TS. ĐỖ VĂN ĐẠI – NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT – PHÁP
Khác với Hiến pháp một số nước (chẳng hạn như
của Pháp), Hiến pháp Việt Nam đề cập đến điều ước quốc tế (Điều 84,
103, 112) nhưng lại chưa định rõ mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và
điều ước khi chúng có sự khác nhau. Theo một số luật hay bộ luật của
Việt Nam như Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự… thì khi có sự khác
nhau giữa pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là
thành viên thì áp dụng những quy định của điều ước quốc tế.
Khác với Hiến pháp một số nước (chẳng hạn như của
Pháp), Hiến pháp Việt Nam đề cập đến điều ước quốc tế (Điều 84, 103,
112) nhưng lại chưa định rõ mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và điều
ước khi chúng có sự khác nhau. Theo một số luật hay bộ luật của Việt Nam
như Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự… thì khi có sự khác nhau
giữa pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành
viên thì áp dụng những quy định của điều ước quốc tế. Như vậy, quy định
ghi nhận trong điều ước quốc tế có tính bắt buộc cao hơn các quy định
của pháp luật quốc gia. Trong thực tiễn pháp lý, những quy định “có tính
điều ước quốc tế” cũng có tính trội so với các quy định của pháp luật
quốc gia. Ví dụ sau là một minh chứng:
Ông Khuông nguyên là cán bộ phòng cháy chữa cháy tại
Sở Công an tỉnh TB. Ngày 01/01/1991, Xí nghiệp liên doanh (XNLD)
Vietsovptro ký với ông Khuông một hợp đồng lao động với thời hạn ba năm.
Nhưng đến ngày 9/4/2001, XNLD này ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao
động với ông Khuông. Do vậy, ông Khuông kiện XNLD vi phạm Bộ luật Lao
động.
Vấn đề mấu chốt cần xác định khi giải quyết vụ kiện
là hợp đồng giữa ông Khuông và XNLD là hợp đồng xác định thời hạn hay
không xác định thời hạn.
Theo Quyết định số 01/2003/HĐTP-LĐ ngày 28/2/2003 của
Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (HĐTP TANDTC) thì, ông
Khuông trước đây thuộc biên chế của ngành công an, nhưng khi chuyển vào
làm việc tại XNLD là ông đã chuyển từ chế độ lao động theo biên chế sang
chế độ lao động theo hợp đồng. Điều 12, Nghị định 198/CP của Chính phủ
quy định đối với cán bộ công nhân viên thuộc lực lượng thường xuyên
trong các doanh nghiệp nhà nước khi chuyển sang giao kết hợp đồng lao
động, thì hợp đồng lao động sẽ là loại không xác định thời hạn. Tuy
nhiên, căn cứ vào Điều 3 Bộ luật Lao động và Điều 2 của Hiệp định liên
doanh ký kết giữa Việt Nam và Liên Xô, XNLD đã ban hành quy chế đối với
các cán bộ công nhân viên XNLD (được Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Nhà
nước về hợp tác và đầu tư chứng nhận ngày 16/6/1993). Tại mục 2.2 của
Quy chế nêu rõ: “XNLD ký hợp đồng lao động với cán bộ công nhân viên
được tiếp nhận vào làm việc với thời hạn ba năm”. Đây là những quy định
được thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên Xô có tính điều ước quốc tế nên có
hiệu lực bắt buộc thi hành. Vì vậy, thời gian hợp đồng ba năm được áp
dụng cho mọi người lao động phía Việt Nam và cả phía Liên bang Nga. Theo
đó, hợp đồng lao động giữa ông Khuông với XNLD là hợp đồng xác định
thời hạn.
Vẫn theo HĐTP TANDTC,”căn cứ Điều 8 Quy chế lao động
đối với các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ban hành kèm theo Nghị
định số 233/HĐBT ngày 22/06/1990 của Hội đồng Bộ trưởng, Viện kiểm sát
nhân dân tối cao cho rằng, hợp đồng lao động xác định thời hạn của ông
Khuông… đã trở thành hợp đồng lao động với thời hạn không xác định là
không chính xác. Bởi vì, tại Điều 1 cũng của Quy chế nêu trên quy định:
“Quy chế này áp dụng cho cả người lao động và người nước ngoài, trừ các
văn bản liên quan có quy định khác”. Như vậy, ông Khuông cũng như tất cả
cán bộ công nhân trong XNLD đều phải tuân thủ nội dung Hiệp định và
những quy định trong Quy chế của XNLD mà Chính phủ hai nước Việt Nam –
Liên Xô đã thỏa thuận ký kết là ký kết hợp đồng lao động có thời hạn ba
năm… Do các bên không đạt được thỏa thuận để ký hợp đồng lao động mới mà
thời hạn hợp đồng lao động cũ đã hết, nên Tổng giám đốc XNLD đã có
quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Khuông theo khoản 1
Điều 36 Bộ luật Lao động là có căn cứ, đúng pháp luật”.
Phần trình bày trên cho thấy có sự khác nhau giữa quy
định của pháp luật của Việt Nam với một số quy định trong Quy chế của
XNLD được thành lập theo Hiệp định Việt Nam – Liên Xô. Theo HĐTP TANDTC
thì cần phải áp dụng những quy định nêu trong Quy chế bởi “đây là những
quy định được thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên Xô có tính điều ước quốc
tế nên có hiệu lực bắt buộc thi hành”. Như vậy, HĐTP TANDTC đã đi xa hơn
các luật và bộ luật đã được đề cập ở phần mở đầu vì theo các luật và bộ
luật này, điều ước quốc tế có tính trội hơn quy định của pháp luật quốc
gia nhưng theo HĐTP TANDTC thì, các quy định “có tính điều ước quốc tế”
cũng có tính trội hơn quy định của pháp luật quốc gia. Vì vậy, các bên
cần “phải tuân thủ” “những quy định trong Quy chế của XNLD”. ở đây,
TANDTC đã đánh đồng “nội dung Hiệp định và những quy định trong Quy chế
XNLD”. Giải pháp này có được chấp nhận hay không? Thiết nghĩ, câu trả
lời phụ thuộc vào tính hợp lệ của những quy định nêu trong Quy chế trên.
Khi một hiệp định dẫn đến thiết lập một cơ quan, tổ
chức, việc tôn trọng quy định liên quan đến cơ quan, tổ chức này là cần
thiết. Bởi, cơ quan, tổ chức này không thể hoạt động nếu không có quy
chế của mình. Quy chế này là những quy định được thiết lập để áp dụng
hiệp định mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, nếu chấp nhận bất kỳ nội
dung nào của quy chế thì nguy cơ làm biến dạng hiệp định được hai bên
ký kết sẽ cao và đây là điều không thể chấp nhận được. Bởi vì, quy chế
được xây dựng để cụ thể hoá hiệp định, nên thiết nghĩ, chúng ta chỉ chấp
nhận nội dung của quy chế nếu:
Thứ nhất, nội dung của quy chế không đi ngược lại với nội dung hay tinh thần của hiệp
định. ở đây, Quy chế cho rằng, hợp đồng lao động giữa XNLD và người lao
động có thời hạn là ba năm. Liệu quy định này có đi ngược lại với nội
dung hay tinh thần của Hiệp định Việt Nam – Liên Xô về XNLD Vietsovptro?
Rất tiếc là Quyết định của HĐTP TANDTC không đi vào phân tích kỹ góc độ
này. Chúng ta chỉ thấy HĐTP TANDTC nêu là “căn cứ vào quy định tại Điều
2 Hiệp định liên doanh ký kết giữa Việt Nam và Liên Xô, XNLD
Vietsovptro đã ban hành quy chế đối với các cán bộ công nhân viên XNLD”.
Thứ hai, quy chế này phải được xây dựng theo trình tự, thủ tục phù hợp với hiệp định.
Liệu Quy chế của Xí nghiệp liên doanh đã được thiết lập bởi người có
thẩm quyền và theo trình tự phù hợp với hiệp định? Theo HĐTP TANDTC, Quy
chế được Xí nghiệp liên doanh ban hành nhưng lại không nêu rõ người hay
cơ quan cụ thể nào đã ban hành. Cũng theo HĐTP TANDTC, Quy chế trên đã
“được Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư chứng
nhận ngày 16/6/1993″. Nhưng việc “chứng nhận” của Bộ trưởng, Chủ nhiệm
ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư có đủ để cho thấy rằng Quy chế của
XNLD đã được thiết lập phù hợp với Hiệp định Việt Nam – Liên Xô?
Nói tóm lại, ví dụ liên quan đến Quy chế của XNLD
được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, theo
TANDTC, đây là những quy định “có tính điều ước quốc tế” nên “có hiệu
lực bắt buộc thi hành”. Trong thực tế, Quy chế trên được thiết lập để
thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Chúng ta cần phải tôn
trọng không chỉ điều ước mà cả Quy chế đó. Bởi điều ước và Quy chế đó là
một khối thống nhất. Tuy nhiên, việc tuân thủ này chỉ được chấp nhận
với điều kiện là những quy định thiết lập để áp dụng điều ước quốc tế có
nội dung không trái với nội dung hay tinh thần của điều ước và được
thiết lập theo trình tự, thủ tục và người có thẩm quyền phù hợp với điều
ước. Thiết nghĩ, những nhận xét trên cũng được áp dụng với mọi quy định
“có tính điều ước quốc tế” khác khi chúng được xây dựng để áp dụng một
điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các bài viết cùng tác giả: http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/?s=%22%C4%90%E1%BB%96+V%C4%82N+%C4%90%E1%BA%A0I%22
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP
0 comments:
Post a Comment