Wednesday, September 25, 2013

VÀI KINH NGHIỆM VỀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY – HỌC MÔN LUẬT DÂN SỰ THEO HƯỚNG PHÁT HUY TÍNH CHỦ ĐỘNG SÁNG TẠO CỦA SINH VIÊN

THS. PHẠM KIM ANH  - Khoa luật Dân sự, trường ĐH Luật TP.HCM
1. Trước những đòi hỏi bức bách của xã hội về nguồn nhân lực có trình độ cao, có đủ năng lực để giải quyết những vấn đề ngày càng phức tạp trong thực tiễn, việc đổi mới phương pháp dạy học đã trở thành một tất yếu. Một trong những phương pháp dạy – học mới (song song tồn tại với các phương pháp dạy học khác như: phương pháp trắc quan, phương pháp tình huống, phương pháp thảo luận, tranh luận, phương pháp sắm vai… mà chúng tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác) được các chuyên gia giáo dục, các nhà giáo lão thành trong ngành đánh giá cao, được thực tiễn khẳng định là đã phát huy được nhiều thế mạnh trong việc đào tạo là phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, hướng vào sinh viên. Lấy việc tập trung vào hoạt động của sinh viên làm nền tảng, những nét đổi mới cơ bản của phương pháp này hướng vào hai nhân vật với một số đòi hỏi riêng trong quá trình dạy và học.
- Giáo viên: trong giờ học, người giáo viên không thuyết giảng như trước đây mà chỉ đóng vai trò là người dẫn dắt, định hướng, gợi mở vấn đề (và khi cần có thể chỉ ra cách giải quyết vấn đề khuôn mẫu). Ở đây, tùy theo từng tình huống cụ thể mà thầy cô giáo là người hướng dẫn sinh viên học tập, trao đổi với sinh viên, giải đáp những thắc mắc cuả sinh viên về những kiến thức đề cập trong bài học, hoặc là người khuyến khích sinh viên sáng tạo, tự bổ sung cho bài đã học bằng vốn tri thức tiếp thu từ các nguồn khác nhau như sách vở, báo chí, đời sống… Đối với những ý kiến, những bài viết, bài vấn đáp sáng tạo, có nhiều ý tưởng mới của sinh viên, thầy cô giáo nên đưa ra lời khen ngợi hay khuyến khích bằng cách cho điểm cao…
- Sinh viên: phải là người chủ động tự học, tự chuẩn bị bài từ trước, năng động, sáng tạo trong giờ học tại lớp, biết phát huy vốn kiến thức của mình để xây dựng bài học mới; mạnh dạn nêu những thắc mắc hoặc trao đổi mở rộng bài học với thầy cô giáo, chủ động
nêu ý kiến cá nhân trong khi tìm hiểu hoặc học bài xong, biết vận dụng các vấn đề từ bài học vào những trường hợp tương tự…
Những phần việc kể trên không chỉ khiến cho sinh viên trở thành nhân vật trung tâm trong lớp học mà còn tạo cho sinh viên có cơ hội để hoàn toàn chủ động trong suy nghĩ, tìm tòi, phát hiện vấn đề từ bài học thông qua sự dẫn dắt của các thầy cô giáo; từ đó sinh viên có khả năng làm chủ các kiến thức thu nhận được trong nhà trường, biết vận dụng chúng một cách linh hoạt vào cuộc sống, công tác sau này. Còn đối với các thầy cô giáo, thông qua cách dạy trên, vừa cung cấp cho sinh viên những tri thức nền tảng vừa giúp họ
có khả năng tư duy, có năng lực hành động năng động và mạnh mẽ. Theo logic này, muốn biến quá trình học tập của sinh viên thành quá trình tự tìm tòi, khám phá và chiếm lĩnh tri thức mới, người giáo viên phải biết tổ chức điều khiển sinh viên thực sự tham gia vào hoạt động học tập.
2. Xuất phát từ nội dung, mục tiêu và đặc trưng của môn học mà mình đảm trách, theo nhận thức trên, tại Trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã mạnh dạn vận dụng phương pháp dạy – học theo hướng tích cực, lấy sinh viên làm trung tâm vào môn học Luật dân sự.
Như chúng ta đã biết, môn học Luật dân sự được chia ra làm hai phần cơ bản, thời lượng giảng dạy khoảng 150 tiết. Phần chung bao gồm các qui phạm pháp luật qui định những vấn đề có tính nguyên tắc xuyên suốt toàn bộ hệ thống luật dân sự như: đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh, nhiệm vụ, nguyên tắc, chủ thể, khách thể của quan
hệ pháp luật dân sự, giao dịch dân sự, đại diện, thời hạn và thời hiệu… Phần riêng dựa vào tính chất của các quan hệ xã hội được điều chỉnh mà chia thành các chế định thích ứng như: chế định quyền sở hữu, chế định nghĩa vụ – hợp đồng, chế định quyền thừa kế, quyền sở hữu trí tuệ. Trong từng chế định riêng nói trên lại có những qui định chung cho riêng phần đó. Trong thực tế, chúng ta đều hiểu rõ, môn học Luật dân sự được xây dựng trên cơ sở ngành luật nhưng không trùng với ngành luật này; vì vậy việc phải xây dựng chương trình môn học như thế nào, bằng cách nào, phải có phương pháp giảng dạy sao cho đúng đây là một bộ môn khoa học pháp lý (chứ không phải chỉ là giảng văn bản pháp luật) là vấn đề chúng tôi rất quan tâm.
3. Trong quá trình dạy môn học Luật dân sự ở trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh theo hướng tích cực, chúng tôi đã bước đầu hướng tới một số công việc cụ thể trong nhận thức và hành động dưới đây.
3.1. Chúng tôi cho rằng, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, về nguyên tắc phải có một chiến lược đồng bộ từ những vấn đề ở tầm vĩ mô đến những vấn đề cụ thể như mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện dạy học… Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực chỉ là một bộ phận của chiến lược đó. Tuy nhiên, trong phạm vi hẹp,
nhằm khắc phục những bất cập như: chương trình, sách giáo khoa, phương tiện dạy học,
cơ sở vật chất… chưa đáp ứng được việc đổi mới đồng bộ, chúng tôi xác định rõ phương châm của việc đổi mới phương pháp dạy học môn học Luật dân sự theo hướng trên chỉ mới đạt ở mức tạo điều kiện để sinh viên được suy nghĩ nhiều hơn, nói nhiều hơn, làm nhiều hơn, hạn chế tới tối đa việc sử dụng phương pháp dạy học truyền thống với cách dạy chủ đạo thầy giảng, sinh viên nghe và ghi chép.
Muốn đáp ứng được yêu cầu trên, trong quá trình dạy học, người giáo viên phải tạo ra được sự tác động qua lại giữa vốn kinh nghiệm đã có của sinh viên với các vấn đề pháp luật mà bài học đặt ra. Người giáo viên phải bằng mọi cách huy động và sử dụng tối đa vốn kinh nghiệm đã có của sinh viên trong việc vận dụng luật để giải thích, xử lý, đánh giá các tình huống pháp luật, phán đoán và lựa chọn những hành vi ứng xử phù hợp với chuẩn mực pháp luật. Bên cạnh đó, người giáo viên cũng phải đưa ra được các bài tập tình huống về các vấn đề tranh chấp dân sự… để sinh viên tập giải quyết theo vốn tri thức và kinh nghiệm mà bản thân sinh viên tích lũy được trong quá trình tự nghiên cứu giáo trình luật và tìm hiểu thực tiễn áp dụng pháp luật. Cách dạy học như vậy sẽ tạo cơ hội để các em kiểm chứng, trắc nghiệm vốn hiểu biết trong quá trình tự học cũng như vốn kinh nghiệm của mình trong cuộc sống. Ở đây, tính độc lập, năng động, tự giác trong việc chiếm lĩnh tri thức mới, khắc sâu những tri thức pháp luật đã học của sinh viên sẽ có
cơ hội phát huy ở mức độ cao hơn.
3.2. Chúng tôi cũng rất chú trọng tới việc đưa ra những tình huống, những vấn đề điển hình, chứa đựng nhiều mâu thuẫn và có thể có nhiều hướng giải quyết khác nhau trong bài học trên lớp. Đây là một trong những đặc trưng chủ yếu của giờ học đổi mới theo hướng tích cực. Đặc trưng này giữ vai trò chủ đạo trong dạy học tích cực vì, theo quy luật chung, “tư duy chỉ bắt đầu khi và ở nơi xuất hiện tình huống có vấn đề”. Tình huống của những vấn đề độc đáo mà bài học đặt ra không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với việc thu hút trí tuệ, tình cảm, suy nghĩ, kích thích các em suy nghĩ, giải thích, phân tích phán đoán mà còn là cơ sở giúp các em lựa chọn được những phương án giải quyết tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu áp dụng luật vào những tình huống tương tự trong tương lai. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, những tình huống có vấn đề được nêu trong bài học mà giáo viên chủ động lựa chọn từ trước phải là những tình huống chứa vấn đề điển hình, đòi hỏi sinh viên phải huy động toàn bộ năng lực sẵn có, phải cố gắng đạt tới một trình độ kinh nghiệm pháp luật cao mới giải quyết được chúng. Có thể nói, học và thảo luận qua những tình huống có chứa vấn đề cao là một trong những cách tốt nhất giúp sinh viên trưởng thành nhanh chóng ở nhiều mặt.
3.3. Chúng tôi còn đưa ra chủ trương và thực hiện thường xuyên việc khuyến khích sinh viên thể hiện quan điểm lập trường riêng về một vấn đề pháp luật trong giờ học. Những
quan điểm ấy phải được các em thể hiện bằng những ý kiến cụ thể, theo cách hiểu và diễn đạt riêng của mình. Vấn đề không phải ở chỗ sinh viên đồng ý hay không đồng ý, tán thành hay không tán thành, đúng hay sai mà là ở chỗ ý kiến của sinh viên phải có sự phân tích, giải thích, lập luận rõ ràng, khúc chiết, được công khai tranh luận, qua đó làm
lộ rõ được mục đích bảo vệ quan điểm lập trường riêng của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, cho
dù đây chỉ là giả định nhưng các ý kiến riêng của sinh viên vẫn phải nằm trong và phù hợp với các qui định của pháp luật. Chính sự lý giải, tranh luận giữa các ý kiến đó sẽ là
cơ sở làm cho sinh viên hiểu kỹ, hiểu sâu và lĩnh hội tốt tri thức hơn. Nếu việc làm này được tiến hành thường xuyên hơn, có kết quả tốt hơn, chúng ta sẽ tạo ra cho xã hội một lớp trí thức ngành luật kế cận vừa có bản lĩnh, có quan điểm lập trường vững vàng vừa có tinh thần dân chủ cao trong thực tiễn hoạt động pháp luật.
3.4. Để kết hợp và phát huy tối đa những điều nói trên, chúng tôi thấy không thể không duy trì, phát triển không ngừng mối quan hệ giao tiếp sư phạm thân thiện, dân chủ, bình đẳng, tự nguyện giữa giáo viên và sinh viên. Trong giờ học tích cực, giáo viên với vai trò
là người tổ chức, điều khiển, hướng dẫn, gợi mở tạo điều kiện để học sinh bộc lộ và trao đổi ý kiến của mình, sao cho mọi ý kiến đều được đưa ra xem xét, tranh luận công khai một cách tự nhiên, cởi mở. Muốn làm được những điều trên, sinh viên phải có một bước chuẩn bị rất công phu ở nhà, phải tự nghiên cứu tài liệu và sách giáo khoa. Người giáo viên, ngoài việc giới thiệu tài liệu cho sinh viên tham khảo còn phải xây dựng được từ trước nhiều tình huống có vấn đề khác nhau buộc sinh viên phải suy nghĩ. Từ các câu trả
lời của sinh viên trên lớp, giáo viên phải tiếp tục tạo ra các tình huống mới và hướng dẫn các sinh viên tìm ra những cách khác nhau trong việc tiếp cận, giải quyết thỏa đáng các tình huống đó. Cuối cùng, trên cơ sở áp dụng những quy phạm pháp luật dân sự, giáo viên sẽ tổng hợp, chốt lại các vấn đề, làm rõ những yêu cầu cần phải đạt được của bài học. Theo đánh giá sơ bộ của chúng tôi, với phương pháp này, trước mắt chúng ta có thể giúp sinh viên hiểu bài ngay tại lớp; còn trong tương lai, tạo cho các em thói quen năng động, có đủ khả năng đóng góp ý kiến cho việc bổ sung, sửa đổi hoàn thiện pháp luật ….
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 1/2003

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code