Saturday, October 26, 2013

QUYỀN ĐƯỢC LÃNG QUÊN

NGUYỄN HẢI VÂN (Pháp)
Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche (1844-1900) cho rằng: “Nếu không biết cách quên, ta sẽ không biết được niềm hạnh phúc, không có tâm trạng vui vẻ, sự kỳ vọng, lòng tự hào và cũng không biết hiện tại là gì”.
Quyền được lãng quên là một trong các quyền chính đáng của con người, mặc dù trên thực tế chỉ có “quyền về hình ảnh cá nhân” là được pháp luật quy định rõ ràng trên giấy trắng mực đen. Việc tìm hiểu về tư duy pháp lý của hai thứ quyền tạm gọi là quyền được lãng quên dành cho kẻ thủ ác và quyền được lãng quên dành cho người bị hại, cho phép suy nghĩ thêm về thái độ hành xử khi đối diện với nỗi đau, sự bất hạnh của đồng loại.
Quyền được lãng quên dành cho kẻ thủ ác
Quyền được lãng quên là một thuật ngữ không chính thức tồn tại trong pháp luật hình sự các nước. Tuy nhiên đó là một khái niệm có thật trong thực tiễn xét xử và thực thi pháp luật. Đó chính là quyết định xóa án tích trong lý lịch tư pháp của một người từng bị kết án căn cứ quy định tại các điều từ điều 64-67 Bộ luật hình sự.
Động tác xóa án tích ngoài ra, nhìn từ góc độ tập quán, cũng phù hợp với câu “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Con người không ai tránh được một lần sai lầm trong đời. Chấp nhận cho người khác sửa sai là một chọn lựa mang tính nhân văn.
Lãng quên một điều gì đã xảy ra trong quá khứ đôi khi không chỉ cần thời gian mà cần cả không gian. Không gian ở đây chính là sự vắng mặt của “điều xảy ra” ấy trong hiện tại. Có nghĩa là những gì ghi nhận, nhắc nhớ lại sự việc đó, cho dù là tư liệu, bút tích hay hình ảnh cá nhân – một bằng chứng rất cụ thể gợi nhớ đến quá khứ – phải hoàn toàn biến mất khỏi tầm mắt mọi người, của dư luận xã hội.
Đến đây, sự việc có liên quan đến một quyền khác, đó là quyền về hình ảnh cá nhân.
Quyền về hình ảnh cá nhân
Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
(Điều 31 Bộ luật dân sự)
Pháp luật của mỗi quốc gia liên quan đến quyền này có sự khác nhau. Có nước công nhận, có nước không.
Nhìn chung, những nước công nhận quyền về hình ảnh cá nhân quy định trước khi công bố một bức ảnh trên phương tiện thông tin đại chúng như báo, tạp chí, trang web, truyền hình…, người công bố phải xin phép người có liên quan đến hình ảnh đó.
Nếu đối tượng trong ảnh chụp là một cá nhân, cho dù là một người không được ai biết đến, thì người này cũng có đủ mọi quyền để phản đối việc sử dụng hình ảnh của mình. Quyền này xuất phát từ khái niệm đời tư. Trước khi có thể sử dụng hình ảnh liên quan phải đảm bảo rằng người được ghi hình không bị tổn hại đến đời sống cá nhân, hình tượng riêng và bản thân họ không phản đối việc sử dụng hình ảnh đó.
Với những hình ảnh vượt khỏi khuôn khổ đời tư, những người có hình ảnh được chụp khi họ tham gia các cuộc biểu tình công khai có quyền yêu cầu xử lý sao cho không thể nhận dạng ra mình.
Ở VN, người sở hữu hình ảnh bị dùng trái phép có toàn quyền phản ứng, yêu cầu tòa án áp dụng điều 31 Bộ luật dân sự quy định về quyền tôn trọng đời tư để ngăn chặn việc sử dụng hình ảnh trái phép đó.
Một khi hình ảnh cá nhân bị công khai với ít nhiều lạm dụng sẽ có thể dẫn đến hậu quả đôi khi khó lường. Và chính lúc này cần nghĩ đến một quyền được lãng quên dành cho người bị hại.
Quyền được lãng quên dành cho người bị hại
Trong khi kẻ thủ ác có “quyền được lãng quên” thì người bị hại lại không hề có được quyền này, về mặt pháp lý và cả trên thực tế.
Một số người hoạt động trong ngành truyền thông vì niềm hăng say phục vụ công chúng, độc giả, khán giả đã không ngần ngại đăng tải những hình ảnh riêng tư của người bị hại vì muốn chuyển đến công chúng những thông tin, bằng chứng sống động nhất.
Một cá nhân, nạn nhân bị ngược đãi (như em B., giúp việc cho quán phở ở Hà Nội) hoặc bị xâm hại về tình dục, khi hình ảnh, câu chuyện của họ bị công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, họ trở nên “nổi tiếng” vì được nhiều người biết đến. Từ đó, tai nạn của họ được nhiều người cảm thông, chia sẻ và thậm chí giúp đỡ để vượt qua. Thế nhưng mặt trái của sự công khai hình ảnh là họ mất sự riêng tư. Họ sẽ bị nhận diện khi xuất hiện nơi công cộng. Trong khi ranh giới giữa sự quan tâm chia sẻ và tò mò, soi mói, gièm pha rất mong manh. Câu chuyện của họ còn được nhắc đến rất lâu. Xếp lại quá khứ để tiếp tục vui sống với họ hình như là chuyện không dễ dàng.
Điều này giải thích tại sao ở một số nước, khi lên các phương tiện thông tin đại chúng, hình ảnh, thậm chí giọng nói của nạn nhân những vụ xâm phạm hình sự cũng như dân sự có thể bị làm nhòe đi để không ai có thể nhận ra. Ngay cả nghi can luôn được giấu mặt khi bị áp giải.
Nhìn từ góc độ cá nhân, lãng quên được in dấu trong thời gian. Người không thể quên chuyện cũ sẽ khó chấp nhận quá khứ, hiện tại và tương lai của mình. Thời gian ở đây được mô tả như một chuỗi bất tận chứa đựng những lãng quên. Lãng quên hoàn toàn khác với tha thứ. Bởi vì tha thứ là hành vi dựa trên quyết định riêng của người bị hại. Họ chọn quên để tiếp tục phát triển cá nhân.
Nhìn từ cộng đồng, công nhận “quyền được lãng quên cho người bị hại” một cách nào đó chính là đã giúp những người không may tìm lại niềm vui sống như họ xứng đáng được hưởng.
Xin mượn một câu nói của P. Kayser – tác giả quyển Bảo vệ đời tư – như lời kết: “Lãng quên là một giá trị cơ bản, tồn tại trong bản chất của nhân loại. Phủ nhận hay từ chối quyền được lãng quên chính là đang nuôi dưỡng một con người bằng sự hối hận, tương lai chỉ quẩn quanh trong chính quá khứ của họ, và như thế đã dựng lên một bức tường không có lối thoát cho cá nhân đó”.
SOURCE: BÁO TUỔI TRẺ
Trích dẫn từ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code