Dự án Luật Báo chí sửa đổi
đã có nhiều quy định chi tiết, rõ ràng hơn cho tác nghiệp của các nhà
báo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoảng hở trong luật. Ví dụ như vấn đề sử
dụng ảnh cá nhân vẫn chưa được đề cập một cách cụ thể. Nhiều trường hợp
báo chí bị “đáo tụng đình” vì xài ảnh tùy tiện, không xin phép.
Luật chưa rõ, lại “chỏi” nhau
Bộ luật Dân sự
quy định nguyên tắc: Muốn sử dụng ảnh cá nhân phải được người đó đồng
ý, trừ trường hợp vì lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp
luật có quy định khác. Tuy nhiên, tìm đỏ con mắt trong Bộ luật Dân sự
cũng như các văn bản liên quan, chúng tôi không thấy một điều luật nào
định nghĩa thế nào là “vì lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng”. Hiểu
thế nào về vấn đề này dường như chỉ tùy thuộc vào nhận thức của từng
người chứ không có một chuẩn mực pháp lý rõ ràng.
Đưa ảnh một kẻ trộm, một tên móc túi, một quan chức
tham ô, một giám đốc cố ý làm trái… để mọi người cảnh giác, để răn đe,
phòng ngừa chung có được xem là vì lợi ích công cộng, vì lợi ích của nhà
nước? Nếu buộc báo chí phải xin phép những người này thì thật là vô lý,
tréo ngoe nhưng nếu không xin phép, họ có thể viện dẫn luật dân sự để
kiện báo.
Trong khi đó, Nghị định 51 hướng dẫn thi hành Luật báo chí hiện hành
quy định: Không được đăng, phát ảnh cá nhân mà không có chú thích rõ
ràng làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin
các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn
nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các buổi xét
xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã
bị tuyên án). Với hướng dẫn này, có thể hiểu là báo chí được đăng tất,
kể cả ảnh cá nhân miễn sao có chú thích rõ ràng để không làm ảnh hưởng
đến uy tín, danh dự của cá nhân đó?
Luật hiện hành chưa quy định rõ ràng, lại chỏi nhau
gây khó khăn cho hoạt động của báo chí. Dự luật sửa đổi cũng chưa tính
đến vấn đề này.
Chụp ảnh phiên tòa: Nơi cho, nơi không
Cũng theo Nghị định 51, báo chí có quyền đăng ảnh các
buổi xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ
trọng án đã bị tuyên án. Tuy nhiên, trong thực tế không phải lúc nào quy
định này cũng được thực hiện một cách dễ dàng bởi nhiều câu hỏi xung
quanh vấn đề chụp ảnh tại tòa, sử dụng ảnh bị can, bị cáo, đương sự,
người có liên quan ở các phiên xử chưa có lời đáp rõ ràng. Ở các phiên
xử công khai, báo có được đăng ảnh đặc tả bị cáo hay chỉ được đăng ảnh
quang cảnh phiên tòa? Ảnh đương sự trong các vụ án dân sự, lao động,
kinh tế, hành chính thì sao? Khái niệm “các vụ trọng án” hết sức mù mờ,
không có trong luật hình sự. Vậy đối với bị cáo bình thường thì sao?…
Tháng 7-2005, tại phiên xử công khai vụ án hình sự
của một tòa án cấp quận ở TP.HCM, thư ký và chủ tọa không cho phóng viên
chụp ảnh bị cáo (một cô người mẫu bán dâm và môi giới bán dâm). Tham
gia diễn đàn trên Báo Pháp Luật TP.HCM với chủ đề chụp ảnh tại
tòa có hai luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng tòa xử
công khai, phóng viên có quyền chụp ảnh và đưa lên báo. Luồng ý kiến
thứ hai thì ngược lại, cho rằng dù họ là bị cáo ra tòa thì báo chí cũng
phải tôn trọng quyền nhân thân của họ. Việc sử dụng ảnh của họ trên báo
có thể gây tổn hại danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ. Cũng có một số
người đề xuất giải pháp: chụp sau lưng bị cáo, đương sự để không rắc
rối!
Sau nhiều ý kiến tranh cãi, lãnh đạo Tòa án TP.HCM
tạm gút: Được phép chụp ảnh tại tòa nhưng sử dụng thế nào là tùy báo và
báo phải chịu trách nhiệm về việc này. Lãnh đạo Tòa án tối cao thì nói
có thể phải phân làm hai loại: loại bị cáo đồng ý cho chụp thì mới được
chụp; loại phục vụ việc tuyên truyền cho nhân dân thì dù bị cáo không
đồng ý vẫn được chụp. Vị này nói sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa-Thông tin
(nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) ra thông tư liên tịch để hướng dẫn
việc tác nghiệp của báo chí tại các phiên tòa, trong đó có chuyện chụp
ảnh, sử dụng ảnh bị can, bị cáo, đương sự… nhưng đến nay vẫn chưa có.
Chúng tôi kỳ vọng những rắc rối xung quanh vấn đề xài
ảnh cá nhân (bị cáo, đương sự, người có liên quan), chụp ảnh và sử dụng
ảnh tại tòa sẽ được dự án Luật báo chí sửa đổi hóa giải bằng cách quy
định rõ ràng hơn. Bởi chỉ bằng cách quy định rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ
thì hoạt động tác nghiệp của báo chí mới thuận lợi, quyền và lợi ích
chính đáng của cá nhân, nhà nước và xã hội mới được đảm bảo.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
(Tên bài viết thay đổi do Civillawinfor)
0 comments:
Post a Comment