Friday, October 25, 2013

MỘT Ý TƯỞNG LẬP PHÁP CHƯA TRỌN VẸN

THS. PHẠM TRỌNG CƯỜNG
Trong thể chế tư pháp ở Việt Nam, lý lịch tư pháp (LLTP) là một vấn đề mới mẻ, ít được quan tâm, thậm chí có lúc đã bị quên lãng. Thế nhưng, đây lại là một thiết chế được định hình vững chắc trong hoạt động tư pháp của các quốc gia, trước hết vì những giá trị bổ trợ tư pháp to lớn của nó. Tuy nhiên, thiết kế hệ thống quản lý LLTP như thế nào để đạt được mục đích đó trong bối cảnh CCTP và CCHC? Đây là vấn đề cần được giải trình minh bạch với sự phân tích thấu đáo…
Lý thuyết về mục đích  quản lý LLTP…
      Những thông tin được ghi nhớ về LLTP của một cá nhân có thể coi là bức tranh phản ánh trung thực về  quá khứ của một cá nhân có hay không có tỳ vết. Do đó, khi được quản lý tốt, hệ thống dữ liệu LLTP sẽ giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xác định rõ các đặc điểm nhân thân tư pháp của cá nhân, trợ giúp đắc lực cho các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Đây là ý nghĩa quan trọng hàng đầu biện giải về sự cần thiết của hệ thống quản lý LLTP của bất kỳ quốc gia nào.
      Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, nhiệm vụ hàng đầu của hệ thống quản lý LLTP là phục vụ cho hoạt động tố tụng. Lịch sử hình thành thiết chế này trên thế giới đã khẳng định đây là một bước phát triển của lĩnh vực hoạt động tư pháp, bởi mục đích khởi nguyêncủa thiết chế này là nhằm tạo ra một công cụ bổ trợ hữu hiệu phục vụ công tác xét xử. Phiếu LLTP của một bị cáo là căn cứ để cơ quan công tố xem xét, quyết định có cần áp dụng các biện pháp ngăn chặn (VD: bắt tạm giam, bắt khẩn cấp…) đối với một bị can hay không? Trong giai đoạn xét xử, căn cứ vào Phiếu LLTP, Tòa án xem xét nhân thân của bị cáo, nắm được đầy đủ chính xác các tiền án của bị cáo, trên cơ sở đó cân nhắc các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi quyết định hình phạt.

      Cùng với sự phát triển của đời sống dân sự, ý nghĩa và công dụng của LLTP ngày càng được mở rộng để phục vụ cho công tác quản lý xã hội, quản lý nhà nước cũng như quá trình dân chủ hoá đời sống xã hội. Đây là những mục đích phái sinh khi hệ thống quản lý lý lịch tư pháp đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả và chứng minh giá trị bổ trợ to lớn của nó.
      Phiếu LLTP: sự “lượng hóa” về đạo đức trong quá khứ của một cá nhân. Trong quan niệm phổ biêæn của xã hội, một người không thể được đánh giá là có đạo đức tốt, nếu như  lý lịch tư pháp của họ thể hiện là người có án tích. Được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên sự “lượng hóa” về đạo đức bởi Phiếu LLTP mang giá trị pháp lý. Đây chính là điểm gặp gỡ trong quan niệm về LLTP của nhiều nước. Bởi vậy, Phiếu LLTP của nước ta hiện nay có mục đích cấp Phiếu nhằm giúp công dân chứng minh sự trong sáng về nhân thân tư pháp của mình, do đó, nó tương tự như Phiếu số 3 trong hệ thống Phiếu LLTP của Cộng hoà Pháp, như “lương dân chứng” (chứng nhận là công dân lương thiện) của Đài Loan, như giấy chứng nhận có sinh hoạt và tập quán tốt theo pháp luật của Hà lan, Bỉ, như giấy chứng nhận hành vi theo pháp luật của Đức.
LLTP và vấn đề phục quyền cho người được xóa án tích: LLTP có mối quan hệ mật thiết với chế định xóa án tích và khôi phục công quyền cho cá nhân được xóa án tích. Nếu một cá nhân đã từng phạm tội, bị kết án nhưng đã chấp hành bản án đó và được xóa án tích theo quy định của pháp luật thì Phiếu LLTP cấp cho cá nhân đó sẽ thể hiện nội dung xác nhận “không có tiền án”. Điều này xuất phát từ một nguyên lý truyền thống kể từ khi chế định lý lịch tư pháp được hình thành: không thể ghi nhớ vào LLTP thông tin về một can phạm bị tình nghi cũng như không thể ghi nhớ những án tích mà pháp luật quy định được xoá án tích. ở khía cạnh này, Phiếu LLTP còn mang ý nghĩa như một sự khẳng định chính thức của Nhà nước, coi người đã được xóa án tích như người chưa hề can án, tạo điều kiện để họ chứng minh nhân thân của mình khi hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng, nhất là trong việc giúp họ không bị mặc cảm và không bị phân biệt đối xử khi tham gia vào quan hệ lao động. Ở khía cạnh này, Phiếu LLTP mang giá trị nhân văn khác hẳn giấy chứng nhận xóa án do Tòa án cấp, vì nó giúp người lầm lỗi che giấu án tích của mình, để họ được hồi phục đầy đủ tư cách công dân một cách chính thức và công khai, dễ dàng hơn trong việc hoà nhập cộng đồng. Theo quy định tại Điều 63, Bộ luật Hình sự hiện hành, người được xoá án tích sẽ được Toà án cấp giấy chứng nhận xoá án. Tuy nhiên, loại giấy tờ này vẫn phản ánh về quá khứ phạm tội của cá nhân, trong khi đó, với người đã được xoá án tích, Phiếu lý lịch tư pháp sẽ xác nhận nội dung: “Không có tiền án”. Như vậy, chỉ với cách xác nhận của Phiếu lý lịch tư pháp người đã từng phạm tội mới thực sự được coi là “chưa bị kết án” và giữ kín bí mật về tiền án của mình để hoà nhập cộng đồng một cách dễ dàng hơn. Phương thức xác nhận tiền án như vậy cũng đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý lý lịch tư pháp đã bảo vệ bí mật về quá khứ lầm lỗi của người có án tích. Do đó có thể nói, bản chất nhân đạo của chế định xoá án tích chỉ được thể hiện trọn vẹn khi nó được gắn liền với việc cấp Phiếu LLTP cho người đã được xoá án tích.
      Như vậy, từ góc nhìn về công dụng, mục đích quản lý và soi xét qua thực tiễn, có thể thấy rất rõ bất cập lớn nhất về quản lý LLTP của nước ta hiện nay là: công tác quản lý LLTP mới chỉ phục vụ cho mục đích phái sinh, mà chưa phục vụ được cho mục đích khởi nguyên của nó.
Và ý tưởng lập pháp chưa trọn vẹn…
      Khoản 2, Điều 3 của dự thảo nêu 4 mục đích của quản lý lý lịch tư pháp, đó là: (1). Phục vụ yêu cầu xin cấp Phiếu LLTP của người dân; (2). Phục vụ việc tái hòa nhập cộng đồng của người có án tích; (3). Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp; (4). Phục vụ hoạt động đăng ký kinh doanh.
      Cách thể hiện quy phạm trong dự thảo phù hợp với luận điểm được nêu trong Tờ trình, đó là: “gắn việc quản lý dữ liệu LLTP với cấp Phiếu LLTP phục vụ nhu cầu của người dân“. Đây được coi là mục đích ưu tiên của việc xây dựng hệ thống quản lý LLTP, bên cạnh đó là mục đích hỗ trợ hoạt động tố tụng và hoạt động quản lý nhà nước. Tuy nhiên gắn quy phạm này với các quy định về quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP, và việc sử dụng Phiếu LLTP trong toàn bộ dự thảo, có thể thấy những điểm không tương thích của một ý tưởng lập pháp không trọn vẹn, đó là:
Thứ nhất, trong toàn bộ dự thảo, việc cấp Phiếu LLTP cho các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được đề cập rải rác, mờ nhạt tại Khoản 3, Điều 12 (về nhiệm vụ của Trung tâm LLTP quốc gia), Khoản 2, Điều 42 (về Phiếu LLTP số 2), Điều 47 (Thủ tục cấp Phiếu LLTp số 2). Các quy phạm mang tính nguyên tắc này chưa đủ để định hình về giá trị phục vụ của hệ thống quản lý LLTP đối với họat động tư pháp – mà lẽ ra phải là đối tượng phục vụ đầu tiên của hệ thống này. Câu hỏi về tính bền vững của cơ chế cung cấp – thu thập – lưu trữ – cấp phát – sử dụng thông tin LLTP được đặt ra: hệ thống tòa án, nguồn cung cấp dữ liệu “đầu vào” chủ yếu cho hệ thống quản lý LLTP sẽ nhận lại được gì từ hệ thống này để phục vụ cho hoạt động tố tụng của mình? Tính khả thi của mục đích “hỗ trợ hoạt động tố tụng” có đạt được không, khi chỉ có duy nhất 1 cơ quan là Trung tâm LLTP quốc gia có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP cho toàn bộ hàng ngàn cơ quan của hệ thống tố tụng? Thứ hai, Dự thảo luật ghi nhận mục đích phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh, nhưng tại Điều 7 (quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP) thì chỉ ghi nhận 2 đối tượng có quyền yêu cầu cấp phiếu là cá nhân công dân và các cơ quan tiến hành tố tụng, không ghi nhận quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP của các cơ quan quản lý nhà nước. Đây là sự không tương thích giữa 2 quy định. Với quy định về quyền yêu cầu cấp phiêæu như vậy, khi các cơ quan quản lý nhà nước cần sẽ yêu cầu cá nhân phải xuất trình LLTP, và như vậy, gánh nặng chi phí và thủ tục sẽ đổ dồn lên người dân.
      Liên kết các quy định về mục đích quản lý LLTP – quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP – cơ chế thu thập và cấp phát thông tin về LLTP trong dự thảo cho thấy rõ dự thảo thiên về hướng định hình một hoạt động hành chính tư pháp, chứ không phải một công vụ bổ trợ tư pháp đúng nghĩa. Câu hỏi lập pháp đặt ra là: việc đầu tư một nguồn nhân lực và nguồn kinh phí không nhỏ cho việc xây dựng mới một hệ thống sẽ là chi phí xã hội không thích đáng nếu hệ thống này được xây dựng trước hết chỉ nhằm phục vụ việc cấp Phiếu LLTP cho công dân, trong khi lẽ ra mục đích đầu tiên của hệ thống này là phải trở thành một công cụ bổ trợ tư pháp hữu hiệu, phục vụ đắc lực cho hệ thống tư pháp nói chung và hoạt động xét xử nói riêng.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Trích dẫn từ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code