Wednesday, October 16, 2013

TRANH CHẤP HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH: NỢ CHUNG HAY NỢ RIÊNG?

THỤY CHÂU
Chưa xác định số tiền vay đã được sử dụng vào mục đích gì, tòa phúc thẩm buộc người vợ liên đới trả nợ.
Anh X. và chị T. (tỉnh Tây Ninh) kết hôn với nhau từ năm 1991. Quá trình chung sống phát sinh mâu thuẫn kéo dài, họ tự nguyện ly hôn. Tháng 2-2007, TAND huyện Dương Minh Châu ra quyết định công nhận việc thuận tình ly hôn của các bên.
Chồng vay, vợ không ký
Ba ngày sau khi có quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn, anh X. và chị T. bị một phụ nữ cùng địa phương kiện đòi trả hơn 400 triệu đồng. Chủ nợ cung cấp hai giấy vay tiền lập năm 2006 có chữ ký của anh X.
Không phủ nhận chứng cứ này, anh X. còn thừa nhận có thế chấp cho chủ nợ “giấy đỏ” do chị T. đứng tên. Anh chỉ yêu cầu tính lại lãi suất cũng như ràng buộc trách nhiệm liên đới trả nợ của người vợ cũ. Song chị T. không đồng ý vì cho rằng đó là nợ riêng của chồng cũ.
Tháng 11-2007, TAND huyện Dương Minh Châu xử sơ thẩm vụ án và đã loại trừ trách nhiệm trả nợ của chị T. Theo tòa này, anh X. từng khai rằng vợ chồng không có nợ chung, đã sống ly thân từ tháng 2-2006. Qua đối chất, anh X. xác định mình trực tiếp vay tiền mà vợ không biết. Hễ có mặt vợ, anh và chủ nợ lại không bàn đến chuyện vay tiền. Một mình anh X. viết, ký vào giấy vay tiền và nhận tiền mà vợ anh không biết.
Tổng hợp chứng cứ, cấp sơ thẩm xác định hơn 400 triệu đồng kia không phải là nợ chung nên anh X. phải tự trả nợ.
Anh X. và chủ nợ kháng cáo, yêu cầu chị T. phải liên đới trả nợ. Tháng 6-2008, TAND tỉnh Tây Ninh xử phúc thẩm vụ án. Tại phiên tòa, anh X. rút kháng cáo và đồng ý tự mình trả nợ như án sơ thẩm đã tuyên. Tuy nhiên, do người chủ nợ không rút kháng cáo nên phiên tòa phúc thẩm vẫn được tiến hành.
Cấp phúc thẩm buộc chị T. trả nợ cùng chồng cũ. Cấp này viện dẫn lời khai của anh X. cho rằng chị T. đã cùng chồng đi nhận tiền vay. Do quen biết nên chủ nợ không yêu cầu làm giấy nợ. Tháng 9 và tháng 12-2006, anh X. lập hai giấy vay tiền. Đến tháng 2-2007, vợ chồng họ mới được công nhận thuận tình ly hôn. Như vậy, việc vay tiền xảy ra trong thời kỳ hôn nhân nên chị T. phải liên đới trả nợ.
Nợ chung hay nợ riêng?
Năm 1988, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01 quy định những giao dịch đối với tài sản có giá trị lớn phải có sự thỏa thuận của cả hai vợ chồng. Nợ do một bên vay trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân mà không vì nhu cầu của gia đình thì người đó phải thanh toán bằng tài sản riêng. Nếu tài sản riêng không đủ thì thanh toán bằng phần tài sản của người đó trong tài sản chung. Nghị quyết này đã hết hiệu lực kể từ ngày 10-1-2001.
Sau đó, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng có quy định về nợ chung, nợ riêng. Theo Điều 25 luật này, vợ hoặc chồng phải có trách nhiệm đối với các giao dịch dân sự hợp pháp do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình.
Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng phán quyết nêu trên của TAND tỉnh Tây Ninh thiếu thuyết phục khi chưa xác định số tiền vay đã được sử dụng vào mục đích gì. Nếu tiền vay không nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình thì không thể xác định là nợ chung. Lý lẽ của chị T. “đó là nợ riêng của chồng” xem ra không phải không có cơ sở khi quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn cũng đã ghi rõ hai bên không có nợ chung.
Cho rằng mình bị buộc phải trả nợ oan, hiện chị T. đang gửi đơn yêu cầu giám đốc thẩm.
SOURCE:  BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code