Wednesday, January 1, 2014

LUẬT SƯ NHẬN ỦY QUYỀN SAI, CÓ BỊ XỬ LÝ?

Bà Nguyễn Thị Loan (đã mất năm 1978 ) có căn nhà số 66 Tăng Bạt Hổ, TP Pleiku (Gia Lai). Năm 1975, bà Loan lập giấy ủy quyền cho cha là ông Nguyễn Thế Chương quản lý, toàn quyền sử dụng căn nhà này. Vài tháng sau, Ban tự quản khóm 42 phường Yên Đỗ đã mượn nhà để làm trụ sở khóm. Sau đó, khóm lại cho một ngân hàng mượn để làm trụ sở giao dịch…
Mãi đến năm 1991, ông Chương mới làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng đòi lại nhà. Việc đòi nhà cứ lùng nhùng qua nhiều cơ quan không có kết quả cho đến năm 1998 thì ông Chương mất. Gần 10 năm sau, vợ ông (mẹ kế của bà Loan) đã ủy quyền cho luật sư Đinh Công Hưng (Đoàn luật sư tỉnh Gia Lai, đồng thời là con rể) làm thủ tục đòi lại nhà. Việc ủy quyền đã được UBND phường Yên Đỗ chứng thực.
Quên luật?
Trên cơ sở ủy quyền, luật sư Hưng đã gửi đơn đến nhiều cơ quan để đòi lại nhà cho mẹ vợ. Ngày 4-4-2008, UBND tỉnh Gia Lai đã ra công văn không chấp nhận đơn khiếu nại của luật sư Hưng, đồng thời yêu cầu chủ tịch UBND TP Pleiku chỉ đạo xử lý hành vi chứng thực trái pháp luật giấy ủy quyền giữa vợ ông Chương và luật sư Hưng của UBND phường Yên Đỗ.
Theo UBND tỉnh, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “bên được ủy quyền chỉ được ủy quyền lại cho người thứ ba nếu được bên ủy quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định” và “hợp đồng ủy quyền chấm dứt trong trường hợp bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền chết, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết”.
Trong vụ việc này, bà Loan (chủ tài sản) chỉ viết giấy ủy quyền cho cha chứ không ủy quyền cho mẹ kế. Khi ông Chương chết, đương nhiên giấy ủy quyền giữa hai bên hết hiệu lực (đúng ra đã hết hiệu lực từ khi bà Loan mất năm 1978 – NV). Giả sử ông Chương còn sống thì ông Chương cũng không có quyền làm giấy ủy quyền cho người khác nếu chưa được sự đồng ý của con gái. Như vậy, theo UBND tỉnh, việc vợ ông Chương ủy quyền cho luật sư Hưng xin lại nhà là sai vì bà không có tư cách để ủy quyền.
Đề nghị kỷ luật luật sư
Sau đó, Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai đã có hai công văn yêu cầu Đoàn luật sư tỉnh kiểm điểm và kỷ luật luật sư Hưng, tổ chức rút kinh nghiệm đối với các luật sư khác khi nhận đại diện cho các đương sự đi khiếu nại.
Tuy nhiên, hơn hai tháng nay, yêu cầu này của Sở Tư pháp đã không được Đoàn luật sư tỉnh đồng ý.
Ông Lương Thanh Đức – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh vẫn khẳng định “Việc làm của luật sư Hưng là hoàn toàn trái pháp luật”. Nếu đoàn luật sư không chấp hành, Sở sẽ chỉ đạo thanh tra Sở xử lý sai phạm của luật sư.
“Tuýt còi” luật sư, được không?
Trong vụ này, vấn đề pháp lý đáng chú ý là luật sư nhận ủy quyền sai khi hành nghề có bị xử lý gì hay không? Nếu có thì do cơ quan nào xử lý, đoàn luật sư hay thanh tra sở tư pháp?
Theo luật sư Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Long An), khó có thể kỷ luật luật sư trong trường hợp này. Việc ủy quyền chỉ nên hiểu là đương sự không làm thì nhờ người khác làm giúp mình. Việc ủy quyền thường xem xét về năng lực hành vi của các bên chứ không lấy tư cách người ủy quyền, nội dung ủy quyền để bắt buộc luật sư có được nhận lời hay không… Phía đoàn luật sư cũng không coi đây là sai phạm phải xử lý của luật sư bởi nếu thế thì rất nhiều việc luật sư được đương sự ủy quyền mà ra tòa thua kiện đều có thể bị kỷ luật! Chẳng hạn, bà A ủy quyền cho luật sư tranh chấp nhà. Xét xử, tòa tuyên bà A không phải là chủ căn nhà nên không có quyền đòi. Như vậy, hóa ra luật sư đã nhận ủy quyền từ một người không có tư cách để đòi nhà, tức là nhận ủy quyền sai và sẽ bị kỷ luật hay sao?
Về việc Thanh tra sở tư pháp có quyền xử lý sai phạm của luật sư hay không, theo luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM), thông thường Sở Tư pháp chỉ xử lý những việc liên quan đến thành lập văn phòng, thuế má… của luật sư, còn những vấn đề liên quan đến đạo đức, vi phạm pháp luật của luật sư thì nên để cho cơ quan bảo vệ pháp luật, đoàn luật sư, Bộ Tư pháp xử lý. Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre) cũng nhận xét việc ủy quyền và nhận ủy quyền của luật sư là chuyện hành nghề cá nhân của luật sư, thanh tra sở tư pháp tham gia giải quyết những vấn đề này là không nên chút nào.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code