Thursday, October 24, 2013

XÂY DỰNG HÀNH TRANG CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRONG QÚA TRÌNH HỘI NHẬP

NGUYỄN THỊ THÚY LIỄU
Việc tìm kiếm đối sách để hội nhập là sự lựa chọn thông minh nhất, với những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp: quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm. Nhà nước phải đưa ra một chính sách tài chính đúng đắn nhằm giúp các doanh nghiệp nói riêng và giúp nền kinh tế nói chung khắc phục được những rủi ro tiềm ẩn sẽ tạo hành trang cho doanh nghiệp, cho đất nước bước vào quá trình hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới tự tin và vững vàng hơn.
Cạnh tranh gay gắt
Hội nhập kinh tế là một quá trình lâu dài có rất nhiều tác động đến phát triển con người: tốt có, xấu có. Hội nhập có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của con người thông qua tăng trưởng kinh tế, việc làm và thu nhập, môi trường, phân phối thu nhập, bình đẳng hội. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng phụ thuộc rất nhiều vào một số yếu tố như cơ sở hạ tầng thể chế, mức độ phát triển của các thị trường nhân tố sản xuất và các chính sách xã hội.
Từ ngày 07.11.2006, tất cả mọi hoạt động kinh tế VN đã bắt đầu có sự thay đổi mạnh mẽ khi chính thức gia nhập vào tổ chức thương mại thế giới WTO. VN được và mất gì khi đã nỗ lực trong 11 năm đàm phán. Cái giá cần phải trả khi gia nhập là gì? Trên vòng đàm phán, ai cũng muốn tìm những thỏa thuận sao cho có lợi nhất cho mình, có những điều kiện bất lợi mà vẫn không thể không chấp nhận được, nhưng tại sao chúng ta vẫn phải chấp nhận, mặc dù những điều kiện đó là quá cao so với tình hình kinh tế của nền kinh tế VN?
Đó chính là do những nguyên nhân chủ yếu: (1) Hoạt động của tổ chức WTO là dựa trên mục tiêu chính: nâng cao mức sống của nhân dân các nước thành viên, đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại và sử dụng hiệu quả nhất nguồn nhân lực thế giới, và đó chính là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả tại VN. (2) Khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp VN sẽ tiếp cận được với thị trường toàn cầu dựa trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, không bị rào cản của thuế quan và phi thuế quan, điều mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng mong muốn. (3) Khi trở thành thành viên của WTO VN có quyền khiếu nại và thương lượng một cách công bằng hơn với các cường quốc trong tranh chấp dựa trên những điều luật chung. (4) Khi gia nhập WTO cũng chính là mở đường cho các nguồn vốn đầu tư vào VN đồng thời là cơ hội để giao lưu khoa học, kỹ thuật, công nghệ và nguồn nhân lực trên toàn cầu.
Tuy nhiên, để được có thể tận dụng những lợi ích đó, về phía doanh nghiệp VN phải chuẩn bị thật chu đáo để sẵn sàng “một cuộc chơi”, để đối mặt với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt và gắn với sự đào thải khắc nghiệt. Các doanh nghiệp cần nhận ra những thách thức trước mặt và lâu dài để vạch ra chiến lược đối mặt, vì cơ hội càng tốt bao nhiêu thì thách thức càng cam go bấy nhiêu. Trước mắt, dễ dàng ai cũng nhận ra, doanh nghiệp VN đang đối mặt với những khó khăn: (1) Chưa có nhiều kinh nghiệm trên thương trường quốc tế, do đó nguy cơ bị lấn lướt trên trường quốc tế là không thể tránh khỏi bởi các đối thủ có thâm niên. (2) Trong cơ cấu các loại hình doanh nghiệp hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng khá cao, đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế nhưng còn yếu về vốn, nhân lực, kỹ năng tiếp cận thông tin và cả kỹ năng trong kinh doanh nên để sẵn sàng một cuộc chơi trên trường quốc tế quả là một khó khăn. (3) Sức ép về cạnh tranh và sự thiếu am hiểu về “luật chơi” trên trường quốc tế luôn đặt doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro. Sự thiếu hiểu biết dẫn đến mù mờ thì sẽ lúng túng, bị động trong cách chơi và dễ bị đối tác qua mặt, dẫn đến thua thiệt trong cạnh tranh quốc tế. Điều này thể hiện rõ ràng trong thời gian qua thông qua các cuộc tranh chấp về thương mại, pháp lý giữa doanh nghiệp nước ta và doanh nghiệp nước ngoài và phần thua thiệt luôn ghiêng về phía doanh nghiệp VN.
Kiến nghị giải pháp cho tương lai
1. Nâng cao năng lực cạnh tranh:
Tiến trình hội nhập đã đi vào giai đoạn mới, thị trường nội địa nhìn chung thời gian qua đã được ổn định và ngày càng mở rộng hơn, cạnh tranh ngày càng quyết liệt hơn, điều này có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, bởi khả năng của nền kinh tế và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp VN còn nhiều yếu kém. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì chắc chắn rằng một số ngành cũng như một số doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại trong thời gian gần. Ở đây, tôi xin nêu ra một số giải pháp chung cơ bản sau:
- Cần có lộ trình trong tiến trình hội nhập ở thế chủ động và tích cực. Dần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường bán lẻ nội địa thông qua việc xây dựng, củng cố thương hiệu và thị phần, mở rộng hệ thống bán lẻ theo hướng ở đâu có người mua hàng ở đó có người phục vụ và đào tạo đội ngũ nhân viên giỏi, tìm kiếm địa thế kinh doanh có khả năng tạo ra lợi nhuận lớn, đầu tư tài chính, dịch vụ, kỹ năng để mở rộng, nâng cấp các chuỗi cửa hàng tạp hóa bán sỉ, lẻ hiện có thành chuỗi cửa hàng tiện ích, hiện đại có thể làm đối trọng với các tập đoàn phân phối nước ngoài.
- Cần chú trọng tiến hành đổi mới và hiện đại hóa công nghệ sản xuất trong các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Cần cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa cho các doanh nghiệp VN, tạo cho các doanh nghiệp VN có điều kiện thuận lợi để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, đối với khu vực kinh tế tư nhân, thời gian qua đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước, vì thế chúng ta cần thống nhất nhận thức rằng khu vực kinh tế tư nhân thực sự là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, là khu vực chủ yếu giải quyết việc làm, phát huy mọi tiềm lực của người dân.
- Cần đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước như đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, sáp nhập các doanh nghiệp nếu việc sáp nhập có thể mang lại hiệu quả, giải thể ngay các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, khoán kinh doanh và cho thuê doanh nghiệp nhà nước.
- Cần phát huy cao độ tinh thần nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp về mọi mặt. Phải xác định rõ doanh nghiệp VN chính là “người” trực tiếp phải đối mặt với các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, tự bản thân mỗi doanh nghiệp phải nhanh chóng xác định mình còn yếu ở điểm nào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý, thị trường … Từ đó, lựa chọn, xây dựng cho mình chiến lược sản xuất, chiến lược sản phẩm, nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh một cách bài bản, để đầu tư nghiên cứu triển khai, phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng đối với cơ cấu sản xuất, khả năng cạnh tranh, quản lý, đầu tư,… quyết định tốc độ tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp nói riêng và của xã hội nói chung. Do đó cần chú trọng quá trình đào tạo và việc đào tạo tại nơi làm việc trở thành một hoạt động thường xuyên.
- Nhà nước cần tăng cường xúc tiến thành lập các hiệp hội ngành nghề hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Vì thực tế, nếu các doanh nghiệp “đơn thương độc mã” cạnh tranh trên thị trường mà nhất là trong điều kiện hội nhập như hiện nay thì sẽ không có hiệu quả bằng việc cùng nhau liên kết lại, hỗ trợ nhau cùng đối phó với áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
2. Phòng ngừa rủi ro tài chính.
Trên phạm vi vĩ mô: gồm các chính sách kinh tế – tài chính vĩ mô ổn định và bền vững, đảm bảo sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, không có những biến động lớn về giá cả, tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp. Chính sự ổn định kinh tế – tài chính vĩ mô, sự ổn định của các hoạt động ngoại thương và vay nợ nước ngoài sẽ làm tăng niềm tin của người kinh doanh vào thể chế kinh doanh hiện hành.
Bên cạnh đó, trật tự kỷ cương thị trường phải được giữ vững thông qua việc đảm bảo sự minh bạch của thị trường, đảm bảo những thông tin cần thiết để quản lý rủi ro và đảm bảo an toàn trong hoạt động tài chính. Nghiên cứu, theo dõi diễn biến và dự đoán tác động của các xu hướng tài chính tiền tệ trong nước, trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là những khu vực nhạy cảm với VN.
Đồng thời phải chú trọng đến việc theo dõi cơ cấu và động thái nợ quốc gia (kể cả nợ nhà nước, nợ các tổ chức tín dụng, nợ các doanh nghiệp, nợ trong nước, nợ nước ngoài) để kịp thời ngăn chặn tình trạng khủng hoảng nợ, tránh không rơi vào tình trạng đổ nợ.
Ngoài ra, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu giám sát tài chính vĩ mô dựa trên các chuẩn mực quốc tế.
Trên phạm vi vi mô: Để đề phòng rủi ro tài chính đối với các doanh nghiệp, cần xây dựng các chỉ tiêu phản ánh tình hình tài chính doanh nghiệp, xây dựng các quỹ dự trữ để phòng ngừa rủi ro kinh doanh và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp.
3. Huy động và sử dụng vốn đầu tư:
Đại hội IX của Đảng Cộng Sản VN (2001) đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2001 – 2010. Để đạt được các mục tiêu cụ thể đã nêu ra trong chiến lược, việc phát huy cao độ nguồn vốn trong nước, đồng thời tranh thủ nguồn vốn bên ngoài và sử dụng chúng có hiệu quả là hết sức cần thiết. Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế – xã hội một cách phù hợp, để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, cần đề xuất và thực hiện các giải pháp hết sức cụ thể, đồng bộ.
Tạo môi trường khuyến khích và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư: sự ổn định về kinh tế – chính trị , xã hội là yêu cầu trước hết để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn, có dự kiến và thực thi các dự án đầu tư dài hạn, môi trường đầu tư được hệ thống luật pháp và chính sách của nhà nước đảm bảo, nhờ đó các nguồn vốn đầu tư được huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả.
Phát triển thị trường tài chính:
Trong điều kiện hội nhập của nước ta như hiện nay, hệ thống tài chính cần tiếp tục phát triển và chuyển đổi phù hợp với cơ chế thị trường đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế như; củng cố, nâng cao năng lực kinh doanh và sức cạnh tranh của các trung gian tài chính. Từng bước mở cửa thị trường tài chính VN, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện chính sách tài chính, tiền tệ: thông qua hoàn thiện hệ thống chính sách thuế xem thuế và phí là nguồn thu chủ yếu và phải đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu, thực hiện tốt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 theo Quyết định 201/2004/QĐ-TTg ngày 06.12.2004 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với chính sách chi ngân sách cần phân bổ và lựa chọn hướng ưu tiên chi cho đầu tư phát triển một cách hợp lý, hiệu quả. Cần tăng cường công tác quản lý nợ và nhất là nợ nước ngoài như xây dựng hạn mức nợ nươc ngoài của quốc gia phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn được quốc tế thừa nhận, thiết lập cơ chế giám sát tài chính, tiền tệ nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, kiểm soát chặt chẽ các luồng vốn nước ngoài.
Nâng cao hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, trong 5 năm 2001 – 2005, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội VN khoảng từ 830 – 850 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm 20 – 21% tức khoảng từ 166 – 178 nghìn tỷ đồng. Nếu sử dụng kém hiệu quả sẽ gây lãng phí lớn, do đó để nâng cao hiệu quả nguồn này cần xác định đúng chủ trương đầu tư trong dài hạn, quản lý chặt chẽ quá trình đầu tư, khắc phục tiêu cực trong nhận dự án và công trình xây dựng, tăng cường biện pháp đảm bảo chất lượng công trình, công khai hóa vốn đầu tư từngân sách nhà nước.
4. Phòng chống rủi ro tỷ giá hối đoái.
Tất cả các nước đều phải đối mặt với việc lựa chọn một chế độ tỷgiá hối đoái phù hợp. Sự lựa chọn ở mỗi nước rất khác nhau: có nước chọn chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn, có nước chọn chế độ tỷ giá thả nổi cố định thuần túy, có nước lại chọn chế độ tỷ giá mang tính chất trung gian giữa chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn và chế độ tỷ giá thả nổi cố định hoàn toàn. Những nhân tố nào ảnh hưởng đến việc chọn lựa này? Hội nhập vào nền kinh tế thế giới của VN là sự chuyển tiếp của một nền kinh tế bước đầu mở cửa đang từng bước tiếp cận với thế giới mà phần lớn ta còn xa lạ. Điều đó, đặt ra yêu cầu VN phải hết sức linh hoạt, tuỳ cơ ứng biến trước sự thay đổi của thế giới. Như vậy cần chọn lựa một chính sách tỷ giá linh hoạt có quản lý để thích ứng và tạo ra động lực phát triển nền kinh tế nước ta trong tiến trình hội nhập. Theo đó, để phát huy tích cực tác dụng của chế độ tỷ giá này, cần phải thực hiện các bước: (1) cần xác định một ngang giá trung tâm hướng vào tỷ giá thực tế cân bằng dài hạn, (2) kế tiếp là xác định độ rộng của khung tỷ giá và mức độ can thiệp của chính phủ trong phạm vi khung này, (3) phải nhận biết được động thái của tỷ giá thông qua cung cầu, (4) đưa đầy đủ các công cụ phòng chống rủi ro tỷ giá hối đoái vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại, (5) đồng thời với việc thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt, cần tạo điều kiện để đồng tiền VN từng bước được chuyển đổi dễ dàng.
Kết luận
Như vậy, quá trình toàn cầu hóa đã trở thành trào lưu lịch sử không thể đảo ngược, quá trình hội nhập diễn ra ngày càng mạnh mẽ và có tác động to lớn đến tiến trình phát triển của nhân loại, của mỗi quốc gia nói chung và của doanh nghiệp nói riêng. Bên cạnh rất nhiều những tác động tích cực, hội nhập quốc tế cũng có những mặt tiêu cực nhất định. Vì thế, xác định một cách đúng đắn xu hướng lịch sử của trào lưu này, hoạch định chiến lược và chính sách đối ngoại thích hợp là vấn đề nan giải của các quốc gia nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng, và nhất là đối với các nước đang phát triển. Việc tìm kiếm đối sách để hội nhập là sự lựa chọn thông minh nhất, với những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp: quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm. Nhà nước phải đưa ra một chính sách tài chính đúng đắn nhằm giúp các doanh nghiệp nói riêng và giúp nền kinh tế nói chung khắc phục được những rủi ro tiềm ẩn sẽ tạo hành trang cho doanh nghiệp, cho đất nước bước vào quá trình hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới tự tin và vững vàng hơn .
SOURCE: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ 203, THÁNG 9/2007

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code