Wednesday, January 1, 2014

HÌNH SỰ HÓA VỤ ÁN DÂN SỰ: NGƯỜI BỊ OAN KHÔNG ĐƯỢC BỒI THƯỜNG DO CÓ GIAN Ý?

THÁI BÌNH
Một lô đất được mang “gả” tùm lum chỗ! Lời khai lại của ông Phố đã làm thay đổi bản chất vụ án, biến ông từ có tội thành vô tội dù những lời khai này đều bị bà Hồng bác bỏ.
Bị cáo bán một lô đất cho nhiều người, bị tòa sơ thẩm kết án lừa đảo. Cấp phúc thẩm hủy án, yêu cầu xử nặng hơn nhưng cơ quan điều tra đình chỉ vụ án. Đó là ông Trần Hoàng Phố, ngụ phường Trung Dũng, TP Biên Hòa (Đồng Nai). Trước đó, chính ông Phố đã đến công an tự thú hành vi lừa đảo rồi bị xử lý hình sự.
Tự biết mình sai
Theo hồ sơ, năm 2000, ông Phố được UBND tỉnh Đồng Nai cấp hơn 100 m2 đất ở phường Tân Mai (TP Biên Hòa). Hơn một năm sau, ông bán giấy tay cho bà Hồng với giá gần 20 lượng vàng và cam kết sẽ làm thủ tục sang tên. Hơn hai tháng sau, ông tiếp tục bán giấy tay lô đất này cho ông Hải với giá tương tự rồi ông Hải lại đem bán cho người khác.
Yên chí là đất mình đã mua nên đến năm 2004, bà Hồng dọn đến xây nhà thì xảy ra tranh chấp với người mua đất sau cùng. Thấy mình sai, cuối năm 2004, ông Phố đã ra tự thú và bị khởi tố, truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, TAND TP Biên Hòa đã xử phạt ông ba năm án treo. Trong bản án, tòa dành quyền khởi kiện dân sự cho người mua đất sau cùng nếu có yêu cầu. Tòa cũng tách mối quan hệ mua bán giữa ông Phố với bà Hồng ra để các bên tự thỏa thuận, nếu tranh chấp sẽ giải quyết bằng vụ án dân sự khác…
Những diễn tiến lạ
Cho rằng tòa tách phần dân sự ra như thế là bất lợi nên bà Hồng đã kháng cáo. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để xử lại với nhận định: Mức án treo với bị cáo là quá nhẹ so với tài sản mà bị cáo chiếm đoạt, tòa không buộc bị cáo bồi thường cho người bị hại, không đưa người mua đất sau cùng vào tham gia tố tụng là sai luật.
Tháng 4-2006, tại phiên xử sơ thẩm lần hai của TAND TP Biên Hòa, điều bất ngờ đã xảy ra: Ông Phố khai thực tế ông bán đất cho ông Hải trước khi bán cho bà Hồng. Ông bảo muốn mượn tiền nhưng sợ bà Hồng không cho nên mới nói bán lô đất trên cho bà. Đến khi bà Hồng giao đủ vàng, ông nói thật là đã bán đất cho ông Hải từ trước. Biết chuyện, bà Hồng bảo ông viết giấy bán đất cho bà, trong đó ghi mốc thời gian trước thời điểm bán cho ông Hải… Trước những lời khai mới này, TAND TP Biên Hòa đã phải hoãn xử, yêu cầu cơ quan điều tra xác định xem ông Phố bán đất cho người nào trước…
Chỉ là dân sự?
Tháng 2-2008, cơ quan điều tra đã bất ngờ đình chỉ vụ án vì cho rằng đây chỉ là quan hệ dân sự và hành vi của ông Phố không thể hiện tính chiếm đoạt.
Theo cơ quan điều tra, sau khi biết ông Phố bán đất cho ông Hải trước, bà Hồng bàn với ông Phố kiện ra tòa để hủy hợp đồng bán đất cho ông Hải, đồng thời yêu cầu ông Phố viết hợp đồng bán đất cho mình có ghi lùi thời gian trước hợp đồng của ông Hải. Khi ông Phố lo ngại, bà Hồng trấn an rằng sẽ ép nhựa hợp đồng này để công an không phân biệt được hợp đồng nào viết trước, hợp đồng nào viết sau nên ông Phố nghe theo. Đến khi tòa thụ lý vụ tranh chấp, bà Hồng lại xúi ông Phố “chuyển sang hình sự” để giải quyết cho nhanh. Bà khuyên ông Phố nên đến công an tự thú và đảm bảo ông không bị đi tù… Nghe lời, ông Phố đi tự thú, sau đó bị xử lý như đã nói.
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn thu giữ hai bản hợp đồng giữa ông Phố với bà Hồng, ông Hải để giám định độ tuổi của mực, xác định văn bản nào viết trước. Tuy nhiên, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đồng Nai trả lời là không thể giám định được vì không đủ phương tiện, máy móc.
Sẽ không được bồi thường!
Như vậy, lời khai lại của ông Phố đã làm thay đổi bản chất vụ án, biến ông từ có tội thành vô tội dù những nội dung trên đều bị bà Hồng bác bỏ, khẳng định lời khai trước của ông mới là sự thật.
Có người băn khoăn là vì sao có sự thay đổi bất nhất lạ lùng như vậy? Khi đi tự thú, chẳng lẽ ông Phố không ý thức được hậu quả pháp lý mà mình phải gánh chịu? Vì sao ông lại nghe theo lời xúi giục (nếu có) của bà Hồng một cách đơn giản như thế? Tại sao cơ quan điều tra không trưng cầu giám định độ tuổi của mực trong hai bản hợp đồng ở các cơ quan giám định trung ương khác?
Dù sao thì vụ án đã được đình chỉ với lý do chỉ là quan hệ dân sự thì đương nhiên ông Phố bị oan. Về nguyên tắc, người bị kết án oan phải được bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 388, trong trường hợp này, ông Phố sẽ không được bồi thường bởi ông đã cố ý khai báo gian dối dẫn đến việc điều tra, truy tố, xét xử không đúng sự thật khách quan. Nói cách khác, nếu ông Phố bị oan thật thì cái oan này phần lớn do chính ông gây ra.
Mới đây, TAND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu TAND TP Biên Hòa báo cáo vụ việc và đề nghị VKSND TP Biên Hòa kiểm tra, cho ý kiến.
Theo TAND TP Biên Hòa, việc đình chỉ đã được VKS chấp thuận, phía tòa không tiếp xúc với các tài liệu, chứng cứ nên không có ý kiến. Còn VKS thì bảo vụ việc đã được lãnh đạo cơ quan điều tra, VKS, tòa án họp bàn thống nhất. Theo VKS, việc đình chỉ là có căn cứ bởi hợp đồng bán đất của ông Phố với ông Hải là ngay thẳng, hợp pháp, không có dấu hiệu lừa đảo. Riêng việc ông Phố vay tiền bà Hồng, VKS cho rằng tuy có dấu hiệu gian dối nhưng mục đích là vay chứ không nhằm chiếm đoạt nên không có dấu hiệu phạm tội.
Về trách nhiệm xử oan, TAND TP Biên Hòa cho rằng việc đưa ra xét xử lần thứ nhất và kết tội ông Phố là có căn cứ, phù hợp diễn biến vụ án tại giai đoạn này. Tuy nhiên, sau đó TAND tỉnh vẫn có công văn hỏi lại rằng bản án sơ thẩm lần đầu xét xử ông Phố có oan hay không…
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TP HCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code