Tuesday, September 24, 2013

VIỆC SỬ DỤNG ÁN LỆ TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT DÂN SỰ

THS. TRIỆU QUANG KHÁNH – Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng
Án lệ là một hệ thống những nguyên tắc bất thành văn đã được công nhận và được hình thành thông qua các quyết định của toà án. Theo nghĩa hẹp, thì đó là một cách thức sử dụng các nguyên tắc có sẵn như là những căn cứ áp dụng để quyết định các vụ việc sẽ xảy ra trong tương lai. Cho đến nay, vai trò của án lệ chưa thực sự được thừa nhận trong môi trường văn hóa pháp lý nước ta.
Khi đọc bài  “Tư duy án lệ góp phần hoàn thiện pháp luật” của ThS. Nguyễn Văn Nam, trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 9 (58) tháng 9/2005, chúng tôi thấy cần đưa thêm một số minh chứng ủng hộ quan điểm: “… nên để án lệ được hiện diện trong hệ thống pháp luật nước ta với tư cách là nguồn luật có giá trị tham khảo”.
Trong lịch sử lập pháp của thế giới, án lệ là nguồn chủ yếu và quan trọng của hệ thống pháp luật án lệ (Anh, Mỹ, Australia…) nhưng lại chỉ được coi là nguồn thứ yếu trong hệ thống pháp luật dân sự (Pháp, Đức, ý…). Mặc dù về mặt lý luận, luật thành văn và các bộ luật vẫn giữ vai trò là nguồn chính trong hệ thống pháp luật dân sự, nhưng án lệ cũng có vai trò và tầm quan trọng riêng ở các nước theo truyền thống luật dân sự.
Ở nước ta, từ trước đến nay, án lệ chưa được thừa nhận một cách chính thức là một nguồn trong hệ thống pháp luật nước ta, nhưng án lệ (hay còn được gọi là tiền lệ án) đang dần được công nhận như là một nguồn của pháp luật Việt Nam. Biểu hiện cụ thể cho việc này chính là việc sử dụng những quy định hướng dẫn xét xử trong nhiều công văn, thông tư của Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) đối với các toà án cấp dưới trong quá trình xét xử mà những hướng dẫn này là kết quả thu được từ kinh nghiệm xét xử được TANDTC nghiên cứu và hệ thống hoá thành các quy định để hướng dẫn toà án cấp dưới trong công tác xét xử. Một biểu hiện gần đây nhất chính là việc TANDTC đã xuất bản hai tập quyết định giám đốc thẩm bao gồm các quyết định dân sự và hình sự. Đây chính là những lý do khiến chúng tôi tìm đến những minh chứng cho thấy vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật dân sự thế giới và những lý do cần coi án lệ như là một nguồn của pháp luật.

1. Trong hệ thống pháp luật dân sự, án lệ cũng được coi là những căn cứ pháp luật mà thẩm phán được quyền sử dụng trong trường hợp không có luật thành văn hoặc luật tục tương tự
Điều 4 Bộ luật Dân sự của Pháp quy định: nếu thẩm phán từ chối đưa ra phán quyết khi dựa trên cơ sở pháp luật không quy định về vấn đề đó, quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ, thì bản thân anh ta có thể bị kiện vì lý do phủ nhận công lý. Do vậy, anh ta phải đưa ra được một phán quyết. Để đưa ra phán quyết có tính thuyết phục, rõ ràng thẩm phán Pháp cần phải sử dụng các nguồn pháp luật khác. Tuy nhiên, Điều 5 Bộ luật Dân sự Pháp lại chỉ dẫn rõ hơn rằng: “những phán quyết mang tính bắt buộc để đặt thành những nguyên tắc chung là những án lệ có tính chất quyết định”.
Điều 1 Bộ luật Dân sự Thuỵ sỹ cũng hướng dẫn các thẩm phán trong trường hợp không có luật thành văn hoặc luật tục tương tự thì thẩm phán có quyền quyết định tuân theo những nguyên tắc mà anh ta đã đặt ra và nếu anh ta “tự hành động như nhà lập pháp” thì anh ta phải chứng minh “bằng những nguyên tắc luật pháp đã được công nhận và các án lệ” .
Trong Luật hành chính của Pháp và Luật hiến pháp của Đức, các án lệ cũng đã và đang được sử dụng phổ biến. 
2. Trong các phán quyết kiểu mẫu của các toà án khu vực châu âu lục địa với tư cách là các kiểu phán quyết trái ngược với kiểu phán quyết của toà án nước Anh, thì việc sử dụng án lệ lại là một ngoại lệ đối với những nguyên tắc chung 
Tại các toà án khu vực Châu âu lục địa, các bộ luật và luật thành văn là nguồn chính thức và quan trọng hàng đầu ở các nước thuộc truyền thống pháp luật dân sự. Khi xem xét mối quan hệ giữa phán quyết của toà và luật do nhà nước ban hành, chúng ta thấy thẩm phán chỉ dựa vào luật thành văn hoặc luật đã được hệ thống hoá của thẩm phán trong hệ thống pháp luật dân sự tại toà án dân sự. Bất kỳ sự sáng tạo nào của thẩm phán hoặc sáng kiến lập pháp của thẩm phán chỉ được thể hiện trong nội dung “giải thích pháp luật” (legislative interpretation). Theo truyền thống luật Romano-Germanic, nguyên tắc pháp luật phải có nguồn gốc lập pháp hoặc nguồn gốc từ các chính sách của chính phủ. Chính vì vậy, một nguyên tắc nền tảng là toà án tư pháp không được căn cứ vào các quyết định của toà án trước đó để làm cơ sở cho phán quyết của mình.
Như vậy, về mặt lý luận, không có khái niệm nào tương đương với khái niệm “nguyên tắc tiền lệ án” (stare decisis rule). Điều này có nghĩa là, những nguyên tắc đã được thiết lập bởi toà án này sẽ không được áp dụng bởi một toà án khác. Đặc điểm này cũng có thể hiểu thẩm phán là những người giải thích pháp luật chứ không phải là những người sáng tạo pháp luật. Hơn nữa, hệ thống pháp luật dân sự cũng không có sự phân biệt giữa nguyên tắc pháp luật và hiện tượng pháp luật (ratio and dicta) khi phán quyết trở thành một nguyên tắc chung hoặc dựa trên những điều khoản chung từ các phán quyết theo vụ việc. Toà án thuộc truyền thống pháp luật dân sự cũng giải quyết những tình huống thực tế mà toà án thuộc truyền thống pháp luật án lệ sẽ coi là hợp pháp và được quyết định bởi pháp luật. Do vậy, điều này khuyến khích toà án cấp thấp hơn có quyền tự do áp dụng các tiền lệ bắt buộc.
Một ngoại lệ của nguyên tắc chung này là: khi tồn tại một chuỗi tiền lệ thống nhất mà những tiền lệ này cùng xuất phát từ một cách nhìn về một câu hỏi xác định, thì ở các quốc gia nói ngôn ngữ French, Mexico và Spanish, hiện tượng tồn tại một chuỗi các quyết định tương tự có tác động thực tiễn đối với tiền lệ án hoặc các án lệ có tính bắt buộc. Năm 1955, giáo sư Tunc tranh luận rằng, phán quyết của toà giám đốc thẩm là án lệ riêng lẻ (in point Pratiquement) cũng tạo thành pháp luật và lý thuyết “pháp luật bất biến” (Jurisprudence constante) đã trở nên lạc hậu và không chính xác. Năm 1968, giáo sư Nicholas khẳng định sự tiếp tục tồn tại của khái niệm “pháp luật bất biến” và  khái niệm này dường như  tồn tại song song với khái niệm “án lệ riêng lẻ” (single precedent). Cũng vì vậy, Lambert và Wasserman đã phát biểu “nước Pháp cũng có nhiều án lệ như ở Anh” và cách tiếp cận của toà án phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể xảy ra tại toà.
ở các nước có hiến pháp thành văn và toà án hiến pháp riêng như ý, Đức… tồn tại những điều khoản lập pháp cho phép những loại phán quyết nhất định có hiệu lực bắt buộc. Đoạn 31 luật về Toà án Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Đức (Gesetz uber das Bundesverfassungsgericht) cũng đề cập đến tình huống này. Tương tự như vậy, Điều 136 Hiến pháp của ý cũng quy định: “Khi toà án tuyên bố một điều khoản pháp luật không phù hợp với hiến pháp, thì điều khoản đó sẽ hết hiệu lực kể từ sau ngày quyết định của toà án được công bố”.
Vì vậy, trong thực tế, có nhiều tình huống mà thẩm phán ở các nước theo truyền thống pháp luật dân sự phải tuân theo quan điểm tư pháp thống nhất đã được thể hiện ở một loạt các phán quyết do toà án cấp trên đặt ra. Sau đây là một vài lý do để toà án cấp dưới dựa theo phán quyết của toà án cấp trên, mặc dù cách thức này chưa được đánh giá và xác nhận như là việc áp dụng tiền lệ án, nhưng nó vẫn được áp dụng:
- Các bộ luật được ban hành vào thế kỷ 19 không thể dự đoán được sự phát triển của thế kỷ 20. Vì vậy, đối với những khoảng trống không được điều chỉnh bởi các bộ luật hoặc văn bản luật, thẩm phán phải tính đến việc tự cho phép thực hiện lập pháp hoặc tiến hành một trình tự sáng kiến pháp luật.  
- Việc áp dụng án lệ thúc đẩy sự ổn định, chắc chắn và có thể dự đoán của pháp luật.
- Thúc đẩy sự công bằng của thẩm phán.
- áp dụng án lệ rất thuận tiện và có hiệu quả khi thực hiện.
- Thẩm phán không muốn xét xử lại hoặc bị bãi bỏ khi bản án bị kháng án, vả lại, việc thực hành án lệ sau sẽ làm rõ cấu trúc của sự hợp tác trong tư pháp.
Tuy nhiên, khi sử dụng hình thức áp dụng này, toà án rất thận trọng đánh giá hai khả năng: (i), hoàn cảnh cấp thiết bắt buộc họ viện dẫn án lệ mang tính hướng dẫn, (ii) một loạt án lệ chỉ được sử dụng để chứng minh cho nguyên tắc chung của pháp luật, mà những án lệ này thường củng cố lý luận cho một phán quyết của toà.
Vì vậy, các quốc gia theo truyền thống luật dân sự trong thực tế đã xem án lệ như là nguồn của pháp luật, nhưng chỉ trong những trường hợp riêng biệt mà không bao giờ tuyên bố chính thức công nhận án lệ là nguồn của pháp luật. Năm 1985, David và Brierley đã phân biệt án lệ khi trở thành nguồn của các nguyên tắc pháp luật nhưng không phải là nguồn của pháp luật. Lý do là mặc dù án lệ được viện dẫn với mục đích xác định pháp luật, nhưng nguồn thực sự của pháp luật vẫn là các luật lệ hoặc nguyên tắc pháp luật phát sinh từ những quy định của chính phủ, luật do thành văn hoặc các bộ luật.    
3. Trong truyền thống pháp luật Nga, án lệ cũng có vai trò nhất định
Trước thời điểm Liên Xô cũ sụp đổ năm 1991, dưới mô hình Liên bang Xô Viết, các bản án được quyết định chủ yếu căn cứ vào các bộ luật đã được ban hành hoặc đã được hệ thống hoá. Trong khi đó, khái niệm và nhận thức lý tưởng của các bộ luật đó lại là công cụ thể hiện chính sách của nhà nước và tư tưởng Marxist – Leninist. Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, thẩm phán Liên bang Xô Viết là những người phải áp dụng các bộ luật được ban hành, đồng thời không được phép bỏ qua nội dung chính sách đã được cụ thể hóa trong các bộ luật (điều này tương tự như nguyên tắc áp dụng pháp luật ở nước ta).
Tuy nhiên, căn cứ sắc lệnh do Tổng thống Liên xô Boris Yeltsin ban hành, thẩm phán được trao quyền độc lập với quyền kiểm soát của nhà nước và quyền chỉ căn cứ vào các chứng cứ. Điều này đồng nghĩa với việc bắt đầu cho phép thẩm phán có thêm vai trò sáng tạo pháp luật, tức là khi các bộ luật của nhà nước ban hành không có các điều khoản cụ thể quy định áp dụng đối với những vụ án mới xảy ra, thì thẩm phán có quyền xem xét các chứng cứ thu thập được và chỉ căn cứ vào các chứng cứ, nguyên tắc chung của pháp luật và niềm tin nội tâm của mình để ra các phán quyết.   
Từ đó đến nay, trong điều kiện thay đổi mọi mặt của hệ thống Liên bang Nga mới, mặc dù một số các quy định pháp luật của nhà nước Liên bang Xô Viết cũ đã bị đình chỉ thực hiện hoặc bị bãi bỏ, xem xét hoặc biên soạn lại, nhưng việc ban hành các sắc lệnh hành chính đã trở thành một đặc tính cần thiết trong việc thực hành pháp luật của nước Nga. Thời gian qua, một loạt các chỉ thị (sắc lệnh hành chính) đã được ban hành và trở thành kinh nghiệm xét xử vì các sắc lệnh này luôn viện dẫn đến các phán quyết của toà án trong quá trình xét xử như là những căn cứ chứng minh về pháp luật. Như vậy, các sắc lệnh hành chính tổng kết các phán quyết và kinh nghiệm xét xử của tòa án cũng được coi là một nguồn của pháp luật nước này trong quá trình xét xử các vụ án mới.
Bên cạnh đó, Bản tóm tắt các quyết định tư pháp đã được đăng trên tờ tổng kết chính thức có tên là “Luật pháp và Nhà nước Xô viết” được xuất bản năm 1938 cũng được coi là một minh chứng cho sự công nhận các quyết định của tòa án (án lệ) là một trong nguồn của pháp luật của nước Nga.
Từ những minh chứng trên đây cho thấy một điều rõ ràng rằng, mặc dù án lệ không được chính thức công nhận là một nguồn pháp luật trong truyền thống pháp luật dân sự nhưng án lệ vẫn đóng một vai trò hết sức đặc biệt và quan trọng trong những trường hợp mà không có các quy định của luật thành văn hoặc các quy định này không rõ ràng. Điều này cũng đem lại những kinh nghiệm quý báu trong việc xem xét mức độ và cách thức sử dụng các kết quả xét xử đã được TANDTC tổng kết trong hai cuốn “Các quyết định giám đốc thẩm” cho các thẩm phán toà án cấp dưới, các luật sư tranh tụng, sinh viên luật và các cán bộ nghiên cứu pháp luật ở nước ta.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 79 THÁNG 7 NĂM 2006

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code