Wednesday, October 9, 2013

CÔNG CỤ PHÁP LÝ BỊ LÃNG QUÊN

PHẠM THÁI QUÍ
Công tác xét xử, giải quyết các vụ, việc về hôn nhân và gia đình của ngành Toà án cho thấy, tình trạng vi phạm chế độ một vợ một chồng xảy ra tương đối nhiều, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi nhưng rất ít khi bị xử lý.
Kết hôn chưa được bao lâu thì vợ chồng anh T, chị H phát sinh mâu thuẫn. Do suy nghĩ nông nổi nên chị H đã bỏ về nhà mẹ đẻ sinh sống. Tuy giận chồng bỏ đi, nhưng chị vẫn mong anh T đến đón về sum họp gia đình. Nào ngờ, anh T không đoái hoài đến chị nữa. Biết đã lỡ bước ra đi thì rất khó quay trở về nên chị H làm đơn yêu cầu TAND huyện TH giải quyết cho chị được ly hôn anh T. Sau khi thụ lý vụ án, TAND huyện TH đã triệu tập anh T đến để hoà giải, nhưng anh T cố tình vắng mặt. Toà án phải cử cán bộ về địa phương để xác minh và phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tiến hành hoà giải. Khi nhóm cán bộ của Toà án đến trụ sở UBND xã thì được biết, anh T. đã cưới vợ khác và sắp sinh con.
Trường hợp của anh S và chị L còn tệ hơn. Trong thời gian chị L về nhà mẹ đẻ sinh con, anh S đã quen biết rồi phát sinh tình cảm với chị V. Bỏ qua tình nghĩa vợ chồng, vượt cả rào cản pháp luật, anh S đã quyết định đến chung sống như vợ chồng với chị V mà không quan tâm đến mẹ con chị L nữa. Khi đứa con chung của anh S và chị V đến tuổi đi học, anh S đưa con đến đăng ký nhập học thì nhà trường không chấp nhận, vì cháu không có giấy khai sinh. Lúc này anh S mới làm đơn yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn với chị L để được kết hôn với chị V…
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp vi phạm chế độ một vợ một chồng. Nguyên nhân xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, trước hết là do hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế nhưng không được các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, giải thích để họ chấm dứt hành vi vi phạm. Trong khi đó, những người vợ hợp pháp lại luôn quan niệm không nên “vạch áo cho người xem lưng”, do đó cam chịu mà không lên tiếng. Một nguyên nhân quan trọng nữa là do thiếu trách nhiệm, nên chính quyền địa phương đã làm ngơ, không xử lý kịp thời để răn đe giáo dục đối tượng vi phạm. Cán bộ địa phương vẫn coi việc chung sống không hợp pháp là chuyện tình cảm riêng tư nên ít quan tâm, xử lý.

Điều 4 Luật Hôn nhân và Gia đình (LHNGĐ) quy định: Quan hệ hôn nhân và gia đình thực hiện theo LHNGĐ và được tôn trọng, bảo vệ; Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác; hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Để bảo đảm việc thực hiện quy định này, Điều 8 Nghị định 87/2001/NĐ-CP ngày 21.11.2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình quy định: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Mức phạt tuy chưa đủ nặng, nhưng hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng cần phải được xử lý nghiêm minh để răn đe .
Về trách nhiệm xử lý vi phạm hành chính, Điều 3,  4 và 121 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 87/2001/NĐ-CP đều quy định: Mọi hành vi vi phạm hành chính đều được phát hiện kịp thời, việc xử lý phải được nhanh chóng, công minh, triệt để. Khi phát hiện có vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có trách nhiệm xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mà dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng mức,… thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Pháp luật quy định là vậy, nhưng hành vi không xử phạt của những người có thẩm quyền, hiện vẫn không bị quy kết trách nhiệm(?)
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Trích dẫn từ:
/ContentID/90527/Default.aspx

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code