Sunday, October 13, 2013

LUẬT VỀ QUYỀN TÀI SẢN CỦA TRUNG QUỐC, NHÌN TỪ VIỆT NAM LUẬT TA TỐT HƠN, NHƯNG…

TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Sau ba thập niên đổi mới, Trung Quốc vẫn chưa có một bộ luật dân sự của mình. Người ta nói rằng người cầm quyền Trung Quốc có cách riêng để hoàn thiện hệ thống quy tắc dân luật. Thay vì xây dựng ngay từ đầu một bộ luật đồ sộ, họ giải quyết các vấn đề đặc thù bằng các luật chuyên biệt, điển hình là luật về quyền tài sản mới được thông qua. Thế rồi, từ sự tổng kết việc thực hiện các luật ấy, Bộ luật Dân sự sẽ ra đời, ở thời điểm thích hợp, như một tất yếu.
Cũng như ở Việt Nam, người làm luật Trung Quốc xác định rằng tài sản cơ bản trong xã hội có tổ chức, là đất đai, được đặt dưới chế độ công hữu. Thế nhưng, so với Việt Nam – nơi cũng thiết lập chế độ công hữu về đất đai, Trung Quốc bước đi một cách khá chậm rãi trong lộ trình mở rộng các quyền của người sử dụng đất.
Nếu thừa nhận quyền sử dụng đất là một loại tài sản tư, mang tính chất bất động sản và tự đặt mình vào vị trí của người chủ sở hữu tài sản đó, thì, một cách tự nhiên, người làm luật sẽ đứng trước tình huống: tài sản, được hình dung thành một khoảnh đất, một phần lãnh thổ, dứt khoát phải tiếp cận, gắn liền với những khoảnh đất khác, những phần khác của lãnh thổ, là các bất động sản thuộc sở hữu của người khác.
Những chủ sở hữu ở gần nhau tạo thành cộng đồng láng giềng con người. Các bất động sản nằm cạnh nhau tạo thành một cộng đồng láng giềng tài sản. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào giải quyết tốt mối quan hệ giữa người sử dụng đất lân cận, nhằm bảo đảm “cộng đồng láng giềng” thực sự là một tập thể được tổ chức tốt với các thành viên biết cư xử đúng mực, hoà thuận, văn minh trong quá trình khai thác, sử dụng “phần lãnh thổ” của mình.
Muốn có một cộng đồng như vậy, phải xây dựng một chế độ điền thổ có ba chế định căn bản, giải quyết ba vấn đề kỹ thuật lớn.
Thứ nhất, để mỗi chủ sở hữu được tự do thực hiện các quyền đối với bất động sản thuộc sở hữu của mình và không xâm phạm đến quyền của chủ sở hữu láng giềng, cần phải làm rõ ranh giới của các bất động sản, bằng chế độ phân ranh.
Thứ hai, việc khai thác một bất động sản, trong điều kiện các bất động sản liên kết với nhau, có thể đòi hỏi việc thiết lập một mối quan hệ đặc thù, đặc trưng bởi việc một bất động sản phải giữ vai trò phục vụ cho một bất động sản khác, thông qua chế độ địa dịch.
Thứ ba, chủ sở hữu bất động sản sống trong quan hệ láng giềng. Cuộc sống ấy có những ràng buộc, đòi hỏi mỗi chủ sở hữu phải chấp nhận hy sinh hoặc giới hạn các quyền tự do của mình, thể hiện dưới hình thức thực hiện các nghĩa vụ trong quan hệ láng giềng.
Luật Quyền tài sản chỉ có những quy định rất sơ sài về địa dịch, quan hệ láng giềng và không có điều luật nào về phân ranh. Cần nhấn mạnh rằng trong khuôn khổ chế độ pháp lý về phân ranh bất động sản, luật Việt Nam đã thiết lập quy tắc theo đó, “người có quyền sử dụng đất có quyền sử dụng đối với phần mặt đất, không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng”.
Quy định ấy khiến cho quyền sử dụng (đất) thực sự tiệm cận với quyền sở hữu theo nghĩa truyền thống. Suy cho cùng, “ranh giới” là dấu hiệu đặc trưng của quyền sở hữu bất động sản. Việc người làm luật Trung Quốc chưa quan tâm xây dựng chế độ pháp lý về phân ranh đối với các bất động sản tư không hẳn do… quên.
Mặt khác, cấu trúc của luật khiến người ta liên tưởng đến một phương pháp làm việc mang tính đối phó. Không biết theo logic nào, mà đang nói về quyền sở hữu, người làm luật lại chen vào các quan hệ láng giềng; rồi lại đặt quyền sở hữu và quyền hưởng dụng thành hai chế định độc lập; giải quyết vấn đề thế chấp, cầm cố, nhưng lại không nói gì về việc mua bán, cho thuê,… rồi đột nhiên kết thúc luật bằng các quy định về chiếm hữu.
Nói chung, người làm luật không chủ động hình dung mối quan hệ giữa con người và tài sản như một câu chuyện về quyền đối vật có bố cục chặt chẽ và diễn ra trong thời gian, theo trình tự “đặc điểm – quá trình hình thành – cơ chế vận hành”, như cách làm ở các nước tiên tiến.
Điểm sáng nhất có lẽ là người làm luật Trung Quốc đã xây dựng được khái niệm quyền tài sản khá chuẩn, như là đối trọng của quyền nhân thân. Sáng, đối với người nghiên cứu luật Việt Nam, bởi khái niệm quyền tài sản trong Bộ luật Dân sự Việt Nam thực sự không giống ai. Nhưng, chừng đó không đủ để bù trừ với các khiếm khuyết kỹ thuật của một luật cơ bản.
Nếu có gì đọng lại thật lâu ở một nhà nghiên cứu Luật Tài sản người Việt, sau khi đọc xong luật về quyền tài sản của Trung Quốc, thì đó chỉ là một điều băn khoăn. So với Trung Quốc, Việt Nam có một hệ thống pháp luật về tài sản tư không đến nỗi nào, nếu không muốn nói là tốt hơn về kỹ thuật.
Thế mà cho đến nay, người dân Việt vẫn phải khổ sở vì quy hoạch “treo”, rối rắm trong ma trận giấy hồng, sổ đỏ. Có nơi, một người phải trả đất để nhận số tiền bồi thường rẻ mạt. Nơi khác, người khác ngang nhiên đổ hàng núi tiền để dựng cao ốc “chọc trời” giữa trung tâm đô thị, mà không cần giấy phép…
Hẳn người ta lại sẽ nói: nguyên nhân là do cơ chế, con người…
SOURCE: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code