Wednesday, October 9, 2013

PHÁP LUẬT MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI VỀ QUYỀN CỦA NGƯỜI ĐỒNG TÍNH


TRƯƠNG HỒNG QUANG – Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp
1. Khái quát chung pháp luật thế giới về quyền của người đồng tính
Từ thế kỷ XIX trở về trước, nhiều quốc gia đã đưa đồng tính vào danh sách các bệnh về tâm thần. Quan niệm đồng tính luyến ái là rối loạn tâm lý là một quan niệm phổ biến ở phương Tây từ thế kỷ XIX và sang đến một phần thế kỷ XX, và có lẽ nó lan truyền cùng với sự phổ biến của y học phương Tây(1). Đến những thập niên cuối thế kỷ XX, khoa học đã khẳng định đồng tính luyến ái không phải là bệnh. Nhiều nước lần lượt loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi danh sách bệnh tâm thần, bắt đầu là Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ đã loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh tâm thần vào năm 1973. Tại Trung Quốc năm 2001 cũng đã loại đồng tính luyến ái khỏi danh sách bệnh tâm thần. Đồng tính luyến ái được coi là một phần của đa dạng tính dục con người, không phải là bệnh và cũng không phải là giới tính thứ ba. Đến năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới – cơ quan của Liên Hợp Quốc cố vấn chuyên môn cho các quốc gia về y tế đã loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi danh sách bệnh tâm thần. Bên cạnh đó, tháng 6/2011, Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết khẳng định: ‘mọi người đều có quyền bình đẳng, bất kể thiên hướng tình dục như thế nào’(2). Đến ngày 7/3/2012, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã có bài phát biểu lịch sử kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới phi hình sự hóa đồng tính, chấm dứt kỳ thị với những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (thuật ngữ tiếng Anh viết tắt là LGBT)(3). Như vậy, lần đầu tiên, người đứng đầu tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh đã đưa ra một thông điệp rõ ràng và đầy tính ủng hộ đối với vấn đề LGBT, và đây cũng là quan điểm của cả Liên Hiệp Quốc khi gần đây liên tiếp có những động thái để giải quyết vấn đề kỳ thị phân biệt dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới. Những động thái này đã một lần nữa khẳng định đồng tính chỉ là một xu hướng tính dục như bao xu hướng khác (dị tính, lưỡng tính, vô tính,..) và góp phần xua đuổi quan niệm nặng nề tại các nước trên thế giới về giới đồng tính. Đến thời điểm hiện tại đã hình thành hai quan điểm quan trọng về nguyên nhân của xu hướng tình dục này, đó là do các mặt tác động về xã hội và do mặt sinh lí, thần kinh của con người(4).
Vấn đề bảo vệ quyền của người đồng tính đang thực sự dần trở thành một trong những mối quan tâm, lo ngại của các quốc gia trên thế giới. Trong đó, quyền được sống, được hưởng chính sách an sinh xã hội bình đẳng như các chủ thể khác trong xã hội và quyền được kết hôn là những quyền đặc biệt, ảnh hưởng lớn đến chất lượng nhân quyền của những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Ví dụ như hôn nhân đồng giới hay hôn nhân đồng tính (hôn nhân của hai người có cùng giới tính sinh học hoặc giới tính xã hội được chấp nhận về mặt luật pháp hay xã hội) là một vấn đề về quyền công dân và là vấn đề chính trị, xã hội, đạo đức và tôn giáo ở nhiều quốc gia phương Tây(5). Những người ủng hộ hôn nhân đồng giới dựa trên quyền chung của con người, bình đẳng trước pháp luật(6) và mục tiêu bình thường hóa mối quan hệ LGBT(7). Những người phản đối thường dựa vào việc từ hôn nhân có bao gồm cả các cặp cùng giới hay không. Các lý do khác là tác động trực tiếp và gián tiếp của hôn nhân đồng giới, vấn đề con cái, nền tảng tôn giáo(8), truyền thống và chủ nghĩa dị tính luyến ái. Nhiều người ủng hộ hôn nhân đồng giới cho rằng sự phản đối hôn nhân đồng giới là do chứng ghê sợ đồng tính luyến ái(9). Chấm dứt kỳ thị trong tiếp cận hôn nhân dân sự đã trở thành vấn đề bức bách ở nhiều quốc gia. Đến thời điểm hiện tại (tháng 3/2012), có thể thống kê tình hình công nhận đồng tính và kết hôn đồng giới trên thế giới như sau(10):
- Các quốc gia công nhận kết hôn đồng giới: Hà Lan (Luật hôn nhân đồng giới ban hành năm 2001), Bỉ (ban hành Luật hôn nhân đồng giới năm 2003), Tây Ban Nha (năm thông qua: 2005), Canada (năm thông qua: 2005), Nam Phi (năm thông qua: 2006), Na Uy (năm thông qua: 2008), Thụy Điển (2009), Bồ Đào Nha (2010), Iceland (2010), Argentina (15/7/2010, là quốc gia đầu tiên ở khu vực Hoa Kỳ la tinh công nhận), Brazin (2011), Mexico (Mexico City, năm 2011), Hoa Kỳ (mới hợp pháp ở các tiểu bang Massachusetts, Connecticut, Iowa, Vermont, New Hampshire, Maryland, New York và gần đây nhất là thủ đô Washington công nhận vào tháng 2/2012); Đan Mạch (Luật hôn nhân được sửa đổi và thông qua vào tháng 3/2012, có hiệu lực vào ngày 15/6/2012).
- Các quốc gia công nhận đồng tính nhưng chưa cho phép kết hôn đồng giới: ArubaAntilles (thuộc Hà Lan), Pháp, Israel, Hoa Kỳ (bang Rhode Island).
- Các quốc gia cho kết hợp dân sự và đăng ký cặp đôi: Andorra, Czech, Phần Lan, Pháp, Đức, Greenland, Hungary, Luxembourg, New Zealand, Slovenia, Thụy Sĩ, Anh quốc, Uruguay.
- Các quốc gia chỉ công nhận đồng tính ở vài vùng: Úc (Hạt Thủ đô Úc, Tasmania, Victoria), Mexico (Coahuila, Mexico City), Hoa Kỳ (California, Colorado, District of Columbia, Hawaii, Maine, New Jersey, Oregon).
- Các quốc gia cho phép kết hợp dân sự và đang tranh luận về đăng kí cặp đôi: Argentina, Úc, Áo, Brazil, Bulgaria, Chile, Costa Rica, Cuba, Ecuador, Liên minh châu Âu (Estonia, Faroe Islands, Ý, Ireland), Jersey, Liechtenstein, Venezuela, Mexico (Colima, Guerrero, Jalisco, Michoacán, Puebla, Veracruz), Hoa Kỳ (Arizona, Guam, Hawaii, Illinois, Montana, New Mexico, Nevada, Utah, Wisconsin).
- Theo báo cáo của tổ chức ILGA (International Lesbian, Gay, Bisexual, Trans and Intersex Association) cho đến tháng 5/2010, có 32 quốc gia trên thế giới chấp nhận đồng tính nữ nhưng không chấp nhận đồng tính nam(11). Cũng theo báo cáo này, quan hệ đồng tính bị cấm tại 44 quốc gia trên thế giới, trong đó có một số quốc gia như Iran, Mauritania, Saudi Arabia, Sudan, Yemen và một phần của Nigeria + Somalia có thể xử phạt đến chết nếu phát hiện quan hệ đồng tính. Có thể thấy, dù đã có những tiến bộ trong việc giảm kỳ thị và từng bước tôn trọng quyền của người đồng tính nhưng những nỗ lực đó còn quá ít ỏi. Nhìn chung, trên phạm vi toàn thế giới hiện nay, người đồng tính vẫn chưa thực sự được bảo vệ bởi hệ thống chính sách pháp luật và thêm vào nữa một số quyền tự do cơ bản của họ vẫn bị vi phạm (12).
Dựa vào những đặc trưng riêng về văn hóa, tôn giáo, mức độ dân chủ và thể chế chính trị, luật pháp của nhiều quốc gia trên thế giới có những quy định khác nhau về quyền của người đồng tính. Trong phạm vi bài viết sẽ đề cập đến pháp luật của một số quốc gia về quyền của người đồng tính (tập trung vào sự phát triển của pháp luật và quyền kết hôn của người đồng tính).
2. Một số quốc gia công nhận và bảo vệ quyền của người đồng tính trong pháp luật
Ban đầu, người đồng tính và quan hệ đồng tính từng bị xem như một loại tội phạm và bị xét xử ở Tòa án. Về sau, do những thay đổi tích cực trong quan niệm, nhận thức xã hội về hiện tượng đồng tính luyến ái mà các quốc gia này đã xóa bỏ các tội phạm về quan hệ đồng tính khỏi danh sách các loại tội phạm và ban hành luật pháp cũng như các chính sách tích cực nhằm thừa nhận và bảo vệ các quyền cho người đồng tính.
Ở Cộng hòa Pháp, vào năm 1985, Quốc hội đã thông qua đạo luật cấm phân biệt đối xử với người đồng tính trong công việc, vấn đề nhà ở, cung cấp các hàng hóa, dịch vụ công và tư. Ngày 30/12/2004, luật về chống phân biệt đối xử và bình đẳng được ban hành, trong đó các Điều 20, 21 tại Mục 3 bổ sung thêm một số hành vi vi phạm pháp luật quy định ở Luật ngày 29/7/1881 bao gồm: hành vi gây tổn thương, lăng mạ, xúc phạm, xúi giục việc thù ghét hay bạo động hoặc kỳ thị một người, nhóm người vì giới tính, xu hướng tình dục hoặc bệnh tật của họ. Các hành vi tấn công, giết hại các nạn nhân đồng tính luyến ái sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ. Người đồng tính được quyền quan hệ tình dục khi 15 tuổi(14), được gia nhập quân đội và hưởng hầu hết các quyền dân sự, kinh tế, chính trị khác giống như người dị tính. Pháp luật Pháp không thừa nhận kết hôn đồng giới nhưng cho phép các cặp đôi này chung sống dưới hình thức đối tác chung nhà (domestic partnership), được thông qua vào năm 1999. Các cặp đôi này được pháp luật bảo vệ, hưởng các quyền và nghĩa vụ như những cặp dị tính kết hôn khác. Họ được phép nuôi con của một trong hai người với một người khác giới trước đó nhưng không được quyền nhận nuôi con nuôi và thụ tinh nhân tạo.
Ở Cộng hòa liên bang Đức, nhà nước bãi bỏ luật cho rằng quan hệ tình dục đồng giới là một tội phạm từ rất sớm. Ngày 11/8/1987, Tòa án tối cao Đông Đức khẳng định: “Quan hệ đồng tính cũng như quan hệ dị tính, là sự thể hiện một cách ngẫu nhiên của các hành vi tình dục. Do đó, những người đồng tính luyến ái không thể đứng ngoài xã hội. Các quyền dân sự của họ được thừa nhận như tất cả các công dân khác”. Năm 1987, Tòa án Đông Đức quy định độ tuổi quan hệ tình dục của người đồng tính là ngang bằng với người dị tính (14 tuổi), luật pháp Tây Đức cũng thừa nhận độ tuổi quan hệ tình dục bình đẳng này vào năm 1989. Các hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người đồng tính đều là phạm pháp và bị xử phạt. Tương tự như ở Pháp, người đồng tính được hưởng hầu hết các quyền dân sự, được gia nhập quân đội, chuyển đổi giới tính. Năm 2001, pháp luật Đức cho phép các cặp đôi đồng tính sống chung với nhau dưới hình thức hợp danh (partnership). Quyền và nghĩa vụ của họ gồm hầu hết các quyền và nghĩa vụ như ở các cặp vợ chồng kết hôn như thừa kế, hưởng trợ cấp, bảo hiểm sức khỏe, nhập cư, thay đổi tên họ,… nhưng họ không được giảm các khoản thuế mà các cặp vợ chồng khác được hưởng, chẳng hạn như thuế về thừa kế, các cặp vợ chồng bình thường chỉ phải trả từ 7-30% thuế thừa kế trong khi đó những cặp đồng tính phải trả từ 17-50% tiền thuế(15). Quyền nhận nuôi con nuôi của họ cũng bị hạn chế hơn. Tháng 3/2010, Nghị viện Berlin đề xuất dự thảo luật về việc kết hôn của những người đồng tính, quy định họ phải được đối xử công bằng như những cặp dị giới khác và cho rằng điều này phù hợp với nguyên tắc của Tòa án Hiến pháp. Tuy vậy Nghị viện đã phản đối và không thông qua dự luật này. Hiện nay ở Đức, nhiều chính trị gia, Bộ trưởng công khai thừa nhận mình là người đồng tính và có nhiều hoạt động vì quyền bình đẳng cho những người đồng tính.
Canada là một trong những quốc gia đầu tiên thừa nhận chính thức hôn nhân đồng giới vào năm 2005 sau khi Thượng nghị viện nước này bỏ phiếu đa số tán thành đạo luật hôn nhân đồng giới. Trước đó một số tỉnh ở Canada trong một khoảng thời gian cũng đã chấp nhận hôn nhân đồng giới. Ngay cả quá trình đưa dự thảo Luật nói trên ra thảo luận, lấy ý kiến đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, tranh luận kịch liệt giữa các bên có liên quan. Thượng viện đã bỏ phiếu tán thành với tỉ lệ 47/21 phiếu để thông qua đạo luật hôn nhân đồng giới do các nghị sĩ thành viên trong đảng tự do hiện đang nắm chính quyền đệ trình lên quốc hội. Có thể nhận thấy Thượng viện nước này đã tán thành đạo luật này bất chấp làn sóng phản đối dữ dội từ phía các nghị sĩ đảng bảo thủ và các tổ chức tôn giáo, họ xem đạo luật này như là một đòn công kích vào trật tự tôn giáo. Đạo luật này có hiệu lực kể từ năm 2005 khi Thẩm phán Toà án tối cao phê chuẩn. Việc phê chuẩn các đạo luật thường do tổng đốc Adrienne Clarkson – người đại diện cho nữ hoàng Anh Elizabeth, nhà lãnh đạo của Canada thực hiện. Trong thời điểm đó, Chính phủ do đảng tự do cầm quyền đã cho rằng phải thảo ra đạo luật này để cho phép các cuộc hôn nhân đồng giới trên khắp Canada sau khi các Toà án của 8 trong số mười quận đã phê chuẩn rằng định nghĩa về hôn nhân đồng giới là trái luật pháp. Những người phản đối lo rằng nhà thờ và các quan chức tôn giáo hội có thể vì thế mà từ chối không làm lễ cho các cuộc hôn nhân đồng giới. Mặc dù đạo luật cho dân đồng giới nam và nữ quyền được tiến hành hôn lễ như các cặp hôn phối bình thường, nhưng rõ ràng các quan chức giáo hội sẽ không cho phép các cặp đồng giới được kết hôn trong nhà thờ. Một số tỉnh ở Canada trở thành điểm đến cho những cặp đồng tính từ các quốc gia khác, họ muốn kết hôn tại đây. Những yêu cầu về việc cư trú tại Canada ít khắt khe hơn so với các nước cũng cho phép hôn nhân đồng giới, nhưng các cặp hôn nhân đồng giới mới này có lẽ không được công nhận tại quê hương của họ.
Tại Hoa Kỳ, phong trào đòi quyền hôn nhân và quyền lợi cho các cặp đồng giới tính bắt đầu vào đầu những năm 1970(16). Nhưng cho đến nay, đã hơn 40 năm qua, nó vẫn còn là vấn đề gây chia rẽ trong cả nhân dân và chính giới Hoa Kỳ, chưa giải quyết dứt khoát được. Vấn đề đã trở nên càng nổi bật lên hơn trong chính trị Hoa Kỳ vào giữa thập niên 1990 sau khi Quốc hội thông qua Dự luật Bảo vệ hôn nhân năm 1996 và Tổng thống Bill Clinton đã ký thành luật ngày 21/9/1996 gọi tắt là DOMA (Defense of Marriage Act). Theo luật DOMA, Chính phủ liên bang định nghĩa hôn nhân là một sự kết hợp hợp pháp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, vì các mục tiêu cho liên bang, như việc khai báo cho việc giảm thuế đối với các cặp vợ chồng và việc nhận được các quyền lợi về an sinh xã hội của người hôn phối quá cố và cho phép một bang hay vùng lãnh thổ nào của Hoa Kỳ có quyền nhận hay không nhận hôn nhân đồng giới tính mà một bang khác đã thừa nhận. Như vậy luật này vẫn không cấm bất kỳ bang hay vùng lãnh thổ nào cho tiến hành hôn nhân giữa hai người đồng giới tính(17).
Trong khi đó, ở các nước khác, hôn nhân đồng giới tính từ từ giành được chỗ đứng. Tình hình quốc tế này dội vào dư luận Hoa Kỳ, cho nên vào đầu thế kỷ XXI, sự ủng hộ của công chúng Hoa Kỳ cho tính hợp pháp của hôn nhân đồng giới tính tăng lên đáng kể(18). Trong các cuộc thăm dò dư luận, đa số người Hoa Kỳ vẫn còn chống đối các quyền hôn nhân đầy đủ cho các cặp đồng giới tính, mặc dầu khoảng sai biệt đang thu hẹp dần. Các kết quả chứng tỏ một sự dễ chịu hơn trong thái độ hướng về hôn nhân đồng giới tính từ cuộc thăm dò tháng 7/2004 của Pew Research Center, trong đó 56% chống và 32% ủng hộ đám cưới hợp pháp của các người đồng tính nam và nữ. Tới cuộc thăm dò dư luận toàn quốc vào tháng 5/2008 do Pew Research Center for the People & the Press thực hiện thì 49% người Hoa Kỳ chống hôn nhân đồng tính trong khi 38% chấp nhận. Và tới năm 2010, hai lần thăm dò dư luận của kênh CNN và Associated Press cho thấy sự ủng hộ cho hôn nhân đồng giới tính tại Hoa Kỳ lần đầu tiên đã vượt 50%(19). Tuy nhiên, các kết quả thăm dò vẫn còn thay đổi lớn, và vấn đề còn có tính chia rẽ chính trị tại Hoa Kỳ. Các dân biểu và nghị sĩ Đảng Cộng hòa và các Tổng Giám mục ở các Giáo khu Ki Tô giáo thì không chấp nhận hôn nhân đồng giới tính, trong khi các dân biểu, nghị sĩ Đảng Dân chủ và thành viên các tôn giáo khác Ki Tô thì có xu hướng chấp nhận hôn nhân đồng giới tính. Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ phát triển như một pháo đài của việc thừa nhận của chính quyền về các mối quan hệ đồng giới tính, với tình trạng kết hôn hợp pháp trong 5 bang. Bang Massachusetts là bang đầu tiên ở Hoa Kỳ chấp nhận hôn nhân đồng giới tính năm 2004. Hiện nay, giấy chứng nhận hôn nhân đồng giới đã được cấp tại 8 bang trên toàn nước Hoa Kỳ.
Có những bang hay vùng lãnh thổ mà hôn nhân đồng giới tính chưa được luật pháp cho tiến hành thì người ta tìm cách “lách luật” theo nghĩa là luật pháp công nhận các cuộc hôn nhân đồng giới tính đã thực hiện tại các bang hay nơi khác. Chẳng hạn, Thống đốc Paterson của New York đã ký lệnh năm 2008 rằng New York sẽ công nhận hôn nhân đồng giới tính được thực hiện trong các bang khác, và Chánh án Tối cao Patrick Lynch của bang Rhode Island năm 2007 đã khuyến cáo bang nên chấp nhận các đám cưới đồng giới tính thực hiện ở các nơi khác. Hội đồng thành phố District of Columbia cũng đã bỏ phiếu ngày 7/4/2007 để công nhận các đám cưới đồng giới tính thực hiện ở nơi khác. Một hình thức khác là “đi đường vòng”, nghĩa là chấp nhận một số hình thức thay thế hôn nhân (alternatives), trong đó có hai hình thức là Civil union (Kết hợp dân sự) và Domestic partnership (Hợp tác gia đình). Đây là hai hình thức thay thế hôn nhân theo nghĩa là tuy không được công nhận là hôn nhân, nhưng hai người đồng giới tính có quyền chung sống với nhau và được hưởng một số quyền lợi và nghĩa vụ nào đó trong luật hôn nhân tùy theo quy định của từng địa phương. Đầu tiên được thành luật tại Hawaii năm 1977, Hợp tác gia đình (Domestic partnership) thay đổi về một số quyền lợi và nghĩa vụ mà họ phải tuân theo. Luật của Hawaii (1977), cũng như luật của Maine (2004) và Nevada (2009) là có hạn chế một số quyền lợi của hôn nhân. Nhưng luật của California (1999), Oregon (2007) và bang Washington (2009) cho các cặp đồng tính sống chung theo các hình thức Kết hợp dân sự hay Hợp tác gia đình hưởng tất cả mọi quyền hợp pháp của hôn nhân, bao gồm các quyền lợi được giảm thuế, các quyền tới thăm ở bệnh viện, chấp thuận việc hiến nội tạng và thừa kế. Các bang Maine, Connecticut, New Jersey và vùng District of Columbia đã chấp nhận hình thức Kết hợp dân sự và Hợp tác gia đình. Luật trong một bang hay vùng cũng bị đảo ngược tùy theo ảnh hưởng của tôn giáo hay xu hướng chính trị của các dân biểu, nghị sĩ địa phương. Chẳng hạn, Tòa thượng thẩm bang California đã phán quyết ngày 15/5/2008 chấp nhận hôn nhân đồng giới tính, và từ 16/5/2008 bang California bắt đầu thực hiện kết hôn cho các cặp đồng giới tính. Nhưng cuộc bầu cử tháng 11/2008 tại bang California đã làm vô hiệu hóa phán quyết của Tòa thượng thẩm California bằng cách thông qua Proposition 8 (hay California Marriage Protection Act – Đạo luật bảo vệ hôn nhân bang California) sửa đổi Hiến pháp bang California để “chỉ có hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà là được thừa nhận tại California”, và đạo luật này có hiệu lực từ ngày 5/11/2008. Đạo luật này không ảnh hưởng đến các hình thức Kết hợp dân sự và Hợp tác gia đình, cũng như vẫn công nhận có giá trị các hôn nhân đồng giới tính được thực hiện tại California trước ngày 5/11/2008(20). Vì vậy có hơn 18.000 cặp đồng giới tính vội vàng làm lễ kết hôn trước ngày 5/11/2008 tại California.
Trong thời Tổng thống George W.Bush, Quốc hội đã cố gắng hai lần, năm 2004 và 2006, và mặc dầu có sự ủng hộ của Tổng thống Bush, các biện pháp đều thất bại trong việc gom đủ 2/3 số người ủng hộ cần thiết để sửa đổi Hiến pháp để cấm hôn nhân đồng giới tính trên phạm vi toàn quốc. Tổng thống Barack Obama nói ông tin rằng “Hôn nhân là giữa một người đàn ông với một người đàn bà”, nhưng ông đã bỏ phiếu chống lại một sự sửa đổi hiến pháp được đề nghị để cấm hôn nhân đồng giới tính khi một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ nói rằng quyết định nên đưa lên cho nhà nước. Ông đã nói ông khuyến khích các bang chấp nhận các hình thức thay thế hôn nhân như Kết hợp dân sự và Hợp tác gia đình. Như vậy, Tổng thống Obama và nhiều người trong Quốc hội đã đứng trung lập về vấn đề này, bằng đề nghị các bang chấp nhận các hình thức thay thế của hôn nhân, nhưng cho tới nay, không một ai trong Đồi Capitol (Capitol Hill) đề nghị một sự thay đổi các luật hôn nhân của liên bang. Nhưng từ tháng 11/2010, Đảng Cộng hòa đã thắng đậm Đảng Dân chủ tại các địa phương, cũng như trong Quốc hội và thượng viện của Chính phủ Liên bang, cho nên các nhà chính trị tại một số bang có thể lại nghiêng hơn về phía cấm hôn nhân đồng giới tính. Chẳng hạn, các nhà chính trị bang Minnesota đã thông qua một dự luật cấm hôn nhân đồng giới tính mà sẽ được đưa ra bầu phiếu trong bang vào năm 2012. Theo Minnesota Public Radio, Hội đồng gia đình Minnesota chống hôn nhân đồng giới tính (Anti-gay marriage Minnesota family council) và nhà thờ Catholic (Catholic church) cả hai đã vận động hành lang một cách tích cực để luật cấm này có thể ra đời. Mặc dầu Đảng Cộng hòa đang thắng thế Đảng Dân chủ trên các diễn đàn của ngành lập pháp tại các bang và Liên bang, và mặc dầu sự chống đối của các giới chức Ki Tô giáo, trong thực tế việc sống chung của các cặp đồng giới tính ở Hoa Kỳ vẫn tăng lên. Các chuyên gia luật pháp và chính trị nói con số các cặp đồng giới tính đang lớn dần trong nước sẽ tạo ra sức ép xã hội và sau cùng chính trị hướng về phía tự do hóa luật hôn nhân càng lớn hơn. Những thách thức luật pháp mới sẽ càng căng thẳng lên khi các cặp đồng giới tính chuyển chỗ ở tới các bang công nhận các quyền của hôn nhân của họ.
Kết quả một cuộc thăm dò công bố hồi trung tuần tháng 3/2011 cho thấy, đa số người dân Hoa Kỳ ủng hộ hôn nhân của những người đồng tính (21). Cụ thể, đã có tới 53% số người trả lời cho rằng, nên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Đây là lần đầu tiên số người ủng hộ hôn nhân đồng tính chiếm đa số. Trong thời gian gần đây, Hoa Kỳ liên tục có những quyết sách mới mang tính cổ vũ mạnh mẽ cho quyền của cộng đồng LGBT như bãi bỏ chính sách “Không hỏi, đừng nói”, hợp pháp hóa hôn nhân và chung sống đồng giới tại một số bang, tăng cường hỗ trợ các tổ chức LBGT trên thế giới. Hoa Kỳ đã có bước đi quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này trên phạm vi quốc tế. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Cliton đã có một bài phát biểu mang tính lịch sử với ngôn ngữ mạnh mẽ hiếm thấy. Cliton cũng trở thành ngoại trưởng đầu tiên đưa việc bảo vệ quyền của người đồng tính lên thành một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao toàn cầu của Hoa Kỳ. Vào ngày 6/12/2011 tại Geneva (Thụy Sĩ), bà Clinton đã gọi vấn đề quyền của người LGBT là “một trong những thách thức còn lại về nhân quyền trong thời đại của chúng ta”(22). Vừa quả quyết và cũng rất thận trọng, bà nhấn mạnh rằng trong lúc thực thi những thay đổi, cũng phải nhận thức rằng những quan điểm chỉ có thể trở nên mềm dẻo hơn thông qua việc tôn trọng đối thoại giữa các quốc gia (23).
Ngoài ra ở hầu hết các quốc gia khác như Na Uy, Úc, Anh, Mexico… đều ban hành luật cấm phân biệt đối xử, kì thị với người đồng tính. Các quốc gia này cũng cho phép các cặp đôi được chung sống với nhau ở các mức độ khác nhau như (i) thừa nhận hôn nhân đồng tính ở: Canada, Tây Ban Nha, Nam Phi, Thụy Điển và một số tiểu bang của Hoa Kỳ,…; (ii) cho phép quan hệ đồng giới dưới các hình thức như kết hợp dân sự (civil union) hoặc hình thức hợp danh (partnership) ở các nước như: Đức, Pháp, Anh, Phần Lan…, ở các bang của Hoa Kỳ như: California, Colorado, Hawaii, New Jersey…, Australian Capital Territory, New South Wales … (Úc), Merida (Venezuela) (24).
3. Một số quốc gia không công nhận quyền của người đồng tính trong pháp luật
Xuất phát từ nhiều quan điểm khác nhau, một số quốc gia không thừa nhận quyền của người đồng tính, quan hệ tình dục của người đồng tính bị xem như một tội phạm. Ở Iran, pháp luật dựa trên các quan điểm bảo thủ của luật Hồi giáo nên cho rằng ngoài quan hệ tình dục của những cặp vợ chồng đã kết hôn, những quan hệ tình dục khác là bất hợp pháp, không có cơ sở pháp luật nào thừa nhận các hành vi tình dục đó. Luật pháp Iran không cho phép quan hệ tình dục đồng tính, các hành vi này bị coi là tội phạm kê gian (sodomy law) và bị phạt rất nặng, có thể bị tử hình. Tổ chức nhân quyền Anh trong một báo cáo khẳng định có từ 4000 đến 6000 người đồng tính nam và nữ bị tử hình vì các tội liên quan tới xu hướng tình dục của mình (25). Tháng 11/2005, hai người đàn ông ở phía bắc thị trấn Gorgan bị treo cổ vì có hành vi quan hệ tình dục đồng giới (26). Tháng 7/2006, hai thanh niên ở Đông Bắc nước này bị treo cổ vì là người đồng tính (27). Luật pháp quy định quan hệ tình dục đồng giới lần đầu sẽ bị đánh phạt bằng roi, tái phạm bốn lần sẽ bị xử tử hình (28).Tuy nhiên nếu người phạm tội tỏ ra ăn năn hoặc có căn cứ chứng minh họ phạm một tội khác nhỏ hơn thì thẩm phán xem xét để giảm tội hoặc ân xá cho họ (29). Điều đáng lưu ý ở đây là pháp luật không có những quy định cụ thể để phân biệt giữa hành vi kê gian với các hành vi xâm phạm tình dục khác như hãm hiếp hay bức hại. Cùng với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là sự tiến bộ của công nghệ thông tin và sự tham gia của các tổ chức nhân quyền trên thế giới, ngày nay có nhiều phong trào vận động cho quyền của người đồng tính ở Iran hoạt động bất công khai nhằm kêu gọi chính phủ và mọi người đối xử công bằng với những người đồng tính như Đảng Green Party of Iran, Đảng công nhân cộng sản Iran,… Tương tự như Iran, các quốc gia Hồi giáo khác xem đồng tính luyến ái là một tội nghiêm trọng có thể bị tử hình như: Mauritania, Pakistan, Saudi-Arabia, Sudan, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Yemen, một số vùng của Nigeria và Somalia, Cộng hòa Chechnya ở Nga (30). Tại Zimbebwe, tháng 8/1995, trong Hội chợ sách quốc tế Zimbebwe, tổng thống nước này đã có hành động lên án đồng tính luyến ái. Tháng 9/1995, Quốc hội Zimbebwe ban hành luật cấm hành vi đồng tính luyến ái (31). Ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Chính phủ một mặt công nhận sự tồn tại trên thực tế của người đồng tính và yêu cầu xã hội tôn trọng những người này, mặt khác phản đối các đặc điểm thuộc văn hóa đồng tính phương Tây, cho đây là sự ủng hộ chủ nghĩa hưởng thụ, phân chia giai cấp và tình dục bừa bãi (32). Pháp luật nước này không có quy định về chống phân biệt đối xử, kỳ thị dựa trên xu hướng tình dục. Quan hệ đồng tính luyến ái không bị xem là vi phạm pháp luật nhưng cũng không được bàn tán công khai ở đất nước này. Với quan điểm hôn nhân nam nữ là nền tảng vững cho xã hội, luật pháp Triều Tiên không thừa nhận kết hôn đồng giới, kết hợp dân sự hay đối tác dân sự. Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu gần đây của Cao ủy Liên hiệp quốc về Nhân quyền, người dân trên toàn thế giới vẫn đang bị xâm phạm và phân biệt đối xử vì xu hướng tính dục và bản dạng giới của mình. Đồng tính bị xem là tội phạm tại 76 quốc gia và bị trừng phạt bằng tử hình ở ít nhất năm quốc gia (33).
4. Một số kết luận
Pháp luật về quyền nói chung và quyền kết hôn nói riêng của người đồng tính ở các nước trên thế giới đã có một quá trình phát triển khá lâu dài, phức tạp và chịu nhiều ảnh hưởng của các yếu tố chính trị, tôn giáo, dân tộc,… Có thể nhận thấy quyền kết hôn giữa những người cùng giới tính là một quyền quan trọng, tạo ra nhiều sóng gió chính trị cũng như ảnh hưởng đến quá trình xây dựng pháp luật của các quốc gia. Hiện nay số lượng quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận kết hôn đồng giới đầy đủ tuy còn hạn chế nhưng có xu hướng tăng dần trong những năm qua, tập trung chủ yếu ở các nước phương Tây. Nếu chưa công nhận quyền kết hôn, các nước thường xem xét đề xuất công nhận kết hợp dân sự hoặc đối tác gia đình. Nhìn chung, vấn đề bảo vệ quyền của người đồng tính đang tiếp tục đặt ra khá nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết.
Có thể nhận thấy vấn đề xây dựng một xã hội công bằng và tiến bộ, trong đó các quyền con người được bảo đảm và thực thi thông qua cơ chế pháp luật hiệu quả là mục tiêu chung của toàn thể nhân loại. Xu hướng mở rộng phạm vi các quyền con người, tăng cường việc bảo vệ quyền lợi của các nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội là các đề tài được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm sâu sắc trong thời gian gần đây. Người đồng tính với những đặc điểm riêng về sự hấp dẫn tình dục, quan hệ tình cảm là đối tượng thường xuyên chịu những tác động tiêu cực từ những phân biệt đối xử, định kiến và kỳ thị dựa trên xu hướng tình dục đặc biệt của mình. Tuy vậy, hầu như pháp luật và những nhà nghiên cứu luật học chưa thật sự chú ý đến vấn đề này. Các quy phạm pháp luật về người đồng tính gần như bị bỏ ngỏ, chưa có các công trình nghiên cứu khoa học pháp lý có giá trị về đề tài quyền của người đồng tính. Tùy thuộc vào nền văn hóa, niềm tin tôn giáo, hệ thống chính trị mà mỗi quốc gia có các quy định khác nhau. Đây là điều Việt Nam có thể tham khảo và học hỏi để quyết định có nên thừa nhận quyền cho người đồng tính hay không, mức độ thừa nhận đến đâu, cần phải ban hành những văn bản pháp luật nào để thực hiện quyền và bảo vệ quyền cho người đồng tính. Hiện nay Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam năm 2000 đang quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính (khoản 5, điều 10). Trong thời gian đến, nếu Việt Nam thừa nhận quyền của người đồng tính thì phải xem xét: thừa nhận người đồng tính, sửa đổi bổ sung pháp luật về quyền của những đối tượng dễ bị tổn thương, quyền kết hôn, hưởng các quyền dân sự đầy đủ./.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN VIỆN KHOA HỌC PHÁP LÝ, ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code