NGUYÊN THI
Để vay tiền ngân
hàng, ông T. đã thế chấp 300 m2 đất. Sau đó, ông T. lại dùng chính thửa
đất ấy để gán nợ cho người khác với sự chấp thuận của cơ quan thi hành
án. Sao vậy?
Nhiều nghĩa vụ khác nhau
Theo hai hợp đồng tín dụng được ký kết lần lượt vào
tháng 7 và tháng 10-2005, vợ chồng ông T. (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông
Hòa, tỉnh Phú Yên) vay ngân hàng X số tiền 140 triệu đồng. Tài sản thế
chấp là một ngôi nhà và một thửa đất 300 m2.
Do vợ chồng ông T. không trả nợ nên ngân hàng đã kiện
họ ra tòa. Theo bản án ngày 31-3-2008 của TAND TP Tuy Hòa, vợ chồng ông
T. phải trả cho ngân hàng cả vốn lẫn lời hơn 180 triệu đồng. Sau đó,
Thi hành án dân sự huyện Đông Hòa đã định giá, kê biên căn nhà để phát
mại trừ nợ.
Lúc này, bên ngân hàng mới tá hỏa khi biết rằng phần
đất 300 m2 đã được ông T. đem gán nợ cho một người khác từ trước đó.
Theo bản án ngày 24-10-2005 của TAND huyện Đông Hòa, vợ chồng ông T.
phải trả cho người này hơn 80 triệu đồng. Ngày 31-1-2007, ông T. viết
đơn tự nguyện giao đất để khấu trừ thi hành án và được chấp thuận.
Theo ngân hàng X, cơ quan thi hành án đã làm sai quy
định trong việc tự ý xử lý mảnh đất trên. Ngân hàng này đã viện dẫn
khoản 4 Điều 41 Pháp lệnh Thi hành án dân sự để bảo vệ quan điểm của
mình: Đó là khi kê biên tài sản đang được cầm cố, thế chấp thì “chấp
hành viên có trách nhiệm thông báo cho người nhận cầm cố, thế chấp
biết”…
Không đăng ký nên bị thiệt!
“Chúng tôi làm đúng quy định!”. Ngược lại ý kiến của
ngân hàng X, ông Nguyễn Kim Đồng – Trưởng Thi hành án dân sự huyện Đông
Hòa đã khẳng định như thế với PV Báo Pháp Luật TP.HCM. Ông Đồng
phân tích: “Chính người phải thi hành án (ông T.) tự nguyện viết đơn
xin giao đất. Riêng căn nhà ông đang ở đã “dư sức” trả nợ ngân hàng, vì
theo biên bản định giá tài sản thì giá trị của nó lên tới 300 triệu
đồng. Lại nữa, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hòa, UBND xã
Hòa Hiệp Nam cũng thống nhất cách giải quyết nêu trên”.
Tại sao không thông báo cho phía ngân hàng biết? Ông
Đồng trả lời: “Theo luật định thì hợp đồng thế chấp đất phải được đăng
ký. Do phía ngân hàng không đăng ký nên chúng tôi không phải hỏi ý kiến
ngân hàng”.
Trên thực tế, lúc ký hợp đồng thế chấp, ngân hàng X
có đăng ký thế chấp tại UBND xã Hòa Hiệp Nam. Theo Thông tư liên tịch số
03 ngày 4-7-2003 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay đã
hết hiệu lực), UBND cấp xã cũng là cơ quan đăng ký, có thẩm quyền chứng
thực vào hợp đồng thế chấp. Sau đó, Thông tư liên tịch số 05 ngày
16-6-2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: “Các
hợp đồng thế chấp, bảo lãnh đã được đăng ký theo quy định của pháp luật
trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành thì không phải đăng ký lại”
(khoản 5 mục VIII). Đến ngày 13-6-2006, khoản 11 Thông tư liên tịch số
03 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường (sửa đổi, bổ sung một
số quy định của Thông tư liên tịch số 05) lại yêu cầu: “Hợp đồng thế
chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được ký
kết trước ngày 28-7-2005 (ngày Thông tư liên tịch số 05 có hiệu lực thi
hành) mà vẫn còn thời hạn thực hiện thì cũng được đăng ký”.
Như vậy, ngân hàng X có nhiệm vụ đăng ký mới việc thế
chấp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đông Hòa. Nhưng có
lẽ vì không cập nhật kịp thời các quy định về việc đăng ký (được thay
đổi nhiều lần) nên ngân hàng đã “ngồi yên” và giờ đành phải chấp nhận
việc vuột mất tài sản thế chấp.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCMPhải đăng ký các tài sản thế chấp nào?Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 163 ngày 29-12-2006 của Chính phủ quy định các trường hợp sau đây phải đăng ký giao dịch bảo đảm: Thế chấp quyền sử dụng đất; thế chấp quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp tàu bay, tàu biển; thế chấp một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ; các trường hợp khác nếu pháp luật có quy định.Đối với các giao dịch bảo đảm không thuộc trường hợp trên, cá nhân, tổ chức có thể đăng ký khi có yêu cầu.
Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=228467
0 comments:
Post a Comment