Wednesday, October 16, 2013

HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH: TRANH CHẤP VỀ XÁC ĐỊNH CHA CHO CON

A MA KHƯƠNG
Nhà nghèo, không có tiền đi giám định gien, một phụ nữ đã bị tòa bác yêu cầu truy nhận cha cho con…
Vừa qua, VKSND huyện Sông Hinh (Phú Yên) đã kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND huyện này xử vụ chị T. kiện anh C. yêu cầu truy nhận cha cho con. Theo kháng nghị, việc TAND huyện bác yêu cầu của chị T. là không có cơ sở.
“Quất ngựa truy phong”…
Theo chị T., đầu năm 2006, chị và anh C. yêu thương nhau, mong muốn cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình và đã nhiều lần “quan hệ”. Đến giữa năm 2006, thấy mình có thai, chị thông báo và được anh C. chở đi TP Tuy Hòa siêu âm. Thế rồi khi thật sự biết chị mang thai thì anh C. trở mặt, từ chối nhận con và từ đó không còn quan tâm gì đến chị nữa.
Sau đó, gia đình chị nhiều lần đến gia đình anh C. nói rõ chuyện này nhưng không được chấp nhận. Cực chẳng đã chị phải làm đơn gửi UBND xã nhờ giúp đỡ nhưng cũng không giải quyết được gì. Đến tháng 5-2007, chị sinh được bé trai. Nay chị muốn TAND huyện xem xét, buộc anh C. phải chịu chi phí sinh nở và có trách nhiệm nuôi dưỡng cháu bé đến khi trưởng thành.
Ngược lại, anh C. trình bày rằng anh và chị T. chỉ ở cùng thôn, chỉ là bạn bè, không hứa hẹn yêu đương gì cả và cũng chưa lần nào “quan hệ” với nhau. Việc chị T. có thai, anh hoàn toàn không biết gì. Trước UBND xã và trước tòa, anh đều khẳng định mình không phải là cha cháu bé và đề nghị tòa giải quyết dứt điểm vụ việc để “lấy lại danh dự” cho anh.
Bác đơn vì thiếu giám định gien
Thụ lý vụ kiện, TAND huyện Sông Hinh đã yêu cầu chị T. cung cấp chứng cứ về giám định gien. Tuy nhiên, nhà chị T. nghèo quá, không có tiền để đi giám định. Không thể đáp ứng yêu cầu của tòa, chị đề nghị tòa giúp đỡ thì tòa “làm ngơ” và đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm vào ngày 28-3-2008.
Tại phiên xử này, TAND huyện Sông Hinh nhận định: Việc các đương sự phải cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình là một trong những nguyên tắc xuất phát từ quyền tự định đoạt của các đương sự. Ở đây, chị T. đơn phương trình bày rằng mình và anh C. “quan hệ” dẫn đến có thai, sinh ra cháu bé nhưng chị lại không thực hiện được nghĩa vụ cung cấp chứng cứ là kết luận giám định gien để xác định cha cho con. Vì thế, tòa đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị T.
Không trưng cầu, làm sao có?
Ngay sau đó, VKSND huyện Sông Hinh đã kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm theo hướng chấp nhận đơn khởi kiện của chị T.
Theo viện, tòa sơ thẩm nhận định chị T. không giao nộp bản kết luận giám định gien nên bác đơn của chị là không có cơ sở. Theo quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự, trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì thẩm phán có thể trưng cầu giám định. Ở đây, thẩm phán không ra quyết định trưng cầu giám định gien mà chỉ yêu cầu chị T. cung cấp thì làm sao chị có để cung cấp cho tòa?
Mặt khác, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện: Trước và trong thời gian chị T. có thai, anh C. là người đàn ông duy nhất thường đi chơi với chị. Anh C. cũng thừa nhận có đưa chị T. đi TP Tuy Hòa siêu âm. Hơn nữa, anh C. không có chứng cứ nào chứng minh trong thời gian trên, chị T. có quan hệ tình cảm với người đàn ông khác.
Ngoài ra, tòa sơ thẩm không căn cứ vào lời khai của phía chị T., nhân chứng mà chỉ dựa vào lời khai của anh C. để bác yêu cầu của chị T. là không thuyết phục. Trong vụ này, tòa sơ thẩm đã vi phạm trong việc thu thập chứng cứ, thu thập và chứng minh chứng cứ chưa đầy đủ…
Thu thập chứng cứ trong án dân sự
Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì thẩm phán có thể trưng cầu giám định.
(Trích khoản 2 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự)
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=220363

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code