TỜ TRÌNH CHÍNH PHỦ
Về việc ban hành Nghị định của Chính phủ Quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật thuế thu nhập cá nhân
——————————————————-
Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm
2008 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã thành lập Ban soạn thảo, tổ chức
triển khai công tác nghiên cứu xây dựng Dự thảo Nghị định quy định hướng
dẫn thi hành Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Dự thảo Nghị định
đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, đoàn thể, các tổ
chức, cá nhân theo quy trình xây dựng văn bản pháp luật và thông qua
các cuộc hội thảo, hội nghị, phương tiện thông tin đại chúng, Trang
thông tin điện tử Bộ Tài chính, Trang thông tin điện tử Chính phủ. Bộ
Tài chính xin trình Chính phủ Dự thảo Nghị định như sau:
I- SỰ CẦN THIẾT, MỤC TIÊU, YÊU CẦU BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH
Ngày 21 tháng 11 năm 2007, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội
khoá XII đã thông qua Luật thuế TNCN số 04/QH12 có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 01 tháng 01 năm 2009, trong đó đã giao cho Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung quy định tại điều 3, điều
13, điều 14, điều 19, điều 24 và điều 35.
Vì vậy, việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TNCN là
cần thiết để tổ chức triển khai thực hiện Luật thuế TNCN đúng thời hạn
quy định và cũng là phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy
phạm pháp luật.
Việc xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ cần bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sau đây :
- Bám sát các nội dung quy định của Luật, Nghị định
hướng dẫn cụ thể và quy định chi tiết đến mức tối đa các điều Luật đã
giao Chính phủ trách nhiệm hướng dẫn, bảo đảm nguyên tắc đơn giản, minh
bạch và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội để các tổ chức,
cá nhân có thể hiểu rõ và thực hiện được ngay.
- Quy định cụ thể các nội dung, quy trình thủ tục
quản lý thuế TNCN, bảo đảm phù hợp và thống nhất với Luật quản lý thuế,
đồng thời phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc ban
hành các quy định cần thiết về quản lý nhà nước chuyên ngành có liên
quan đến các quy định của Luật thuế TNCN nhằm đảm bảo và tạo thuận lợi
cho việc thi hành Luật thuế TNCN .
II- VỀ NỘI DUNG VÀ BỐ CỤC CỦA DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
1- Về đối tượng nộp thuế (Điều 2 dự thảo Nghị định)
Điều 2 của Luật thuế TNCN quy định đối tượng nộp thuế
TNCN là cá nhân cư trú, cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế theo
quy định của Luật này. Trong đó, cá nhân cư trú nộp thuế đối với thu
nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, cá nhân không cư trú
chỉ phải nộp thuế đối với các khoản thu nhập phát sinh trong lãnh thổ
Việt Nam.
Để xác định một người là cá nhân cư trú hay cá nhân
không cư trú, đảm bảo quyền đánh thuế, các nước thường áp dụng các tiêu
chí : (i) hiện diện (183 ngày trong năm) ; (ii) nơi ở thường xuyên ;
trong đó tiêu chí (ii) để điều chỉnh đối với những người do tính chất
công việc thường xuyên di chuyển qua nhiều nước nên không thuộc đối
tượng cư trú của bất cứ nước nào nếu căn cứ vào tiêu chí (i). Đối với
ta, tiêu chí (ii) được quy định tại khoản 2(b), Điều 2 Luật thuế TNCN,
theo đó một cá nhân có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày (không thoả mãn
tiêu chí hiện diện) nhưng được xác định là đối tượng cư trú nếu “Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn”.
Với quy định như trên thì Nghị định phải hướng dẫn cụ
thể về thời hạn đối với trường hợp thuê nhà để ở trong thời gian lưu
tại Việt Nam. Nếu không quy định thời gian cụ thể hoặc quy định thời hạn
quá ngắn thì quyền đánh thuế của Chính phủ sẽ được rộng, đối tượng quản
lý có thể sẽ nhiều hơn nhưng cũng sẽ phát sinh nhiều thắc mắc ; ngược
lại nếu quy định thời gian dài hơn thì đối tượng quản lý thu sẽ ít hơn,
nếu quy định thời hạn khoản 6 tháng thì sẽ không còn ý nghĩa vì khi đó
đã có tiêu chí hiện diện 183 ngày. Qua nghiên cứu, cân nhắc vấn đề này,
dự thảo Nghị định đề xuất chọn thời hạn là 90 ngày, tương đương với ½
thời gian áp dụng tiêu chí hiện diện và quy định như sau:
“b) Trường hợp cá nhân không là cá nhân cư trú
của bất cứ nước nào mà có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam như: Có nơi ở
đăng ký thường trú hoặc có tổng số ngày thuê nhà theo hợp đồng tại Việt
Nam trên 90 ngày trong một năm dương lịch sẽ là cá nhân cư trú tại Việt
Nam. ”
2- Về thu nhập chịu thuế (điều 3 dự thảo NĐ)
Hướng dẫn Điều 3 Luật thuế TNCN, dự thảo Nghị định
quy định cụ thể các định nghĩa và nội dung của 10 loại thu nhập chịu
thuế. Trong đó các loại thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương tiền công
và từ thừa kế, quà tặng được quy định chi tiết hơn, cụ thể như sau:
2.1- Thu nhập từ kinh doanh:
Đây là thu nhập có được do cá nhân bỏ vốn đầu tư và
trực tiếp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ
trong tất cả các lĩnh vực. Dự thảo cũng quy định cụ thể các đối tượng
hoạt động hành nghề độc lập mà pháp luật hiện hành đang quản lý bằng
giấp phép hoặc chứng chỉ nghề như: bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, nghệ sĩ, ca
sĩ, nhạc sĩ, kế toán viên, kiểm toán viên, kiến trúc sư, công trình sư,
luật sư, chuyên gia tư vấn pháp luật và cá nhân hoạt động trong các lĩnh
vực mà pháp luật quy định phải có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề.
2.2- Thu nhập từ tiền lương, tiền công:
Theo quy định của Luật thì thu nhập từ tiền lương,
tiền công bao gồm tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thưởng,
phụ cấp, trợ cấp có tính chất lương (trừ những loại phụ cấp, trợ cấp,
tiền thưởng được Luật quy định cụ thể không tính trong thu nhập chịu
thuế) và các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền. Dự thảo nghị
định hướng dẫn cụ thể về một số nội dung sau:
a). Hướng dẫn về các khoản phụ cấp không tính trong
thu nhập chịu thuế của cá nhân: Thực tế quản lý thuế thu nhập cao trước
đây cho thấy có nhiều cơ quan chi trả thu nhập tự quy định các loại phụ
cấp, làm giảm thu nhập tính thuế) Để bảo đảm rõ ràng minh bạch, thực
hiện thống nhất, hạn chế việc lợi dụng, Dự thảo Nghị định quy định
nguyên tắc xác định các khoản phụ cấp không tính trong thu nhập chịu
thuế của cá nhân là phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định chế độ áp dụng chung.
b). Hướng dẫn về các khoản lợi ích bằng tiền hoặc
không bằng tiền mà đối tượng nộp thuế được hưởng (do người sử dụng lao
động chi trả hộ) phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân theo
nguyên tắc: Quy định cụ thể những khoản thực tế hiện nay đang có và có
thể quản lý được để bảo đảm tính khả thi. Theo đó, Dự thảo NĐ quy định 4
khoản lợi ích là : tiền nhà, điện nước; khoản mua bảo hiểm (không bắt
buộc) cho nhân viên; tiền học cho con; phí hội viên và các dịch vụ cá
nhân được hưởng về chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao, giải trí, thẩm
mỹ. Riêng khoản tiền nhà ở, dự thảo có tính đến thực tế là nhiều trường
hợp cơ quan trả thu nhập buộc phải bố trí khách sạn hoặc thuê nhà cho
chuyên gia để ở, chi phí rất lớn nên nếu tính toàn bộ số tiền thuê nhà
thực tế trả để cộng vào thu nhập của cá nhân thì không thực sự phù hợp.
Do đó, dự thảo có quy định mức tối đa tính không quá 15% tổng thu nhập chịu thuế của cá nhân)
để điều chỉnh đối với những trường hợp nêu trên, bảo đảm tính khả thi
(đây cũng là mức thực tế đang thực hiện ổn định theo các văn bản hướng
dẫn thi hành Pháp lệnh thuế thu nhập cao).
3- Về thu nhập được miễn thuế (Điều 4 dự thảo NĐ)
Điều 4 của Luật thuế TNCN quy định 14 khoản thu nhập
được miễn thuế. Mặc dù Luật không quy định Chính phủ phải hướng dẫn
nhưng để bảo đảm thực hiện được thống nhất và có thể quản lý được, hạn
chế tối đa những vướng mắc đã lường trước được, Dự thảo Nghị định hướng
dẫn về một số trường hợp rất khó trong thực tiễn quản lý (khoản 2, khoản
5 và khoản 10), cụ thể như sau:
3.1- Miễn thuế đối với thu nhập từ việc chuyển nhượng nhà ở, đất ở duy nhất :
Quy định miễn thuế tại Khoản 2, Điều 4 Luật thuế TNCN nhằm mục tiêu tạo
điều kiện cho cá nhân có điều kiện cải thiện chỗ ở tốt hơn hoặc chuyển
đến sinh sống tại nơi phù hợp nhất.
Để bảo đảm việc miễn thuế được thống nhất, đúng với
chính sách đã được Luật quy định, hạn chế lợi dụng, Dự thảo Nghị định
hướng dẫn về phạm vi không gian xác định là cả nước để điều chỉnh đối
với trường hợp có nhà ở nhiều tỉnh khác nhau. Các trường hợp bán nhà ở,
chuyển quyền sử dụng đất ở để chia tài sản thừa kế hoặc quà tặng cho
nhiều người đồng sở hữu thì không tính vào nhà ở duy nhất. Ngược lại, cá
nhân đã có 1 nhà ở nhưng thực tế có đứng tên 1 nhà khác, kể cả giấy
chứng nhận nhà đất ghi tên cả 2 vợ chồng thì trường hợp này không được
coi là nhà ở duy nhất, như sau:
“Nhà ở, quyền sử dụng đất ở duy nhất quy định tại
điều này được hiểu là cá nhân hoặc gia đình người chuyển nhượng chỉ có
quyền sở hữu, quyền sử dụng một nhà, đất ở duy nhất ở Việt Nam.
Trong trường hợp ngoài nhà duy nhất còn có đồng
sở hữu về chuyển nhượng bất động sản là tài sản thừa kế, quà tặng để
thực hiện giá trị thừa kế, quà tặng thì cũng được coi là nhà ở, đất ở
duy nhất.
Trường hợp hai vợ chồng mà một trong hai người
đồng sở hữu còn có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở riêng khác
thì không coi là nhà ở, đất ở duy nhất.”
3.2- Miễn thuế đối với thu nhập từ sản xuất nông nghiệp:
Khoản 5, Điều 4 Luật thuế TNCN quy định miễn thuế đối
với “thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động
sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ
sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông
thường.”
Quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định có một số ý kiến
đề nghị làm rõ có thu thuế hay không thu thuế đối với những trường hợp
chủ trang trại lớn, chủ đầm hồ nuôi tôm cá, chủ vườn cây công nghiệp vì
đây là những đối tượng có thu nhập cao (trước đây đối tượng này thuộc
diện chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ nhưng
thực tế qua nhiều năm chưa hướng dẫn được). Về việc này, Bộ Tài chính
báo cáo Chính phủ như sau:
Trước đây, khi dự thảo Luật thuế TNCN đưa xin ý kiến
nhân dân đã có nhiều tranh luận về nội dung này, quan điểm của dự thảo
Luật ban đầu là miễn thuế cho nông dân sống ở nông thôn có khoản thu nhập từ nông nghiệp.
Báo cáo số 53/BC-UBTVQH12 ngày 05/10/2007 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội
về việc tiếp thu, chỉnh lý và giải trình ý kiến nhân dân về dự án Luật
thuế thu nhập cá nhân có nêu: “Những cá nhân khác, nhất là những người
đầu tư sản xuất kinh doanh trang trại quy mô lớn sẽ được điều chỉnh như
cá nhân có thu nhập từ kinh doanh.” Luật thuế TNCN được ban hành tuy có
thay cụm từ “nông dân” bằng cụm từ “trực tiếp” để tránh đi sự hiểu lầm
phân biệt giai cấp nhưng vẫn thể hiện quan điểm không miễn thuế cho
người làm trang trại có thu nhập cao. Quán triệt tinh thần này, dự thảo
Nghị định quy định như sau:
“5. Miễn thuế đối với thu nhập của hộ gia đình,
cá nhân trực tiếp tham gia hoặc bỏ vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất
nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản chưa
qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường
(trừ trường hợp chủ trang trại quy mô lớn, có thu nhập cao hơn mức giảm
trừ gia cảnh).”
3.3- Miễn thuế đối với thu nhập từ lương hưu:
Khoản 10 Điều 4 Luật thuế TNCN quy định miễn thuế đối
với thu nhập từ lương hưu do Bảo hiểm xã hội chi trả. Thực tế có nhiều
người nước ngoài đã nghỉ hưu vào Việt Nam làm ăn, nhiều người Việt Nam
về quê hương sinh sống được hưởng lương hưu của nước ngoài. Do hệ thống
an sinh xã hội của nước ngoài khác với Bảo hiểm xã hội của ta nên người
đã nghỉ hưu có thể có nhiều nguồn lương hưu khác nhau. Dự thảo NĐ quy
định chỉ miễn thuế cho khoản lương hưu có tính chất tương tự như chế độ
BHXH bắt buộc của nước ta hiện nay. Cụ thể như sau:
“10. Miễn thuế đối với thu nhập từ lương hưu do
quỹ bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội của
Việt Nam hoặc do các tổ chức nước ngoài có tính chất tương tự như quỹ
bảo hiểm xã hội của Việt Nam.”
4- Giảm thuế (Điều 5)
Điều 5 Luật thuế TNCN quy định : “Đối tượng nộp thuế
gặp khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng
đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt
hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.”
Để thực hiện được quy định này cần phải hướng dẫn về
các bệnh hiểm nghèo hoặc việc xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền đối với trường hợp gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn gây thiệt hại
về tài sản, con người ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế. Dự thảo Nghị định
giao trách nhiệm cho Bộ Y tế hướng dẫn xác định danh mục các bệnh hiểm
nghèo, giao Bộ Tài chính hướng dẫn về các thủ tục hồ sơ cần thiết theo
quy định của Luật quản lý thuế.
5- Hướng dẫn về căn cứ tính thuế đối với một số loại thu nhập chịu thuế của cá nhân cư trú.
5.1- Đối với 2 loại thu nhập áp dụng giảm trừ gia cảnh và Biểu thuế luỹ tiến từng phần
Theo quy định của Luật thuế TNCN thì thu nhập từ tiền
lương tiền công và thu nhập từ kinh doanh được áp dụng giảm trừ gia
cảnh, giảm trừ đóng góp từ thiện, nhân đạo, sau đó áp dụng biểu thuế luỹ
tiến từng phần.
Để người nộp thuế có thể hình dung được ngay việc áp
thuế, tính thuế đối với trường hợp cụ thể của mình, Dự thảo Nghị định
hướng dẫn một số nội dung sau đây:
- Xác định thu nhập tính thuế bằng thu nhập chịu thuế
sau khi đã trừ đi các khoản (i) khoản nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm trách
nhiệm nghề nghiệp bắt buộc; (ii) các khoản giảm trừ gia cảnh ; và (iii)
các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo. Trường hợp người nộp thuế vừa có
thu nhập tiền lương tiền công, vừa có thu nhập từ kinh doanh thì phải
cộng cả thu nhập từ 2 nguồn (Điều 6).
- Xác định thu nhập chịu thuế từ kinh doanh: Quy định
rõ các căn cứ xác định loại thu nhập này như : doanh thu đối với các
trường hợp cụ thể; chi phí được trừ; xác định thu nhập chịu thuế đối với
trường hợp cá nhân kinh doanh chưa tuân thủ đúng chế độ kế toán (các
điều 7 đến 10).
5.2- Quy định chi tiết và hướng dẫn về giảm trừ gia cảnh (Điều 12)
Dự thảo Nghị định quy định cụ thể các trường hợp được
áp dụng mức giảm trừ gia cảnh và những điều kiện về thủ tục giấy tờ xác
nhận đối với từng đối tượng, từng trường hợp bảo đảm nguyên tắc đơn
giản nhất mà có thể quản lý, đối chiếu được.
- Việc giảm trừ người phụ thuộc thực hiện theo nguyên
tắc : mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối
tượng nộp thuế trong năm tính thuế ; phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng từ
thời điểm nào thì tính giảm trừ người phụ thuộc ở thời điểm đó (thí dụ
con mới sinh) ; trường hợp đối tượng nộp thuế có chung những người phụ
thuộc phải nuôi dưỡng thì phải có sự thoả thuận để đăng ký giảm trừ theo
nguyên tắc này.
- Các trường hợp thuộc diện áp dụng theo thứ tự hướng
dẫn trong dự thảo Nghị định gồm: Con (với 3 trường hợp: dưới 18 tuổi;
con bị tàn tật không có khả năng lao động; con đang theo học tại các
trường và không có thu nhập); các cá nhân khác như: vợ/chồng, cha/mẹ,
ông/bà, cô, dì, chú, bác, anh chị em ruột, cháu ruột phải là người ngoài
độ tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp
luật nhưng không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu
nhập nhưng không vượt quá mức thu nhập quy định.
- Mức thu nhập để làm căn cứ xác định người phụ
thuộc: Trong quá trình xây dựng dự thảo có rất nhiều ý kiến đề xuất chọn
mức thu nhập tương đương với mức chuẩn nghèo làm căn cứ xác định người
phụ thuộc được tính giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, thực tế các tỉnh,
thành phố đều quy định mức chuẩn nghèo riêng của địa phương mình, nếu
chọn mức chuẩn nghèo do Chính phủ quy định trong mỗi thời kỳ 5 năm thì
rất thấp (hiện tại mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 200.000 đồng,
thành thị là 260.000 đồng/tháng), sẽ có rất ít người phụ thuộc được tính
giảm trừ. Vì vậy, để người nộp thuế được thuận lợi, đơn giản và ổn
định, Dự thảo quy định mức tiền tương đương một phần ba (1/3) mức giảm
trừ người phụ thuộc. Với mức này (1,6 triệu đồng x 1/3) sẽ đảm bảo cao
gấp hơn 2 lần mức chuẩn nghèo tại khu vực thành thị (gấp 2,7 lần mức
chuẩn nghèo khu vực nông thôn).
- Để người nộp thuế tự kê khai số lượng người phụ
thuộc, cơ quan quản lý có thể theo dõi, đối chiếu trong trường hợp cần
phải kiểm tra, Nghị định sẽ giao các Bộ liên quan hướng dẫn những nội
dung về lĩnh vực quản lý như : Bộ Y tế hướng dẫn về cơ quan y tế có thẩm
quyền xác nhận người bị tàn tật, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy
định về cơ quan có thẩm quyền xác nhận người không có khả năng lao động,
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể thủ tục, hồ sơ kê khai người phụ thuộc
được giảm trừ gia cảnh.
5.3- Hướng dẫn về thu nhập tính thuế đối với chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản
Đây là 2 loại thu nhập cần hướng dẫn cụ thể về cách
tính thu nhập, các chi phí liên quan được trừ khi xác định thu nhập,
thời điểm xác định thu nhập theo quy định tại các điều Luật giao Chính
phủ hướng dẫn (Điều 13 và 14). Việc xác định thu nhập tính thuế đối với
thu nhập từ các hoạt động trên căn cứ vào giá bán ghi trên các hợp đồng
chuyển nhượng ; giá mua, chi phí chuyển nhượng căn cứ vào chứng từ, hoá
đơn hợp lệ.
- Đối với thu nhập hoạt động chuyển nhượng vốn : nội
dung hướng dẫn được thể hiện tại Mục 2 của Chương II. Đối với chuyển
nhượng chứng khoán, theo quy định của Luật thuế TNCN thì cá nhân được
lựa chọn 1 trong 2 phương pháp tính nộp thuế 20% trên thu nhập cả năm
(thực lãi sau khi đã bù trừ lỗ lãi) hoặc nộp 0,1% trên giá bán mỗi lần
giao dịch. Vì vậy, ngoài hướng dẫn chung tại Điều 15, dự thảo có hướng
dẫn về chuyển nhượng chứng khoán và thuế suất áp dụng đối với 2 trường
hợp tại Điều 16 và 17.
- Đối với thu nhập chuyển nhượng bất động sản : Các
trường hợp chuyển nhượng bất động sản trong thực tế hiện nay gồm có :
chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có công trình trên đất ; chuyển
nhượng quyền sở hữu nhà ở ; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê. Để bao
quát hết các trường hợp này, Dự thảo Nghị định hướng dẫn cụ thể việc
xác định thu nhập tính thuế đối với từng trường hợp tại các điều từ 18
đến 21 của Mục 3, Chương II. Đối với các trường hợp chuyển nhượng mà giá
chuyển nhượng ghi trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì
xác định theo giá do UBND cấp tỉnh (đối với đất) hoặc xác định theom
hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng (đối với chuyển nhượng nhà, công
trình kiến trúc trên đất. Việc áp dụng thuế suất 25% tính trên thu nhập
tính thuế hoặc tính 2% trên giá chuyển nhượng bất động sản được hướng
dẫn tại Điều số 22.
6- Hướng dẫn về các thủ tục quản lý thuế
Các thủ tục quản lý thuế như đăng ký thuế, cấp mã số
thực, khai thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế đối với tát cả các loại thuế
được quy định tại Nghị định số 85/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành Luật quản lý thuế. Tuy nhiên, Nghị định này quy định nội
dung quản lý cụ thể về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.
Để phù hợp với những nội dung mới của Luật thuế TNCN
mà không ảnh hưởng đến các loại thuế khác, dự thảo Nghị định danh 1
chương quy định về quản lý thuế TNCN thay cho nội dung quản lý thuế thu
nhập cao tại Nghị định số 85/2007. Trong đó, một số nội dung mới như sau
:
6.1- Quy định chung về khai thuế TNCN (Điều 24 dự thảo NĐ)
- Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập thực hiện khai
thuế hàng tháng và khai thuế khi hết năm đối với số thuế khấu trừ của cá
nhân nhận thu nhập do đơn vị chi trả (khoản 1 điều 24).
- Đối với cá nhân : dự thảo quy định các trường hợp cụ thể khai theo quý, theo từng lần, khai quyết toán năm. Cụ thể là :
+ Khai thuế theo quý áp dụng với cá nhân kinh doanh, hành nghề độc lập;
+ Khai theo từng lần phát sinh thu nhập với cá nhân
có thu nhập từ chuyển nhượng vốn (trừ chuyển nhượng chứng khoán do công
ty chứng khoán khấu trừ khi trả thu nhập); thu nhập từ chuyển nhượng bất
động sản, thu nhập từ thừa kế; thu nhập từ quà tặng ;
+ Khai quyết toán thuế năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh.
6.2- Khấu trừ thuế tại đơn vị chi trả thu nhập tiền lương, tiền công :
- Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập thực hiện tạm khấu trừ của cá nhân nhận thu nhập do đơn vị chi trả (khoản 1 điều 25).
- Việc xác định số thuế tạm khấu trừ hàng tháng của
từng cá nhân nhận thu nhập ổn định: tính hàng tháng trên cơ sở tính mức
giảm trừ cá nhân và người phụ thuộc là con dưới 18 tuổi vì đối tượng này
xác định được ngay từ đầu năm (chỉ cần giấy khai sinh, không cần thủ
tục xác nhận).
- Đối với thu nhập tiền lương, tiền công phát sinh
vãng lai (ở ngoài đơn vị ký hợp đồng lao động) thì thực hiện khấu trừ
như hiện hành đang áp dụng đôí với thuế thu nhập cao. Để khuyến khích cá
nhân tự giác đăng ký, có mã số thuế, dự thảo quy định tạm khấu trừ 10%
đối với cá nhân có mã số thuế, nếu cá nhân chưa có mã số thuế thì áp
dụng tỷ lệ tạm khấu trừ cao hơn.
- Cá nhân khai quyết toán thuế năm : Xác định thu
nhập cả năm, số thuế đã tạm khấu trừ, khai những người phụ thuộc để xác
định chính thức số thuế cả năm. Với quy định như dự thảo, đại bộ phận
người khai thuế sau khi hết năm là khai quyết toán để nhận lại tiền hoàn
thuế.
6.2- Khai thuế đối với thu nhập từ kinh doanh
Dự thảo Nghị định quy định các nội dung sau (Điều 27):
- Cá nhân kinh doanh khai thuế, tạm nộp thuế thu nhập
cá nhân theo kết quả kinh doanh tạm tính của quý trên cơ sở thu nhập
chịu thuế đã tính giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế, con chưa
đến tuổi thành niên và Biểu thuế luỹ tiến từng phần.
- Quý đầu tiên của mỗi năm khai tạm nộp thuế sẽ khai
số con chưa đến tuổi thành niên để được tính ngay giảm trừ gia cảnh
(những người phụ thuộc khác sẽ kê khai khấu trừ khi quyết toán thuế năm
như cá nhân có thu nhập từ tiền lương tiền công).
- Quy định cụ thể về việc khai thuế cá nhân trong
trường hợp có nhiều người cùng đứng tên trong đăng ký kinh doanh, hoặc
có nhiều người tham gia kinh doanh trong 1 hộ.
6.3- Quy định về hoàn thuế :
Điều 28 dự thảo quy định về các trường hợp hoàn thế, trong đó có nội
dung lập quỹ hoàn thuế trong các trường hợp: Số tiền thuế đã nộp lớn hơn
số thuế phải nộp; Số tiền giảm trừ gia cảnh thực tế trong năm lớn hơn
số tạm khấu trừ; Số tiền giảm trừ từ thiện cá nhân thực hiện chưa giảm
trừ khi tính thuế trong năm. Trong Điều này cũng quy định trách nhiệm
hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hồ sơ hoàn thuế, việc lập và quản
lý quỹ hoàn thuế.
III- VỀ KẾT CẤU CỦA DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
Với những nội dung hướng dẫn như nêu trên, Dự thảo Nghị định được thiết kế gồm 4 chương , 30 điều.
Chương I – Những quy định chung
Chương này gồm 5 điều quy định về các nội dung : phạm
vi điều chỉnh; đối tượng nộp thuế; thu nhập chịu thuế; thu nhập được
miễn thuế; giảm thuế; giảm trừ gia cảnh và giảm trừ đóng góp từ thiện.
Chương II – Căn cứ tính
thuế đối với một số loại thu nhập của cá nhân cư trú. Chương này gồm 17
điều (từ điều 6 đến điều 22), được chia làm 3 mục:
- Mục 1: Thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền
lương tiền công (là 2 loại thu nhập áp dụng biểu thuế luỹ tiến từng
phần), gồm 9 điều từ điều 6 đến điều 14. Trong đó có quy định chi tiết
về cách tính thu nhập, căn cứ xác định thu nhập, xác định giảm trừ gia
cảnh, giảm trừ đóng góp từ thiện và nhắc lại Biểu thuế luỹ tiến từng
phần.
- Mục 2: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn gồm 3 điều:
Điều 15 quy định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp, Điều
16 quy định về thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán; Điều 17
quy định về thuế suất.
- Mục 3: Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản gồm 5 điều:
+ Điều 18 quy định về thu nhập tính thuế từ chuyển quyền sử dụng đất;
+ Điều 19 quy định về thu nhập tính thuế từ chuyển quyền sử dụng đất gắn với công trình trên đất;
+ Điều 20 quy định về thu nhập từ chuyển quyền sở hữu, sử dụng nhà ở.
+ Điều 21 quy định về thu nhập tính thuế từ chuyển quyền thuê đất, thuê mặt nước;
+ Điều 22 quy định về thuế suất trong 2 trường hợp (tính 25% trên thực lãi và tính 2% trên giá chuyển nhượng.
Chương III – Một số quy định về quản lý thuế TNCN gồm 6 điều.
Nội dung của Chương này quy định về các nội dung quản
lý thuế TNCN do Nghị định 85/2007 quy định đối với thuế thu nhập đối
với người có thu nhập cao có một số điểm chưa đáp ứng được yêu cầu của
Luật thuế TNCN:
- Điều 23 quy định về đăng ký thuế, cấp mã số thuế.
- Điều 24 quy định về khai thuế TNCN, bao gồm tổ chức chi trư thu nhập và cá nhân người nộp thuế.
- Điều 25 quy định về việc khấu trừ thuế tại nguồn.
- Điều 26 quy định cụ thể vệc khai thuế đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương tiền công.
- Điều 27 quy định cụ thể vệc khai thuế đối với cá nhân có thu nhập từ kinh doanh.
- Điều 28 quy định về các trường hợp hoàn thế, trong
đó có nội dung lập quỹ hoàn thuế và trách nhiệm hướng dẫn của Bộ Tài
chính về thủ tục hồ sơ hoàn thuế, việc lập và quản lý quỹ hoàn thuế.
Chương IV – Điều khoản thi hành gồm 2 điều 29 và 30 quy định về thời hiệu, trách nhiệm hướng dẫn thi hành của Bộ Tài chính.
III- VỀ Ý KIẾN CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐÓNG GÓP VÀO DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
Dự thảo Nghị định đã được gửi xin ý kiến các Bộ,
ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan và đăng tải trên Trang thông tin
điện tử của Chính phủ, Trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
Qua tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, các tổ chức và cá
nhân cho thấy đại bộ phận ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo Nghị
định. Một số ý kiến được tiếp thu và giải trình như sau :
…….
Trên đây là nội dung dự thảo Nghị định của Chính phủ
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập cá nhân. Bộ
Tài chính kính trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo để Bộ Tài
chính phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn chỉnh và triển
khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT (2), CST (2).
| BỘ TRƯỞNG
Vũ Văn Ninh |
0 comments:
Post a Comment