BÌNH HUYỀN
Sau 8 tháng nhận
quyết định đình chỉ điều tra, ông Nguyễn Văn Triều (49 tuổi, ĐKTT tại
số 55, khu vực 5, phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) và ông
Nguyễn Văn Tuân, chú ruột của ông Triều, vẫn chạy đôn, chạy đáo, gõ cửa
khắp nơi để đòi bồi thường thiệt hại.
Lật lại hồ sơ
Năm 1984, trở về từ chiến trường Campuchia với quân
hàm Thiếu úy, người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Văn Triều được người chú
ruột Nguyễn Văn Tuân cho miếng đất nhỏ để cất nhà ở cùng vợ con. Đến năm
1990 thì miếng đất đó lại xảy ra tranh chấp với người khác. Không đồng
tình với cách xử lý của chính quyền địa phương nên hai chú cháu tiếp tục
khiếu nại. Chẳng ngờ đến ngày 10/3/1996, cả hai chú cháu bị khởi tố bị
can về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Sau quá trình điều tra, Công an huyện Châu Thành cũ
(nay là Công an quận Cái Răng) đã kết thúc điều tra chuyển hồ sơ cho
Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố. Tuy nhiên, ngày 13/7/1996, trong
phiên xét xử sơ thẩm, HĐXX của TAND huyện phát
hiện hồ sơ truy tố có sai sót nên đã quyết định trả hồ sơ để điều tra
bổ sung và thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với ông Triều (trước đó ông
bị tạm giam – PV).
Đầu năm 2007, sau khi nhận được đơn của ông Triều,
Giám đốc Công an TP Cần Thơ đã chỉ đạo Văn phòng cơ quan CSĐT TP khẩn
trương vào cuộc và chỉ đạo Công an Cái Răng phải giải quyết dứt điểm vụ
việc. Văn bản cũng nêu rõ nếu không đủ cơ sở để phục hồi điều tra thì
phải ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ bị can đối với ông
Triều.
Sau nhiều cuộc họp, các cơ quan tiến hành tố tụng tại
Cái Răng đã “bó tay” vì đã hơn 11 năm qua, cán bộ người đã nghỉ, người
chuyển công tác và do thay đổi người phụ trách, chia tách huyện nhiều
lần nên… UBND quận Cái Răng không tìm thấy hồ sơ.
Trước ngày Công an quận Cái Răng có quyết định đình
chỉ điều tra, Giám đốc Công an Cần Thơ một lần nữa đã có cuộc họp với
Công an quận, khối nội chính Quận ủy, UBND quận Cái Răng yêu cầu trong
thời gian sớm nhất các ngành có liên quan phải giải quyết dứt điểm khiếu
nại của người dân theo đúng pháp luật.
Bồi thường oan sai: Không đơn giản (?!)
Trao đổi với chúng tôi, một luật sư thuộc Đoàn
Luật sư TP Cần Thơ cho biết, trong trường hợp này là nếu cơ quan tiến
hành tố tụng của địa phương có tìm được hồ sơ vụ án đi nữa thì cũng
không thể phục hồi điều tra đơn giản là vì tội danh kể trên thuộc loại
tội danh được pháp luật quy định là loại tội ít nghiêm trọng.
Căn cứ theo BLTTHS hiện hành thì thời hiệu truy cứu
trách nhiệm hình sự của tội danh này đã hết. Do đó, theo Điều 107 của
BLTTHS, cơ quan điều tra phải có trách nhiệm ra quyết định đình chỉ điều
tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can vì trong hồ sơ (photo) đã thể hiện
vụ án hiện đang ở giai đoạn điều tra bổ sung.
Vấn đề là các quyết định phê chuẩn của VKS (trong đó
có quyết định phê chuẩn tạm giam anh Triều 103 ngày) và thời gian “treo”
bị can gần 12 năm đối với ông Triều và người chú. Theo Nghị quyết 388
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thì các cơ quan tiến hành tố tụng
quận Cái Răng phải có trách nhiệm khôi phục danh dự, xác định thiệt hại
để bồi thường nếu ông Triều và người thân của ông Tuân có đề nghị.
Chiều 27/12/2007, Công an, VKSND quận Cái Răng đã tổ
chức cuộc họp để mời ông Triều đến trao quyết định đình chỉ khởi vụ án,
đình chỉ bị can. Chú ruột của ông là ông Nguyễn Văn Tuân dù đã chết cũng
được trao quyết định đình chỉ cho đại diện gia đình. Lý do đình chỉ là
“Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Sau khi nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án,
ông Triều cứ nghĩ rằng mình đã được minh oan sau hơn 11 năm mang thân
phận của một bị can, nên ông và đại diện gia đình của chú ông đã gửi đơn
đến VKSND quận Cái Răng yêu cầu được tổ chức xin lỗi công khai, phục
hồi danh dự và bồi thường tổn thất về vật chất, tinh thần trong thời
gian bị tạm giam và khởi tố bị can với số tiền gần 450 triệu đồng, theo
tinh thần của Nghị Quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, ngày 24/7/2008 vừa qua, Viện trưởng VKSND
quận Cái Răng đã có văn bản từ chối yêu cầu của ông Triều vì cho rằng
ông Triều không thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định tại Nghị
quyết 388.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Vũ Văn Tảo, Chánh
Văn phòng cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ cho rằng nếu ông Triều không
đồng tình với lý do đình chỉ điều tra, ông có quyền khiếu nại đến Viện
KSND quận Cái Răng, vì đây là cơ quan tố tụng cùng cấp có thẩm quyền
kiểm sát tính hợp pháp của hoạt động điều tra. Nếu cơ quan này trả lời
không thoả đáng, ông Triều có thể khiếu nại đến VKSND TP”.
Còn ông Đỗ Công Tâm, Viện trưởng VKSND quận Cái Răng
thì cho rằng: “Quá trình kiểm sát điều tra, VKSND quận thấy rằng lý do
đình chỉ điều tra của Công an quận là có căn cứ. Nếu ông Triều có đơn
khiếu nại, chúng tôi sẽ trao đổi với bộ phận nghiệp vụ của VKSND cấp
trên để xem xét lại căn cứ đình chỉ điều tra của Công an quận”
SOURCE: BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN
Trích dẫn từ: http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2008/8/97412.cand
0 comments:
Post a Comment