Monday, September 23, 2013

THỰC TIỄN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT: LUẬT MÂU THUẪN, KHÓ THỰC THI


XUÂN THANH
Hiện nay, rất nhiều văn bản luật, dưới luật được ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, tình trạng mâu thuẫn giữa các luật; giữa luật với nghị định, thông tư vẫn xảy ra, gây khó trong việc áp dụng và thực thi pháp luật.
Nghị định vênh với luật
Pháp luật dân sự quy định về việc định đoạt tài sản chung của hộ gia đình, gồm: quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên, hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ; việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình… phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý (Điều 108, 109 Bộ luật Dân sự (BLDS). Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về đất đai, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng chung của hộ gia đình phải được tất cả các thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất và ký tên, hoặc có văn bản uỷ quyền theo quy định của pháp luật về dân sự (Điều 146 Nghị định 181 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai). Theo pháp luật dân sự, người có đủ năng lực, hành vi dân sự là người từ 18 tuổi trở lên. Do đó, quy định của pháp luật về đất đai đã mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Dân sự. Trên thực tế, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, các cơ quan liên quan đều yêu cầu thành viên trong hộ từ 18 tuổi trở lên ký vào hợp đồng chuyển nhượng, và loại các thành viên từ 15 đến 17 tuổi ra vì cho rằng họ chưa thành niên.
Luật cũng mâu thuẫn
Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì chủ hộ gia đình là người đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự, vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ. Chủ hộ có thể uỷ quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự (Điều 107 BLDS). Tuy nhiên, Điều 25 Luật Cư trú quy định trong trường hợp hộ gia đình không có người từ đủ mười tám tuổi trở lên, hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất, hoặc hạn chế năng lực, hành vi dân sự thì được cử một người trong hộ làm chủ hộ. Như vậy, theo Luật Cư trú thì người dưới 18 tuổi cũng có thể làm chủ hộ gia đình, điều này mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Dân sự. Trên thực tế, nếu chủ hộ dưới 18 tuổi theo Luật Cư trú sẽ không thực hiện được các giao dịch dân sự, ngoại trừ có tài sản riêng bảo đảm thực hiện giao dịch dân sự do mình thiết lập.
Hướng dẫn trái luật
Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đã sửa đổi, bổ sung những quy định cơ bản liên quan đến mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt và thủ tục xử phạt; đồng thời quy định cụ thể, đối với từng lĩnh vực chuyên ngành sẽ có Nghị định hướng dẫn cụ thể và các biểu mẫu phù hợp cho việc xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, các thông tư, nghị định hướng dẫn chuyên ngành để xử lý vi phạm hành chính lại có nội dung không thống nhất với Nghị định và Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Ví dụ, Thông tư số 68/2009/TT-BNNPTNT ngày 23.10.2009 Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24.4.2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, hướng dẫn về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là một năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được phát hiện và người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với người vi phạm. Hướng dẫn này trái với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hiện hành và Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24.4.2009 của Chính phủ. Vì, hai văn bản này quy định thời hiệu thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Ví dụ, một cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y ngày 1.1.2009, nhưng đến ngày 1.1.2010 cơ quan có thẩm quyền mới phát hiện và lập biên bản. Theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 40 thì ngày để tính thời hiệu 1 năm là ngày 1.1.2009. Nhưng theo Thông tư 68 thì ngày 1.1.2010 mới là ngày tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Điều này hoàn toàn trái quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Hiện tượng các văn bản pháp luật hiện hành mâu thuẫn nhau như trên diễn ra nhiều trên thực tế, dẫn đến khó khăn cho người áp dụng và thực hiện luật.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐAI BIỂU NHÂN DÂN
Trích dẫn từ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code