NGUYỄN THANH
So với Nghị định 83 (Nghị định 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của chính phủ về việc đăng ký hộ tịch – Civillawinfor) trước
đây, các quy định về điều chỉnh, bổ sung hộ tịch ngày càng thông thoáng
hơn. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, các cơ quan có thẩm quyền chưa
thực hiện thống nhất, dẫn đến khó khăn cho người dân khi có yêu cầu
đăng ký hộ tịch.
Sai, khi ra quyết định bổ sung hộ tịch
Nghị định 158 (Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngyaf 27/12/2005 của Chính phủ về việc đăng ký và quản lý hộ tịch – Civillawinfor)
quy định rõ: UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây, hay UBND
cấp huyện mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh
trước đây có thẩm quyền giải quyết bổ sung hộ tịch cho mọi trường hợp,
không phân biệt độ tuổi. Theo quy định, người yêu cầu bổ sung hộ tịch
phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính Giấy khai
sinh của người cần bổ sung hộ tịch và các giấy tờ liên quan để làm căn
cứ cho việc bổ sung hộ tịch. Việc bổ sung hộ tịch được giải quyết ngay
sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ. Nội dung bổ sung được ghi trực tiếp vào
những cột, mục tương ứng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy
khai sinh. Cán bộ Tư pháp hộ tịch đóng dấu vào phần ghi bổ sung. Cột ghi
chú của Sổ đăng ký khai sinh và mặt sau của bản chính Giấy khai sinh
phải ghi rõ nội dung bổ sung; căn cứ ghi bổ sung; họ, tên, chữ ký của
người ghi bổ sung; ngày, tháng, năm bổ sung. Cán bộ Tư pháp hộ tịch đóng
dấu vào phần đã ghi bổ sung. Trường hợp nội dung Sổ đăng ký khai sinh
và bản chính Giấy khai sinh trước đây không có cột mục cần ghi bổ sung,
thì nội dung bổ sung được ghi vào mặt sau của bản chính Giấy khai sinh
và cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh. Trong trường hợp, việc đăng ký
hộ tịch trước đây do UBND cấp xã thực hiện, nhưng sổ hộ tịch chỉ còn lưu
tại UBND cấp huyện, thì UBND cấp huyện thực hiện việc bổ sung. Sau khi
thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới
tính, nội dung bổ sung hộ tịch đã được ghi vào Sổ đăng ký khai sinh, thì
bản sao Giấy khai sinh từ Sổ đăng ký khai sinh sẽ ghi theo nội dung đã
thay đổi, cải chính hoặc bổ sung. Như vậy, trong quy trình bổ sung hộ
tịch theo Nghị định 158, cơ quan giải quyết việc bổ sung hộ tịch không
phải ra bất cứ quyết định bổ sung hộ tịch nào, mà chỉ căn cứ vào các
giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc bổ sung hộ tịch.
Tuy nhiên trên thực tế, quy định bổ sung hộ tịch
chưa được áp dụng thống nhất, dẫn đến nhiều vướng mắc cho người dân khi
có yêu cầu. Cụ thể, một số địa phương, công dân đề nghị bổ sung ngày,
tháng sinh vào bản chính giấy khai sinh, sau khi lập thủ tục, UBND huyện
ra quyết định bổ sung hộ tịch cho đương sự. Tình trạng, các cơ quan
quản lý hộ tịch áp dụng không thống nhất quy định về bổ sung hộ tịch
khiến cho cơ quan giáo dục khó khăn trong việc điều chỉnh các văn bằng,
chứng chỉ học tập của học sinh.
Cần thống nhất áp dụng quy định bổ sung hộ tịch
Thông tư 01 hướng dẫn thực hiện Nghị định 158 quy
định rõ các trường hợp bổ sung hộ tịch: trường hợp Giấy khai sinh của
một người chỉ ghi năm sinh, không ghi ngày, tháng sinh, mà có yêu cầu bổ
sung thì ngày, tháng sinh được ghi theo Giấy chứng sinh. Nếu không có
Giấy chứng sinh thì ngày, tháng sinh được xác định như sau: Đối với
người chưa có hồ sơ, giấy tờ cá nhân ghi về ngày, tháng sinh thì ngày,
tháng sinh được xác định theo văn bản cam đoan của cha, mẹ đẻ hoặc người
giám hộ (đối với trẻ dưới 6 tuổi); hoặc theo lời khai của người yêu cầu
bổ sung, có xác nhận của người làm chứng (đối với người từ đủ 6 tuổi
trở lên). Những người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như sổ hộ khẩu, chứng
minh nhân dân, học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng
viên mà trong các hồ sơ, giấy tờ đã ghi thống nhất về ngày, tháng sinh
thì xác định theo ngày, tháng sinh đó. Trường hợp ngày, tháng sinh ghi
trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên của người đó không thống nhất, thì xác
định theo ngày, tháng sinh trong hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên.
Trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh theo hướng dẫn trên thì
ngày, tháng sinh là ngày 1.1. Trường hợp sổ đăng ký hộ tịch còn lưu được
ở cả UBND cấp xã và UBND cấp huyện thì đương sự có quyền lựa chọn thực
hiện yêu cầu bổ sung hộ tịch, hoặc điều chỉnh hộ tịch tại UBND cấp xã
hay UBND cấp huyện.
Thông tư 01 hướng dẫn thêm các trường hợp bổ sung hộ
tịch để người dân có thể yêu cầu bổ sung ngày, tháng sinh trong mọi
trường hợp, tuy nhiên không quy định phải ra Quyết định bổ sung hộ tịch.
Như vậy, các cơ quan quản lý hộ tịch cần thống nhất áp dụng, tránh
những sai sót, làm khó cho công dân.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Trích dẫn từ:
0 comments:
Post a Comment