PGS, TS KIM VĂN CHÍNH
Trong một xã hội dân
chủ, quyền biểu quyết được sử dụng rất rộng rãi. Quyền biểu quyết chính
là phương thức thể hiện ý chí chính trị của một cá nhân đối với những
quyết định mang tính tập thể. Tuy nhiên, cách hiểu và phương pháp thực
thi quyền biểu quyết ở nước ta còn có nhiều khác biệt. Điều đó dẫn đến
nhiều tình huống khó xử, thậm chí đôi lúc bế tắc trong lãnh đạo, quản
lý.
Việc Quốc hội thận trọng trong biểu quyết phương án
mở rộng địa giới hành chính Hà Nội là một ví dụ điển hình. Ở các công ty
cổ phần, đặc biệt là các công ty đại chúng, nhiều quyết định đã được
thông qua bất chấp ý kiến của các cổ đông nhỏ đã dẫn đến hậu quả các cổ
đông nhỏ tẩy chay công ty làm cổ phiếu công ty sụt giảm nhanh chóng.
Những quyết định cần phải được thông qua bằng phương
thức biểu quyết được gọi là quyết định tập thể – Loại quyết định này
khác hẳn với quyết định cá nhân là chỉ do một người thông qua. Xen kẽ
giữa 2 loại quyết định đó, có những quyết định mang tính kết hợp đòi hỏi
sự đồng thuận của cả tập thể và cá nhân. Ngay trong quyết định tập thể,
ranh giới để thông qua quyết định cũng không phải như nhau: Có quyết
định chỉ cần 51% phiếu tán thành, có quyết định cần một tỷ lệ cao hơn
(2/3 hoặc 3/4 số phiếu có mặt hoặc số phiếu có quyền biểu quyết), có
quyết định cần sự nhất trí tuyệt đối (mọi thành viên hoặc một số thành
viên quan trọng có quyền phủ quyết). Hình thức, thể thức biểu quyết cũng
có 3 loại: phiếu kín không ghi danh, phiếu kin có ghi danh và giơ tay
biểu quyết công khai. Trong một số định chế tổ chức, phiếu biểu quyết
cần phải ghi danh người biểu quyết (phiếu biểu quyết ghi danh, phiếu này
cũng có thể không công khai hoặc công khai cho mọi người biết).
Như vậy, về mặt kỹ thuật và thể chế, đã có sự tiến bộ
to lớn cho phép các định chế tổ chức vận dụng các hình thức, phương
pháp biểu quyết trong thực tiễn phát triển tổ chức, định hướng cho người
lãnh đạo, quản lý và mọi thành viên trong tổ chức thực hiện các quyền
và nghĩa vụ của mình.
Thực tiễn phát triển các tổ chức, doanh nghiệp ở nước
ta đã chứng tỏ quá trình phát triển, vận dụng năng động, sáng tạo và
thực hiện khá hiệu quả quyền biểu quyết trong các định chế ra quyết
định. Điều đó đã góp phần không nhỏ làm nâng cao hiệu quả hoạt động của
các định chế ra quyết định như Quốc hội, Hội thẩm nhân dân, Hội đồng
nhân dân, các định chế Hội đồng, Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị… Tuy
nhiên, còn rất nhiều việc phải làm trong thực thi quyền biểu quyết. Ở
đây, chúng tôi chỉ nêu ra hai việc sau:
1. Quyền biểu quyết phải được chính thức hóa một
cách rõ ràng, minh bạch trong các văn bản thể chế. Từ những vấn đề mang
tính quốc gia đại sự liên quan đến đồng thuận dân tộc như lãnh thổ quốc
gia, quốc ca, quốc kỳ… đến những vấn đề mang tính kỹ thuật nhưng nhạy
cảm như quy hoạch thủ đô, phê duyệt chủ trương và lựa chọn phương án
kiến trúc các công trình quan trọng quốc gia. Ở cấp độ doanh nghiệp, các
quyết định cần lấy ý kiến biểu quyết đã được ghi rất rõ trong Luật
Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Ấy thế mà nhiều doanh nghiệp vẫn để xảy ra những
tranh chấp rất khó xử lý như vụ Giám đốc Công ty Đường La Ngà ra quyết
định mua 17 tỷ chứng khoán từ tài khoản của Công ty, làm lỗ trên 6 tỷ
đồng. Rõ ràng là cần rà soát lại các văn bản thể chế, rà soát các vấn đề
cần có quyết định tập thể, xác định rõ ràng hình thức và quy trình ra
quyết định đối với các loại vấn đề khác nhau. Thể chế hóa quy trình ra
quyết định và quyền biểu quyết là một bước tiến quan trọng nâng cao hiệu
quả, hiệu lực ra quyết định, tránh được các tranh chấp hoặc khủng hoảng
quyền lực không đáng có.
2. Người có quyền biểu quyết cần nâng cao ý thức
trách nhiệm của mình trước khi "nhấn nút", "giơ tay", hoặc "đánh dấu
trên phiếu". Rất nhiều trường hợp đã xảy ra ở nhiều tổ chức: kết quả
biểu quyết kín qua lá phiếu khác hẳn với kết quả công khai qua biểu
quyết công khai. Mâu thuẫn này từng là nguyên nhân gây nên những mâu
thuẫn, đố kỵ, thậm chí thù oán dai dẳng ở nhiều tổ chức. Vậy thì, ngay
từ khâu thể chế, không thể cứng nhắc chỉ áp dụng một hình thức biểu
quyết. Khâu tổ chức biểu quyết, cần phải tuyệt đối tuân thủ tính bí mật
của các quyết định biểu quyết ghi danh nếu thể chế quy định cần giữ bí
mật danh tính.
Còn đối với người có quyền biểu quyết, cần trung thực
với chính mình, trung thực với những nhóm lợi ích hoặc cử tri mà mình
đại diện. Trường hợp không thể ra quyết định biểu quyết, bao giờ cũng có
quyền nêu ý kiến của mình trước khi biểu quyết; còn trong trường hợp
không ngả về bên nào trong các loại quyết định lựa chọn các phương án
loại trừ nhau, vẫn có quyền bỏ phiếu trắng. Rõ ràng là để nâng cao chất
lượng và hiệu quả của các quyết định biểu quyết, người biểu quyết phải
tự mình thoát khỏi tình huống "bù nhìn", "nghị gật".
Quyền biểu quyết đang trở thành phương tiện thông
dụng trong phát triển tổ chức, phát triển xã hội, đồng thời là phương
thức thể hiện ý chí chính trị và quyền dân chủ trong xã hội ngày càng
dân chủ hóa. Việc hiểu rõ và nâng cao năng lực thực hành quyền biểu
quyết của người lãnh đạo, quản lý và mọi công dân chắc chắn góp phần
nâng cao chất lượng các quyết định cần đến lá phiếu của quyền biểu
quyết.
SOURCE: LANHDAO.NET
Trích dẫn từ: http://lanhdao.net/vn/tieudiem/banluan/123705/index.aspx
0 comments:
Post a Comment