Thursday, October 24, 2013

QUYỀN VỀ HỌ, TÊN CỦA CÁ NHÂN: CHUYỆN BI HÀI Ở LÀNG ĐỔI HỌ

MẠNH DƯƠNG
Sự rắc rối trong cách đặt họ tên từ bao đời nay khiến cho nhiều thế hệ kế tiếp ở xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây phải rơi vào những chuyện bi hài không đáng có.
 Đàn ông ai cũng họ… “Nguyễn”
Người dân ở Sơn Đồng vẫn quen gọi tên xã của mình là xã đổi họ. Ông già bán nước ở đầu làng tên Nguyễn Doãn Thạc giải thích: “Con gái sinh ra thì lấy “chi” (họ gốc của bố) làm họ và lấy chữ “thị” làm tên đệm, con trai thì lấy “Nguyễn” làm đầu và lấy “chi” làm tên đệm. Tất cả nam giới trong xã này đều có họ giống nhau, tức là họ “Nguyễn”. Chính vì thế mà chúng tôi cứ quen gọi nôm na xã mình là xã đổi họ”…
Chúng tôi được ông Thạc dẫn đến gặp một trưởng lão trong xóm; đó là cụ Nguyễn Khánh Lư, nguyên là nhà giáo, nhà báo và là người nghiên cứu văn hóa – lịch sử Sơn Đồng. Cụ Lư cũng là một thế hệ “đổi họ” trong xã. Là nhà nghiên cứu nhưng cụ Lư cho đến giờ vẫn chưa lý giải một cách thấu đáo về nguyên nhân của hiện tượng trên. Đối với phần đông dân số Sơn Đồng, việc “đổi họ” như là một tập tục bất khả kháng truyền từ đời này qua đời khác. Theo phỏng đoán của cụ Lư thì có thể do từ thời xưa, việc này xuất phát vì lý do dân chúng ở đây muốn phục tùng và tỏ thái độ tôn thờ triều Nguyễn. Còn theo một lý giải khác, việc thay tên đổi họ nhằm tránh sự truy sát của quân thù. Người dân tập trung lại sống với nhau, lâu dần việc đổi họ trở thành thói quen để bảo vệ gia tộc. Cũng có ý khác cho rằng, thời xưa, một người trong xã chống lại nhà vua và bị lưu đày, kể từ đó muốn được đi thi, nam giới ở đây phải đổi sang họ Nguyễn để che mắt triều đình. Họ “Nguyễn” được phân chia thành “Nguyễn thôn trong” và “Nguyễn thôn ngoài”, bao gồm các chi: Đăng, Đức, Nghiêm, Vân, Quý, Doãn, Chí, Phan, Khánh, Viết. Sở dĩ có sự phân chia như vậy vì họ “Nguyễn” được phân làm nhiều chi, như chi trưởng, chi thứ; rồi các chi lại tiếp tục phân tiếp.

Như vậy, câu chuyện về hiện tượng “đổi họ” ở Sơn Đồng cho đến nay vẫn chưa ai vén được bức màn bí ẩn. Ngay cả chính quyền địa phương cũng chỉ biết vậy và chấp nhận như một thực tế.
Những chuyện bi – hài
Đối với nam giới, việc đổi họ không bị ảnh hưởng nhiều đến những vấn đề liên quan đến giấy tờ, thủ tục hành chính vì dù sao cũng cùng họ “Nguyễn” với cha. Nhưng nữ giới thì lại khác, đối với những đứa trẻ còn trong độ tuổi đi học ở xã, ở huyện thì dễ được thông cảm vì chính quyền ở đây ai cũng hiểu. Lớn lên một chút, đi học đại học là bị bắt bẻ, hoặc ít ra bạn bè dè bỉu vì… “bố mẹ bỏ nhau!”. Nguyên nhân là do ông bố trên giấy khai sinh lại khác họ.
Một câu chuyện mới đây là của chị Viết Thị Lan. Gia đình mua cho chị chiếc xe máy để tiện việc buôn bán. Sau cả ngày trời xếp hàng làm thủ tục đăng ký xe thì sự vui mừng lúc đầu của chị tan biến khi cảnh sát trạm đăng ký bắt bẻ chuyện hộ khẩu vì lý do con và cha không cùng họ. Phải mất cả ngày trời xin giấy xác nhận của xã chị Lan mới đăng ký được xe, nhưng chị cũng bắt đầu băn khoăn đến sự phiền phức nếu sau này chuyển đổi người sử dụng hoặc bán chiếc xe nói trên.
Trường hợp của chị Khánh Thị Vân, đi làm ăn xa, mãi tận miền Trung Tây Nguyên lại là ví dụ khác. Sau thời gian tìm hiểu chuyện yêu đương và được bạn trai hỏi cưới, thủ tục về phía nhà gái coi như đã xong nhưng khi đăng ký kết hôn thì phía chính quyền nơi đăng ký thường trú của nhà trai lại bác vì lý do giấy tờ liên quan đến nhân thân… không khớp. Lấy nhau rồi, chị Vân còn phải làm công đoạn là về tận quê để xin xác nhận “ông bố khác họ trên giấy khai sinh kia chính là ông bố ruột” và đem về nộp cho nhà chồng để xin đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên, chị Vân là trường hợp may mắn vì chỉ liên quan về mặt… giấy tờ. Hoàn cảnh của chị Nghiêm Thị Hằng khiến không ít người ở xã phải rơi nước mắt. Dân làng kể rằng, cách đây nhiều năm, chị Hằng yêu say đắm một người đàn ông trên Hà Nội và đã có thai với anh ta. Nhưng khi người đàn ông kia thưa chuyện thì gia đình anh ta không đồng ý cũng vì lý do “nó là đứa con không có cha”. Giải thích mãi không thấu, người đàn ông kia đành bỏ rơi chị. Oan ức không giải được, cộng với chuyện bị người yêu phụ bạc, chị Hằng đã mấy lần tự tử không thành, giọt máu kia của chị cũng chỉ là một sinh linh tội nghiệp. Từ đó, chị Hằng sống như tỉnh, như mê…
Những trường hợp trên chỉ là số ít trong sự rắc rối mà người dân Sơn Đồng gặp phải trong cuộc sống hiện tại. Họ có thể bị phiền phức với bất kỳ vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, luật pháp hoặc cả những câu chuyện không có tên gọi. Bọn trẻ ở đây chứng kiến nhiều chuyện nên chúng cũng ý thức được vấn đề, có đứa được bố mẹ “trả lại họ” nhưng đa phần theo cách gọi nửa đùa mà chúng tự nhận mình là “người không mang họ”. Cụ Nguyễn Viết Vi, cháu 18 đời của Thượng thư Nguyễn Viết Thứ xưa kia, than phiền: “Cái họ, cái tên là vật báu mà cha mẹ ban tặng đi theo mình suốt cuộc đời. Nhưng để xảy ra cớ sự thì chính người làm cha, làm mẹ lại là người đau lòng trước tiên. Cũng nên cần một sự thay đổi lắm chứ!”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một lãnh đạo xã Sơn Đồng cho biết, chính quyền đang vận động, thuyết phục từng hộ dân thực hiện nếp sống mới, văn minh, văn hóa; trong đó có nội dung về việc đặt họ tên khai sinh cho những đứa trẻ. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho biết, để thay đổi suy nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân là không hề dễ dàng và cần có quá trình tác động dần dần. Không thể dự đoán được quá trình tác động đó phải kéo dài trong bao lâu nhưng từ thực trạng đang diễn ra tại đây thì có thể khẳng định, còn nhiều thế hệ với nhiều con người nữa sẽ phải hứng chịu những chuyện bi hài.
SOURCE: BÁO THANH NIÊN NGÀY 18 THÁNG 7 NĂM 2008

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code