòa Pháp quy định cụ thể người chưa
thành niên chết, nhưng nếu có sự đồng ý bằng văn bản của cha,mẹ người đó
thì cơ sở y tế có thẩm quyền vẫn được tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể
người. Còn pháp luật Việt Nam mới có quy định trường hợp không có thẻ
đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết thì việc lấy phải
được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó
hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó (xem
thêm Điều 21,Điều 22 Luật Hiến, láy, ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến,lấy
xác năm 2006), thực tiễn ở Việt Nam cũng đã có trường hợp này[15].
Tuy vậy, Luật chưa có quy định rõ ràng về người chưa thành niên chết
thì cho được lấy mô, bộ phận cơ thể không nếu cha, mẹ hoặc người giám hộ
hợp pháp của họ đồng ý. Theo quan điểm cá nhân tôi thì vẫn thực hiện
được bởi mặc dù không quy định trực tiếp nhưng Luật đã gián tiếp thừa
nhận (trường hợp người hiến sau khi chết mà không có thẻ đăng ký hiến mà
nếu được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của
người đó thì vẫn được).
b. Điều kiện về sức khỏe
Đây là điều kiện đặc biệt quan trọng trong trường hợp
hiến mô, bộ phận cơ thể phục vụ mục đích chữa bệnh, điều kiện này đã
được nhiều quốc gia trong đó có Pháp quy định thành nguyên tắc an toàn
về y tế và cẩn trọng. Bởi nếu các cơ sở y tế có thẩm quyền không kiểm
tra kỹ về tình trạng sức khỏe của người hiến mà người hiến lại bị mắc
bệnh nan y thì có thể gây nguy hiểm cho người nhận hay nếu không kiểm
tra cẩn trọng về yếu tố sinh hóa, sự phù hợp giữa hai cơ thể người hiến
và người nhận có thể dẫn tới những hậu quả khó lường như mô, hoặc bộ
phận cơ thể không sử dụng được… [16].
Do vậy pháp luật các quốc gia đều có những quy định rất cụ thể về vấn
đề này như người hiến phải là người không mắc các bệnh nan y như AIDS,
viêm gan B, C,… (Xem thêm Điều L. 1211-6/7 Bộ luật Y tế Cộng hòa Pháp).
Ở Việt Nam, Luật hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và
hiến, lấy xác năm 2006 chỉ quy định chung chung người hiến và người
nhận đều phải làm những thủ tục để kiểm tra sức khỏe, nhưng Luật không
quy định kiểm tra sức khỏe bao gồm những gì, nhưng nghiên cứu các quy
định cụ thể trong Quyết định số 43/2006/QĐ-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2006
của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2006 về việc ban hành quy trình kỹ
thuật ghép thận từ người cho sống và quy trình kỹ thuật ghép gan từ
người cho sống có quy định điều kiện để người hiến được tuyển sử dụng là
không bị ung thư, xơ gan, nhiễm HIV dương tính,… điều đó cho thấy những
quy định cụ thể về sức khỏe với người hiến thận hoặc gan ở Việt Nam
được quy định cụ thể trong các văn bản dưới luật và có thể thấy các quy
định về vấn đề này là tương đối chặt chẽ nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả
người hiến và người nhận.
Vấn đề đặt ra là liệu điều kiện hiến mô, bộ phận cơ
thể người khi còn sống và hiến sau khi chết có khác nhau không và điều
kiện về sức khỏe có đặt ra như nhau trong trường hợp hiến vì các mục
đích khác nhau không. Ví dụ hiến vì mục đích chữa bệnh không với hiến vì
mục đích nghiên cứu khoa học? Chúng tôi cho rằng hiến khi còn sống vì
mục đích chữa bệnh với hiến sau khi chết vì mục đích chữa bệnh điều kiện
về sức khỏe đối với người hiến và người nhận không khác nhau. Tuy
nhiên, có khác nhau ở chỗ hiến khi còn sống thì vấn đề quan trọng là
phải bảo đảm an toàn tối đa cho người hiến, còn hiến sau khi chết thì
vấn đề này ít đặt ra. Còn trường hợp hiến vì mục đích chữa bệnh và mục
đích nghiên cứu khỏe học giữa chúng điều kiện có sự khác nhau bởi mục
đích của chúng là khác nhau. Vì vậy, có thể thấy có nhiều trường hợp
không đủ điều kiện để hiến mô, bộ phận cơ thể vì mục đích chữa bệnh,
nhưng vẫn có thể hiến và được sử dụng và mục đích nghiên cứu khoa học[17].
2.3. Về vấn đề xác định chết não trong trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết
Pháp luật các nước đều quy định thời điểm cơ sở y tế
có thẩm quyền được phép lấy mô, bộ phận cơ thể sau khi chết là thời điểm
người hiến bị chết não. Vấn đề là ở chỗ xác định như thế nào là chết
não lại có nhiều tranh luận.
Pháp luật Cộng hòa Pháp quy rất cụ thể về vấn đề này[18],
nhưng các nước như Anh, Mỹ, Canada và nhiều nước liên minh châu Âu
không quy định quá cụ thể mà họ cho bác sỹ có quyền tự do tương đối
trong việc chẩn đoán. Ở Canada pháp luật lại không quy định về khám
nghiệm cận lâm sàng mà cho phép áp dụng các kỹ thuật mới để chẩn đoán
chết não, thậm chí một kỹ thuật mới đang ở giai đoạn thử nghiệm cũng có
thể được áp dụng. Sở dĩ ở Pháp có quy định cụ thể về xác định chết não như vậy xuất phát từ ý tưởng của các nhà làm luật Pháp
là tạo dựng lòng tin của người dân. Do vậy các quy định không nhằm
hướng dẫn cho các bác sĩ trong công tác chẩn đoán chết não mà nhằm giúp
trấn an người dân. Pháp chỉ cần có 2 bác sĩ xác định chết não và không
quy định cụ thể chuyên môn của từng người[19].
Để chẩn đoán chết não pháp luật Pháp bắt buộc phải căn cứ vào kết quả
khám nghiệm lâm sàng và khám cận lâm sàng: xét nghiệm cận lâm sàng bằng
một trong hai cách: 1) Chụp điện não đồ 2 lần; 2) Chụp động mạch não một
lần. Bên cạnh đó pháp luật nước này cũng quy định về các dấu hiệu lâm
sàng của chết não như: rơi vào trạng thái hôn mê sâu, mất nhận thức và
mất mọi vận động tự nhiên; Mất toàn bộ phản xạ của thân não; ngừng thở
hoàn toàn (rút máy trợ thở và kiếm tra nồng độ cacbonic trong máu).
Ở Việt Nam việc xác định chết não cũng được quy định
trong pháp luật hiện hành, khác với Pháp việc xác định chết não ở Việt
Nam dựa trên quyết định của 3 chuyên gia về hồi sức cấp cứu, chuyên gia
về thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh, chuyên gia về giám định pháp y
xác định (Điều 27 Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy
xác năm 2006) và Luật này cũng quy định cụ thể tiêu chuẩn lâm sàng và
tiêu chuẩn thời gian để xác định chết não[20].
Qua đó cho thấy pháp luật Việt Nam cũng quy định rất cụ thể về xác định
chết não và thời điểm chết não, những quy định này là cần thiết để đảm
bảo an toàn cho người hiến và tránh sự lợi dụng của các cá nhân, tổ chức
có thẩm quyền trong việc lấy mô, bộ phận cơ thể người từ người chưa
chết não phục vụ phục đích tư lợi…
Trên thế giới ngày nay không chỉ dừng lại ở quy định
cho phép lấy mô, bộ phận cơ thể của người bị chết não mà một số quốc gia
đã xây dựng chương trình lấy mô, bộ phận cơ thể của người tim ngừng
đập, bộ phận chủ yếu được lấy trong trường hợp này là thận và gan. Theo
Hiệp định Maastritch thì có thể lấy mô, bộ phận cơ thể trong trường hợp
tim ngừng đập trong 4 trường hợp sau: a.Tim ngừng đập tại nhà, cấp
cứu và đưa đến bệnh viện; b. Tim ngừng đập tại bệnh viện; c. Ngừng chăm
sóc; d. Chết não dẫn tới tim ngừng đập.
Ở Pháp cũng đã triển khai chương trình này, nhưng để
tránh tâm lý hoang mang cho người dân và đội ngũ bác sĩ tiến hành lấy
mô, bộ cơ thể nước này chỉ cho phép lấy trong trường hợp người chết não
dẫn tới tim ngừng đập và trường hợp tim ngừng đập tại bệnh viện. Còn đối
với trường hợp tim ngừng đập tại nhà, cấp cứu và đưa đến bệnh viện,
pháp luật Cộng hòa Pháp không cho phép lấy mô, bộ phận cơ thể vì đây là
trường hợp tương đối tế nhị vì người nhà bệnh nhân sẽ không thể hiểu
tại sao một người chết rồi vẫn được tiếp tục áp dụng các biện pháp hồi
sức, cấp cứu và chở đến bệnh viện chỉ để phục vụ mục đích lấy tạng hay
trường hợp tìm ngừng đập do ngừng chăm sóc. Các nước Bắc Âu và Tây Ban
Nha cho phép lấy tạng trong trường hợp này, tuy nhiên lại không được
pháp luật Pháp chấp nhận.[21]
Còn ở Việt Nam pháp luật chưa có quy định về trường hợp lấy mô, bộ phận
cơ thể trong trường hợp tim ngừng đập, nhưng gián tiếp có thể hiểu
trường hợp tim ngừng đập do chết não và đảm bảo các điều kiện quy định
trong Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006
thì vẫn có thể tiến hành được.
2.4. Về cơ chế đồng ý hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết
Trong các bộ luật các nước đã ban hành đều nằm ở một trong hai hệ thống: hệ thống suy đoán đồng ý (presumed consent system hay opting-out system). Và hệ thống chủ động đồng ý (express consent system hay opting-in system).
Ở các nước theo hệ thống suy đoán đồng ý như: Pháp, Tây Ban Nha, Na Uy,
Bồ Đào Nha, Áo, hoặc Bỉ, pháp luật coi những người không thể hiện quan
điểm đối lập với việc hiến mô, bộ phận cơ thể khi họ còn sống nghĩa là
họ sẵn sàng hiến mô, bộ phận cơ thể của họ khi chết. Hệ thống này dựa
vào giá trị rằng các cá nhân sẵn sàng hiến mô, bộ phận cơ thể của họ.
Còn ở những nước quy định theo hệ thống chủ đồng ý như Anh, Mỹ,
Newzealand, Đức, Hà Lan… trái lại chỉ những bệnh nhân trước khi chết thể
hiện nguyện vọng muốn hiến thì mới được coi là người hiến[22].
Cả hai mô hình của đồng ý, suy đoán và chủ động đều dựa trên nguyên lý
“sự mong muốn của người chết là cở sở quyết định và nó phải được tôn
trọng”[23]
Thực tế ở Tây Ban Nha cho thấy cơ chế suy đoán sự đồng ý mang lại hiệu
quả thi gom mô, bộ phận cơ thể cao hơn cơ chế chủ động đồng ý. Căn cứ
vào biểu đồ UNOS (Mỹ) cung cấp về tình hoạt động lấy tạng ở Mỹ, chúng ta
thấy số ca ghép tạng lấy từ người sống tăng nhanh tới 6499 ca vào năm
2001 lớn hơn số ca ghép tạng lấy từ người chết nhưng bản thân số ca ghép
tạng lấy từ người chết cũng tăng. Theo số liệu thống kê cũng cho thấy ở
một số nước Châu Âu từ 1996-2001 chúng ta có thể thấy tỷ lệ tăng giảm
tương đối ổn định. Đối với Pháp tỷ lệ lấy tạng ở người chết não đã tăng
từ 15 đến 20 trường hợp lấy trên 1triệu dân. Với số dân 60 triệu người,
tức là có 1200 ca lấy tạng từ người chết não và lấy được trên dưới 2000
tạng, 2400 thận, 1500 tim. Còn theo thống kê của Tạp chí Lancet thì từ
năm 1989 tức là từ khi Tổ chức cấy ghép quốc gia Tây Ban Nha (ONT) chính
thức đi và hoạt động đến nay tỷ lệ người hiến năm 1989 là 14,3 người/1
triệu dân lân 33,7 người hiến/1 triệu dân năm 2002.[24]
Tuy nhiên, thực tế áp dụng cho thấy hiện nay có một
số quốc gia có thiên hướng theo cơ chế suy đoán đồng ý ngày càng tăng.
Có thể kể ra một ví dụ như Ở Vương quốc Anh, Hội Y học nước này trong
những năm gần đây đã kêu gọi sự điều chỉnh pháp luật Anh từ chủ động
đồng ý sang cơ chế suy đoán sự đồng ý (British Medical Asociation,
2003). Thậm chí ở những nước có hệ thống y tế kém phát triển cũng có sự
ủng hộ đối với cơ chế suy đoán đồng ý như Mexico. Một bản dự thảo luật
đã được trình vào năm 2000 với mục đích chấp nhận hệ thống suy đoán đồng
ý và các nhà lập pháp Achentina bỏ phiếu ủng hộ hệ thống này vào năm
2004.
Pháp luật Việt Nam có quy định tương đối cụ thể về cơ
chế đồng ý hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống và cơ chế hiến mô, bộ
phận cơ thể, hiến xác sau khi chết. Trong đó quy định cá nhân đủ điều
kiện luật định thực hiện hiến mô, bộ phận cơ thể dựa trên cơ chế chủ
động đồng ý (tức là người hiến dù trong trường hợp hiến khi còn sống hay
hiến sau khi chết đều phải có Thẻ đăng ký hiến bằng văn bản tại cơ sở y
tế có thẩm quyền). Tuy nhiên, luật cũng quy định một số trường hợp
ngoại lệ như: đối với trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống mà
trong trường hợp cấp cứu mà cần phải ghép mô hoặc cần ghép mô cho cha,
mẹ, anh, chị, em ruột thì được phép lấy mô của người chưa đăng ký hiến
nếu có sự đồng ý của người đó (Điều 14, Luật Hiến, lấy ghéo mô, bộ phận
cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006) hay trường hợp không có thẻ hiến mô,
bộ phận cơ thể người sau khi chết thì việc lấy phải được sự đồng ý bằng
văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc
đại diện các con đã thành niên của người đó. (Điểm c, khoản 2, Điều 21,
Luật Hiến, lấy ghéo mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006). Trong
hai trường hợp này để đảm bảo cho việc cứu chữa người bệnh Luật cho
phép không cần phải có Thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể.
2.5. Về mục đích của việc hiến mô, bộ phận cơ thể người
Đa phần các nước trên thế giới đều quy định rõ sử
dụng cho mục đích chữa bệnh và nghiên cứu khoa học… Cũng giống như Pháp,
Tynidi, mục đích hiến mô, bộ phận cơ thể người ở Ma rốc cũng chỉ được
thực hiện trong một số mục đích nhất định như hiến vì mục đích chữa bệnh
hoặc nghiên cứu khoa học, do các cơ sở được cấp phép đảm nhiệm. Ở Việt
Nam pháp luật hiện hành quy định ngoài mục đích hiến mô, bộ phận cơ thể
được hiến và sử dụng vào mục đích chữa bệnh và nghiên cứu khoa học thì
hiến mô, bộ phận cơ thể còn được sử dụng vào mục đích giảng dạy. (Xem
thêm Khoản 2, Điều 4, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến,
lấy xác năm 2006).
2.6. Về tính thương mại trong hiến mô, bộ phận cơ thể người.
Theo các công ước quốc tế về nguyên tắc thì mô, bộ
phận cơ thể không được coi là hàng hóa và không được coi là có tính
thương mại (tức có thể trao đổi mua bán). Tuy nhiên qua pháp luật
các quốc gia và qua các nghiên cứu có thể thấy pháp luật quy định là
vậy nhưng quan điểm vẫn còn khác nhau.
Một số nước quy định trực tiếp trong luật là không
thừa nhận tính thương mại của mô, bộ phận cơ thể người và thậm chí không
coi mô, bộ phận cơ thể như một tài sản theo nghĩa thuần túy có thể trao
đổi, mua bán, tiêu biểu cho quan điểm này là Pháp, Đức,… Điều16-5 Bộ
luật Dân sự Cộng hòa Pháp quy định: “Mọi thỏa thuận được giao kết
nhằm mục đích sử dụng cơ thể người, các bộ phận cơ thể người hoặc các
sản phẩm từ cơ thể như một tài sản đều vô hiệu”. Cộng hòa Pháp không
thừa nhận việc sử dụng xác, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại
vì họ cho rằng nó sẽ làm mất đi đạo đức, tình cảm giữa con người với
con người.
Quan điểm khác cho rằng nên thừa nhận hiến mô, tạng
vì mục đích thương mại vì bộ phận cơ thể là tài sản, mỗi cá nhân khi cho
đi một phần bộ phận cơ thể, họ có quyền nhận lại một lợi ích vật chất
nhất định đó là quyền hoàn toàn chính đáng và đảm bảo người mua, kẻ bán,
người trung gian đều có lợi trong vấn đề này. Mặt khác nhu cầu về ghép
bộ phận cơ thể trên thực tế là rất lớn, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra
để có được thứ mình cần [25] quan
điểm này có vẻ giống với với quan điểm của một số nước như: Mỹ, Iran… Ở
đó do văn hoá người dân ở đây họ sống thực dụng và ở các nước này đã
hình thành thị trường mô, tạng mà mọi người có thể trao đổi mua bán.
Theo nhà kinh tế học đạt giải Nobel 2003 Gary Baker, ông tính mỗi xác
người ở Mỹ có giá khoảng 220.000USD, mỗi quả thận có giá vào khoảng
45.000 USD trên thị trường Mỹ và dưới 20.000USD ở Trung quốc nơi mà
người ta có thể mua một lá gan với giá 40.000USD và noãn cầu với giá
5.000USD [26]. Còn theo báo cáo của Tổ chức Phi Chính phủ Annes Internation và Orans Watch thì
10 nước trên Thế giới đã có dịch vụ ghép tạng đó là Braxin, Bungari,
Haiti, Ấn độ, Mêxico, Môndova, Mozambique, Pakistan, Paragoay, Pêru,
Elsanvado, Thổ Nhĩ kỳ[27].
Và để có nguồn mô, tạng cho hoạt động cấy, ghép này chắc rằng không chỉ
được lấy từ những nguồn hiến tặng mà có cả ở những trường hợp mua bán…
Bên cạnh hai quan điểm trên có quan điểm dung hoà hơn
là họ cho rằng nên thừa nhận việc hiến xác, hiến bộ phận cơ thể người
vì mục đích thương mại nhưng trong một giới hạn nhất định. Để lập luận
cho quan điểm của mình họ đưa ra ví dụ như: một người phạm một tội đặc
biệt nghiêm trọng họ bị Toà án tuyên tử hình mà gia đình họ rất khó khăn
cha mẹ họ già cả không có khả năng lao động, họ muốn bán bộ phận cơ thể
mình để lấy một khoản tiền nhất định đền đáp công ơn nuôi dưỡng của cha
mẹ mà họ đã không thực hiện được, đương nhiên việc bán này phải được
giữ bí mật.
Mặt khác họ biện luận rằng pháp luật cấm hiến mô,
tạng vì mục đích thương mại nhưng tính khả thi không cao vì giữa người
cho và người nhận họ thoả thuận với nhau, anh bán tạng cho tôi, tôi sẽ
trả anh một khoản tiền nhất định nhưng để che giấu pháp luật họ thể hiện
thể hiện ra ngoài là hiến một cách tự nguyện không cưỡng ép, ép buộc
trong dân sự gọi đây là hợp đồng giả tạo và trái pháp luật vì bộ phận cơ
thể người không phải là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hoá, biết
là trái pháp luật nhưng liệu pháp luật có kiểm soát được ?. Do đó chúng
ta chúng ta cần có cái nhìn đa diện về vấn đề này, đây là những vấn đề
rất thực tế mà chúng ta, đặc biệt là những nhà làm luật cần xem xét để
có được lựa chọn phù hợp.
Còn ở Việt Nam, Điều 35 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Nghiêm cấm việc nhận, sử dụng bộ phận cơ thể của người khác vì mục đích thương mại." và Điều 4 Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006 ghi nhận vấn đề này thành nguyên tắc "Không nhằm mục đích thương mại”. Việc pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc sử dụng bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại theo chúng tôi là hợp lý, bởi:
- Về mặt thuật ngữ bản thân từ “hiến” cũng thể hiện
rõ tính tự nguyện của việc hiến xác, hiến bộ phận cơ thể người mà không
cần đòi hỏi bất kỳ sự trao đổi lợi ích vật chất nào do đó đã nói đến hiến
thì không thể vì mục đích thương mại mà vì mục đích cao quý hơn rất
nhiều đó là nhằm cứu chữa người bệnh hoặc vì mục đích phục vụ sự nghiệp
nghiên cứu y học tìm ra những phương thức để phòng, chữa trị cho những
người mắc bệnh hiểm nghèo.
- Đó là sự tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách,
lá rách ít đùm lá rách nhiều, con người sống với nhau rất tình cảm điều
này được thể hiện rất rõ khi có phong trào phát động nhân dân quyên góp
giúp đỡ người nghèo như Ngày vì người nghèo hay cuộc vận động
nhân dân quyên góp giúp đỡ, ủng hộ những người bị nhiễm chất độc màu da
cam cải thiện đời sống và đấu tranh đòi công lý, đòi quyền lợi chính
đáng của mình…Do đó nếu ta làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân
hiểu được vai trò ý nghĩa của việc hiến xác, bộ phận cơ thể người thì
tác giả tin rằng sự ủng hộ của người dân không chỉ trên lời nói mà bằng
cả hành động sẵn sàng hiến.
- Bộ phận cơ thể người mặc dù có tính giá trị và giá
trị sử dụng nhưng nó không phải là cái con người có thể tạo ra trong quá
trình sản xuất mà đó là tạo hoá ban tặng cho mỗi người và nó tạo thàmh
sự thống nhất của cơ thể con người để con người có thể tồn tại và phát
triển bình thường, nó gắn liền với quyền nhân thân của mỗi người do đó
nó không được coi là hàng hoá như vậy nó đương nhiên là không được phép
trao đổi mua bán trên thị trường vì mục đích thương mại.
Nói đến vấn đề này, chúng tôi cho rằng không nên đồng
nhất tính thương mại của việc hiến xác, bộ phận cơ thể người với việc
người hiến xác, bộ phận cơ thể được đền bù một lợi ích nhất định. Đây là
hai vấn đề đều đem lại lợi ích cho người hiến xác, bộ phận cơ thể
người, tuy nhiên hai vấn đề này nó lại tác động theo hai hướng khác
nhau. Nếu hiến xác, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại trả tiền
mua bán như tài sản thông thường không phù hợp với văn hoá và đạo đức
xã hội của nước ta, thậm chí là trái pháp luật và tạo ra những tác động
xấu đối với đời sống đối với đời sống xã hội và tới hoạt động quản lý
việc hiến xác, hiến bộ phận cơ thể người. Ngược lại việc đền bù cho
người hiến xác, bộ phận cơ thể người như người hiến hoặc thân nhân của
họ có thể nhận được những ưu đãi, hỗ trợ nhất định về y tế, thậm chí về
kinh tế… không mang tính ngang giá mà xuất phát từ tình cảm, từ sự tri
ân là phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức của người Việt Nam[28].
Qua đó tác giả kiến nghị các nhà làm luật cũng nên
xem xét cân nhắc về vấn đề này để có quy định phù hợp với hoàn cảnh thực
tế của nước ta.
2.7. Về cơ quan quản lý hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và Ngân hàng mô
Ở Pháp để đảm bảo cho hoạt động hiến, lấy ghép mô, bộ
phận cơ thể được tiến hành chuyên nghiệp, hiệu quả, nước này đã thành
lập Trung tâm cấy, ghép quốc gia từ rất sớm, Trung tâm này trước đây có
Bộ phận tổng giám đốc chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Sau đó năm 2005 Trung tâm này được đổi tên thành Cơ quan y sinh quốc gia
có Cơ quan y sinh quốc gia[29].
Còn ở Tây Ban Nha sau khi Luật về hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể
người được ban hành năm 1979 thì đến năm 1989, Tổ chức cấy ghép quốc gia
(ONT) đã chính thức ra đời và đóng vai trò quan trọng trong việc giúp
Tây Ban Nha trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về
hiến mô, bộ phận cơ thể phục vụ chữa bênh và nghiên cứu khoa học[30].
Ở Ma rốc không có cơ quan độc lập ở cấp độ quốc gia
có trách nhiệm quản lý hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người mà
nhiệm vụ này do Bộ Y tế nước này trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, nước này
có một Hội đồng tư vấn về ghép bộ phận cơ thể người, mặc dù vậy thực tế
Hội đồng này vẫn chưa hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó để đảm bảo nguồn
mô dự trữ cho việc cấy, ghép mô, pháp luật Ma rốc có quy định về việc
thành lập các Ngân hàng mô, nhưng cho đến năm 2006 nước này mới chỉ tập
trung vào đào tạo cho đội ngũ cán bộ y tế và các ca ghép giác mạc chủ
yếu lấy nguồn từ việc nhập khẩu ở nước ngoài. Khác với Ma rốc, pháp luật
Tuynidi quy định một cơ quan độc lập quản lý tập trung hoạt động hiến,
lấy ghép mô, bộ phận cơ thể gần giống với mô hình của Pháp, đó là Trung
tâm quốc gia về phát triển ghép bộ phận cơ thể người (gọi tắt là CNPTO).
Cơ quan này độc lập với Bộ Y tế và có cơ cấu tổ chức gần giống với Cơ
quan y sinh Cộng hòa Pháp. Bên cạnh đó, để phục vụ cho hoạt động hiến,
lấy, ghép mô được hiệu quả cũng giống như Ma rốc, Tuynidi cũng thành lập
một ngân hàng mô quốc gia trực thuộc CNPTO[31].
Còn ở Việt Nam, pháp luật cũng dành hẳn một chương quy định về Ngân
hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép mô, bộ phận cơ thể người
(Điều 35 đến Điều 38, Chương V). Những quy định này đã góp phần rất
quan trọng vào việc khám chữa bệnh và đảm bảo sức khỏe cho người dân
Việt Nam.
2.8. Về thủ tục hiến mô, bộ phận cơ thể người.
Theo pháp luật Cộng hòa Pháp, thủ tục đăng ký hiến
khi còn sống và đăng ký từ chối hiến sau khi chết được thực hiện thông
qua Cơ quan Y sinh quốc gia và các cơ sở y tế được cấp phép. Ví dụ về
thủ tục lấy mô, bộ phận cơ thể hiến sau khi chết ở Pháp, trước tiên là
tiến hành cứu chữa cho người đó, nếu người bệnh đó không thể cứu chữa
được thì cần phải tiến hành chuẩn đoán để biết chính xác người đó đã
chết chưa. Sau khi xác định chắc chắn rằng người đó đã chết, bước tiếp
theo là kiểm tra an toàn y tế, thủ tục này được quy định chặt chẽ trong
các đạo luật về đạo đức y sinh. Sau đó là giai đoạn tổ chức việc tiến
hành lấy mô, bộ phận cơ thể người. Sau đó là công đoạn phân phối mảnh
ghép. Tất cả các thủ tục này được quy định rất cụ thể trong pháp luật
Cộng hòa Pháp[32].
Ở Tynidi, người hiến phải thể hiện sự đồng ý của mình trước Chánh án
Tòa án Sơ thẩm nơi cư trú hoặc trước Giám đốc cơ sở y tế. Pháp luật nước
này cũng quy định người hiến có thể rút lại sự đồng ý bất cứ lúc nào,
dưới mọi hình thức. Còn ở Marốc người hiến khi còn sống phải thể hiện sự
đồng ý về việc hiến trước Tòa án sơ thẩm. Trường hợp cá nhân không muốn
hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết phải đăng ký từ chối hiến vào Sổ
đăng ký từ chối hiến tại Tòa án sơ thẩm.[33]
Ở Việt Nam, pháp luật quy định người có đủ điều kiện
quy định của Luật hiến, lấy ghép mô và hiến, lấy xác năm 2006 có quyền
bày tỏ nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể của mình với cơ sở y tế, khi
nhận được thông tin của người hiến mô, bộ phận cơ thể, cơ sở y tế có
trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận
cơ thể người. Sau khi nhận được thông báo về trường hợp hiến xác, bộ
phận cơ thể người, Trung tâm điều phối quốc gia về bộ phận cơ thể có
trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế có đủ điều kiện về trang thiết bị,
về đội ngũ cán bộ y tế để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến.
Khi nhận được thông báo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận
cơ thể người, cơ sở y tế quy định tại Điều 16 của Luật này có trách
nhiệm trực tiếp gặp người hiến để tư vấn thông tin có liên quan đến
hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể và hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu
đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khoẻ cho người hiến. Đến đây, người
hiến mô, bộ phận cơ thể người để được hiến phải đảm bảo được điều kiện
về sức khoẻ. Còn trường hợp hiến xác sau khi chết thực hiện theo quy
định điều 19 của Luật này.
Có thể thấy về thủ tục hiến mô, bộ phận cơ thể ở các
nước được quy định khá rõ ràng và cởi mở các thủ tục này nhằm đảm bảo
quyền được hiến của cá nhân và bảo đảm tính tự nguyện của họ trong quá
trình hiến hoặc từ chối hiến… mà không phải chịu các chế tài từ nhà
nước.
Qua những chấm phá trên về quy định pháp luật của một
số nước trên thế giới về hiến mô, bộ phận cơ thể, một số gợi mở sau cần
được nghiên cứu ở Việt Nam.
- Một là, về các nguyên tắc hiến, lấy mô, bộ
phận cơ thể. Chúng tôi cho rằng việc bảo đảm an toàn sức khỏe, tính
mạng, tâm lý cho người hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống đóng vai trò
quan trọng, thậm chí việc thực hiện vấn đề này có vai trò quyết định
đến số lượng người tham gia hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống. Ở nước
ta về quy trình thủ tục lấy mô, bộ phận cơ thể được quy định khá chặt
chẽ, tuy nhiên chúng tôi cho rằng cần quy định vấn đề bảo đảm sức khỏe,
tính mạng và tâm lý trở thành một nguyên tắc của luật là cần thiết. Pháp
luật Việt Nam nên quy định cụ thể bảo đảm an toàn y tế và cẩn trọng là
một nguyên tắc trong hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người;
- Hai là, về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ
thể. Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về hiến mô, bộ phận cơ
thể vì mục đích giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Chúng tôi cho rằng cần
quy định cụ thể về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể vì mục đích nghiên
cứu khoa học và giảng dạy, bởi như đã phân tích ở phần trên có thể thấy
điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể vì mục đích chữa bệnh không hoàn toàn
giống với điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể vì mục đích giảng dạy,
nghiên cứu khoa học.
- Thứ ba, về cơ chế đồng ý trong hiến mô, bộ
phận cơ thể người. Pháp luật hiện hành của chúng ta quy định việc hiến
mô, bộ phận cơ thể khi còn sống cũng như sau khi chết theo cơ chế chủ
động đồng ý (chủ động đăng ký hiến bằng văn bản, nếu không đăng ý hiến
thì con như người đó không đồng y hiến). Nghiên cứu quy định các quy
định pháp luật nước ngoài về cơ chế suy đoán sự đồng ý ở Tây Ban Nha, ở
một số nước Bắc Âu hay ở Pháp, chúng ta thấy những nước thực hiện theo
cơ chế này rất hiệu quả lượng người hiến mô tạng nhiều hơn hẳn so với
các nước theo cơ chế suy đoán sự đồng ý. Hơn nữa nhiều nước trên thế
giới đã quy định theo cơ chế chủ động đồng ý cũng đang vận động cho việc
chuyển sang cơ chế suy đoán sự đồng ý hiến, đặc biệt là hiến sau khi
chết, bởi chúng ta thấy đa phần mô tạng phục vụ mục đích chữa bệnh ở các
nước phát triển được lấy từ người chết hiến tặng. Hơn nữa ở các nước
này để tránh với ý nguyện của người hiến trước khi chết, cơ sở y tế có
thẩm quyền còn trao đổi lại với gia đình người không đăng ký từ chối
hiến về mong muốn, ý nguyện của người chết về có phản đối hay không việc
hiến mô, bộ phận cơ thể, nếu mà họ không đăng ký từ chối hiến nhưng
người thân thích của họ xác nhận là người chết đó phản đối việc hiến thì
cơ sở y tế cũng không tiễn hành lấy mô, bộ phận cơ thể người. Do vậy ở
nước ta hiện nay quy định theo cơ chế chủ động đồng ý là phù hợp với cơ
sở hạ tầng kinh tế cũng như văn hóa của người dân, nhưng về lâu dài khi
cơ sở hạ tầng xã hội đã phát triển, nhận thức của nhân dân ngày càng cao
trong khi nhu cầu cấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ngày càng lớn thì việc
nghiên cứu quy định cơ chế suy đoán sự đồng ý là cần thiết.
- Thứ tư, về bảo hiểm y tế toàn dân, nhiên
cứu xây dựng bảo hiểm y tế về hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người
trong hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân nhằm hỗ trợ đắc lực cho người hiến
theo kinh nghiệm của Pháp.
Chú thích:
[1]
Mục tiêu đến năm 2020, Việt nam có thể thực hiện được khoảng 1.000 ca
ghép thận, 80 – 100 ca ghép gan, 20 – 30 ca ghép tim và 10-15 ca ghép
phổi, 2.000 ca ghép giác mạc, phải cần nhiều mô, bộ phận cơ thể người
hiến mang tính chất tự nguyện. Nếu chỉ chờ vào nguồn hiến bộ phận cơ thể
người của người thân là không thể đủ, vì vậy, việc lấy mô, bộ phận cơ
thể ở người hiến tự nguyện ngoài huyết thống và đặc biệt là ở người hiến
sau khi chết là vô cùng cấp thiết. Xem bài: Thêm một hành lang pháp lý
cho y học Việt Nam, nguồn: http://www.lawvn.net/tin-du-an/dau-tu/phap-luat/nghien-cuu-luat/mua-ban-doanh-nghiep/them-mot-hanh-lang-phap-ly-cho-y-hoc-viet-nam.
[2]
Ở Pháp việc ghép thận lấy từ thận tử thi được thực hiện từ năm 1952,
việc ghép tim và ghép gan lấy từ tử thi cũng đã triển khai từ năm 1967,
1968, mỗi năm đã hồi sinh sự sống cho hàng trăm người bệnh… Xem bài:
Thêm một hành lang pháp lý cho y học Việt Nam, nguồn: http://www.lawvn.net/tin-du-an/dau-tu/phap-luat/nghien-cuu-luat/mua-ban-doanh-nghiep/them-mot-hanh-lang-phap-ly-cho-y-hoc-viet-nam.
[3]
Xem Kỷ yếu Tọa đàm Dự thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể
người, tài liệu tham khảo lưu hành nội bộ – Bản dịch của Nhà pháp luật
Việt Pháp. Hà Nội ngày 4, 5/4/2006, tr 10.
[4] Xem: Chính phủ, Tờ trình về dự án luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, số 62/TTr-CP, Hà Nội, ngày 5 tháng 5 năm 2006.
[5]
Các luật về đạo đức y sinh Cộng hòa Pháp có thể liệt kê gồm: Luật số 94
– 653 ngày 29 tháng 7 năm 1994 về tôn trọng cơ thể người; Luật số
94-654 ngày 29 tháng 7 năm 1994 (sửa đổi) về hiến và sử dụng bộ phận và
sản phẩm của cơ thể người, về sinh con theo phương pháp khoa học và khám
thai; Luật số 2004-800 ngày 6 tháng 8 năm 2004 về đạo đức sinh học. Xem
Kỷ yếu Tọa đàm Dự thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người,
tài liệu tham khảo lưu hành nội bộ – Bản dịch của Nhà pháp luật Việt
Pháp. Hà Nội ngày 4, 5/4/2006, tr 10.
[6]
Theo quy định của Pháp gồm các tiêu chí sau: tiêu chí 1. là tính cấp
thiết để cứu sống người bệnh; tiêu chí 2, là xem xét sự phù hợp về độ
tuổi giữa người hiến và người ghép; trẻ em được ưu tiên ghép là những
người dưới 16 tuổi; tiêu chí 3, là sự tương thích về vật lý và sinh học
giữa người hiến và người được ghép; tiêu chí thứ tư là thứ tự đăng ký.
[7]
Xem Kỷ yếu Tọa đàm Dự thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể
người, tài liệu tham khảo lưu hành nội bộ – Bản dịch của Nhà pháp luật
Việt Pháp. Hà Nội ngày 4, 5/4/2006, tr 6.
([8]) Xem Khoa luận Quyền hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005; Hoàng Minh Du
[9]
Xem thêm Điều L.1232-1 Luật số 2004-800 ngày 6 tháng 8 năm 2004 về đạo
đức sinh học của Cộng hòa Pháp, Tài liệu Hội thảo Dự thảo Luật Hiến,
lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội
ngày 4, 5/4/2006.
[10]
Xem Tọa đàm về Dự thảo Pháp lệnh Hiến, lấy, ghép mô, các bộ phận cơ thể
người và khám nghiệm tử thi, tài liệu tham khảo – lưu hành nội bộ, Hà
Nội ngày 24, 25.6.2004, Bản dịch Nhà pháp luật Việt Pháp.
[11]
Xem Điều L. 1232-1, Luật số 2004-800 ngày 6 tháng 8 năm 2004 về đạo đức
sinh học của Cộng hòa Pháp, Tài liệu Hội thảo Dự thảo Luật Hiến, lấy,
ghép mô, bộ phận cơ thể người, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội ngày 4,
5/4/2006.
[12]
Xem Kỷ yếu Tọa đàm Dự thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể
người, tài liệu tham khảo lưu hành nội bộ – Bản dịch của Nhà pháp luật
Việt Pháp. Hà Nội ngày 4, 5/4/2006.
[13]
Xem thêm Kỷ yếu Tọa đàm Dự thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể
người, tài liệu tham khảo lưu hành nội bộ – Bản dịch của Nhà pháp luật
Việt Pháp. Hà Nội ngày 4, 5/4/2006.
[14] Xem Điều 5, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006.
[15] Xem bài: Gia đình VĐV Đỗ Xuân Tâm tình nguyện hiến xác con, http://vietbao.vn/Bong-da/Gia-dinh-VDV-Do-Xuan-Tam-tinh-nguyen-hien-xac-con/20327009/309/.
[16]
Xem thêm Điều L. 1211-6/7 Bộ luật Y tế Cộng hòa Pháp, điều luật này đã
quy định cụ thể danh sách các loại bệnh truyền nhiễm như virut HIV,
virut Viêm gan B, C, Giang mai, Virut HTLV, vi rút Epstein-Barr, Trùng
bạch cầu….
[17]
Ví dụ một người bị bệnh ung thư, bộ phận cơ thể của họ không thể sử
dụng cấy, ghép cho người bệnh, nhưng lại có thể được sử dụng để nghiên
cứu khoa học.
[18]
Ngoài Bộ luật Y tế Cộng đồng Cộng hòa Pháp quy định về vấn đề xác định
chết não thì Pháp còn ban hành Nghị định số 96 – 1041 ngày 2 tháng 12
năm 1996 về việc xác định chết trước khi lấy tạng, mô và tế bào vì mục
đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học.
[19]
Xem thêm: Chính phủ, Tờ trình về dự án luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận
cơ thể người, số 62/TTr-CP, Hà nội, ngày 5 tháng 5 năm 2006.
[20]
Tiêu chuẩn lâm sàng và tiêu chuẩn thời gian để xác định chết não bao
gồm: a) Hôn mê sâu (thang điểm hôn mê Glasgow bằng 3 điểm); b) Đồng tử
cố định (đường kính đồng tử hai bên giãn trên 4 mm); c) Đồng tử mất phản
xạ với ánh sáng; d) Mất phản xạ giác mạc; đ) Mất phản xạ ho khi kích
thích phế quản; e) Không có phản xạ đầu – mắt; g) Mắt không quay khi bơm
50ml nước lạnh vào tai; h) Mất khả năng tự thở khi bỏ máy thở.
[21]
Xem phát biểu của Ông Jacky Clauquin, Kỷ yếu Tọa đàm Dự thảo Luật Hiến,
lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, tài liệu tham khảo lưu hành nội bộ –
Bản dịch của Nhà pháp luật Việt Pháp. Hà Nội ngày 4, 5/4/2006.
[22] Xem thêm bài: Luật pháp và hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người trên thế giới và ở Việt Nam.
[23]
Somerville M. A. (1985), “Procurement vs “Donation – Access to Tissues
and Orgrans for Transplantation: Should “Contracting-out” Legislation be
Adopted?”, Transplantation Proceeding 17.
[24]
http//www.mse.es/ont/esp/estadisticas/donacion/dona 10.htm trích theo
http//elj.warwich.ac.uk/global/04-1/nowenstein.html (15/07/2004).
[25] Xem Website http://lamdong.gov.vn/ Mục hồ sơ – tư liệu Bài viết Thị trường của những bộ phận cơ thể người – Hoàng Thảo (tổng hợp)
[28]
Đền bù cho người hiến mô, tạng ở đây không phải là việc trả tiền hay
lợi ích khác để lấy bộ phận cơ thể của người hiến mà là đền bù cho sự đồng ý
của người hiến nên sự đền bù đó có thể là một khoản tiền để người hiến
điều trị, phục hồi sức khoẻ, sự đền bù cũng có thể là người hiến bộ phận
cơ thể sẽ được ưu tiên nếu phải cấy ghép bộ phận cơ thể ví dụ A hiến
một quả thận sau đó A bị bệnh gan cần được ghép gan thì A sẽ là người
được ưu tiên ghép trước người khác hoặc người hiến bộ phận cơ thể sẽ
được bệnh viện nơi lấy bộ phận cơ thể đó chăm sóc sau khi hiến hoặc cũng
có thể người thân thích của người hiến được khám chữa bệnh, được miễn
giảm viện phí…Do đó ta thấy sự đền bù này nó mang tính nhân văn rất cao
và nó khuyến khích mọi người tham gia hiến bộ phận cơ thể để cứu người.
[29]
Xem Kỷ yếu Tọa đàm Dự thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể
người, tài liệu tham khảo lưu hành nội bộ – Bản dịch của Nhà pháp luật
Việt Pháp. Hà Nội ngày 4, 5/4/2006.
[30]
http//www.mse.es/ont/esp/estadisticas/donacion/dona 10.htm trích theo
http//elj.warwich.ac.uk/global/04-1/nowenstein.html (15/07/2004).
[31]
Xem Kỷ yếu Tọa đàm Dự thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể
người, tài liệu tham khảo lưu hành nội bộ – Bản dịch của Nhà pháp luật
Việt Pháp. Hà Nội ngày 4, 5/4/2006, tr 12, 13.
[32]
Xem thêm Bộ luật Y tế Công cộng của Cộng hòa Pháp, Tài liệu Hội thảo Dự
thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, Nhà Pháp luật Việt –
Pháp, Hà Nội ngày 4, 5/4/2006..
[33] Xem Luật số 16-98 về cho, lấy và ghép mô, bộ phận cơ thể người của Marốc năm 1998.
SOUCE: CHUYÊN ĐỀ DÀNH CHO ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI – NĂM 2011
VIỆC SỬ DỤNG VÀO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI CẦN ĐƯỢC SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ
0 comments:
Post a Comment