Saturday, October 26, 2013

THÔNG TIN ĐƯỢC TIẾP CẬN VÀ NỘI HÀM CỦA QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN

CHU THỊ THÁI HÀ – Bộ Tư pháp 
1. Thông tin được tiếp cận
1.1 Thông tin được tiếp cận theo kinh nghiệm quốc tế
Luật về quyền tiếp cận thông tin của các nước quy định về phạm vi thông tin được tiếp cận không giống nhau. Có hai cách chính quy định trong luật về phạm vi thông tin được tiếp cận, đó là: liệt kê một loạt các loại thông tin cơ quan công quyền có trách nhiệm phải công bố trong thời hạn luật định và sau đó là những thông tin miễn trừ tiết lộ (cách 1) hoặc xác định và liệt kê những loại thông tin không công khai, hạn chế, miễn trừ tiếp cận (cách 2).
Áp dụng theo cách thứ nhất:
Theo Pháp lệnh về Công khai thông tin của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thì phạm vi công bố thông tin là: lợi ích cốt yếu của công dân, pháp nhân hoặc tổ chức khác; các yêu cầu mở rộng kiến thức hoặc sự tham gia của công chúng; việc thành lập, nghĩa vụ hoặc các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước; các thông tin khác phải được công bố theo quy định của các luật, văn bản pháp quy khác… (Điều 9 của Pháp lệnh). Ngoài ra, Pháp lệnh còn quy định danh mục các vấn đề mà chính quyền các cấp (từ cấp xã đến cấp tỉnh) có trách nhiệm cung cấp thông tin cho nhân dân, trong đó cũng phải chú trọng đến những thông tin cơ bản mà người dân quan tâm (Điều 10, Điều 11, Điều 12). Tuy nhiên, Pháp lệnh không liệt kê các thông tin không được phép tiết lộ mà chỉ quy định nguyên tắc chung tại Điều 8 là các cơ quan nhà nước không được gây tổn hại tới an ninh quốc gia, trật tự công cộng; an ninh kinh tế và sự ổn định xã hội khi công bố thông tin của chính quyền. Và cơ quan nhà nước phải thiết lập một cơ chế toàn diện để kiểm tra và bảo vệ bí mật thông tin của chính quyền trước khi công bố (Điều 14).
Theo Luật về Quyền tiếp cận thông tin của ấn Độ thì các nhà chức trách phải lưu giữ hồ sơ và có trách nhiệm công bố trong vòng 120 ngày đối với những loại thông tin chủ yếu liên quan tới tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và nghĩa vụ, thủ tục ra quyết định, quy tắc nội bộ, danh bạ điện thoại, ngân sách… các chính sách, quyết định quan trọng có ảnh hưởng tới công chúng… (Điều 4). Bên cạnh đó, Luật quy định những thông tin mà nhà chức trách không có nghĩa vụ cung cấp, đó là các thông tin mà việc tiết lộ có thể gây những tác động tiêu cực tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ấn Độ, cho an ninh chiến lược hoặc các lợi ích kinh tế, khoa học, quan hệ với Nhà nước khác, hoặc khuyến khích tội phạm; thông tin về hoạt động của toà án; thông tin mà nếu tiết lộ có thể ảnh hưởng đến nghị viện, cơ quan lập pháp các bang; thông tin về bí quyết thương mại, kinh doanh… (Điều 8).
Luật về Thông tin, công nghệ thông tin và bảo vệ thông tin của Liên bang Nga xác định các loại thông tin không được hạn chế tiếp cận, đó là các văn bản pháp luật liên quan đến quyền, tự do và nghĩa vụ của con người và công dân, các văn bản pháp luật quy định địa vị pháp lý của các tổ chức và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước, các cơ quan chính quyền địa phương; thông tin về trạng thái môi trường; thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan chính quyền địa phương và thông tin về sử dụng ngân sách (trừ các thông tin về bí mật quốc gia hoặc bí mật nghề nghiệp); thông tin được lưu trữ trong các thư viện công cộng, bảo tàng, tài liệu lưu trữ và trong các hệ thống thông tin của quốc gia, của các cơ quan nhà nước và của các hệ thống thông tin khác mà chúng được thiết lập nhằm phục vụ công dân và tổ chức; các thông tin khác mà pháp luật Liên bang không hạn chế tiếp cận (Điều 8). Bên cạnh đó, Luật quy định mục đích hạn chế tiếp cận thông tin, nhằm bảo vệ chế độ Hiến pháp, đạo đức, sức khoẻ, quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, bảo đảm nền quốc phòng đất nước và an ninh quốc gia; các thông tin bắt buộc bảo mật, các thông tin mà pháp luật Liên bang hạn chế tiếp cận… (Điều 9).
Áp dụng theo cách thứ hai¸:
Luật của Hàn Quốc về Công khai thông tin của các cơ quan chính quyền liệt kê danh mục thông tin không công khai tại Điều 7, gồm những thông tin chứa đựng những bí mật hoặc được luật khác quy định không thể công khai; thông tin nếu tiết lộ sẽ gây nguy hại lớn đến quyền lợi quốc gia; đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người hoặc lợi ích của cộng đồng; thông tin liên quan phòng chống, điều tra tội phạm, khởi tố, thi hành án; kiểm toán, giám sát điều tra, hợp đồng đấu thầu, phát triển khoa học, quản lý nhân sự; thông tin nhận dạng cá nhân; thông tin liên quan tới bí mật thương mại của các công ty, hội đoàn hoặc cá nhân; hoặc thông tin nếu công khai sẽ có nguy hại đến cá nhân…
Luật của Nhật Bản về Tiếp cận thông tin của cơ quan hành chính xác định trách nhiệm cung cấp các văn bản hành chính khi có yêu cầu, bên cạnh đó cũng liệt kê thông tin được cung cấp liền ngay các thông tin ngoại trừ không cung cấp. Điều 5 quy định nghĩa vụ cung cấp các văn bản hành chính, các thông tin liên quan tới cá nhân (ngoại trừ thông tin mà việc công khai hoá có thể gây ra những nguy cơ cho các quyền và lợi ích của cá nhân người có liên quan); những thông tin liên quan đến một tập đoàn hoặc các chủ thể khác (ngoại trừ Nhà nước, các cơ quan hành chính phối hợp… các cơ quan công cộng địa phương và các cơ quan hành chính phối hợp địa phương); thông tin liên quan đến nhiệm vụ của một cá nhân có trách nhiệm thực thi nhiệm vụ đó. Ngoài ra, Điều 6 của Luật còn quy định việc cung cấp một phần thông tin nếu thông tin đó có thể tách ra khỏi văn bản một cách dễ dàng và người đứng đầu cơ quan hành chính phải cung cấp cho người yêu cầu các phần văn bản không chứa đựng các thông tin không công khai.
Luật của Đan Mạch về Tiếp cận các tài liệu hành chính công quy định, các tài liệu hành chính do cơ quan hành chính nắm giữ sẽ phải cung cấp cho bất kỳ người nào, khi có yêu cầu, trừ các trường hợp ngoại lệ đối với quyền tiếp cận. Những thông tin, tài liệu ngoại lệ không được tiếp cận là các tài liệu được viên chức soạn thảo để dùng vào việc riêng; thư tín giữa các phòng ban trong cùng một cấp; thư tín giữa một hội đồng chính phủ địa phương với các phòng ban và cơ quan khác, hoặc giữa các hội đồng chính phủ địa phương với nhau. Bên cạnh đó, luật cũng quy định một loạt các loại miễn trừ tiết lộ.
Luật của Na Uy về Quyền tiếp cận tài liệu của cơ quan hành chính nhà nước xác định, về nguyên tắc, các tài liệu như các tài liệu công việc, chuyên san và các tài liệu đăng ký dữ liệu tương tự của một cơ quan hành chính phải được công khai, trừ trường hợp một đạo luật hoặc văn bản hướng dẫn có quy định khác (Điều 3). Ngoài ra, luật cũng quy định các trường hợp ngoại lệ của quyền tiếp cận tài liệu là các thông tin có nghĩa vụ giữ bí mật, không được phép tiếp cận; tài liệu được soạn thảo trong quá trình chuẩn bị giải quyết một công việc của cơ quan hành chính (tài liệu nội bộ); các tài liệu gửi đến phục vụ quá trình chuẩn bị công việc nội bộ; tài liệu nội bộ của chính quyền thành phố và chính quyền hạt; các tài liệu nhất định của gia đình Hoàng gia; các trường hợp ngoại lệ đối với tài liệu tòa án; các trường hợp ngoại lệ đối với các tài liệu được trao đổi trong quá trình tham vấn với Quốc hội; các trường hợp ngoại lệ liên quan đến lợi ích chính sách đối ngoại của Na Uy; các trường hợp ngoại lệ liên quan đến lợi ích quốc phòng và an ninh; các trường hợp ngoại lệ đối với một số vấn đề về ngân sách; các trường hợp ngoại lệ liên quan đến đường lối đàm phán của Chính phủ; các trường hợp ngoại lệ có liên quan đến các biện pháp kiểm soát hoặc quản lý, các tài liệu liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật và các thông tin có khả năng thúc đẩy các hành vi vi phạm pháp luật; các trường hợp ngoại lệ liên quan đến việc bổ nhiệm; các trường hợp ngoại lệ liên quan đến điểm thi và bài kiểm tra; cơ sở ban hành quy định hướng dẫn.
Xuất phát đặc điểm và từ trình độ phát triển của mình, các nước có cách quy định khác nhau về phạm vi tiếp cận thông tin. Phạm vi các vấn đề, lĩnh vực cần phải được công khai theo luật của mỗi nước phản ánh đặc điểm lịch sử cụ thể, sự phát triển kinh tế – xã hội, sự đa dạng về văn hoá cũng như mối quan tâm khác nhau của công chúng đối với hoạt động của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, dù là các nước quy định trong luật theo cách thức nào thì cũng vẫn tuân thủ nguyên tắc số 2 (nghĩa vụ công bố của các cơ quan công) và nguyên tắc số 5 (đảm bảo quá trình tiếp cận thông tin) của Bộ nguyên tắc Liên hợp quốc. Theo đó, các cơ quan công quyền chủ động công bố thông tin chủ chốt và cung cấp thông tin cụ thể theo yêu cầu, những thông tin chủ chốt cần cho công chúng biết gồm:
- Thông tin về hoạt động, chức năng, cơ cấu tổ chức, mục tiêu, ngân sách, thông tin kiểm toán, kết quả đạt được,…
- Hướng dẫn thủ tục, quy trình. Công chúng có thể áp dụng để sử dụng dịch vụ công do cơ quan cung cấp hay để tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, hoặc đề xuất xây dựng luật pháp;
- Các thông tin khác do cơ quan công nắm giữ;
- Chủ thể yêu cầu thông tin có thể yêu cầu thông tin về bản thân họ từ các cơ quan đang nắm giữ thông tin cá nhân.
Ngoài ra, trong luật của các nước cũng quy định cụ thể về các thông tin hạn chế tiếp cận nhưng theo hướng rút ngắn danh mục hạn chế thông tin. Thông thường, các thông tin có thể được giữ kín nếu việc cung cấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến bí mật của quá trình tố tụng, đến quan hệ quốc tế, đến quốc phòng và an ninh công cộng, đến công lý, xét xử và điều tra công bằng, đến bí mật thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, các thông tin cá nhân hoặc các thông tin được cung cấp một cách tự nguyện từ các bên thứ ba và các thông tin nhạy cảm về môi trường. Các ngoại lệ này cũng cần được thu hẹp phạm vi và Chính phủ phải xem xét đến lợi ích công cộng trong việc công khai thông tin.
1.2. Đề xuất nội dung đưa vào Luật Tiếp cận thông tin của Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam chưa có luật riêng quy định về tiếp cận thông tin và phạm vi thông tin mà cơ quan nhà nước có trách nhiệm công khai được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn các văn bản pháp luật đó mới chỉ dừng ở việc quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm công khai một số loại thông tin; còn thiếu quy trình, thủ tục, cách thức cho tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin. Pháp luật hiện hành cũng chưa xác định và phân loại các thông tin mà Nhà nước cần chủ động công khai hoặc thông tin mà người dân có thể tiếp cận theo yêu cầu.
Việc liệt kê các thông tin mà các cơ quan, tổ chức phải công khai trong các luật chuyên ngành là cần thiết, nhưng các quy định này chưa điều chỉnh được một cách vĩ mô và không thể bao quát hết các lĩnh vực hoạt động của các cơ quan nhà nước. Vì thế, cần xây dựng một luật khung về quyền tiếp cận thông tin trên cơ sở pháp điển hoá một cách chung nhất các thông tin mà cơ quan nhà nước phải chủ động công khai rộng rãi, các thông tin phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan mình, các thông tin được yêu cầu tiếp cận. Đồng thời, cần xác định thông tin thuộc phạm vi miễn trừ, hạn chế tiếp cận.
Theo chúng tôi, các thông tin do cơ quan nhà nước chủ động công khai, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh, là: thông tin về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, sơ đồ tổ chức của cơ quan và đơn vị trực thuộc; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung do cơ quan ban hành; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc của cơ quan; nội quy, quy chế do cơ quan ban hành; địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử của cơ quan nắm giữ thông tin để liên hệ yêu cầu cung cấp thông tin; chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan; thông tin phải được công khai theo quy định của các luật khác; thông tin khác do cơ quan xét thấy cần thiết… Trong số các thông tin do cơ quan nhà nước chủ động công khai, luật cũng nên quy định một số thông tin phải được công khai trên trang thông tin điện tử như văn bản quy phạm pháp luật; Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu kèm theo dự thảo theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật,…
Luật này không quy định việc tiếp cận thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin thuộc bí mật đời tư, bí mật kinh doanh, thông tin đã được chuyển sang cơ quan lưu trữ; thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra; thông tin liên quan đến vụ việc đang trong quá trình xử lý của cơ quan tiến hành tố tụng. Việc tiếp cận các thông tin này được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Đối với việc trao đổi, cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật hành chính. Ngoài ra, Luật cũng cần quy định trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin phải loại bỏ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh trước khi chủ động công khai thông tin hoặc cung cấp theo yêu cầu của công dân, tổ chức.
Luật cũng cần quy định một số thông tin cần phải được phân tích, đánh giá và kết quả của việc đánh giá cho thấy việc cung cấp thông tin là cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích cộng đồng thì mới được cung cấp, đó là các thông tin mà việc cung cấp sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài chính, tiền tệ và lợi ích kinh tế quốc gia, an ninh quốc gia, mối quan hệ với các quốc gia khác hoặc tổ chức quốc tế; thông tin mà việc cung cấp có thể gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khoẻ hoặc sự an toàn của cá nhân hoặc cộng đồng; ảnh hưởng tiêu cực tới trật tự an toàn xã hội, việc phòng, chống tội phạm; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.
2. Nội hàm quyền tiếp cận thông tin
2.1. Nội hàm của quyền tiếp cận thông tin theo quy định của các nước
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nêu nội dung của quyền tự do ngôn luận bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến (Điều 19). Hiến pháp Phần Lan năm 2000 quy định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền tự do ngôn luận bao gồm quyền biểu đạt, phổ biến và tiếp nhận thông tin…”. ở một số quốc gia như ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Israel và Pháp, Tòa án tối cao đã ra phán quyết rằng quyền tiếp cận thông tin là quyền hiến định và là một yếu tố điển hình của quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí. Hiến pháp Thuỵ Sỹ quy định: tự do ngôn luận và thông tin được bảo đảm. Hiến chương về các quyền và tự do cơ bản năm 1993 của Cộng hoà Séc quy định: quyền tự do ngôn luận và quyền thông tin được đảm bảo. Hiến pháp Pakistan không quy định trực tiếp về quyền tiếp cận thông tin, nhưng vào năm 1993, Tòa án tối cao Pakistan ra phán quyết rằng nội dung của Hiến pháp quy định về tự do ngôn luận và biểu đạt ý kiến,… bao gồm cả quyền tiếp nhận thông tin của công dân (1),…
Nội hàm “quyền tiếp cận thông tin” gắn bó và bị chi phối bởi quan niệm về “tiếp cận thông tin”. Luật Liên bang Nga giải thích “tiếp cận thông tin” là khả năng nhận và sử dụng thông tin (khoản 6, Điều 2) và theo đó, “truyền bá thông tin” được tách khỏi khái niệm tiếp cận thông tin. Cũng theo Luật của Nga, truyền bá thông tin là hành vi nhằm làm cho mọi người nhận được thông tin hoặc truyền thông tin cho mọi người (khoản 9, Điều 2). Hiến pháp của Armenia năm 1995 xác định các nội dung quyền tiếp cận thông tin bao gồm: “Tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin”. Hiến pháp của Pháp năm 1958 nhấn mạnh quyền được biết thuế được sử dụng như thế nào (Điều 14). Hiến pháp Panama đã được sửa đổi vào năm 2004 nhằm bổ sung quyền tiếp cận thông tin (2).
Nghiên cứu luật của các nước về tiếp cận thông tin, nội hàm của quyền tiếp cận thông tin được hiểu đó là quyền tìm kiếm, thu thập thông tin, quyền yêu cầu cung cấp thông tin và quyền truyền bá thông tin.
2.1.1. Tìm kiếm, thu thập thông tin
Theo quy định tại Điều 2 của Luật về Quyền được thông tin của ấn Độ thì quyền được thông tin là quyền được tiếp cận các thông tin theo quy định của luật mà các thông tin này đang được quản lý hoặc kiểm soát bởi bất kỳ nhà chức trách nào. Quyền này bao gồm các quyền được xem các tác phẩm, tài liệu, hồ sơ; ghi chép, trích dẫn, sao chụp các tư liệu hoặc hồ sơ; các bản sao có chứng thực các tài liệu; thu thập thông tin dưới các dạng đĩa mềm, thẻ nhớ, băng ghi âm, băng hình hoặc bất kỳ dạng thiết bị điện tử nào khác hoặc thông qua việc in ra các tài liệu ở những nơi lưu trữ tư liệu bằng máy vi tính hoặc bằng các thiết bị khác.
Điều 1, khoản 2 của Văn kiện Chính phủ của Thuỵ Điển đảm bảo mọi công dân có quyền: “Tự do thông tin, cụ thể là tự do tìm tiếm và tiếp cận thông tin và làm cho mọi người trở nên quen thuộc với lời phát biểu của người khác”.
Khoản 3 Điều 5 Công ước về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp trong các vấn đề về môi trường năm 1998 quy định về việc tiếp nhận và khai thác thông tin có sẵn: thông tin môi trường dần dần sẽ có sẵn trong các cơ sở dữ liệu điện tử để công chúng có thể dễ dàng tiếp cận thông qua mạng lưới viễn thông công cộng.
2.1.2. Yêu cầu cung cấp thông tin
Quyền tiếp cận thông tin cho phép các công dân hoặc bất kỳ người nào quyền được yêu cầu các cơ quan của Chính phủ cung cấp thông tin. Hiến pháp Nam Phi cho phép các cá nhân có quyền được cung cấp thông tin “do bất kỳ ai nắm giữ mà việc cung cấp thông tin đó là cần thiết cho việc thực hiện và bảo vệ bất kỳ quyền nào của người đó”.
Luật Tiếp cận thông tin của Canada quy định quyền tiếp cận, yêu cầu tiếp cận và cách tiếp cận tài liệu của Chính phủ. Cá nhân đã được cho phép tiếp cận tài liệu hoặc một phần tài liệu theo quy định của luật này sẽ được phép xem xét tài liệu hoặc một phần của tài liệu hoặc được trao một bản sao của tài liệu. Trường hợp đã cho phép tiếp cận tài liệu và người nộp đơn yêu cầu đã yêu cầu tài liệu ở dạng ngôn ngữ chính thức hoặc ngôn ngữ riêng thì người đó sẽ nhận được một bản photocopy của tài liệu hoặc một phần tài liệu ở ngôn ngữ đó.
Hiến pháp Peru năm 1993 quy định quyền đề nghị tiếp cận thông tin mà không phải đưa ra lý do và nhận thông tin đã đề nghị tiếp cận từ bất kỳ cơ quan nhà nước nào trong thời hạn và chi phí theo quy định của pháp luật.
Luật Tự do tiếp cận các tài liệu hành chính của Pháp năm 1978 cho phép công dân thực hiện quyền hiến định là được thông báo về tiền thuế được chi tiêu như thế nào và cơ quan hành chính có trách nhiệm phải giải trình việc này. Luật này cho phép tiếp cận các tài liệu của Chính phủ và có định nghĩa rộng về các loại tài liệu do cơ quan hành chính của Chính phủ lưu giữ được phép tiếp cận.
Luật về Quyền được thông tin của ấn Độ quy định: Một người mong muốn có được bất kỳ thông tin nào theo quy định của Luật này thì viết đơn yêu cầu hoặc gửi đơn qua các phương tiện điện tử (Điều 6).
Luật Tự do thông tin của Na uy năm 1970 quy định mọi người đều có quyền tiếp cận các tài liệu chính thức do các cơ quan nhà nước nắm giữ. Tài liệu chính thức được định nghĩa là các thông tin được lưu trữ lại và có thể được nghe, biểu đạt hoặc chuyển giao và do các cơ quan có thẩm quyền tạo ra, gửi đi hoặc nhận được bởi cơ quan đó.
Theo quy định của Luật về Minh bạch và tiếp cận thông tin nhà nước của Peru được ban hành vào năm 2002 và có hiệu lực thi hành năm 2003, mọi cá nhân đều có quyền yêu cầu cung cấp thông tin dưới mọi hình thức từ các cơ quan của Chính phủ hoặc các tổ chức tư nhân có cung cấp dịch vụ công hay thực thi các chức năng hành chính mà không cần phải giải thích tại sao mình cần các thông tin đó.
Luật Tiếp cận các tài liệu hành chính của Bồ Đào Nha năm 1993 cho phép mọi người có quyền yêu cầu tiếp cận các tài liệu hành chính do các cơ quan nhà nước, tổ chức công hoặc chính quyền địa phương nắm giữ dưới mọi hình thức. Yêu cầu phải được thực hiện bằng văn bản. Các cơ quan của Chính phủ phải trả lời trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu.
Luật về Tự do tiếp cận thông tin Slovakia được thông qua năm 2000 và có hiệu lực thi hành năm 2001 quy định, bất kỳ người nào hoặc tổ chức nào đều có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước, chính quyền thành phố và các tổ chức tư nhân có chức năng ban hành các quyết định công phải cung cấp thông tin. Cơ quan được yêu cầu phải trả lời trong thời hạn 10 ngày sau khi nhận được yêu cầu và phải lưu trữ các yêu cầu đó.
Luật của Nhật Bản về Tiếp cận thông tin của các cơ quan hành chính năm 2001 quy định quyền được yêu cầu cung cấp văn bản hành chính. Việc cung cấp các văn bản hành chính phải được thực hiện bằng cách xem trực tiếp hoặc thông qua việc cung cấp các bản sao của các văn kiện hay sơ đồ, kể cả với các hồ sơ điện tử (Điều 14). Luật còn có quy định về quyền tiếp tục tiếp cận thông tin: Người đã tiếp cận văn bản hành chính được cung cấp theo một yêu cầu cung cấp thông tin trong vòng 30 ngày sau lần tiếp cận thứ nhất có thể yêu cầu người đứng đầu cơ quan hành chính có liên quan để tiếp tục được tiếp cận (khoản 4 Điều 14).
Luật về Công khai thông tin của các cơ quan chính quyền Hàn Quốc quy định quyền của cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin; quy định trách nhiệm của cơ quan chính quyền quyết định việc có cung cấp thông tin hay không (Điều 9), quyết định công bố một phần thông tin (điều 12). Thủ tục công bố những thông tin có sẵn ngay lập tức hoặc có thể công bố bằng miệng được thực hiện theo Sắc lệnh của Tổng thống (Điều 13). Bên cạnh đó, điều khoản bổ sung của luật quy định: Cơ quan chính quyền sẽ nỗ lực một cách chủ động trong việc công khai thông tin tuy không được yêu cầu nhưng cần thiết phải công khai cho công luận (Điều 21).
Luật của Liên bang Nga về Thông tin, công nghệ thông tin và bảo vệ thông tin năm 2006 dành riêng một Chương quy định về tiếp cận thông tin của Nhà nước. Nhấn mạnh tính pháp lý của quyền yêu cầu cung cấp thông tin, Luật quy định cá nhân có quyền yêu cầu và tiếp nhận thông tin từ bất cứ một nhánh nào của cơ quan hành chính công và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không phải giải thích lý do (Điều 7). Các chủ thể hành chính công có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin theo yêu cầu bất kể đó là tài liệu dạng viết, ảnh, ghi âm, thu hình hay các thiết bị từ hoặc điện tử hoặc bất kể các dạng nào khác, miễn là các thông tin đó được tạo ra và lưu giữ bởi thực thể đó, nằm trong quyền sở hữu và quyền của chủ thể đó (Điều 10). Luật quy định việc tiếp cận thông tin một cách trực tiếp: tất cả các chủ thể hành chính công đều phải cho phép những người có yêu cầu được trực tiếp và ngay lập tức tiếp cận các thông tin công trong giờ hành chính (Điều 12).
Pháp lệnh nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa về Công khai thông tin của chính quyền năm 2007 quy định quyền của các công dânP, pháp nhân hoặc tổ chức yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin của chính quyền liên quan đến các vấn đề về thuế, bảo hiểm xã hội, chăm sóc y tế của bản thân và có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước sửa chữa các thông tin liên quan tới họ do các cơ quan nhà nước cung cấp mà không chính xác (Điều 25).
2.1.3. Truyền bá thông tin
Truyền bá thông tin là nội dung gắn với tự do thông tin, một khái niệm có phạm vi khác hơn so với tiếp cận thông tin (3). Quyền tự do thông tin và tự do truyền tải quan điểm có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức như nói, viết, in ấn, điện tử hoặc nghệ thuật…
Theo Điều 100 Hiến pháp sửa đổi của Na Uy quy định về cơ chế bảo vệ quyền nhận và phổ biến thông tin của cá nhân được đề cập trong Điều 19 Công uớc về Quyền dân sự, chính trị theo hướng “Có tự do ngôn luận”, bao gồm cả tự do truyền tải và tiếp cận thông tin.
Luật của Hàn Quốc về Công khai thông tin của các cơ quan chính quyền không có quy định riêng về phổ biến thông tin mà chỉ đưa ra nguyên tắc về nghĩa vụ của người yêu cầu: người yêu cầu tuỳ theo mục đích của yêu cầu sẽ phải sử dụng đúng đắn các thông tin có được theo các quy định của Luật này (Điều 14).
Hiến pháp Macedonia năm 1991 quy định: “Tự do tiếp cận thông tin, tự do nhận và chuyển giao thông tin được bảo đảm”.
Luật của Liên bang Nga năm 2006 có quy định riêng về truyền bá thông tin. Theo đó, thông tin được truyền bá không thông qua hệ thống truyền thông đại chúng phải được bảo đảm độ tin cậy về người sở hữu hoặc người truyền bá thông tin đó với hình thức và dung lượng đủ để xác định được người đó. Luật cũng quy định việc truyền bá thông tin qua đường bưu điện (Điều 10). Điều 11 đưa ra quy định nghiêm cấm tuyên truyền các thông tin kích động chiến tranh, chia rẽ dân tộc, gây thù hằn, đối địch chủng tộc, tôn giáo và các thông tin khác vi phạm pháp luật hình sự hoặc pháp luật hành chính.
2.2. Nội hàm của quyền tiếp cận thông tin theo pháp luật Việt Nam và những kiến nghị
Rà soát các văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành, có thể thấy, quyền tiếp cận thông tin được thể hiện thông qua: quyền tìm kiếm, trao đổi thông tin; quyền yêu cầu cung cấp thông tin; quyền phổ biến thông tin.
Tìm kiếm, trao đổi thông tin: Theo Luật Công nghệ thông tin 2006, thì tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có quyền tìm kiếm, trao đổi, sử dụng thông tin trên môi trường mạng (trừ một số thông tin có nội dung được Luật quy định); yêu cầu khôi phục thông tin của mình hoặc khôi phục khả năng truy nhập đến nguồn thông tin của mình; từ chối cung cấp hoặc nhận trên môi trường mạng sản phẩm, dịch vụ trái với quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về việc đó.
Về quyền yêu cầu cung cấp thông tin: cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức, cơ quan báo chí, phóng viên, cho bộ, ngành, địa phương… thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, luật doanh nghiệp, luật hoá chất… Cụ thể: cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật; trường hợp không cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do (Điều 86 Luật Phòng, chống tham nhũng). Luật còn có quy định về việc cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng cho bộ, ngành, địa phương; Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm cung cấp thông tin trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị cung cấp thông tin của bộ, ngành, địa phương (Điều 18). Nghị định số 47/2007/NĐ-CP quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước cung cấp thông tin về hoạt động của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về vụ việc tham nhũng (Điều 6).
Quyền phổ biến thông tin: Luật Xuất bản được sửa đổi năm 2004 quy định nguyên tắc bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm và bảo hộ quyền tác giả, một số nghị quyết của Ban Chấp hành trung ương Đảng, chỉ thị của Bộ Chính trị cũng quy định các tác giả được truyền bá, phổ biến ý tưởng sáng tạo của mình cho công chúng
Như vậy, quyền tiếp cận thông tin theo pháp luật Việt Nam chưa có quy định để có cách hiểu thống nhất nội hàm của quyền này. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật đã có các quy định rải rác về quyền tiếp cận thông tin bao hàm các nội dung như tìm kiếm, thu thập, trao đổi thông tin.
Quyền tiếp cận thông tin theo pháp luật các nước luôn nằm trong quyền tự do ngôn luận. Trong bối cảnh của nước ta hiện nay, Luật Tiếp cận thông tin chỉ nên quy định về việc công dân, tổ chức tiếp cận thông tin bằng cách tìm kiếm, thu thập và yêu cầu cung cấp thông tin có hình thức biểu hiện cụ thể: đọc, xem, nghe, ghi chép, chụp, trích dẫn nội dung của hồ sơ, tài liệu…, còn quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân thì đã được Luật Báo chí quy định. Ngoài ra, nội hàm của quyền tiếp cận thông tin được quy định trong luật cần sử dụng phương pháp pháp điển hoá các quy định sẵn có và tính đến điều kiện thực tế của Việt Nam để việc thực hiện luật có hiệu quả.
Chú thích:
(1) Vụ Sharif kiện Pakistan, PLD 1993 S.C. 471.
(2) Hiến pháp chính trị Cộng hoà Panama. http://www.asamblea.gob.pa/actualidad/25176_2004.pdf
(3) Tự do thông tin được hiểu là quyền cơ bản của cá nhân và công chúng và nằm trong mối quan hệ với tự do phát biểu quan điểm trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ, internet.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 154 THÁNG 9 NĂM 2009
Trích dẫn từ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code