Friday, October 25, 2013

SỬ DỤNG HÌNH ẢNH TRÊN BÁO CHÍ: ĐỂ LƯƠNG TÂM TỰ ĐIỀU CHỈNH

PHẠM TUẤN ĐẠT
Vừa qua, đã có một số tờ báo mở diễn đàn bàn thảo về vấn đề sử dụng ảnh trên báo chí. Đặc biệt, với vấn đề sử dụng ảnh cá nhân. Luật gia Đàm Việt (trên báo Pháp luật TP HCM số ra ngày 22/7/2008) đã đặt câu hỏi: “Theo tôi, các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ thế nào là ảnh cá nhân. Ảnh chụp một mình hay ảnh chụp chung với nhiều người trong các bữa tiệc, các cuộc đi chơi… cũng đều là ảnh cá nhân?”.
Nhà báo – luật gia Nam Thanh (cũng tại tờ báo nói trên) sau khi nêu lên một nguyên tắc được quy định trong Bộ luật Dân sự: “Muốn sử dụng ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác”, đã cho rằng: “Hiểu thế nào về vấn đề này dường như chỉ tùy thuộc vào nhận thức của từng người chứ không có một chuẩn mực pháp lý rõ ràng”.
Thật ra, nhiều người biết rằng, một văn bản luật, dù chặt chẽ đến mấy cũng không thể giải quyết thỏa đáng được tất cả những vấn đề rắc rối phát sinh hàng ngày trong cuộc sống. Bởi vậy, dùng ảnh ra sao để không gây phản cảm cho người đọc, không dẫn đến những vụ khiếu kiện của người có ảnh được đăng… hoàn toàn phụ thuộc vào độ “nhạy” của người có trách nhiệm ở các tòa báo.
Thực tế, ở ta, tuy chưa có trường hợp nào vì liên quan đến việc dùng ảnh trên báo chí mà phải… lĩnh án, song cũng đã có không ít những ì xèo , rắc rối dẫn đến đính chính, bồi thường thiệt hại. Điều đó cho thấy, việc sử dụng ảnh cá nhân trên báo chí không thể xem nhẹ.

Trong quá khứ, từng đã có vị giám đốc Sở phản ứng lại tòa báo khi cho in bức chân dung mình há miệng cười rõ tươi, mắt kính lấp lóa trong bài trả lời phỏng vấn về một vụ việc đau lòng xảy ra tại đơn vị mình. Rồi không ít gia đình tỏ ra không hài lòng khi tòa báo đưa ảnh con em họ lên mặt báo với tư cách nạn nhân (của các vụ cưỡng dâm). Họ cho như thế có thể ảnh hưởng tới tương lai con em họ. Rồi thì những bức ảnh phơi bày những sự thật quá phũ phàng…
Nói cho công bằng, với những vụ việc tương tự, cũng đã có nhiều người có trách nhiệm ở các tòa báo tỏ ra đặc biệt cẩn trọng và cao tay trong việc chọn ảnh. Tôi từng chứng kiến một vị Thư ký tòa soạn khi in bài về một vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra cách đây hơn năm (mà nạn nhân là đoàn cán bộ đi cứu trợ đồng bào bị bão lụt), đã kiên quyết không dùng bức ảnh ghi cận cảnh người chết nằm la liệt, có người hở cả lưng, bụng, trong đó có một cán bộ là Chủ tịch một phường ở TP Hồ Chí Minh.
Anh cho rằng, thiếu gì ảnh ghi lại mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Dùng bức ảnh ấy là một sự nhẫn tâm. Cũng vậy, tôi từng thấy anh kiên quyết loại bỏ bức ảnh minh họa cho bài viết phê phán một vụ tiêu cực của một vị lãnh đạo tỉnh, khi mà trong ảnh, vị ấy có tư thế không được ngay ngắn, dễ gây ác cảm nơi người đọc. Quan điểm của anh là, ảnh in kèm bài phỏng vấn thì phải dùng ảnh chụp hôm vị này tiếp chuyện nhà báo, chứ không được sử dụng bức ảnh chụp lén (hoặc do ai đó cung cấp) khi vị đang trong tư thế sinh hoạt đời thường.
Chưa hết, đã có lần anh kiên quyết buộc phóng viên của tòa soạn phải chụp lại cảnh cán bộ, nhân viên của một đơn vị đến tài trợ cho một vị giáo sư đang trong tình cảnh hôn mê sâu trên giường bệnh. Anh giải thích quyết định của mình: “Ai lại người đến tặng tiền thì đều quay về ống kính phóng viên, tay nâng phong bì, miệng cười rõ tươi. Còn người được tài trợ thì nằm thẳng băng, mặt mũi biến dạng với đủ các loại dây rợ, chai lọ lủng lẳng phía trên. Phản cảm chết đi được!”.
Theo chỉ đạo của anh, bức ảnh được chụp sau đó ghi lại hình bè bạn của vị giáo sư đang cúi bên giường bệnh, trong tư thế thăm hỏi bệnh nhân, còn người bệnh thì chỉ thấy một đôi nét thấp thoáng gọi là… Theo vị Thư ký tòa soạn này cho biết: Vì chặt chẽ trong việc dùng ảnh như thế nên từ lâu rồi, báo anh không hề gặp phải những “phản hồi không mong muốn” từ phía người đọc và các đương sự.
Từ những ví dụ trên, ta có thể thấy rằng, trong luật (kể cả dự án luật sửa đổi) có thể còn vướng những điểm này điểm khác chưa được thật chi tiết, song nếu ta thật sự cẩn trọng, có lương tâm, luôn nghĩ tới hiệu ứng từ nhiều phía đối với đối tượng ta đề cập thì mọi sự tưởng là nan giải cũng sẽ được giải quyết ổn thỏa. Bởi mọi kẽ hở của luật đều có thể được lương tâm con người điều chỉnh..
SOURCE: BÁO VĂN NGHỆ CÔNG AN

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code