Thursday, October 24, 2013

SỬ DỤNG ẢNH ĐỜI TƯ CÁ NHÂN PHẢI XIN PHÉP

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc
Quy định sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó, nếu dưới 15 tuổi thì phải có sự đồng ý của gia đình… có khả thi, thưa ông?


- Quy định như thế là chặt chẽ, phản ánh tình trạng lâu nay sử dụng hình ảnh cá nhân hơi dễ dãi. Nhưng theo tôi, đúng là phải tính đến tính khả thi. Hình ảnh trong sinh hoạt bình thường, chẳng hạn tường thuật về một hội thảo nào đó, mình lên phát biểu, người ta chụp đưa lên báo thì cũng phải xin phép à? Hoặc trong sinh hoạt nào đấy có hình ảnh cá nhân như lễ hội, mít tinh… thì như thế nào?
Thật ra sử dụng hình ảnh phải xin phép là thuộc về đời tư của người ta. Bộ luật Dân sự hiện hành cũng đã quy định rồi nhưng chưa nghiêm.
Nhưng với quy định như vậy cũng chưa đầy đủ và chưa thực hiện được?
Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền: 1. Tự mình cải chính;
2. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai;
3. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.
(Điều 25, dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi)
- Ý tôi muốn nói là tính khả thi. Tức là có chuyện phiền phức cho người có hình ảnh. Chẳng hạn bây giờ hình ảnh của một đồng chí lãnh đạo, hàng chục báo đưa thì đều phải đến xin phép à?- Quy định trong dự thảo Bộ luật về quyền của cá nhân đối với hình ảnh có ”đuôi” là ”trừ trường hợp pháp luật quy định”, vậy pháp luật quy định ở đâu?
- Cái đó tôi không thích lắm! Như thế người sử dụng luôn luôn ở trong tình trạng nơm nớp không biết đã hết các quy định chưa. Một người làm thế nào theo dõi hết những quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề ấy? Rồi thì hôm nay quy định thế này mai còn bổ sung thế khác? Như thế tạo ra tình trạng không ổn định về mặt tâm trạng giữa người trong giao lưu dân sự với nhau. Tôi rất mong là nên bỏ cách quy định ấy đi.
Hiện nay đã có quy định trường hợp nào sử dụng hình ảnh cá nhân không phải xin phép?
- Chưa, cho đến bây giờ chưa có. Hôm qua (Quốc hội thảo luận về dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi), có đồng chí phát biểu, kỳ này cái số ”theo quy định của pháp luật” còn hơn bộ luật hiện hành. Bằng cách đó chúng ta biến luật thành luật khung trong khi trên thực tế không có luật nào quy định thêm nữa. Nhưng như thế tạo nên tâm trạng: ”À, luật này vẫn đang là luật khung! Mới khung thế này còn chờ quy định cụ thể”.
- Theo ông, những trường hợp nào sử dụng hình ảnh không phải xin phép?
- Đấy là tuỳ vào  tính chất của việc sử dụng hình ảnh. Có lẽ được sử dụng là những hình ảnh trong sinh hoạt chung như tôi đã nói. Trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân đụng chạm đến đời tư người ta thì phải xin phép.
Vừa qua, có việc sử dụng hình ảnh đời tư của cá nhân, người mẫu đưa lên lên mạng Internet…?
- Cái đó là ”trộm” rồi! Cách làm không đẹp và động cơ không tốt! Như thế có thể bị kiện. Báo chí lâu nay cũng phải nghĩ mình chưa chặt chẽ với bản thân mình lắm!
Tương tự, bảo vệ quyền bí mật đời tư lâu nay đã làm khó các nhà văn, nhà báo, nhà viết sử sử dụng tư liệu về cá nhân trong lịch sử?
- Vấn đề là phải có thời hiệu của nó. Ngay bây giờ quyền xuất bản cũng thế! Tác giả đã chết bao năm rồi thì tác phẩm tự nhiên trở thành một tài sản chung và mọi người đều có thể sử dụng. Chẳng hạn, giữ bí mật đời tư thì làm sao tìm ra người thân. Chẳng hạn trước ở Việt Nam sau người ta sang Mỹ thì tìm thế nào?
- Hiện nay đã có quy định thời hiệu…?
- Mới quyền sử dụng tác phẩm có quy định thời hiệu trong luật về quyền tác giả.
Nhưng còn tư liệu lịch sử về đời tư của cá nhân?
- Tư liệu lịch sử thì dùng tư nhiên chứ việc gì phải xin phép ai nữa! Vấn đề là anh trích, nói từ đâu, nguồn gốc thế nào. Trừ tài liệu mật lại khác.
Nhưng có chuyện người viết sử về dòng họ, cá nhân nào đó nhưng con cháu của họ kiện xâm phạm bí mật đời tư?
- Vấn đề là anh tìm, trích tư liệu đó từ đâu. Nếu nó là nguồn tài liệu bí mật anh trích không xin phép ai cả, không xin phép gia đình thì rõ ràng trái luật. Nhưng còn tài liệu mọi người được sử dụng được thì việc gì phải xin phép. Chẳng hạn, tư liệu để trong thư viện mà lâu nay không ai đụng chạm tự nhiên anh lục ra thì anh sử dụng bình thường.
Trong luật, có trường hợp thu thập, công bố, sử dụng thông tin về bí mật đời tư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, là cơ quan nào?
- Phải chờ luật quy định. Cơ quan có thẩm quyền là cơ quan trực tiếp quản lý vấn đề đó. Có thể là Bộ Văn hoá Thông tin.
Đó là công thức rất chung. Cái gọi là cơ quan có thẩm quyền cũng chỉ là cách gọi cho nói qua mà thôi, chứ chưa đề cao đầy đủ trách nhiệm của người quy định.
Tới đây mình phải cụ thể hoá?
- Trong trường hợp đó phải rất cụ thể! Vì dân có thể làm tất cả những gì pháp luật không cấm.
Xin cảm ơn ông!
Điều 31: Quyền của cá nhân đối với hình ảnh Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điều 38: Quyền bí mật đời tư
Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
(Trích dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi)
Theo Vietnamnet 7/5/2005
CÁC THÔNG TIN KHÁC CÓ LIÊN QUAN
1. HIẾN XÁC PHẢI ĐƯỢC SỰ ĐỒNG Ý CỦA GIA ĐÌNH
”Việc hiến xác, bộ phận cơ thể của người chết được thực hiện với sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên của người đó”.

Đây là nội dung quan trọng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, đưa vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét sáng 6/5.
Lý do, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển, mặc dù hiến xác, hiến bộ phận cơ thể là quyền nhân thân nhưng việc thực hiện quyền này lại phụ thuộc rất nhiều vào cha, mẹ, vợ, chồng, con của người đã chết. Quy định này cũng để bảo đảm quyền này được thực hiện trên thực tế và phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc ta.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quyền hiến xác, hiến bộ phận cơ thể phục vụ chữa bệnh, nghiên cứu khoa học là vấn đề còn rất mới, trong thực tế chưa phát sinh nhiều. Cho nên dự thảo Bộ luật dân sự chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc với tư cách là quyền dân sự về nhân thân. Còn các vấn đề cụ thể về trình tự, thủ tục hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng bộ phận cơ thể người, xác của người chết sẽ được cụ thể hoá và quy định tại các văn bản khác.
Về quyền xác định lại giới tính, có ý kiến đề nghị không nên quy định quyền này trong Bộ luật Dân sự vì đây là vấn đề rất mới, chưa phổ biến, không phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội cũng như truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam. Nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với lý do: ”Quyền xác định lại giới tính là một trong các quyền nhân thân, quyền tự do của mỗi cá nhân khi người đó do khuyết tật bẩm sinh, chưa định hình chính xác giới tính mà cần xác định lại giới tính nhờ sự can thiệp của y học”.
Do đó, quyền xác định lại giới tính được ghi nhận trong dự thảo Bộ luật nhưng chỉ mang tính nguyên tắc về quyền dân sự còn các nội dung cụ thể sẽ được hướng dẫn sau. Các khái niệm ”khuyết tật bẩm sinh”, ”chưa định hình chính xác” giới tính trên cơ thể người cũng sẽ được làm rõ trong văn bản pháp luật chuyên ngành.
Theo ông Vũ Đức Khiển, các quyền nhân thân khác như cho phôi, quyền mang thai hộ, quyền được chết đã không được ghi nhận trong dự thảo Bộ luật. Về quyền cho phôi, nội dung này rất mới, xuất hiện cùng với sự phát triển của khoa học, nên cần thời gian nghiên cứu kỹ hơn. Về quyền được chết, theo phong tục tập quán, truyền thống căn hoá của Việt Nam và ngay cả ở nhiều nước phát triển khác thì thừa nhận quyền này trong điều kiện hiện nay là không phù hợp.
Bộ luật Dân sự là đạo luật quan trọng, liên quan sát sườn đến mọi người dân, có nhiều vấn đề nhạy cảm. Vì vậy, thảo luận của Quốc hội về Bộ luật này (cả ngày hôm nay 6/5 và sáng mai) sẽ được truyền hình trực tiếp cho cử tri cả nước theo dõi. Theo Vietnamnet ngày 6/5/2005
2. QUI ĐỊNH BẤT KHẢ THI VỀ QUYỀN HIẾN XÁC HOẶC MỘT BỘ PHẬN CƠ THỂ
Kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khoá XI đã dành nhiều thời gian thảo luận dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Nhưng đến nay, không khí thảo luận về những vấn đề còn gây nhiều tranh cãi vẫn chưa lắng xuống, đặc biệt là quyền hiến xác hoặc một bộ phận cơ thể người. Liên quan đến quyền này, ĐB Nguyễn Tài Lương (GS – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật HN) đã dành cho phóng viên Báo Lao Động một cuộc phỏng vấn.
*Thưa GS, trong dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi lần này có quy định người hiến xác hoặc một bộ phận cơ thể phải có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên của người đó. Quy định như vậy liệu có khả thi?

- Việc hiến bộ phận cơ thể, hiến xác đó là quyền cá nhân người đó. Nếu như phải có sự đồng ý của thân nhân người đó thì không khả thi – đưa ra quy định trong luật nhưng lại không thể thực hiện được. Theo tôi, chỉ cần hỏi ý kiến của một đại diện gia đình và người đại diện đó phải được các thành viên trong gia đình uỷ quyền quyết định việc này. Những công việc đó phải được thực hiện khi người hiến xác hoặc bộ phận cơ thể còn minh mẫn, tỉnh táo.
* Như GS vừa nói thì có thể coi ý nguyện của người hiến xác, hoặc bộ phận cơ thể cho khoa học như một di chúc? Và như vậy, quyền để lại di chúc là quyền nhân thân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ?

- Cần phải coi đó là một di chúc, mà đã là di chúc thì được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, hoặc nói cách khác đó là quyền nhân thân bất khả xâm phạm.
* Xin GS cho biết ý kiến của mình về vấn đề này – nhìn ở góc độ khoa học và tính nhân đạo?

- Tôi chỉ nói đơn giản, nếu sinh viên không được học tập nghiên cứu trên cơ thể con người, thì làm sao có đủ kiến thức thực tiễn để khi ra trường có thể trị bệnh cứu người tốt được? Khoa học không có những thực nghiệm trên cơ thể người thì làm sao có những nghiên cứu khả thi để phục vụ lại con người?
* Nhưng thưa GS, ở góc độ đạo lý khác làm chúng ta phải suy nghĩ. Nếu người con có nguyện vọng hiến xác hoặc một bộ phận cơ thể mà bất chấp sự đồng ý hay không đồng ý của cha mẹ, như vậy đã phải đạo lý chưa?
- Trường hợp này, cha mẹ là người dưỡng dục, sinh thành mà không đồng ý thì cũng phải chịu thôi chứ biết làm thế nào.
* Vậy thì về vấn đề hiến xác hoặc một bộ phận cơ thể không thể tách bạch được giữa quy định của luật pháp và đạo lý. Thưa GS, cũng phải có cách ứng xử thế nào cho trọn vẹn?

- Như tôi đã nói, cần thiết phải có ý kiến của 1 người đại diện gia đình chứ không phải tất cả những người thân trong gia đình như dự án Bộ luật Dân sự đã quy định. Nhưng, quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, giải thích cho gia đình và mọi người dân thấy được việc hiến xác hoặc một bộ phận cơ thể là việc làm mang ý nghĩa nhân đạo rất lớn, đó là sự cống hiến cho khoa học, cho sự phát triển nền y học của đất nước…
Theo Lao động
3. DANH DỰ, NHÂN PHẨM BỊ XÂM HẠI: BỒI THƯỜNG THẾ NÀO?
Tại hội thảo khoa học đóng góp ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự do Trung tâm Thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học (Văn phòng Quốc hội) tổ chức, đa số các ý kiến đều thống nhất: danh dự, nhân phẩm, uy tín không thể tính được bằng tiền và không thể xác định được mức đọ bị thiệt hại khi có hành vi xâm phạm, đồng thời các ý kiến cũng thống nhất rằng những khoản thiệt hại này buộc phải bồi thường. Bồi thường như thế nào thì ý kiến lại rất khác nhau. Thạc sĩ Nguyễn Minh Tuấn (ĐH Luật Hà Nội) đề nghị: “Kể từ ngày vi phạm đến ngày bồi thường thực tế, mỗi ngày phải bồi thường bằng một (hai) ngày lương cơ bản. Trường hợp xâm phạm đến tính mạng thì cha mẹ, vợ chồng, con sẽ được hưởng tiền bồi thường tính từ ngày có hành vi xâm phạm đến hết thời gian chịu tang (ba năm)/một người thân thích”.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hà Thị Mai Hiên, Viện Nhà nước và Pháp luật lại cho rằng: “Trước hết cần đề cao việc để các bên tự thoả thuận. Luật không thể định lượng được việc bồi thường mà cần xác định nguyên tắc chung: bồi thường đủ những thiệt hại vật chất và tinh thần; còn tuỳ từng trường hợp cụ thể, mức bồi thường sẽ căn cứ vào những tình tiết, điều kiện của hai bên.”
Việc hiến các bộ phận cơ thể và hiến xác, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Văn Thanh (TANDTC) không đồng ý với việc “phải tôn trọng và phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc”. Ông Thanh nói: “Quan niệm tập quán ngày nay cũng đã có sự thay đổi, đó là việc hoả táng sau khi chết. Vì vậy, quan niệm về thân xác người chết phải toàn vẹn cũng chỉ có tính chất tương đối”. Ông cũng cho rằng việc dự thảo quy định “việc hiến xác chỉ được thực hiện với sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng và con đã thành niên của người đó” chỉ nên áp dụng trong trường hợp người bị tai nạn hoặc đột tử. Còn trường hợp do ý nguyện của người đó thì không nhất thiết phải có sự đồng ý nói trên. “Ví dụ, một tử tù trước khi ra pháp trường muốn làm một việc cuối cùng có ý nghĩa là xin được hiến xác thì chúng ta có đáp ứng không? Trường hợp này phải có sự đồng ý của thân nhân không?” ông Thanh nói.
Khi tranh luận về các hình thức sở hữu, một số đại biểu yêu cầu đưa vào dự án hình thức sở hữu cá nhân. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Dương Đăng Huệ (Bộ Tư pháp) nói: “Từ hơn 10 năm nay, trong pháp luật không thấy nhắc đến khái niệm này. Theo tôi, hiện nay những điều kiện kinh tế – xã hội khách quan cho việc tồn tại của sở hữu cá nhân vẫn còn.” Nhiều ý kiến đồng tình, như Thạc sĩ Nguyễn Minh Tuấn cho rằng: “Trên thực tế thì người lao động, cán bộ, công chức cũng có thể mua cổ phần tại các doanh nghiệp niêm yết cố phiếu trên thị trường chứng khoán… Như vậy họ có thể sở hữu về vốn”. Giáo sư Huệ nhấn mạnh: “Cá nhân có quyền là chủ sở hữu đối với những tài sản mà họ muốn có và pháp luật không cấm. Tóm lại, quyền có tài sản của mỗi một cá nhân là quyền nhân thân, quyền con người, do đó phải được nhà nước thừa nhận”.
Theo Báo Pháp luật TP.HCM ngày 23/3/2005

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code