Wednesday, January 1, 2014

TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC: BỒI THƯỜNG CHO 6 NĂM HAY 17 NĂM?

HOÀNG LÊ – VĂN ĐOÀN
Sau hơn sáu năm vướng vào vòng tố tụng hình sự, đương sự giờ đã tự do nhưng vẫn chưa được bồi thường oan. Đó là trường hợp của ông Võ Đình Dũng, ngụ thị trấn Thác Mơ, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước.
Không phạm tội tham ô
Trước đây, ông Dũng là nhân viên của Công ty Thương nghiệp huyện Phước Long. Ông Dũng có nhiệm vụ thu mua và sơ chế hạt điều cho công ty. Tháng 11-1990, khi phát hiện đã chi lố cho ông Dũng hơn chín triệu đồng, công ty đã nhiều lần làm việc với ông Dũng nhưng ông Dũng không chấp nhận khoản nợ này.
Đầu năm 1991, VKSND huyện Phước Long ra quyết định khởi tố bị can Dũng về tội tham ô tài sản XHCN và tạm giam bị can hai tháng. Đến tháng 5-1991, ông Dũng mới được trả tự do. Trong thời gian bị tạm giam, ông Dũng không được các cơ quan điều tra lấy lời khai theo quy định và bị bỏ quên thêm 69 ngày nữa mà không hề có lệnh gia hạn việc tạm giam. Sau đó, ông không hề nhận được giấy triệu tập đến làm việc. Mãi đến cuối tháng 11-1997, Công an huyện Phước Long mới có bản kết luận điều tra cho rằng bị can Dũng đã có hành vi phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản XHCN (không phải tội tham ô tài sản XHCN như lúc đầu khởi tố). Tuy nhiên, do thời hạn điều tra đã hết, tội phạm lại ít nghiêm trọng, các cơ quan pháp luật không xử lý hình sự ông Dũng nữa mà chuyển hồ sơ sang TAND huyện xét xử dân sự. Cũng trong ngày, Công an huyện Phước Long đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can Dũng.
Gian nan để được bồi thường
Ngay sau khi nhận được các quyết định có liên quan, ông Dũng đã nộp đơn yêu cầu các cơ quan tố tụng huyện bồi thường thiệt hại vì đã làm oan cho ông. Năm 2003, VKSND huyện đã bác đơn khiếu nại của ông Dũng với lý do “đã làm đúng quy định trong việc khởi tố, bắt giam ông”. Song vào năm 2004, VKSND tỉnh lại cho rằng “việc khởi tố, bắt giam ông Dũng là chưa chuẩn xác, chưa cần thiết”. Theo viện này, trong khi chưa làm rõ nguyên nhân gây thất thoát số tiền nêu trên để có thể xác định ông Dũng có phạm tội hay không và tội gì thì huyện đã vội vàng khởi tố, bắt giam ông Dũng. VKSND tỉnh đã đề nghị VKSND huyện phải báo cáo chính quyền các cấp để tìm cách giải quyết vụ việc. Nhưng rồi trong một thời gian dài sau đó, vụ việc vẫn nằm trên giấy. Không bằng lòng, ông Dũng đã nộp đơn kiện đến TAND huyện để đòi bồi thường oan. Tháng 5-2007, tòa này đã trả lại đơn kiện của ông Dũng, viện lẽ ông chưa đủ điều kiện khởi kiện vì chưa có bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền xác định ông bị oan.
Sau đó, vụ việc được chuyển đến VKSND tối cao. Tháng 2-2008, VKSND tối cao đã có công văn đề nghị VKSND huyện và tỉnh phải bồi thường oan cho ông Dũng theo Nghị quyết 388 ngày 17-3-2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lần này, VKSND tỉnh đã thay đổi ý kiến và cho rằng “việc khởi tố, bắt giam ông Dũng là đúng quy định”. Đầu tháng 5, sau khi nhận được kiến nghị của VKSND tỉnh Bình Phước, VKSND tối cao đã phải ra thêm văn bản khẳng định ông Dũng phải được các cơ quan tố tụng địa phương bồi thường oan theo Nghị quyết 388.
Vậy là sau nhiều năm đi tìm công lý, lẽ phải đã nghiêng về phía ông Dũng. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng huyện Phước Long vẫn chưa giải quyết dứt khoát vụ việc. Gần đây, ngày 18-8, VKSND huyện đã mời ông Dũng đến thương lượng việc bồi thường oan nhưng không thành. Mười ngày sau, cơ quan này lại mời ông đến thương lượng tiếp nhưng vẫn không thành. Phía VKSND huyện chỉ chấp nhận bồi thường cho ông Dũng các thiệt hại phát sinh từ khi ông bị bắt giam cho đến khi có quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can (từ năm 1991 đến 1997). Trong khi đó, ông Dũng muốn được bồi thường oan cho hơn 17 năm qua.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code