Wednesday, September 25, 2013

XÃ HỘI DÂN SỰ – MỘT VÀI BƯỚC TIẾP CẬN BAN ĐẦU

TRẦN VĂN LONG - Viện Khoa học Thanh tra
Theo định nghĩa của Liên minh Thế giới về sự Tham gia của người dân (CIVICUS), xã hội dân sự được hiểu là “Diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung”. Đây là một khái niệm được đưa ra sau khi có những nghiên cứu về xã hội dân sự tại các nước châu Á, châu Phi của CIVICUS, nó đúng và hàm chứa những yếu tố về xã hội dân sự của các nước trong khu vực này. Khái niệm này có nhiều điểm bao quát, thể hiện được nhiều góc độ, phương diện và hoạt động của xã hội dân sự như: Thể chế hoá, ghi nhận các điều kiện và các nhóm xã hội dân sự không chính thống; coi xã hội dân sự là một diễn đàn, một không gian, nơi mà mọi người có thể đến với nhau và tìm cách gây những ảnh hưởng tích cực đối với cộng đồng, xã hội; xoá mờ ranh giới giữa xã hội dân sự, thị trường, nhà nước và gia đình. Trong khái niệm này, các tổ chức xã hội dân sự được phân chia theo chức năng hơn là theo hình thức, đây là kết quả đạt được của một chuỗi các nghiên cứu tại các nước châu Á và châu Phi (các nước đang phát triển). Điều này mang lại những hiệu quả trong tiếp cận vấn đề, sẽ không có những rào cản về chính trị, pháp lý tại bất kỳ quốc gia nào.

Ở Việt Nam, khái niệm xã hội dân sự vẫn là một khái niệm mới, được dùng ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, du nhập trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế. Theo GS.TS. Đặng Ngọc Dĩnh, Viện trưởng Viện những vấn đề phát triển (VIDS) thì xã hội dân sự bao gồm các tổ chức xã hội nằm ngoài nhà nước, nằm ngoài hoạt động của các doanh nghiệp, nằm ngoài gia đình để liên kết người dân với nhau trong những hoạt động vì mục đích chung. Tuy nhiên tư tưởng về xã hội dân sự, về vai trò của người dân trong xây dựng và củng cố nhà nước đã xuất hiện từ rất sớm. Điều này được thể hiện trong nhiều câu nói bất hủ của người xưa như “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “Thả sức cho dân”, “Nước lấy dân làm gốc” hay “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định”. Và sinh thời Hồ Chủ Tịch cũng đã từng nói, “Nhà nước của ta là Nhà nước của dân”, “Bao nhiêu quyền hạn đều là của dân”, “Vận mệnh quốc gia trong tay nhân dân. Hiện nay, theo tình thần và nội dung các văn kiện của Đảng và văn bản pháp luật của Nhà nước ta thì khái niệm “xã hội dân sự” hay “xã hội” chính là nhân dân. Trong các văn bản đó chúng ta thường thấy các cách nói và viết như “Đảng lãnh đạo Nhà nước và lãnh đạo xã hội”, “Trong cơ quan nhà nước và ngoài xã hội”, “Trong Đảng và ngoài xã hội”, “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”… Nhân dân được hiểu ở đây bao gồm tất cả các tổ chức quần chúng và mọi người dân, các tổ chức chính trị-xã hội, kinh tế, nghề nghiệp… nhưng không thể hiện theo cách trực tiếp là những chủ thể “phi nhà nước” mà gắn bó chặt chẽ với Đảng và nhà nước.
Thành phần quan trọng của xã hội dân sự Việt Nam là các tổ chức xã hội dân sự như tổ chức quần chúng, hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội trong dân chúng, trong làng xóm, mang tính chất liên kết cộng động. Ở Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc là tổ chức xã hội dân sự lớn nhất, bao gồm các tổ chức thành viên như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân…. Bên cạnh đó còn có những hội nghề nghiệp như Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp văn học và nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hiệp hội Hoà bình, hữu nghị và đoàn kết Việt Nam, Các tổ chức phi chính phủ Việt Nam; Các tổ chức tín ngưỡng; các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các nhóm cộng đồng cùng các tổ chức xã hội dân sự khác. Trong xã hội dân sự, các thành viên cùng bắt tay nhau để hành động vì quyền lợi chung, hài hoà trên cơ sở tuân theo pháp luật, theo quy luật của thị trường, thúc đẩy các khía cạnh đạo đức, tính nhân văn, tính cộng đồng trong các hoạt động vì mục đích chung của mình. Với ý nghĩa như vậy, xã hội dân sự tại Việt Nam đang dần định hình một cách rõ nét hơn, cùng Nhà nước và thị trường xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Theo phương pháp của CIVICUS, đánh giá về xã hội dân sự thường được tiếp cận dưới dạng một mô hình hình thoi với bốn đỉnh, đó là cấu trúc, môi trường, các giá trị và cuối cùng là tác động của xã hội dân sự đối với đời sống xã hội.
Về cấu trúc, đây là phương diện mô tả về quy mô tổng thể, sức mạnh và mức độ lan rộng của xã hội dân sự. Bao gồm chiều rộng sự tham gia của người dân trong các tổ chức xã hội dân sự; chiều sâu của sự tham gia; tính đa dạng của các thành phần tham gia; trình độ tổ chức; mối quan hệ giữa các đối tượng hoạt động trong xã hội dân sự; các nguồn lực sẵn có đối với xã hội dân sự.
Chiều rộng sự tham gia của người dân chỉ những hình thức tham gia khác nhau của người dân trong xã hội dân sự. Ở Việt Nam, việc tham gia này có thể thông qua các hoạt động như tình nguyện làm việc trong các tổ chức; hành động cộng đồng như tham gia vào các buổi họp cộng đồng, các sự kiện hoặc các nỗ lực chung nhằm giải quyết các vấn đề cộng đồng. Tại Việt Nam, kể từ khi có Quy chế dân chủ ở cơ sở, việc người dân tham gia vào các hoạt động cộng đồng ngày càng nhiều và đạt được những hiệu quả tích cực, nhất là việc người dân tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước, tạo những chuyển biến tích cực trong bài trừ các tệ nạn như tham nhũng, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu… Tham gia làm từ thiện cũng là một hoạt động được dùng để đánh giá chiều rộng của sự tham gia của người dân trong xã hội dân sự. Đây là hoạt động mang tính nhân đạo và nhân bản sâu sắc, là truyển thống quý báu của dân tộc Việt Nam tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Hoạt động này thường xuyên được khởi xướng bởi Hội chữ thập đỏ và các cơ quan báo chí như Báo Lao động, Tuổi trẻ…
Chiều sâu của sự tham gia chỉ mức độ tham gia của người dân vào xã hội dân sự thông qua các phương thức và hành động thực tế. Ở Việt Nam, chiều sâu của sự tham gia này thể hiện ở mức độ đóng góp của người dân trong việc làm từ thiện. Theo thống kê không chính thức, mức đóng góp của người dân làm từ thiện là 1-2% thu nhập. Dù số tiền đóng góp không lớn nhưng ý nghĩa xã hội là rất lớn lao và tạo được những hỗ trợ tích cực cả về vật chất lẫn tinh thần đối với những đối tượng cần trợ giúp. Chiều sâu của sự tham gia cũng thể hiện ở việc  tình nguyện tham gia vào các hoạt động cộng đồng của người dân. Mỗi người dân Việt Nam có thể là thành viên của nhiều tổ chức xã hội, như một người về già vừa là thành viên của hội hưu trí, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi và tổ dân phố… Việc tham gia các hội này là tự nguyện và thường dành nhiều thời gian vào việc thực hiện các hoạt động mang tính cộng đồng của hội.
Sự đa dạng của các thành phần tham gia thể hiện ở việc thành phần tham gia xã hội dân sự và tính hoà nhập của các hội viên từ nhiều thành phần khác nhau. Các nhóm xã hội tiêu biểu trong sự tham gia này là phụ nữ, nông dân, người nghèo, người dân tộc thiểu số, công chức nhà nước, tín đồ tôn giáo…
Cấp độ cơ chế tổ chức thể hiện ở việc tồn tại các cơ quan bảo trợ hay không đối với tổ chức xã hội dân sự, tính hiệu quả của các mối quan hệ này, cơ chế hỗ trợ và các mối quan hệ của tổ chức xã hội dân sự. Ở Việt Nam, hầu hết các tổ chức xã hội dân sự là thành viên của một liên hiệp hoặc cơ quan bảo trợ nào đó. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc có mạng lưới rộng khắp các thành viên từ trung ương đến địa phương. Các tổ chức này có mối quan hệ chặt chẽ với Đảng và Nhà nước. Các hội nghề nghiệp và các hội đoàn khác có sự quan hệ với Nhà nước ít chặt chẽ hơn và thường không mặc nhiên có sự bảo trợ mà thường là xin bảo trợ hoặc do các hội viên tự đóng góp. Khi bảo trợ, các cơ quan bảo trợ đều có những mục tiêu đặt ra cho hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự và đa số đều đạt được những mục tiêu đề ra, điều này đúng với hầu hết các tổ chức xã hội dân sự, nhất là các tổ chức quần chúng và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc.
Mối quan hệ giữa các đối tượng hoạt động trong xã hội dân sự thể hiện sự hợp tác và thông tin giữa các tổ chức xã hội dân sự với nhau. Ở Việt Nam, việc chia sẻ thông tin trong các hoạt động không phải là một thói quen trong hoạt động của các tổ chức này. Vì thông tin gắn với quyền lực và cơ hội. Tuy nhiên trong xu thế phát triển chung hiện nay, việc chia sẽ thông tin trong hoạt động của các tổ chức đã trở nên phổ biến nhằm tăng thêm sức mạnh trong các hoạt động vì mục đích chung. Và cùng với xu thế đó, việc hợp tác giữa các tổ chức xã hội dân sự đã được thiết lập với nhiều cấp độ khác nhau.
Các nguồn lực thể hiện mức độ nguồn lực sẵn có để có thể đạt được những mục tiêu của các tổ chức xã hội dân sự. Bao gồm các nguồn lực về tài chính, nguồn nhân lực và nguồn lực cơ sở vật chất kỹ thuật. Ở Việt Nam, nguồn lực tài chính của các tổ chức xã hội dân sự phần lớn từ phía Nhà nước, sau đó là các tổ chức nước ngoài và tư nhân. Các nguồn lực này nhằm thực hiện những mục tiêu mang tính cộng đồng như xoá đói giảm nghèo, một số vấn đề liên quan đến dân sinh như nước sạch, môi trường, phát triển kinh tế nông thôn… Nguồn nhân lực của các tổ chức thường rất đa dạng, tuỳ thuộc vào tính chất của tổ chức đó. Ở những tổ chức quần chúng, hội nghề nghiệp hay các tổ chức thành viên của Mặt trận, trình độ học vấn của các thành viên thường rất cao, phần lớn là trình độ đại học, thạc sỹ và tiến sỹ. Các tổ chức còn lại thành phần thường ở trình độ học vấn thấp hơn.
Về môi trường, bao gồm môi trường chính trị, xã hội, kinh tế, văn hoá và pháp lý đối với xã hội dân sự. Đi sâu vào chi tiết và đánh giá về vấn đề này, môi trường của xã hội dân sự thường được phân chia làm các tiểu mục nhỏ, cụ thể hơn để đánh giá, đó là: Bối cảnh chính trị; các quyền tự do cơ bản; bối cảnh kinh tế-xã hội; bối cảnh văn hoá-xã hội; môi trường pháp lý; mối quan hệ xã hội dân sự và nhà nước và cuối cùng là mối quan hệ giữa xã hội dân sự với khu vực tư.
Bối cảnh chính trị  trong phân tích, đánh giá về môi trường của xã hội dân sự bao gồm quyền chính trị, cạnh tranh chính trị, sự phân cấp quản lý và hiệu quả quản lý của nhà nước.
Quyền chính trị là quyền của người dân tham gia vào bầu cử, ứng cử vào các vị trí của bộ máy nhà nước. Đây là một trong những quyền cơ bản của công dân mỗi quốc gia trên thế giới, quyền này của người dân ngày càng được mở rộng và phổ biến hơn cùng với tiến trình dân chủ lan rộng trên toàn cầu. Ở nước ta, quyền bầu cử và ứng cử của công dân đã được Hiến pháp quy định và cụ thể hoá trong hệ thống văn bản pháp luật. Cùng với quyền bầu cử và ứng cử, các quyền chính trị khác như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình theo quy định của pháp luật cũng đã được Hiến pháp và pháp luật quy định.
Cạnh tranh chính trị là một vấn đề phổ biến ở các nước phương tây, nơi mà đặc trưng của hệ thống chính trị là đa đảng. Các đảng phái cùng cạnh tranh trong việc giành quyền lãnh đạo đất nước. Ở nước ta, quyền lực nhà nước là thống nhất, không phân chia, có sự phân công và phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiền quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Điều 4 Hiến pháp quy định “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội ”.
Phân cấp quản lý là sự phân quyền giữa trung ương và địa phương trong quản lý nhà nước. Trong đánh giá về môi trường chính trị, phân cấp quản lý được đề cập tới ở khía cạnh tài chính. Vấn đề này ở Việt Nam đã được giải quyết tương đối hiệu quả sau khi Luật ngân sách được thông qua. Ngân sách đã được phân cấp đến các tỉnh, điều này tạo sự độc lập tương đối và tự chủ tài chính cho các địa phương.
Sự hiệu quả của nhà nước được đánh giá trên khả năng thực hiện chức năng của nhà nước như chức năng kinh tế, xã hội, đảm bảo sự ổn định an ninh – chính trị, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tổ quốc… Việt Nam đang dần từng bước thực hiện các cải cách về mặt hành chính, tư pháp… nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Việc tăng cường sự tham gia giám sát của người dân, của các tổ chức xã hội dân sự đối với hoạt động của bộ máy nhà nước đã mang lại những hiệu quả tích cực, nhất là trong công tác đấu tranh chống tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam hiện nay.
Các quyền tự do cơ bản của công dân được xem xét trên cơ sở các quy định của luật pháp và việc thực thi các quy định đó.  Ở Việt Nam, các quyền này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác. Cụ thể Điều 69 của Hiến pháp 1992 đã quy định Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Các quyền tự do khác cũng được quy định tại Chương V của Hiến pháp, trong các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bối cảnh kinh tế – xã hội là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội dân sự tại các quốc gia. Bối cảnh xã hội được đánh giá dựa trên các yếu tố như tỷ lệ nghèo đói, nội chiến, xung đột sắc tộc hoặc tôn giáo, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội, sự mất cân bằng kinh tế – xã hội, tỷ lệ mù chữ, thất nghiệp… Đánh giá toàn diện về vấn đề này, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng kể từ sau Đại hội Đảng VI năm 1986 đến nay. Tỷ lệ nghèo đói đã giảm từ 70% những năm 80 xuống còn 23% vào năm 2004 (Báo cáo phát triển Việt Nam của UNDP); xung đột sắc tộc hoặc tôn giáo không phải là một vấn đề đối với Việt Nam. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng sâu, vùng xa, có các chính sách hỗ trợ đời sống và những chính sách phát triển kinh tế phù hợp nhằm nâng cao đời sống cho người dân. Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng cũng đã được Hiến pháp 1992 quy định và cụ thể trong Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành; các cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội chưa xuất hiện ở Việt Nam, tuy nhiên trong cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính châu Á năm 1997, Việt Nam cũng đã bị những ảnh hưởng nhất định. Các cuộc khủng hoảng xã hội từ những quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng có những tác động bất lợi đối với sự ổn định của xã hội Việt Nam như đại dịch HIV/AIDS, nội chiến…; Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ mù chữ thấp nhất thế giới, điều này có được do các chính sách phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước, Điều 59 của Hiến pháp cũng đã quy định cơ bản về vấn đề này.
Đánh giá tổng quan về bối cảnh kinh tế – xã hội của Việt Nam, chúng ta nhận thấy Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định nhưng xuất phát điểm thấp, xã hội ổn định, có những điều kiện cơ bản để phát triển các tổ chức xã hội dân sự, cùng thúc đẩy quốc gia phát triển bền vững.
Môi trường pháp lý bao gồm những quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện hay cơ sở phát triển xã hội dân sự. Tại Việt Nam, môi trường pháp lý cho vấn đề này đã được xác lập. Nhiều các tổ chức phi chính phủ được thành lập theo Nghị định số 35/HĐBT/1992 về việc thành lập các tổ chức khoa học và công nghệ phi lợi nhuận; Nghị đính số 88/2003/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động của các hiệp hội, Luật hợp tác xã… Hiện Việt Nam đang xúc tiến xây dựng Luật về hội nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho vấn đề này.
Các giá trị là một trong những nhân tố quan trọng trong việc tiếp cận và đánh giá về xã hội dân sự ở các quốc gia. Các giá trị bao gồm dân chủ, sự minh bạch, tình yêu thương con người trong cộng đồng, phi bạo lực, bình đẳng giới, xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững.
Dân chủ là vấn đề quan trọng trong xã hội dân sự, tuy nhiên nó được coi là khá nhạy cảm ở một số quốc gia. Tại Việt Nam, dân chủ trong hoạt động của bộ máy nhà nước, trong đời sống xã hội đã được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật quan trọng. Một điểm nhấn quan trong trong thời gian gần đây đó là việc ban hành Nghị định ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở và Quy chế dân chủ trong hệ thống cơ quan nhà nước.
Minh bạch trong tổ chức và hoạt động của xã hội dân sự là một vấn đề cần thiết và ảnh hưởng lớn đến những tác động của xã hội dân sự đối với xã hội. Điều này cũng đúng với tổ chức và hoạt động của mỗi cơ quan, tổ chức và toàn xã hội. Đây cũng là một vấn đề quan trọng trong hoạt động của bộ máy nhà nước của Việt Nam. Cùng với cải cách hành chính, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức cũng được đề cập và đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Với nỗ lực và hành động cụ thể, Việt Nam đã đạt được những kết quả và tác động khả quan trong hoạt động của bộ máy nhà nước từ những hoạt động này.
Tình yêu thương con người trong cộng đồng mang tính nhân bản sâu sắc, đây là một điều khác biệt của xã hội dân sự với nhà nước và thị trường. Ở nhà nước, pháp luật là tối thượng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, còn đối với thị trường, trên cơ sở của luật pháp, mục tiêu lợi nhuận là mục đích đầu tiên trong kinh doanh của các doanh nghiệp. Ở Việt Nam, sự nhân từ, tình yêu thương con người đã mang tính truyền thống, được coi là một phần tính cách và văn hoá của con người Việt Nam. Đảng và Nhà nước đã có những chính sách cùng với nhân dân giúp đỡ, hỗ trợ tích cực những cá nhân, gia đình chính sách, người tàn tật, người nghiện ma tuý, người nhiễm HIV/AIDS cùng các đối tượng chính sách khác.
Bình đẳng giới trong các tổ chức xã hội dân sự cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng trong sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự và ảnh hưởng cả đối với xã hội. Ở Việt Nam, sự bình đẳng giới đã được xác định trong Hiến pháp và trong các văn bản pháp luật của Nhà nước. Phụ nữ đã được tạo nhiều điều kiện tham gia vào các diễn đàn chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và đạt được nhiều thành tựu. Vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội đã được khẳng định và ngày càng được các tổ chức phụ nữ và các tổ chức xã hội dân sự thúc đẩy sự phát triển.
Phát triển bền vững coi trọng công tác bảo vệ môi trường bên cạnh việc phát triển kinh tế, xã hội. Các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã có những tiếp cận đối với vấn đề này, tuy nhiên đây không phải là lĩnh vực được ưu tiên số một. Tuy nhiên với những động thái từ phía nhà nước trong nỗ lực bảo vệ môi trường, chính sách của các tổ chức quần chúng đang hướng tích cực hơn trong vấn đề này, cùng nhà nước bảo vệ môi trường tự nhiên ở Việt Nam.
Tác động của xã hội dân sự đến đời sống xã hội của mỗi quốc gia là kết quả cuối cùng. Tác động này được thể hiện ở những cấp độ khác nhau và được tiếp cận trên nhiều bình diện như: gây ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước, duy trì trách nhiệm của nhà nước và thị trường, đáp ứng các mối quan tâm của xã hội, tăng cường quyền cho người dân và đáp ứng các nhu cầu khác của xã hội.
Gây ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước được đánh giá ở khía cạnh những tác động của các hoạt động của xã hội dân sự đến các quyền công dân, quyền con người, đến các chính sách xã hội của nhà nước và các nội dung khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến người dân. Về vấn đề này, Việt Nam đã có những chuyến biến tích cực, gần đây nhất là việc cho phép đảng viên tham gia làm kinh tế, kinh doanh. Xã hội dân sự cũng tác động đến các chính sách xã hội như việc tham gia góp ý của các tổ chức vào các dự án luật khi được trưng cầu, việc xã hội hoá những lĩnh vực trước đây chỉ có nhà nước thực hiện, quan tâm nhiều hơn và có những chính sách hỗ trợ thiết thực đối với người khuyết tật, những người mãn hạn tù, người bị bệnh HIV/AIDS, các chính sách về giới, môi trường…
Duy trì trách nhiệm giải trình của nhà nước và thị trường xem xét đến việc những tác động của xã hội dân sự đến việc duy trì và nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong những hoạt động liên quan đến người dân. Vấn đề này được đề cập ở Việt Nam ở hai khía cạnh, đó là trách nhiệm thông tin của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp về hoạt động của mình và các thông tin khác liên quan đến người dân như quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đến bù, xử lý chất thải… trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước không công khai; mặt thứ hai đó là việc giám sát của người dân, các tổ chức xã hội – giám sát xã hội.
Đáp ứng những mối quan tâm của xã hội thể hiện việc các tổ chức xã hội dân sự đáp ứng những mối quan tâm của xã hội đến đâu và lòng tin của dân chúng đối với xã hội dân sự. Về vấn đề này, như những phân tích ở trên, sự đáp ứng của các tổ chức xã hội dân sự đối với những vấn đề xã hội và người dân quan tâm đang dần được tăng lên cùng với sự tin cậy của người dân.
Đánh giá chung về xã hội dân sự ở Việt Nam, chúng ta nhận thấy rằng, tuy là một khái niệm mới nhưng nội hàm của vấn đề đã tồn tại, phát triển và có những ảnh hưởng tích cực đối với đời sống chính trị, xã hội nước ta. XHDS Việt Nam có cấu trúc xã hội rộng nhưng không sâu, môi trường pháp lý để xã hội dân sự phát triển đã được xác lập nhưng những yếu tố khích lệ, phát huy sự tham gia của xã hội dân sự đến xã hội còn yếu, tuy nhiên những giá trị mà xã hội dân sự mang lại là rất lớn, như vận động chính sách cho người nghèo, tham gia vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, bình đẳng giới, xoá mù, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế cho người dân, bảo vệ môi trường, giám sát xã hội, …
Cùng với quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước, xã hội dân sự sẽ đóng vai trò cùng nhà nước giải quyết những vấn đề chung của xã hội, tham gia vào hoạch định và thực hiện chính sách phát triển đất nước, giám sát việc thực hiện và thực hiện phản biện xã hội. Điều này cũng đã được khẳng định một lần nữa trong Luật phòng, chống tham nhũng, tại Chương VI về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng. Thiết nghĩ với phản biện xã hội về những chính sách, pháp luật của nhà nước và sự giám sát xã hội trong việc thực hiện những chính sách công sẽ mang lại sự đúng đắn trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, hạn chế được tiêu cực, và đặc biệt góp phần ngặn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, đây là một ý nghĩa hết sức to lớn khi Đảng và Nhà nước xác định đây là một trong bốn nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ ta trong giai đoạn hiện nay.
———————————————-
Bài viết có tham khảo Báo cáo nghiên cứu của Dự án CIVICUS CSI-SAT về đánh giá ban đầu về xã hội dân sự tại Việt Nam của VIDS và một số tài liệu nghiên cứu khác trên báo chí
SOURCE:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code