Wednesday, October 16, 2013

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG LẮT LÉO CỦA . . . THỤ TINH ỐNG NGHIỆM

LÝ MẠC
Với những cặp vợ chồng hiếm muộn, thụ tinh trong ống nghiệm (TTON) là cứu cánh cho họ, đem lại niềm vui làm mẹ, làm cha chính đáng trong cuộc đời con người. Tuy nhiên, khi công nghệ càng cao, có thể can thiệp vào cuộc sống của con người thì cùng với đó lại nảy ra những mặt trái ngoài ý muốn, ngoài pháp luật cũng như phi nhân đạo.
Tuổi cao thì… xuất ngoại
Theo luật pháp Việt Nam, các trường hợp làm TTON thì qui định của người phụ nữ phải dưới 45 tuổi. Thực tế cho thấy những vướng mắc mà các bệnh viện hay gặp nhiều nhất chính là tuổi tác của người phụ nữ: do lập gia đình trễ, do tái hôn, do không biết đến phương pháp TTON hoặc ngại ngần khi nhờ đến phương pháp này… Vì thế khi tìm đến với TTON, có rất nhiều phụ nữ đã qua ngưỡng 45 tuổi và bị từ chối cho dù ước nguyện và tình cảnh của họ là chính đáng.
Thế nên nhiều phụ nữ đã chọn giải pháp "xuất ngoại" để thực hiện TTON. Ở một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan hay xa hơn là Mỹ thì các qui định về tuổi tác "thoáng" hơn, thậm chí không cần giới hạn tuổi, miễn là cơ thể người phụ nữ còn cho phép việc tiến hành TTON (còn noãn và sức khỏe đủ để mang thai).
Theo thống kê, kể từ em bé TTON đầu tiên ra đời năm 1998 đến nay, thì cả nước đã có hơn 4.000 em bé sinh ra từ phương pháp này với nhu cầu tăng hàng năm từ 10/15%. Đó là chưa tính nhiều trường hợp sử dụng phương pháp này tại nước ngoài. Giờ đây, những người nghi ngờ về khả năng của công nghệ  TTON giờ gần như là thiểu số.
Tuy nhiên, qui định không phải là không có cơ sở. Theo các bác sĩ, thành công hay thất bại của một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm phụ thuộc nhiều yếu tố, chủ yếu là chất lượng của trứng, phôi và sự chấp nhận của nội mạc tử cung với phôi làm tổ.
Ngoài việc tỷ lệ thành công khi làm TTON với những người phụ nữ cao tuổi là rất thấp, thì việc đặt thành công một ca TTON chỉ mới là một chặng đường. Sản phụ còn phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe, những rủi ro trong quá trình mang thai kéo dài trên dưới 40 tuần. Chưa kể, người cao tuổi còn tiềm ẩn rất nhiều bệnh tật mà khi mang thai mới phát hiện ra: tiểu đường, tim, cao huyết áp, sản giật, nhiễm độc thai nghén, nhiễm độc ối v.v…

Về sức khỏe sinh sản, bất cứ một can thiệp nào liên quan đến TTON cũng khiến người phụ nữ khỏe mạnh bị tổn hại sức khỏe và áp lực tinh thần là rất cao. Chị H., 43 tuổi, lấy chồng lần thứ 2 (chồng trước có 1 đứa con gái đã ngoài 20 tuổi) cho biết: chị đã làm TTON lần thứ 3 nhưng đều không thể giữ được thai. "Mỗi một lần kích, chọc noãn, đều rất mệt mỏi và áp lực cả về tinh thần, sức khỏe cũng như vật chất… và mỗi một lần thất bại áp lực tăng gấp bội".
Còn chị L., sinh năm 1961, cũng đã thất bại sau 2 lần làm TTON tại S, tâm sự: "Ở Việt Nam không bệnh viện nào nhận, nghe người bạn giới thiệu sang S làm 2 lần, nhưng cũng không thành công, cho dù tỷ lệ thành công của bệnh viện này rất cao và bà bác sĩ được coi là rất "mát tay". Thực tế là mình nhiều tuổi, đành chấp nhận thôi".
Khi đặt ra vấn đề mang thai hộ với các bác sĩ trong trường hợp dùng trứng của người cao tuổi, các bác sĩ cho biết: "Tuổi của người phụ nữ ảnh hưởng lớn đến số lượng và chất lượng của trứng và phôi. Và với một chất lượng kém thì dẫu có chuyển phôi vào một cơ thể trẻ trung, khỏe mạnh, tỷ lệ thành công cũng rất thấp, chưa nói đến việc chất lượng phôi còn ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi và đứa con sau này".
TTON để chọn giới tính
Gần đây, một trào lưu xuất ngoại để làm TTON chọn giới tính đã ngày càng lan rộng. Việc chọn giới tính gần đây đã làm đau đầu cho những người làm công tác dân số và khiến cho sự bất cân bằng về giới tính đã ngày càng trở nên báo động.
Trong khi tại Việt Nam, có những luật rõ ràng về việc thông báo giới tính, và trong các ca TTON, người ta được qui định không được chọn giới tính thì ở một số nước trên thế giới việc này không nằm trong qui định và chính đó là điểm đến của những cặp vợ chồng thiếu nếp hoặc thiếu tẻ.
Chị L.A. ở công ty P là một trường hợp. Sau khi sinh cô con gái thứ 2, đứng trước áp lực rất lớn của nhà chồng là phải đẻ bằng được một thằng cu để nối dõi tông đường, chị khăn gói lên đường sang Mỹ và cuối cùng thì cũng "thỏa nguyện" và sinh được một thằng cu cho dòng tộc nhà chồng.
Việc lựa chọn giới tính về công nghệ thì không có gì khó, các bệnh viện sử dụng phương pháp PGD biến phương pháp điều trị được thiết kế để phòng ngừa các gene lỗi, thành một công cụ để xác định và lựa chọn giới tính. Và, Mỹ được coi là điểm đến của những cặp vợ chồng muốn chọn giới tính cho con, miễn là người ta có đủ tiền. Bởi ngoài chi phí làm TTON, chi phí đi lại ăn ở trong thời gian làm TTON thường từ 3-6 tháng thì cho mỗi ca chọn giới tính ở Mỹ sẽ phải chi trả thêm 20.000 USD.
Gần đây T. cũng là một điểm đến được lựa chọn bởi đông đảo người Việt Nam muốn chọn giới tính bởi lẽ nó gần và chi phí "dễ chịu" hơn là Mỹ. Việc sử dụng công nghệ can thiệp vào "ý Trời" này nếu không có những biện pháp hữu hiệu thì sẽ làm cho cán cân giới tính sẽ ngày càng lệch, bởi lẽ người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng vẫn coi nặng việc đẻ con trai, trong khi đó, tỷ lệ con trai, con gái của Việt Nam đã là 111 bé trai/100 bé gái.
Và những "trò chơi vô nhân tính" của người lớn…
Còn trớ trêu hơn, có nhiều trường hợp đã dùng phương pháp TTON cho một mục đích đi ngược lại tính nhân đạo, nhân sinh của nó, coi TTON và đứa con như một "trò chơi" của người lớn.
Để có con, trong những trường hợp noãn của người vợ hoặc tinh trùng của người chồng không đủ chất lượng, luật định cho phép được xin tặng tinh trùng hoặc noãn để có con. Tuy nhiên, phải theo những qui định chặt chẽ: Người nhận tinh trùng phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người chồng, hay phụ nữ sống độc thân có nhu cầu có con đã được cơ sở y tế xác định có noãn bảo đảm chất lượng để thụ thai.
Tương tự, noãn của người cho cũng chỉ được sử dụng cho một người. Người nhận noãn phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người vợ có nhu cầu sinh con nhưng không có noãn, hoặc noãn không đảm bảo chất lượng để thụ thai. Về tuổi tác, qui định người cho tinh trùng phải từ 20-55 tuổi, và người cho noãn tuổi từ 20-45.
Ngoài ra, tại Việt Nam việc mang thai hộ là hoàn toàn trái với pháp luật cho dù người mang thai hộ không phải là mua bán mà là anh, chị em hay người có huyết thống.
Tuy nhiên, có nhiều cặp không phải vợ chồng, cũng không hiếm muộn  lại cũng dùng phương pháp này để có một đứa con làm "kỷ niệm" hoặc đáp ứng cho một mục đích cá nhân ích kỷ của mình. Trường hợp cô LHH ở doanh nghiệp F là một ví dụ.
Là người đã có chồng, có 2 đứa con khỏe mạnh, nhưng do quan hệ bất chính với một người đàn ông có vợ khác, muốn chiếm giữ người này, H. bèn ngon ngọt dụ người tình sang T để làm TTON.
Tại đây cô đã lách được những qui tắc về luật pháp liên quan đến tuổi tác (cô H. đã 50 tuổi), liên quan đến những qui định về nguồn gốc người cha (người cho tinh trùng) và cả những ràng buộc về việc mang thai hộ. H. tiến hành việc TTON bằng cách lấy noãn của mình, kết hợp với tinh trùng của người đàn ông  kia sau đó thuê một người mang thai hộ. Nhẫn tâm hơn, vì tuổi tác già nên H. chỉ có thể lấy được một noãn chất lượng kém, sau khi tạo thành phôi là một phôi hạng C.
Thông thường, trong một ca TTON, các bác sĩ cũng chỉ khuyến cáo bệnh nhân nên đặt phôi hạng A vì hạng B và C đem lại khả năng thụ thai rất thấp chỉ 1% và nếu có thành thai, khả năng có thể sinh nở một đứa trẻ bình thường chỉ 10%. Nhưng H. vẫn bất chấp thủ đoạn để định đặt vào người mang thai hộ.
Vụ việc đổ bể bởi người vợ của người đàn ông đã phát hiện ra và có khiếu nại lên bệnh viện nơi H. làm TTON. Bệnh viện này đã đối diện với một ca đau đầu hy hữu, luật sư của bệnh viện này cho biết: Từ trước đến nay chưa hề có việc dùng đến TTON kiểu như vậy, nên họ không kiểm tra kỹ về quan hệ vợ chồng của bệnh nhân.
Tuy nhiên, vị luật sư này cũng nói thêm: "Thực tế đây là ca quá hy hữu. Không ai có thể lường người ta có thể lợi dụng việc làm TTON rất nhân đạo để lấy ra một cái noãn, nhờ người khác mang nặng đẻ đau nhằm có một đứa trẻ làm bàn đạp cho mục đích cá nhân rất phi nhân tính của mình. Đây sẽ là bài học kinh nghiệm cho bệnh viện chúng tôi những ca TTON sau, để tránh những kiện tụng liên quan đến pháp lý quốc tế cho bệnh viện cũng như để không tiếp tay cho những hành vi vô đạo đức liên quan đến con người".
Rõ ràng, công nghệ có thể giúp khắc phục những trở ngại của tạo hóa, khiến con người đạt đến những điều tốt đẹp hơn, nhưng cũng có thể đó là con dao hai lưỡi phục vụ cho nhu cầu của những người muốn dùng tiền, dùng công nghệ để "thay sự sắp đặt của Chúa". Không luật pháp nào qui định được hết những ngõ ngách lắt léo của toan tính con người, vấn đề là ở chính họ.
SOURCE: AN NINH THẾ GIỚI ĐIỆN TỬ
Trích dẫn từ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code