Tính đến ngày
1-6-2008, CATPHCM đã giải quyết đăng ký thường trú cho trên 51.000 hộ
với trên 200.000 nhân khẩu cũng như đăng ký tạm trú cho 253.293 hộ với
gần 1,6 triệu nhân khẩu… Thế nhưng, cũng chính sự thông thoáng này lại
đang phát sinh ra nhiều kẽ hở, bất cập khiến các cơ quan chức năng thực
thi nhiệm vụ gặp không ít khó khăn…
Người dân được hướng dẫn làm thủ tục ĐKHK tại phòng.
Luật cư trú vẫn
giữ nguyên phương thức quản lý nhân khẩu bằng hộ khẩu, chỉ khác là thủ
tục nhập khẩu được qui định thoáng hơn. Trong một thời gian dài, hộ khẩu
là điều kiện bắt buộc mà các cơ quan hành chính tự đặt ra nhằm bó buộc
người dân khi có nhu cầu trao đổi dân sự.
Việc không được nhập hộ khẩu vào các tỉnh, thành phố
đang sinh sống làm hàng vạn người dân rơi vào cảnh khốn khó, dở khóc dở
cười mỗi khi cần tiến hành một giao dịch dân sự bất kỳ. Chính những điều
bất cập ấy, trong một thời gian dài, việc được nhập khẩu vào các tỉnh,
thành phố lớn là điều mơ ước và không tưởng đối với không ít người.
Trước khi Luật cư trú được thực thi, số người có nhu
cầu được nhập khẩu và hội đủ những điều kiện được qui định theo luật mới
tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… là rất lớn. Riêng TPHCM, con
số này ước trên 800.000 người. Cũng chính sự thông thoáng của Luật cư
trú mà ngay từ một năm trước, mọi người đều phỏng đoán sẽ có một cuộc di
dân ồ ạt từ các tỉnh thành đến các thành phố lớn.
Nhưng điều đó đã không xảy ra! Con số gần 8 triệu dân
của thành phố đã bao gồm số người sẽ được nhập cư theo luật mới (do bấy
lâu nay họ vẫn sống, làm việc và tạm trú tại TP). Mặc dù luật đã thông
thoáng hơn, nhưng một số điều luật quy định vẫn khiến việc giải quyết
nhập cư cho người dân vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là khâu chứng nhận
về nhà đất.
Nhà diện tích 81,6m2 nhưng bảo lãnh 21 người nhập khẩu
Do quy định thông thoáng của Luật cư trú chỉ
cần “có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố trực thuộc
TW từ một năm trở lên; trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ
của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý
bằng văn bản” nên nhiều hộ, nhân khẩu đã được bảo lãnh vào một nhà.
Một dãy nhà cho thuê ở P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức.
Một dãy nhà cho thuê ở P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức.
Thế nhưng, Luật cư trú lại không quy định m2/đầu
người đối với diện tích nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ được chủ nhà,
chủ hộ bảo lãnh đăng ký thường trú nên đã phát sinh hiện tượng: một hộ
bảo lãnh cho nhiều hộ, nhiều nhân khẩu vào cùng một địa chỉ nhưng thực
tế không có cư trú, gây khó khăn trong việc quản lý cư trú của địa
phương. Qua khảo sát của CATP thì đã có đến 10 chủ hộ, chủ nhà bảo lãnh
cho 34 hộ với 79 nhân khẩu (có chủ hộ bảo lãnh cao nhất là 6 hộ với 11
nhân khẩu, thấp nhất là 2 hộ 5 nhân khẩu) đăng ký vào nhà của mình (chưa
kể số nhân khẩu của chủ nhà). Như vậy, bình quân mỗi chủ nhà bảo lãnh
đăng ký hộ khẩu vào nhà của mình là 3,4 hộ với 7,9 nhân khẩu.
Một số đối tượng đã lợi dụng chính sự thông thoáng
này của luật đã bảo lãnh cho người muốn nhập hộ khẩu để lấy tiền đã gây
nhiều bức xúc trong dư luận. Một trường hợp điển hình tại Tân Bình đã
minh chứng cho điều đó. Ngày 1-2-2008, CA Tân Bình đã kiểm tra, lập biên
bản trường hợp ông Trần Công Kiêu (71 Trần Văn Dư, P13 Q.TB) vì đứng ra
bảo lãnh tới… 9 hộ với 21 người nhập hộ khẩu vào nhà mình (trong đó 7
hộ với 15 nhân khẩu đã nhập xong, 2 hộ cùng 6 nhân khẩu khác vẫn đang
nộp hồ sơ tại CATB).
Được biết, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và
quyền sử dụng đất ở của ông Kiêu chỉ có diện tích 81,6m2. Thế nhưng ông
đã cho xây nhà 3 tấm và ngăn thành 20 phòng cho thuê. Những khách thuê
nhà lại chính là người ông bảo lãnh cho nhập hộ khẩu.
Rối rắm trong quản lý
Theo trung tá Trần Thúy Trinh – Phó Đội CSQLHC về
TTXH CAQ4, thì số lượng hộ đến xin nhập mới tăng nhanh từ khi có Luật cư
trú mới. Cùng đó, số lượng người đến yêu cầu xin tách hộ cũng tăng
không kém. Do nhu cầu sử dụng điện nước tăng, giá điện nước cũng tăng và
lại áp dụng định mức theo đầu người nên phát sinh nhu cầu tách hộ ngày
càng nhiều.
Trung bình, cứ 3 ngày CAQ4 lại ký duyệt cho 10 hồ sơ
xin tách hộ, thậm chí nhà có 3 người cũng xin tách thành 2 -3 hộ khẩu.
Cứ như vậy, kho chứa hồ sơ quản lý nhân khẩu tại các đơn vị quản lý hành
chính CA các quận, huyện theo đà này có lẽ sẽ tăng theo cấp số nhân!
Chính sự không đồng bộ giữa các ngành, các cơ quan chức năng, các lĩnh
vực… trong xã hội đã nảy sinh nhiều sự bất cập như trên.
Luật cư trú mới tạo điều kiện cho người dân dễ dàng
hơn về chỗ ở nhưng nhiều vấn đề trói buộc dựa vào hộ khẩu vẫn khiến cho
sự thông thoáng của chính luật này là gánh nặng tiếp theo đặt lên vai
nhà quản lý. Nếu tình trạng phân bổ học sinh theo tuyến, hộ khẩu… vẫn
còn thì việc tách, chuyển khẩu vẫn liên tục là công việc mà CA các nơi
phải làm. Q4 đang trong quá trình đô thị hóa, đất đai, nhà cửa rất phức
tạp, phần đông vướng giải tỏa, đền bù… nên việc cấp giấy phép sở hữu
nhà, đất còn gặp nhiều vướng mắc. Phần lớn các cá nhân thường mua bán,
trao đổi nhà đất bằng giấy tay nên việc yêu cầu xuất trình giấy tờ hợp
lệ là điều không dễ thực hiện.
Bên cạnh đó, đối với diện nhân khẩu KT3 trước đây đã
được cấp sổ tạm trú có thời hạn nhưng theo Luật cư trú thì những trường
hợp này không đủ điều kiện để cấp sổ tạm trú (nhà thuộc đất lấn chiếm,
đất công, đất trong khu quy hoạch không được chủ hộ bảo lãnh) dẫn đến
người dân gặp trở ngại trong giao dịch hàng ngày, ảnh hưởng đến quyền
lợi người dân khi giải quyết công việc có liên quan; trong đó có không
ít người là cán bộ hưu trí.
Một vướng mắc khác khi thực hiện Luật cư trú xảy ra
tại các quận, huyện ngoại thành như Nhà Bè, Cần Giờ… liên quan đến vấn
đề cấp số nhà. Đó là trường hợp trong cùng một thửa đất có nhiều nhà
được xây dựng nhưng chỉ có một số nhà. Họ không được địa phương cấp số
nhà do chưa được chia tách thửa (trường hợp ông, bà, cha, mẹ chia tách
đất cho con, cháu trong cùng một khuôn viên đất để xây dựng nhà ở…). Hay
như trường hợp nhà ở được xây dựng tại thửa đất liền kề và chủ sử dụng
tự cho số nhà của nhà bên cạnh.
Sau một năm thực hiện, Luật cư trú đã phát
sinh nhiều kẽ hở khiến cho nhiều đối tượng vì mục đích cá nhân có cơ
hội đầu tư, trục lợi… gây bức xúc trong dư luận. Chính điều đó, CATP đã
có đề nghị UBNDTP tham mưu cho Chính phủ kiến nghị với Quốc hội nên có
quy định bổ sung về diện tích tối thiểu cho một nhân khẩu trong một hộ
gia đình là 8m2-10 m2 thuộc diện nhà cho thuê, nhà mượn, nhà ở nhờ của
cá nhân không có quan hệ huyết thống với chủ nhà (kể cả các nhân khẩu
của chủ nhà).
Một mặt, kiến nghị UBNDTP chỉ đạo UBND quận, huyện
khẩn trương kiểm tra, rà soát công tác lập và thực hiện quy hoạch; xóa
quy hoạch đối với những khu quy hoạch không còn phù hợp, không thực hiện
được, quy hoạch treo) để làm cơ sở giải quyết đăng ký cư trú cho người
dân theo Luật cư trú…
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ:
(Tên bài viết thay đổi do Civillawinfor)
0 comments:
Post a Comment