Tuesday, September 24, 2013

ÁN LỆ TRONG PHÁP LUẬT THỰC ĐỊNH VIỆT NAM

TS. ĐỖ VĂN ĐẠI – ĐỖ VĂN KHA
Bên cạnh những quy phạm được ghi nhận trong bộ luật, luật hay nghị định, chúng ta còn thấy tồn tại một loại quy phạm khá đặc biệt với những đặc thù riêng. Đó là những quy phạm được Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) thiết lập. Trong thực tế, vì văn bản pháp luật không rõ ràng, cụ thể hay chưa đầy đủ nên Tòa án nhân dân tối cao đã phải xây dựng bổ sung một số quy phạm thông qua thông tư, nghị quyết hướng dẫn hay qua những vụ việc cụ thể. ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến những quy phạm được TANDTC xây dựng thông qua những vụ việc tương tự – hay vấn đề án lệ trong pháp luật thực định Việt Nam.
1. Sự tồn tại của án lệ
Gần đây có một số tài liệu đề cập đến án lệ ở Việt Nam. Nhìn chung, hiện nay tranh luận về án lệ phần nhiều mang tính hàn lâm, lý thuyết. Những người cho rằng, nên thừa nhận án lệ như một nguồn của pháp luật thường chỉ dừng lại ở đó và dường như chưa đưa ra được ví dụ cụ thể nào về án lệ. Chẳng hạn, trong lĩnh vực hợp đồng, có tác giả viết “để thực hiện việc này, về mặt luật pháp cần quy định nguyên tắc thừa nhận án lệ là nguồn giải thích pháp luật. Về mặt thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải thực hiện các bản án tiêu biểu, điển hình của TANDTC để phục vụ cho hoạt động áp dụng pháp luật và công tác xét xử của Tòa án các cấp”[1]. Tuy nhiên, trong bài viết, chúng tôi không thấy nêu một ví dụ cụ thể nào về án lệ. Để tăng tính thuyết phục của quan niệm cho rằng nên coi án lệ là nguồn của pháp luật khi đó là những quy phạm hợp tình, hợp lý, chúng tôi nêu một vài ví dụ về án lệ trong thực tế Việt Nam.

Hình sự hay dân sự
Trong thực tế không hiếm gặp trường hợp giao dịch có vi phạm pháp luật và người vi phạm có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự. Ví dụ, chị Mai dùng thủ đoạn để chị Ngọ cho mình vay 40 triệu đồng với lãi suất 5% tháng. Hành vi của chị Mai được tòa án quy về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Giao dịch dân sự vay tiền của chị Mai đã vi phạm pháp luật hình sự. Giải quyết vấn đề dân sự như thế nào trong những trường hợp như vậy? Khi giao dịch vi phạm pháp luật và có thể xử lý theo pháp luật hình sự, tòa dân sự (theo nghĩa rộng là lao động, kinh tế, thương mại, dân sự, hôn nhân và gia đình) có phải dừng xử lý giải quyết hay không khi vụ việc được yêu cầu có yếu tố vi phạm pháp luật hình sự? Về vấn đề này, Tòa dân sự TANDTC đã thiết lập một án lệ[2].
Trong một vụ tranh chấp được giám đốc thẩm năm 2003, theo Tòa dân sự TANDTC, “lẽ ra, ngay từ khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án cấp sơ thẩm đã phải xác định yêu cầu của bà Thìn và ông Lực không phải là một yêu cầu dân sự hợp pháp, quan hệ giữa bà Thìn và bà Năm có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý, giải quyết theo trình tự dân sự là không đúng thẩm quyền. Tòa án cấp phúc thẩm tuy có bác đơn yêu cầu của bà Thìn và ông Lực nhưng vẫn giải quyết theo trình tự dân sự là không đúng”[3]. Như vậy, Tòa dân sự đã dùng phương pháp loại trừ, nếu hành vi đến mức truy tố trách nhiệm hình sự thì không giải quyết theo tố tụng dân sự.
Tòa dân sự đã không hiếm cơ hội áp dụng giải pháp này. Trong một tranh chấp khác, theo Tòa dân sự, “ông Chính và anh Hùng thống nhất xác định khoản tiền 11 triệu đồng ông Chính chuyển cho anh Hùng là để anh Hùng lo cho người vào đại học bằng con đường không chính đáng. Đây là giao dịch bất hợp pháp, có dấu hiệu phạm tội. Do vậy, vụ án cần được Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) xem xét về trách nhiệm hình sự. Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm phải có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 45 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và chuyển vụ án cho VKSND giải quyết. Trong trường hợp VKSND xác định vụ việc không có dấu hiệu phạm tội hoặc không đến mức phải xử lý bằng trình tự tố tụng hình sự, chuyển cho tòa án giải quyết về dân sự, nếu không buộc anh Hùng trả tiền cho ông Chính thì cũng phải tịch thu số tiền này. Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án khi chưa được VKSND xem xét về hình sự và Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu đòi tiền của ông Chính đều là không đúng”[4].
Xác định bản chất hợp đồng
Khi giao kết, các bên thường xác định rõ bản chất của hợp đồng. Chẳng hạn, theo các bên, đây là hợp đồng thuê tài sản hay mua bán tài sản. Nhưng đôi khi, bản chất theo các bên xác định không đúng với bản chất thực của hợp đồng. Đối với những hoàn cảnh như vậy, tòa án có quyền xác định lại bản chất của hợp đồng hay không? Cũng như vấn đề trên, ở đây, dường như thực tiễn pháp lý nước ta đã thiết lập một án lệ.
Trên thực tế, quyền của tòa án xác định lại bản chất của hợp đồng được thừa nhận. Ví dụ sau cho thấy điều này:
Ngày 29/08/1996, Hợp tác xã (HTX) Hồng Quang và Công ty Tân Hồng ký hợp đồng liên kết sản xuất với nội dung HTX Hồng Quang góp 1.350m2 nhà xưởng hiện có trên tổng diện tích đất được sử dụng 3.100m2, trị giá khoảng 2 tỷ đồng. Công ty Tân Hồng góp vốn đầu tư xây dựng nâng cấp nhà xưởng, kho tàng phù hợp với nhu cầu sản xuất may xuất khẩu; đầu tư toàn bộ dây chuyền thiết bị, may thêu nguyên vật liệu, phụ tùng thêu may với tổng trị giá khoảng 6 tỷ đồng. Hợp đồng có thời hạn 5 năm kể từ ngày ký, hết hạn sẽ tùy thuộc vào thực tế để ký tiếp. Cùng ngày, hai bên ký phụ lục Hợp đồng số 01 được công chứng với nội dung: Công ty Tân Hồng cho HTX Hồng Quang vay 500 triệu đồng, lãi suất 1,2% tháng, thời hạn vay là 02 năm. Nếu HTX Hồng Quang không thanh toán cho Công ty Tân Hồng trong hạn 02 năm thì Công ty Tân Hồng sẽ trừ dần vào số tiền khấu hao tài sản mà Công ty Tân Hồng trả cho HTX Hồng Quang mỗi tháng 20 triệu đồng; Công ty Tân Hồng nộp cho HTX Hồng Quang 20 triệu đồng /tháng vào ngày 05 đầu tháng, nếu chậm sẽ chịu phạt 2%/tháng. Ngày 10/01/1999, hai bên ký phụ lục hợp đồng số 2 với nội dung: Công ty Tân Hồng đồng ý xóa nợ cho HTX Hồng Quang bằng cách khấu trừ dần số tiền đã cho vay cùng với lãi suất vào việc thanh toán 20 triệu đồng khấu hao tiền nhà xưởng. Tính từ ngày 10/10/1998 đến 10/04/2001 là xóa xong nợ cũ. Kể từ ngày 11/04/2001, Công ty Tân Hồng phải trả cho HTX Hồng Quang 20 triệu đồng /tháng theo nội dung hợp đồng. Cuối năm 2001, hai bên có tranh chấp và kiện ra tòa. Theo Hội đồng Thẩm phán TANDTC, “tuy hợp đồng số 01/HT-HQ ngày 29/08/1996 ghi là hợp đồng liên kết sản xuất nhưng nội dung của phụ lục Hợp đồng số 01 và phụ lục Hợp đồng số 02 đã thể hiện bản chất của hợp đồng là thuê nhà xưởng gắn liền với quyền sử dụng đất, chứ không phải là liên kết thành lập đơn vị kinh tế theo Quy định về liên kết kinh tế (ban hành kèm theo Quyết định số 38/HĐBT ngày 10-04-1989 của Hội đồng Bộ trưởng)”[5]. Như vậy, Hội đồng thẩm phán đã xác định lại bản chất của hợp đồng có tranh chấp. Cụ thể, các bên cho rằng đây là hợp đồng liên kết sản xuất nhưng Tòa án lại coi đây là hợp đồng thuê nhà xưởng gắn liền với quyền sử dụng đất. Khi xét như vậy, Hội đồng Thẩm phán không nêu rõ là dựa vào văn bản nào để có quyền xác định lại bản chất của hợp đồng. Do đó, có thể nói, Tòa án đã tự cho mình quyền này. Đây không hẳn đã là đặc thù của pháp luật Việt Nam. ở Pháp, Tòa án tối cao thường nhắc nhở trong quá trình giải quyết giám đốc thẩm là thẩm phán có quyền xác định lại bản chất thực của hợp đồng. Trong thực tế, chúng ta còn thấy nhiều ví dụ khác theo đó Tòa án tự cho mình quyền xác định lại bản chất thực của hợp đồng, do đó có thể coi việc này đã trở thành án lệ[6].
Người nước ngoài mượn tên
Theo Bộ luật Dân sự năm 1995 và 2005, năng lực hành vi dân sự của cá nhân là người nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà người đó là công dân, trừ trường hợp pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định khác. Việc mua nhà ở tại Việt Nam là một hạn chế đối với người nước ngoài so với công dân Việt Nam. Cụ thể, theo Điều 19 của Nghị định 61-CP ngày 05/07/1994, “cá nhân là người nước ngoài định cư ở Việt Nam được mua một nhà ở của các doanh nghiệp nhà nước chuyên kinh doanh nhà ở của Việt Nam để ở cho bản thân và các thành viên gia đình họ tại địa phương được phép định cư”. Hoặc Khoản 1, Điều 3 của Nghị định số 81/2001/NĐ-CP ngày 05/11/2001 của Chính phủ quy định: “người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc một trong những đối tượng dưới đây… thì được mua nhà để ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam: a) Người về đầu tư lâu dài tại Việt Nam; b) Người có công đóng góp với đất nước; c) Nhà văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam; d) Người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam”.
Nhiều người nước ngoài gốc Việt mua nhà ở tại Việt Nam thông qua tên của người thân vì họ không đủ điều kiện tự mua. Đã xuất hiện tình trạng một thời gian sau khi mua, Việt kiều và người thân có tranh chấp về nhà ở. Văn bản pháp luật hiện không có chế tài cụ thể cho những tranh chấp này nhưng tòa án vẫn phải giải quyết. Trong một vụ việc liên quan đến tranh chấp giữa ông Đức và người thân, Tòa án quyết định “hủy hợp đồng mua bán nhà đất, giao căn nhà (có tranh chấp) cho cơ quan thi hành án tỉnh tổ chức bán đấu giá, tiền bán nhà giao cho ông Đức (Việt kiều) 5.300 USD (tương đương với tiền đã bỏ ra mua nhà). Số còn lại sung vào công quỹ Nhà nước, nếu giá bán thấp hơn số tiền giao cho ông Đức, thì ông Đức nhận theo số tiền bán nhà thực tế”[7].
Như vậy, liên quan đến những trường hợp mà Việt kiều nhờ người khác mua hộ bất động sản do họ không thỏa mãn những điều kiện của pháp luật, khi có tranh chấp thì phát mãi bất động sản để trả cho Việt kiều số tiền, vàng đã bỏ ra nhờ mua giùm, số còn lại sung công quỹ Nhà nước[8]. Quy phạm này được TANDTC và VKSNDTC cùng TAND địa phương áp dụng thường xuyên nên có thể coi đã trở thành án lệ.
2. Giá trị pháp lý của án lệ
Phần vừa rồi cho thấy trong thực tế pháp lý, tòa án đã thiết lập nhiều án lệ[9]. Các quy phạm do TANDTC thiết lập có tính bắt buộc hay không là vấn đề được tranh luận tương đối nhiều ở nước ta[10]. “Về lý luận chưa có một giáo trình luật nào của các trường đại học ở nước ta đề cập đến vấn đề này một cách đầy đủ, khách quan và có hệ thống”[11].
Theo giáo trình Tư pháp quốc tế của Trường đại học Luật Hà Nội năm 2007 (trang 24, 25) thì, “ở nước ta, thực tiễn tư pháp (án lệ) không được nhìn nhận với tư cách là nguồn của pháp luật nói chung và nguồn của tư pháp quốc tế nói riêng. Chỉ có các văn bản pháp quy của Nhà nước mới là nguồn của luật pháp. Điều này khẳng định quan điểm là toà án của Việt Nam là cơ quan xét xử và khi xét xử chỉ tuân theo luật pháp, nó không có quyền ban hành văn bản pháp quy, cũng như án lệ không thể là nguồn của pháp luật Việt Nam nói chung và nguồn của tư pháp quốc tế Việt Nam nói riêng”. Tương tự, theo cuốn Từ điển luật học[12], “ở Việt Nam hiện nay, mặc dù hàng năm khi tổng kết công tác xét xử, TANDTC có đưa ra các vụ án điển hình để hướng dẫn tòa án cấp dưới xét xử, tuy nhiên khi lập luận cho quyết định của mình, các thẩm phán vẫn phải căn cứ vào các quy định của pháp luật, chứ không dựa vào các bản án đã xét xử. Việt Nam không có truyền thống áp dụng án lệ và không coi án lệ là một hình thức pháp luật”.
Nhưng có quan điểm cho rằng, “trong các sách, báo khoa học pháp lý nước ta phổ biến quan niệm coi nguồn của pháp luật là những hình thức biểu hiện bên ngoài của pháp luật, nói cách khác là những văn bản pháp luật chứa đựng các quy phạm pháp luật. Không coi những án lệ và tập quán pháp là nguồn của pháp luật. Quan niệm như vậy chỉ có tác dụng nhấn mạnh vai trò của những văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống nguồn của pháp luật, nhưng chưa thật đầy đủ và toàn diện. Thực tế ở nước ta trong nhiều trường hợp để quản lý phải dùng đến án lệ ở trình độ khái quát, tổng hợp cao dưới hình thức những văn bản hướng dẫn xét xử của TANDTC”[13].
Lý do công nhận
Theo chúng tôi, nếu hợp tình và hợp lý, những quy phạm được thiết lập bởi TANDTC Việt Nam có tính ràng buộc. Điều đó có nghĩa án lệ là một nguồn của pháp luật khi hợp tình, hợp lý, bởi:
Lý do pháp lý: trong pháp luật hiện hành của Việt Nam, không một văn bản nào chính thức thừa nhận án lệ là một nguồn của pháp luật và cũng không có văn bản nào khẳng định công khai án lệ không là một nguồn của pháp luật. Tác giả Phạm Hồng Thái và Đinh Văn Mậu thừa nhận vai trò pháp lý của án lệ nhưng không đưa ra một văn bản nào để làm cơ sở. Tương tự, giáo trình Tư pháp quốc tế của Trường đại học Luật Hà Nội và cuốn Từ điển luật học của Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp phủ nhận vai trò này của án lệ, song cũng không dựa vào văn bản cụ thể nào. Do vậy, án lệ có là nguồn của pháp luật hay không cần được giải quyết thông qua giải thích pháp luật Việt Nam liên quan đến vấn đề này. Khoản 1, Điều 19 Luật Tổ chức TAND năm 2002 quy định “TANDTC có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử của các Tòa án”[14]. ở đây, dường như Quốc hội đã “ngầm” thừa nhận rằng các văn bản hiện hành của Việt Nam còn không hoàn thiện, đầy đủ, cụ thể, nên đã cho phép và đồng thời bắt buộc TANDTC hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật dường như cũng là cho phép và đồng thời bắt buộc TANDTC thiết lập các quy phạm pháp quy khi cần thiết. Nói cách khác, dường như Quốc hội đã “ngầm” ủy quyền cho TANDTC xây dựng một số quy phạm pháp quy khi cần thiết (khi văn bản pháp luật còn ở dạng “khung” hay còn khiếm khuyết). Những quy phạm được TANDTC thiết lập thông qua các bản án cũng có vai trò hướng dẫn các tòa án địa phương áp dụng thống nhất pháp luật. Và phủ nhận một cách máy móc tính bắt buộc của những quy phạm thiết lập bởi TANDTC dường như cũng là phủ nhận Khoản 1, Điều 19 nói trên.
Lý do thực tiễn: Theo một Chánh án TANDTC, ở nước ta hiện nay đã có những “án lệ ngầm”[15]. Sự khẳng định này không có gì ngạc nhiên như đã trình bày ở phần I. Trên thực tế, các quy phạm thiết lập bởi TANDTC có tính bắt buộc như những quy phạm khác. Nếu không theo các quy phạm thiết lập bởi TANDTC khi xét xử, bản án của toà án địa phương có nhiều khả năng bị huỷ và phải xét lại và để tránh bị huỷ bản án của mình, toà án địa phương buộc phải tôn trọng những quy phạm pháp quy này. Những ví dụ nêu trên là một minh chứng. Như vậy, những quy định do TANDTC xây dựng thông qua những vụ việc tương tự có giá trị bắt buộc trong thực tiễn pháp lý. Tương tự đối với các đương sự trong tranh chấp: bên đương sự không thừa nhận các quy phạm thiết lập bởi TANDTC có nhiều khả năng thua kiện và ngược lại.
Lý do lịch sử: vào những năm 50, khi văn bản pháp luật còn sơ sài và chưa chặt chẽ, pháp luật nước ta cũng đã thừa nhận vai trò của án lệ trong thực tế pháp lý. Theo thông tư số 442/TTg ngày 19/1/1955 của Thủ tướng Chính phủ, “tới nay, các Toà án căn cứ vào những văn bản nói trên và chính sách trừng trị của Chính phủ mà xét xử đem lại kết quả tốt cho việc bảo vệ trật tự, an ninh. Kinh nghiệm xét xử về một số loại phạm pháp đã được trở thành án lệ. Tuy nhiên, án lệ ấy còn khác nhau giữa các địa phương. Đường lối xét xử do đó không được thống nhất, rõ ràng và có nơi không được đúng. Cần phải thống nhất những án lệ ấy trong quy định chung sau đây để hướng dẫn các Toà án trừng trị một số tội phạm thông thường”. Hơn nữa, trong cổ luật Việt Nam, “bên cạnh những điều luật có tính cố định và nhiều khi lỗi thời, nhà làm luật, vì không muốn bộ luật có tính cách quá lý thuyết, không còn phù hợp với nhu cầu của dân chúng, đã phải thêm vào các điều lệ. Lệ bắt nguồn ở những bản án đã được phân xử và tâu lên vua”. Một ví dụ rõ nét về việc sử dụng bản án trong cổ luật Việt Nam có thể thấy được trong Bộ luật Hồng Đức (thế kỷ thứ 15) tại Điều 396. ở đây, chúng ta thấy ghi: “Ông tổ là Phạm Giáp sinh con giai trưởng là Phạm ất, thứ là Phạm Bính. Ông tổ Phạm Giáp có ruộng đất hương hỏa 2 mẫu đã giao cho con trưởng là Phạm ất giữ. Phạm ất đã đem 2 mẫu ấy nhập vào với ruộng đất của mình mà chia cho các con, chỉ còn 5 sào để cho con trai của Phạm ất giữ làm hương hỏa. Con trai của Phạm ất lại sinh toàn con gái mà con thứ là Phạm Bình có con trai lại có cháu trai, thì số 5 sào hương hỏa hiện tại phải giao lại cho con trai, cháu trai Phạm Bình. Nhưng không được đòi lại cho đủ 2 mẫu hương hỏa của tổ trước mà sinh cạnh tranh. Điều 396 trên đây chỉ là một bản án đã được phân xử trong một vụ kiện với tất cả các chi tiết cá biệt như diện tích của phần hương hỏa mà nhà làm luật vẫn giữ y nguyên để cho điều lệ có tính các cụ thể và dễ hiểu’[16]. Như vậy, việc khai thác các bản án không xa lạ ở Việt Nam chúng ta.
Xu hướng chung: ngoài những lý do trên, chúng ta có thể nói thêm là xu hướng thừa nhận vai trò của án lệ ngày phát triển ở Việt Nam. Theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, một trong những nhiệm vụ cải cách tư pháp là “TANDTC có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ…”. Chủ thể tham gia thực tiễn xét xử ngày càng quan tâm và thừa nhận vai trò của án lệ. Chẳng hạn, trong tham luận mới đây của Tòa dân sự TANDTC, liên quan đến vấn đề tịch thu tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được từ giao dịch không hợp pháp, sau khi khẳng định “cho đến nay chưa có một văn bản pháp luật nào quy định phải tịch thu tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được từ giao dịch không hợp pháp”, tham luận đã kết luận rằng: “vấn đề này cũng đã có án lệ của Hội đồng thẩm phán TANDTC”[17]. Hiện nay, một số luật gia đã tạo ra trang web “sưu tầm án lệ Việt Nam” với các mục như “án lệ trong các lĩnh vực”, “bình luận án lệ”…[18].
Điều kiện công nhận
Nếu những quy phạm được TANDTC thiết lập là hợp tình, hợp lý thì chúng ta nên coi những quy phạm này như những quy phạm pháp quy khác, tức thừa nhận án lệ là một nguồn của pháp luật. Chẳng hạn, theo án lệ đã được nêu trong phần I, việc Tòa án có quyền xác định lại bản chất của hợp đồng là một quy phạm hợp tình và hợp lý. Vì vậy, chúng ta nên coi đó là một quy phạm có tính ràng buộc như những quy phạm khác. Tuy nhiên, không phải án lệ nào cũng hợp tình, hợp lý. Do vậy, những quy phạm tiềm ẩn trong án lệ này nên được thay đổi. Án lệ liên quan đến thẩm quyền của Tòa dân sự khi vụ việc có yếu tố hình sự là một ví dụ cụ thể. Khi trích dẫn Quyết định 48/GĐT -DS năm 2003, ông Nguyễn Văn Cường có nêu rằng, “theo chúng tôi, Tòa dân sự TANDTC đã chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an để xem xét theo thủ tục tố tụng hình sự là đúng pháp luật”[19]. Tuy nhiên, thiết nghĩ nên cho phép các đương sự lựa chọn việc giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chứ không nên nhất thiết buộc họ phải xử lý hình sự trước. Cụ thể, việc buộc phải giải quyết theo tố tụng hình sự sẽ buộc chuyển hồ sơ sang thủ tục hình sự. Điều này sẽ làm mất thêm thời gian và tốn kém cho nạn nhân. Trên góc độ văn bản, pháp luật không có quy định là phải chuyển hồ sơ sang thủ tục hình sự. Hơn nữa, vấn đề dân sự và vấn đề hình sự được điều chỉnh bởi hai loại quy phạm tương đối độc lập, trong khi đó Tòa dân sự chuyên về dân sự nên giải quyết sẽ tốt. Một người hoàn toàn có thể không bị áp dụng chế tài hình sự nhưng vẫn có thể bị chịu chế tài dân sự. Do vậy, án lệ của Tòa dân sự về vấn đề này là không hợp tình. Trừ trường hợp ngoại lệ, thiết nghĩ giải pháp có tính thuyết phục hơn sẽ là cho phép giải quyết dân sự theo thủ tục dân sự ngay cả khi có yếu tố hình sự.
Trong quyết định năm 2002, Tòa dân sự viện dẫn quy phạm theo đó toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án trong những trường hợp cần đợi kết quả giải quyết vụ án hình sự (điểm d khoản 1 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, tương đương với khoản 4 Điều 189 BLTTDS[20]). Xét về góc độ pháp lý thì việc đình chỉ này chưa hẳn đã là hợp lý. Quy phạm này dường như chỉ phù hợp khi vụ việc đang được xử lý trên góc độ hình sự trong khi đó các trường hợp được Tòa dân sự giải quyết chưa được thụ lý theo thủ tục hình sự. Hơn nữa, theo quy định trên thì việc thủ tục dân sự bị đình chỉ khi cần đợi kết quả giải quyết vụ án hình sự. Như đã nói ở trên, nhìn chung những quy định về dân sự hoàn toàn có thể được áp dụng độc lập nên không nhất thiết là khi có dấu hiệu hình sự chúng ta phải đợi kết quả của việc giải quyết theo tố tụng hình trước. Với cách giải quyết như Tòa dân sự, chúng ta không bảo vệ một cách hiệu quả người bị thiệt hại mà là phần nào bảo vệ người gây thiệt hại. Vẫn về góc độ văn bản, trong Quyết định năm 2006, Tòa dân sự lại viện dẫn Điều 192 (về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự) và Điều 168 (về trả lại đơn khởi kiện) của BLTTDS. Việc không thống nhất trong việc viện dẫn cơ sở pháp lý (văn bản) cho thấy những cơ sở pháp lý đó chỉ là cái cớ, phương tiện để áp dụng một giải pháp mà Tòa dân sự muốn áp dụng. Khi nghiên cứu hai điều luật trên của Bộ luật Tố tụng dân sự, chúng ta không thấy hoàn cảnh mà chúng ta đang xem xét trong danh sách những vụ việc Tòa án phải đình chỉ và trả lại đơn. Thiết nghĩ, việc này liên quan đến tố tụng hình sự và dân sự nên vượt quá tầm xem xét của Tòa dân sự TANDTC. Do đó, TANDTC và VKSNDTC nên kết hợp đưa ra một giải pháp chung và nên theo hướng vẫn cho phép Tòa dân sự xử lý vụ việc.
Kinh nghiệm nước ngoài
Thực tiễn pháp lý một số nước cho thấy việc thay đổi án lệ không hiếm xảy ra. Nhìn chung, việc thay đổi này dường như xuất phát từ hai lý do.
Lý do thứ nhất: bản thân án lệ ngay từ đầu đã bất hợp lý nên việc thay đổi là cần thiết. Xin dẫn một ví dụ trong thực tiễn pháp lý Pháp[21]. Trong thực tế, có rất nhiều hợp đồng mà ở đó các bên không xác định giá cả cụ thể khi giao kết. Ví dụ: một công ty sửa chữa thiết bị điện thoại ký với công ty khác một hợp đồng 15 năm và họ không xác định giá cụ thể của các linh kiện hay dịch vụ trong quá trình giao kết. Khi xảy ra tranh chấp, bên nhận thiết bị thường yêu cầu hủy hợp đồng vì cho rằng đối tượng của hợp đồng không được xác định; do đó, hợp đồng vô hiệu. Trước năm 1995, Tòa án chấp nhận hủy những hợp đồng như trên vì đối tượng (ở đây là giá cả của linh kiện hay dịch vụ) của hợp đồng không được các bên xác định trong giai đoạn giao kết hợp đồng. Để tuyên bố vô hiệu hợp đồng, Tòa án dựa vào Điều 1129 của Bộ luật Dân sự; theo đó, “đối tượng của nghĩa vụ phải là một vật xác định, ít nhất là xác định về chủng loại. Vật có thể không rõ, nhưng vật phải xác định được”. Cách điều chỉnh trên dẫn đến hủy nhiều hợp đồng với lý do là đối tượng của hợp đồng không được xác định tại thời điểm giao kết. Giải pháp này có hậu quả xấu. Bởi thực ra các tranh chấp phát sinh giữa các bên không phải xuất phát từ việc xác định giá cả cụ thể của linh kiện hay của dịch vụ mà phần lớn do bên nhận linh kiện hay dịch vụ không muốn thanh toán tiền linh kiện hay tiền dịch vụ đã nhận. Họ lợi dụng giải pháp này để gây khó khăn cho đối tác của mình. Chính vì thế mà nhiều học giả yêu cầu Tòa án thay đổi án lệ. Cuối cùng, ngày 01/12/1995, Tòa án tối cao Pháp đã họp các Tòa lại và, đối với hàng loạt các hồ sơ tương tự, Tòa án tối cao Pháp cho rằng Điều 1129 không được áp dụng vào vấn đề giá cả; việc không định giá vào lúc giao kết không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng trừ khi có quy định cụ thể khác. Nếu sau này, một bên lạm dụng để đưa ra giá không hợp lý, bên kia có quyền yêu cầu chấm dứt hợp đồng và có thể yêu cầu bồi thường.
Lý do thứ hai: án lệ hoàn toàn hợp lý trong một khoảng thời gian nhưng với sự phát triển của xã hội, quy phạm tiềm ẩn trong án lệ không còn phù hợp nữa nên cũng cần thay đổi. Theo pháp luật Pháp cũng như pháp luật nhiều nước, trong đó có Việt Nam, khi con nợ lâm vào tình trạng phá sản thì tòa án có thể được yêu cầu mở thủ tục phá sản. Chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ trong một khoảng thời gian nhất định. Khi chủ nợ không gửi giấy đòi nợ trong hạn định thì không còn quyền đòi nợ đối với con nợ. Vấn đề đặt ra là khi không còn quyền đòi con nợ, chủ nợ có được quyền đòi người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh không? Trong suốt hàng trăm năm trước những năm 1980, theo Tòa án tối cao Pháp, chủ nợ vẫn còn quyền yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Giải pháp này là quá nặng đối với người bảo lãnh, trong khi đó, các chủ nợ thường cho vay với điều kiện có người bảo lãnh và người bảo lãnh thường là những người thân của con nợ. Để giảm gánh nợ cho người bảo lãnh và để người bảo lãnh có lợi khi con nợ yêu cầu mở thủ tục phá sản, một số học giả yêu cầu thay đổi án lệ. Cuối cùng vào năm 1984, Tòa án tối cao Pháp đã thay đổi án lệ. Theo Tòa án tối cao, khi không gửi giấy đòi nợ trong hạn định, chủ nợ cũng không còn quyền yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Thực tế Việt Nam
ở nước ta, việc thay đổi án lệ dường như cũng không hiếm xảy ra. Sự thay đổi về cách xử lý trường hợp đồng sở hữu chuyển nhượng di sản nhưng không có sự đồng ý của những người khác có thể là một ví dụ. Chẳng hạn, trong một vụ tranh chấp, theo TANDTC, “ngôi nhà tại cụm 4… mà ông Việt thỏa thuận bán cho bà Yến theo hợp đồng ngày 25/12/1996 tuy ông Việt đứng tên sở hữu chung nhưng thực tế là di sản thừa kế chưa chia; thuộc quyền đồng sở hữu của nhiều người (anh, chị, em của ông Việt). Trong số các anh, chị, em của ông Việt, ông Quảng và ông Phát đã giao kỷ phần thừa kế của mình cho ông Việt. Như vậy, ông Việt có phần quyền đồng sở hữu là 3/6, nhưng không phải là ông Việt có quyền bán 1/2 nhà không cần có ý kiến của các đồng sở hữu khác. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp đồng sở hữu cần bán phần quyền của mình thì các đồng sở hữu khác có quyền ưu tiên mua. Do vậy, hợp đồng mua bán nhà giữa bà Yến và ông Việt ký ngày 25/12/1996 là giao dịch vô hiệu toàn bộ chứ không thể công nhận một phần như án phúc thẩm”[22]. Trong ví dụ trên, TANDTC đã hủy quyết định của cấp phúc thẩm và cho rằng cần phải tuyên bố hợp đồng vô hiệu toàn bộ chứ không được thừa nhận một phần hợp đồng theo kỷ phần của người chuyển nhượng. Hai ví dụ sau cho thấy điều ngược lại.
Khi còn sống, ông Hảo và bà Ngọc thỏa thuận nhượng 241m2 đất cho ông Điệp và bà Đời với giá 7 chỉ vàng. Chưa làm xong thủ tục thì ông Hảo chết và anh Thạch con ông Hảo không muốn tiếp tục hợp đồng. Về vấn đề này, theo TANDTC, “hợp đồng trên chỉ là hợp đồng viết tay và chưa có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ông Điệp, bà Đời cũng chưa làm thủ tục sang tên hợp pháp. Hơn nữa, đất trên có một phần trong quy hoạch. Tuy nhiên, ông Điệp, bà Đời và bà Ngọc thừa nhận đã nhận đủ tiền, đủ đất. Ông Hảo chết, phần của ông Hảo là di sản và bà Ngọc, anh Thạch được thừa kế. Anh Thạch yêu cầu hủy hợp đồng và xin hưởng thừa kế. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận cho tiếp tục thực hiện hợp đồng 3/4 giá trị của bà Ngọc (kể cả phần bà Ngọc được thừa kế của ông Hảo) theo yêu cầu của bà Ngọc, ông Điệp, bà Đời là có cơ sở, phù hợp với thực tế và không gây xáo trộn không cần thiết về nhà đất của các đương sự. Riêng đối với phần giá trị anh Thạch được thừa kế thì anh Thạch không yêu cầu thực hiện hợp đồng, nên Tòa án phúc thẩm xác định phần hợp đồng này vô hiệu, từ đó giao đất cho anh Thạch và buộc anh Thạch thanh toán tiền cho ông Điệp, bà Đời là đúng”[23].
Những ví dụ vừa rồi cho biết quan điểm của Tòa dân sự TANDTC liên quan đến tài sản thừa kế đã được một đồng thừa kế chuyển nhượng. Trong ví dụ đầu, theo TANDTC thì hợp đồng vô hiệu toàn bộ; còn trong vụ thứ hai, hợp đồng chỉ vô hiệu một phần.
Khi vấn đề trong hai vụ tranh chấp tương đối giống nhau, thì sự khác nhau này chỉ có thể giải thích: hoặc là TANDTC thay đổi quan điểm về cùng một vấn đề và theo cách hiểu của người làm thực tiễn thì đây là thay đổi án lệ. Hoặc là vì tình tiết ba vụ việc có phần nào khác nhau; do đó, sự khác nhau này không phải vì thay đổi quan điểm mà là do giữa các tranh chấp có thêm những yếu tố khác nhau dẫn đến giải pháp khác nhau. Theo BLDS, “giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần của giao dịch vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch”. Có thể trong ví dụ thứ nhất, việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu một phần làm ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch; do đó, Tòa án không thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu một phần. Tuy nhiên, cách giải thích thứ hai có phần nào thuyết phục hơn. Bởi, trong ví dụ thứ hai, TANDTC có nêu rằng việc chấp nhận một phần của hợp đồng không “gây xáo trộn không cần thiết về nhà đất của các đương sự”. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ ví dụ thứ nhất thì chúng ta thấy, ở đây, TANDTC không chấp nhận tuyên bố vô hiệu một phần hợp đồng và hoàn toàn không nói là việc tuyên bố vô hiệu một phần làm “ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch”. Trong tranh chấp này, Tòa án dựa vào bản chất “đồng sở hữu” của tài sản để không chấp nhận tuyên bố hợp đồng vô hiệu một phần. Yếu tố này không được nhắc lại trong ví dụ thứ hai. ở đây Tòa án đã thay đổi quan điểm (thay đổi án lệ) và theo chúng tôi, sự thay đổi này có ảnh hưởng tích cực. Bởi nó cho phép thực hiện phần nào cam kết giữa các bên: hợp đồng đã được các bên tự nguyện cam kết cần được các bên tôn trọng trong chừng mực có thể nhất.
Hiệu lực hồi tố của án lệ
Còn một vấn đề liên quan đến thay đổi án lệ mà hầu như các học giả ở nước ta chưa đề cập đến C (ngoài một số người làm thực tiễn), đó là sự hồi tố của sự thay đổi án lệ. Thực ra, thay đổi án lệ tức là thay đổi quy phạm, thay đổi cách xử lý đối với những vụ việc tương tự như ví dụ trên đã phân tích. Phần lớn các bản án của TANDTC chưa được công bố nên nhận thức về án lệ cũng như hiệu lực hồi tố của thay đổi án lệ còn hạn chế. Tuy nhiên, xu hướng công bố bản án của TANDTC ngày càng được củng cố. TANDTC đã cho công bố hai cuốn về Quyết định giám đốc thẩm năm 2003 và 2004 của Hội đồng Thẩm phán. Mới đây nhất, TANDTC cho xuất bản hai cuốn tương tự đối với năm 2005 và 2006. VKSNDTC cũng cho công bố cuốn về những quyết định giám đốc thẩm. Do vậy, vấn đề hồi tố của thay đổi án lệ sớm muộn cũng được đặt ra. Sự thay đổi án lệ sẽ được áp dụng đối với những trường hợp tương tự như thế nào? Chẳng hạn, sự thay đổi vừa nêu ở trên sẽ được áp dụng với tất cả những chuyển nhượng đã được thiết lập trước thay đổi án lệ hay chỉ giới hạn ở những giao dịch được thiết lập sau này? Đối với những giao dịch đã được thiết lập trước thời điểm thay đổi án lệ, phải chăng sự thay đổi sẽ chỉ được áp dụng đối với những giao dịch trước đó nhưng chưa có tranh chấp tại tòa án? Những câu hỏi này có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng và hy vọng trong thời gian gần đây sẽ có những công trình nghiên cứu trao đổi về vấn đề này.
Chú thích:
[1] Phạm Hoàng Giang, Một số vấn đề về vai trò của án lệ đối với sự phát triển của pháp luật hợp đồng, Tạp chí Tòa án nhân dân, tháng 2-2007, số 3, tr. 44.
[2] Về vấn đề này, xem thêm Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam., Bản án và bình luận bản án, Nxb. Chính trị Quốc gia, Bản án số 4.
[3] Quyết định số 48/GĐT -DS ngày 21/3/2003 của Tòa dân sự TANDTC.
[4] Quyết định số 40/GĐT -DS ngày 20/3/2002 của Tòa dân sự TANDTC.
[5] Quyết định số 01/2004/HĐTP -KT ngày 26/02/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC.
[6] Về những ví dụ này, xem thêm Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam., Bản án và bình luận bản án, Nxb. Chính trị Quốc gia, Bản án số 36.
[7] Bản án số 60/DSPT ngày 23/5/1998 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh.
[8] Bộ luật Dân sự năm 2005 không quy định phải tịch thu tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được từ giao dịch không hợp pháp, trừ trường hợp pháp luật có quy định phải tịch thu. Theo tham luận của Tòa dân sự TANDTC, “cho đến nay chưa có một văn bản pháp luật nào quy định phải tịch thu tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức. Do đó, trong trường hợp này phải định giá giá trị quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và nếu người đã đứng tên trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất có nhu cầu sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đó thì công nhận cho họ được sở hữu nhà, được sử dụng đất, đồng thời buộc họ thanh toán cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài đó bằng đúng số tiền họ đã bỏ ra mua nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; nếu sau khi thanh toán còn dư ra (trong trường hợp giá trị nhà, quyền sử dụng đất ở thời điểm xét xử cao hơn giá lúc mua) thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ được hưởng 1/2 số tiền chênh lệch đó, còn lại 1/2 số tiền chênh lệch sẽ do người đã đứng tên trong hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đã đồng ý nhận sử dụng nhà, đất đó được hưởng. Vấn đề này cũng đã có án lệ của Hội đồng Thẩm phán TANDTC” (Tham luận: Một số vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự, Hà Nội, ngày 11/01/2008).
[9] Đối với những ví dụ khác, xem thêm Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam., Bản án và bình luận bản án, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2008.
[10] “Trong sách báo pháp lý đã có một số tác giả đề cập đến vai trò của án lệ đối với thực tiễn pháp lý ở nước ta, đồng thời kiến nghị phải có sự thay đổi trong nhận thức về án lệ trong khoa học pháp lý, cần phải coi đây là một nguồn quan trọng của pháp luật XHCN. Ngược lại cũng có ý kiến hoàn toàn phủ nhận sự tồn tại của án lệ ở nước ta” (Nguyễn Nức Mai,  Về vấn đề án lệ ở nước ta hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật 3/1998, tr. 47). Án lệ, theo cách hiểu như pháp luật theo hệ thống Anh, Mỹ không tồn tại ở Việt Nam. Tuy nhiên các hướng dẫn và nguyên tắc xét xử chung về các vụ án thương mại do TANDTC ban hành có là loại của nguồn đặc thù của pháp luật thương mại hay không, là vấn đề hiện nay cần được tranh luận thêm ở Việt Nam (Phạm Duy Nghĩa, Tìm hiểu Luật thương mại Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, 1999, tr. 26).
[11] Nguyễn Đức Mai, Về vấn đề án lệ ở nước ta hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật 3/1998, tr. 47.
[12] Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, Nxb. Từ điển bách khoa và Nxb. Tư pháp, năm 2006, tr. 13.
[13] Phạm Hồng Thái và Đinh Văn Mậu, Luật hành chính Việt Nam, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr. 61.
[14] Xem tương tự, Khoản 2, Điều 20, Luật tổ chức TAND năm 1981; Khoản 1, Điều 18, Luật tổ chức TAND năm 1992, .
[15] Việt Nam cần có án lệ http://vnexpress.net/GL/Phap-luat/2002/04/3B9BB47B/.
[16] Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam lược khảo (Quyển thứ nhất), Sài Gòn 1969, tr. 16 và 17.
[17] Xem Tham lu? n “Một số vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự” của Tòa dân sự TANDTC, Hà Nội, ngày 11/01/2008.
[18] Xem http://www.e-lawreview.com/
[19] Nguyễn Văn Cường, Giao dịch dân sự vô hiệu và việc giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, Luận án Tiến sỹ.
[20] “Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (khi) cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án.
[21] Pháp thường được coi là một nước thuộc hệ thống luật thành văn. Tuy nhiên, cho dù các nhà lập pháp và hành pháp có cố gắng đến mấy đi chăng nữa thì văn bản của họ vẫn không đầy đủ, hoàn thiện. Để giải quyết những tranh chấp, Tòa án đã buộc phải thiết lập những quy phạm mà người ta thường dùng từ án lệ để chỉ.
[22] Quyết định số 148/GĐT -DS ngày 30/7/2002 của Tòa dân sự TANDTC.
[23] Quyết định số 08/2006/DS-GĐT ngày 23/1/2006 của Tòa dân sự TANDTC.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 12 (128) THÁNG 8/2008

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code