Saturday, October 26, 2013

THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN: CHO TÒA QUYỀN XÁC ĐỊNH LẠI GIỚI TÍNH?

THANH TÙNG
Luật pháp phải luôn điều chỉnh theo sự phát triển của xã hội và không được “bỏ quên” bất cứ yêu cầu nào, tranh chấp nào của người dân.
Thực tế đã có những trường hợp người dân nộp đơn yêu cầu tòa xác định lại giới tính, xác định nhiều tên gọi, nhiều hình ảnh cùng chỉ một người… Các yêu cầu này đều chính đáng và cấp thiết đối với đương sự nhưng tòa án phải từ chối thụ lý vì luật không quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.
Điều 36 Bộ luật Dân sự quy định một người có quyền xác định lại giới tính nếu giới tính bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác, cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành lại chưa hề quy định loại việc này có được tòa giải quyết hay không, giải quyết theo thủ tục nào.
Tương tự, trường hợp tự chuyển giới bằng phẫu thuật thẩm mỹ rồi yêu cầu tòa công nhận giới tính khác cũng chưa được luật hóa.
Tòa không làm thì không ai làm
Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, nhận xét với trình độ phát triển của y học hiện nay và xu hướng sống thoáng của giới trẻ thì các yêu cầu như trên đã xuất hiện và sẽ ngày càng nhiều. Nhà làm luật nên mở rộng cho tòa quyền xác định lại giới tính một người theo yêu cầu vì nó là nhu cầu phát triển tất yếu của xã hội.
Mặt khác, về nhận thức, khi y học đã công nhận một người là nữ mà trong lý lịch nhân thân và pháp luật lại cứ phải ghi là nam thì rất vô lý. Trong khi đó, nếu tòa án không đứng ra công nhận, người dân sẽ không biết cậy nhờ đến cơ quan nào giải quyết.
Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn Luật sư TP.HCM, bổ sung: Nhu cầu cải sửa giới tính trong xã hội ngày nay là nhu cầu có thật nên pháp luật phải tạo điều kiện cho đương sự thực hiện một cách công khai, hợp pháp và rõ ràng. Nếu luật tiếp tục bỏ ngỏ thì sẽ làm cho bản thân luật bị tụt hậu so với thời cuộc và cả các cơ quan tố tụng lẫn cơ quan quản lý nhà nước đều lúng túng, không biết giải quyết ra sao.

Về quy định, theo thẩm phán Hùng, thẩm quyền giải quyết các yêu cầu thay đổi giới tính thuộc về tòa có thể ghi nhận ngay trong Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi sắp tới hoặc một văn bản hướng dẫn dưới luật.
Xác định cả tên gọi, hình ảnh
Ngoài chuyện xác định lại giới tính, nhiều chuyên gia còn cho rằng nên bổ sung thêm thẩm quyền giải quyết của tòa đối với các yêu cầu xác định nhiều tên gọi cùng chỉ một người, yêu cầu xác định nhiều hình ảnh là của một người…
Một thẩm phán TAND Tối cao đưa ví dụ: Ông A từng sử dụng nhiều tên gọi khác nhau trong cuộc đời mình trước khi mất, nay một người nhờ tòa xác định các tên gọi đó đều chỉ một mình ông A để làm căn cứ yêu cầu người thừa kế di sản của ông trả nợ thay. Hay ông B bị vợ thuê thám tử chụp nhiều tấm ảnh đang ngoại tình, sau đó người vợ yêu cầu tòa công nhận người trong các tấm ảnh đó là chồng mình để có chứng cứ ly hôn xác đáng… Gặp các trường hợp này, hiện nay tòa đều phải lắc đầu vì thiếu quy định cho phép thụ lý.
Theo thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn, TAND TP.HCM, nguyên tắc tiến bộ là luật pháp phải luôn điều chỉnh theo sự phát triển của xã hội và không được “bỏ quên” bất cứ yêu cầu nào, tranh chấp nào của người dân. Vì vậy, việc bổ sung thêm cho tòa thẩm quyền thụ lý, giải quyết các loại yêu cầu trên là điều cần thiết.
Một vụ án chỉ một tòa xét xử?
Về thẩm quyền của tòa theo lãnh thổ (Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự), nhiều ý kiến cho rằng phải bổ sung nguyên tắc một vụ án chỉ do một tòa xét xử.
Cụ thể, vụ việc đã được một tòa án thụ lý theo thẩm quyền quy định tại Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự thì phải được tòa đó tiếp tục giải quyết dù các đương sự có chuyển nơi cư trú, nơi làm việc qua chỗ khác hay xuất hiện tình tiết mới làm vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án khác.
Theo luồng quan điểm này, hiện nay việc di dân cơ học xảy ra phổ biến, nhiều đương sự chuyển chỗ ở liên tục, nếu không ổn định mà cứ phải “chạy theo” đương sự thì ngành tòa án sẽ rất khó xử.
Đương sự bị cụt tay, tòa bó tay
Hiện nay, tòa chỉ có quyền tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, còn trường hợp chỉ có nhược điểm về thể chất hay tinh thần như cụt hai tay, mù mắt thì chưa biết giải quyết sao.
Chẳng hạn chúng tôi đã từng gặp một vụ án người khởi kiện bị cụt cả hai tay trong khi sức khỏe và đầu óc họ hoàn toàn minh mẫn, đủ năng lực hành vi dân sự, chỉ có điều không thể ký hay điểm chỉ vào đơn khởi kiện theo quy định. Tòa đành bó tay, không thể thụ lý vụ án, cũng không thể tuyên bố họ mất năng lực hành vi dân sự vì thực tế họ không mất mà chỉ bị hạn chế. Cho nên luật cần tiên liệu đối với các trường hợp đặc biệt này.
Một lãnh đạo Tòa Dân sự TAND TP.HCM
Tuyên bố một người cố tình giấu địa chỉ?
Hiện nay, tình trạng người thiếu nợ cố tình không cung cấp, tiết lộ địa chỉ nhằm trốn tránh việc ra tòa ngày càng nhiều. Nếu tòa cứ yêu cầu nguyên đơn phải cung cấp cho được địa chỉ của bị đơn mới thụ lý thì nhiều vụ án sẽ bị tồn đọng, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phía khởi kiện bị ảnh hưởng. Vì vậy cũng nên bổ sung thêm cho tòa quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người cố tình giấu giếm địa chỉ của mình.
Thẩm phán ĐẶNG THÀNH THÁI,
Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Định
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code