Wednesday, October 16, 2013

THU HỒI, HỦY BỎ GIẤY KHAI SINH NÀO LÀ HỢP LÝ?

NGUYỄN THANH XUÂN
Điều 78 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27.12.2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp huyện trong quản lý nhà nước về hộ tịch. Theo đó, UBND cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về hộ tịch trong địa phương mình, có nhiệm vụ và quyền hạn ra Quyết định thu hồi, hủy bỏ những giấy tờ hộ tịch do UBND cấp xã cấp trái với quy định tại Nghị định 158. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết việc thu hồi và hủy bỏ giấy tờ hộ tịch cấp trái quy định pháp luật đã dẫn đến một số khó khăn cho cán bộ hộ tịch và người dân.
Tháng 7.1991, ông Võ Thành Lâm đến UBND xã L.T, huyện L.V, tỉnh Đồng Tháp đăng ký khai sinh cho con là Võ Thành Son với năm sinh 1991. Tháng 5.1997 ông lại đến UBND xã L.T đăng ký tiếp cho con ông một giấy khai sinh nữa với năm sinh năm 1990. Hiện tại Võ Thành Son có hai bản chính giấy khai sinh với hai năm sinh khác nhau là 1990 và 1991. Xuất phát từ việc đăng ký giấy khai sinh thứ hai với năm sinh 1990, con ông Lâm đã xác lập các hoạt động học tập, đăng ký các giấy tờ nhân thân của mình như chứng minh nhân dân, hộ khẩu gia đình… với năm sinh là năm 1990. Tháng 3.2009, ông Võ Thành Lâm đến UBND huyện L.V, Đồng Tháp yêu cầu hủy bỏ giấy khai sinh đăng ký năm 1991 với lý do con ông có hai giấy khai sinh và chỉ sử dụng giấy khai sinh đăng ký năm 1997. Xem xét hồ sơ học tập cùng các giấy tờ nhân thân khác của Võ Thành Son sử dụng năm sinh  1990, UBND huyện L.V ra Quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh đăng ký năm 1991 để đương sự có thể sử dụng giấy khai sinh đăng ký năm 1997 cho phù hợp với các giấy tờ nhân thân.
Về sự việc này, nhiều ý kiến cho rằng, UBND huyện L.V ra Quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh đăng ký năm 1991 của Võ Thành Son là không đúng quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch. Theo quy định tại Điểm k, Khoản 1, Điều 78 Nghị định 158, UBND cấp huyện có quyền ra quyết định thu hồi, hủy bỏ những giấy tờ hộ tịch do UBND cấp xã cấp trái với quy định.

Căn cứ vào điều luật trên để xử lý đúng trường hợp sử dụng hai giấy khai sinh của con ông Lâm thì UBND huyện L.V phải ra quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh đăng ký năm 1997 với năm sinh của Võ Thành Son là năm 1990, vì giấy khai sinh này cấp trái với quy định pháp luật (cá nhân chỉ được quyền đăng ký khai sinh một lần). Làm như vậy là đúng luật, nhưng lại phát sinh vướng mắc, bởi khi thu hồi hủy bỏ giấy khai sinh đăng ký năm 1997 ghi năm sinh 1990 và sử dụng giấy khai sinh đăng ký năm 1991 ghi năm sinh 1991 sẽ không phù hợp với nội dung của các giấy tờ nhân thân khác đã được đăng ký năm sinh là năm 1990; đương sự phải đến UBND huyện L.V xin cải chính năm sinh trong giấy khai sinh đăng ký năm 1991 ghi năm sinh 1991 thành năm sinh 1990.
Thiết nghĩ, đăng ký khai sinh là việc quan trọng, cần phải yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật. Mọi hành vi đăng ký khai sinh không đúng quy định đều dẫn đến hệ quả là sự không hợp lệ trong các giấy tờ nhân thân, gây rắc rối, khó khăn cho bản thân người được khai sinh sau này, đồng thời gây phiền hà cho cơ quan có thẩm quyền khi phải chỉnh sửa, cải chính hộ tịch cùng các giấy tờ nhân thân của đương sự.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Trích dẫn từ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code