Saturday, October 26, 2013

HỘ KHẨU VÀ QUYỀN LAO ĐỘNG

NGUYỄN QUANG A
Năm 2006 khi thảo luận về Luật Cư trú, nhiều người trong đó có người viết những dòng này, đã đề nghị bãi bỏ chế độ hộ khẩu vì nó ảnh hưởng xấu đến thị trường lao động, gây ra sự phân biệt đối xử, vi phạm Hiến pháp, vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã long trọng ký kết, nhưng các quy định hạn chế quyền cư trú phổ quát mà cụ thể là chế độ hộ khẩu vẫn được thông qua.
Theo đó, để được đăng ký thường trú ở thành phố công dân phải chứng minh mình có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục từ 1 năm trở lên.
Ngay cả quy định trên của Luật Cư trú cũng nên được xem xét lại theo hướng huỷ bỏ, thế mà Dự thảo Luật Thủ đô dự kiến sẽ được trình Quốc hội trong năm nay lại đi ngược lại hướng đó, thậm chí còn quy định khắt khe hơn: thay cho "1 năm trở lên" dự thảo lại quy định thời gian tạm trú là "5 năm trở lên". Dự thảo đã dấy lên nhiều ý kiến phản đối.
Đây là điều không thể chấp nhận được, không chỉ vì nó vi phạm các quyền cơ bản của con người, vi phạm Hiến pháp, vi phạm bản thân Luật Cư trú (hay những người soạn thảo hiểu "từ 1 năm trở lên" có thể là 5, 10 hay 50 năm trở lên cũng hợp luật?)  mà cũng bởi vì nó không phục vụ cho sự phát triển của chính Thủ đô, nó cản trở sự linh động của thị trường lao động, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và đất nước.
Tuy nhiên, nó tạo quyền cho những người quản lý. Đừng thấy khó quản lý thì tìm cách cấm. Đó là cách hành xử của những người không có năng lực, hay của những người bị lợi ích nhóm chi phối.
Người ta thường hay vin cớ "an ninh" để giữ chế độ hộ khẩu, chế độ khai báo. Việc đó cũng chẳng khác gì việc: vì một số người mắc bệnh hiểm nghèo mà bắt toàn dân phải uống thuốc đặc trị, vừa tốn phí nguồn lực quốc gia, vừa gây phiền hà cho người dân và thậm chí gây nguy hiểm cho họ. Có các cách quản lý khác hữu hiệu hơn nhiều.
Có một điểm rất nguy hiểm là nó tạo cớ để bẫy người dân và trừng trị họ theo ý muốn của nhà chức trách. Cách làm đó không có lợi cho dân, cho đất nước cả về mặt xã hội, kinh tế lẫn an ninh, nó làm hoen ố hình ảnh của đất nước. Thủ đô càng không thể như vậy.
Nghiêm trọng hơn, dự tho còn quy định về điều kiện làm việc tại Thủ đô, người không thường trú hoặc tạm trú muốn làm việc tại Thủ đô phải có giấy phép lao động do Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cấp. Điều này vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, vi phạm hiến pháp, vi phạm các quyền công dân tạo ra sự phân biệt đối xử, bất công.
Và cũng như chế độ tạm trú, thường trú, hộ khẩu nó sẽ cản trở sự phát triển của Thủ đô, làm méo mó thị trường lao động, hạn chế nghiêm trọng tính linh động của thị trường này, nó mâu thuẫn với chủ trương hay lời nói "chiêu hiền đãi sĩ" (trong số những người nhập cư lúc đầu "vô danh tiểu tốt" sẽ có bao nhiêu nhân tài thực sự nảy sinh),…
Hai quy định này của dự thảo nếu được thông qua sẽ làm xói mòn lòng tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật, sẽ tạo ra các loại công dân thủ đô khác nhau. Không tạo điều kiện để cho người nhập cư có thể tiếp cận đến các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, v.v. Nhưng tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà chức trách liên quan để sách nhiễu, tham nhũng.
Thủ đô Hà Nội vừa được mở rộng thành một trong những thủ đô lớn nhất thế giới, thì quy định như vậy càng không thể hiểu được. Hà Nội mun trở thành thủ đô có danh tiếng trong khu vực và thế giới, muốn có sự phát triển hài hoà. Nếu để cho người nhập cư tự do, thì dân số sẽ phình lên vô độ, vượt khỏi tầm kiểm soát, nên phải siết lại các quy chế về hộ khẩu, tạm trú, thường trú và lao động. Đấy có thể là lập luận của các quan và những người soạn thảo. Song đấy là cách nhìn thiển cận.
Đó không phải là giải pháp để giải quyết các vấn đề rất khó khăn đó, mà chỉ có thể làm cho chúng trầm trọng thêm. Để giải quyết các vấn đề đó cần có tầm nhìn cả nước, tầm nhìn vùng thủ đô, nhằm xây dựng và tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn, nhiều đô thị vệ tinh hơn, nhiều nhà ở hơn, chứ không phải bằng hạn chế một cách vi hiến các quyền sơ đẳng của con người.
Phát triển thủ đô là trách nhiệm của cả nước, của mọi người dân Việt, của mọi công dân Việt Nam và mọi địa phương, nó không thể chỉ là của người Hà Nội càng không thể chỉ là "quyền" của các cơ quan hữu trách Hà Nội. Chính vì thế, tiếng nói của người dân, của các chuyên gia phải được khuyến khích cất lên, và nghĩa vụ của các nhà hữu trách là phải lắng nghe.
Không thể phát triển thủ đô bằng vi phạm nhân quyền, vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Rất mong những người có quyền thông qua luật, các đại biểu Quốc hội, hãy gương mẫu và tìm mọi cách ngăn chặn các quy định như thế. Chỉ có thế mới có thể góp phần cho Hà Nội xứng đáng là thủ đô.
SOURCE: BÁO LAO ĐỘNG CUỐI TUẦN SỐ 4 NGÀY 24 THÁNG 1 NĂM 2010

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code