TRẦN MINH CHẤT - Phó Chủ nhiệm Khoa nghiệp vụ Cảnh sát kinh tế, Học viện Cảnh sát nhân dân
Nghiên cứu để khắc phục tình
trạng “hình sự hoá” các tranh chấp kinh tế và “phi hình sự hoá” trong
điều tra các vụ án kinh tế không chỉ đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội
phạm kinh tế trong tình hình mới, mà quan trọng hơn, là nhằm đảm bảo để
pháp luật và để công việc thực thi pháp luật thực sự trở thành công cụ
hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh; giúp cho các cơ quan bảo vệ pháp
luật và các doanh nghiệp, những người tham gia kinh doanh có quan hệ
thân thiện, gần gũi trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế
giới. Đây là nội dung có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động của Quốc
hội trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kinh tế.
Khái niệm “hình sự hoá” các tranh chấp kinh tế và “phi hình sự hoá” trong điều tra các vụ án kinh tế.
Theo Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà
Nẵng năm 1999 thì “ hình sự hoá” là quá trình đưa một quan hệ xã hội từ
chỗ chưa được điều chỉnh bằng luật hình sự trở thành đối tượng được điều
chỉnh bằng luật hình sự (tội phạm).
“Phi hình sự hoá” là việc đưa một hành vi
đang bị điều chỉnh bằng pháp luật hình sự trở thành một quan hệ xã hội
được điều chỉnh bằng các qui phạm pháp luật và xã hội khác.
Khoa học pháp lý cũng như thực tiễn đời
sống pháp luật cho thấy, từ khi xuất hiện nhà nước, hình thành pháp luật
thì hành vi “hình sự hoá” và “phi hình sự hoá” luôn luôn được các giai
cấp thống trị xã hội quan tâm. Trong quá trình quản lý xã hội của mình,
giai cấp thống trị thông qua nhà nước để lựa chọn những quan hệ xã hội
gần gũi nhất với quyền và lợi ích của mình (kể cả tích cực và tiêu cực)
rồi đưa vào bên trong các quan hệ xã hội đó ý chí mang tính cưỡng chế
của mình hoặc đưa quan hệ xã hội ra khỏi sự điều chỉnh bằng hình luật.
Quá trình đó chính là quá trình hình sự hoá và phi hình sự hoá.
Khái niệm “hình sự hoá” các tranh chấp
kinh tế và “phi hình sự hoá” trong điều tra các vụ án kinh tế đã được
bàn đến trong khá nhiều các cuộc hội thảo khoa học trước đây. Nhìn
chung, các nhà khoa học pháp lý đều thống nhất nhận định, những hiện
tượng tiêu cực trên đã và đang tồn tại trong đời sống pháp lý của nước
ta. Nó không chỉ là mối quan ngại riêng của các doanh nghiệp, của những
người tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, mà nó còn đặt ra cho
các nhà nghiên cứu, những người hoạt động thực tiễn trong các lĩnh vực
bảo vệ pháp luật nhiệm vụ nghiên cứu, làm rõ bản chất, nguyên nhân, điều
kiện phát sinh, phát triển và tồn tại của hiện tượng “hình sự hoá” và
“phi hình sự hoá”, từ đó tìm ra các giải pháp tối ưu nhằm loại bỏ các
hiện tượng tiêu cực trên.
Bất cập trong giải quyết các tranh chấp kinh tế
Thực tiễn chỉ ra rằng, trong nền kinh tế
thị trường, tranh chấp trong kinh doanh là một dạng tranh chấp kinh tế,
biểu hiện những mâu thuẫn hay xung đột về quyền, nghĩa vụ giữa các nhà
đầu tư, các doanh nghiệp với tư cách là chủ thể kinh doanh. Cụ thể, đó
là những tranh chấp phát sinh trong các khâu từ đầu tư, sản xuất đến
tiêu thụ sản phẩm hoặc thực hiện dịch vụ trên thị trường vì mục đích
sinh lợi. Về bản chất, mỗi tranh chấp xét cho cùng đều phản ánh những
xung đột lợi ích kinh tế giữa các chủ thể.
Giải quyết các tranh chấp đó là cách
thức, phương pháp cũng như các hoạt động để ngăn chặn, khắc phục và loại
trừ các tranh chấp đã phát sinh để bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp
của các bên, bảo vệ trật tự, kỷ cương xã hội.
Các hình thức giải quyết các tranh chấp
kinh tế theo pháp luật Việt Nam là: thương lượng; hoà giải; giải quyết
bằng trọng tài; giải quyết bằng toà án.
Bản chất của hiện tượng “hình sự hoá” các
tranh chấp kinh tế và “phi hình sự hoá” trong điều tra các vụ án kinh
tế chính là một hiện tượng tiêu cực phản ánh tính khốc liệt của cuộc đấu
tranh chống tội phạm kinh tế trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị
trường.
Trong thời gian qua, do rất nhiều nguyên
nhân khác nhau mà các cơ quan điều tra, truy tố đã có sự “nhầm lẫn” giữa
các tranh chấp kinh tế với hành vi phạm tội, dẫn đến oan sai trong hoạt
động tố tụng. Sự oan sai này phản ánh thực trạng của:
- Tình trạng áp dụng sai pháp luật để
giải quyết các tranh chấp kinh tế và xử lý các hành vi phạm tội về kinh
tế của các cơ quan tư pháp.
- Phản ánh những hạn chế của quá trình xây dựng pháp luật hình sự, kinh tế, dân sự ở Việt Nam.
- Phản ánh những hiện tượng tiêu cực cụ thể trong quá trình giải quyết các tranh chấp kinh tế và điều tra các vụ án kinh tế.
- Phản ánh những sai lầm, những vi phạm của chính bản thân những người tham gia quan hệ kinh tế, dân sự.
Nguyên nhân:
- Nguyên nhân của hiện tượng “hình sự
hoá” các tranh chấp kinh tế và “phi hình sự hoá” trong điều tra các vụ
án kinh tế, trước hết xuất phát từ sự thiếu minh bạch trong hệ thống
pháp luật hình sự, kinh tế, dân sự ở nước ta.
- Do những sai lầm, vi phạm của các cơ
quan và cá nhân tiến hành các hoạt động tố tụng trong tổ chức điều tra
các vụ án kinh tế cũng như từ những sai lầm, vi phạm của những người
tham gia quan hệ kinh tế, dân sự.
- Hiện tượng “hình sự hoá” các tranh chấp
kinh tế và “phi hình sự hoá” trong điều tra các vụ án kinh tế còn có
nguyên nhân từ các hoạt động của các cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm
soát các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế…
Hậu quả
Hiện tượng “hình sự hoá” các tranh chấp
kinh tế và ” phi hình sự hoá” trong điều tra các vụ án kinh tế đã gây
nên những hậu quả nghiêm trọng cả về kinh tế và xã hội.
Trước tiên về kinh tế, hiện tượng “hình
sự hoá” và “phi hình sự hoá” thường gây ra những thiệt hại rất lớn về
kinh tế cho các chủ thể tham gia các tranh chấp kinh tế (pháp nhân tan
vỡ, các hợp đồng bị đổ bể, tài sản bị phong toả….)
Về xã hội, hiện tượng “hình sự hoá” các
tranh chấp kinh tế và “phi hình sự hoá” trong điều tra các vụ án kinh tế
gây ra tiền lệ xấu đối với các quan hệ hợp đồng, đặc biệt các quan hệ
trong thanh toán, tín dụng như nợ, đòi nợ, xóa nợ, gán nợ……
Lớn hơn nữa, hiện tượng “hình sự hoá” và
“phi hình sự hoá” làm suy giảm lòng tin của nhân dân, các nhà đầu tư vào
sự nghiệp phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước. Đồng thời gây tâm lý
hoang mang cho các nhà đầu tư…
Về công tác cán bộ, hiện tượng “hình sự
hoá” các tranh chấp kinh tế và “phi hình sự hoá” trong điều tra các vụ
án kinh tế là một nguyên nhân làm thoái hoá, biến chất một số cán bộ
trong các cơ quan điều tra, các cơ quan quản lý nhà nước khác.
Tình trạng “hình sự hoá” không chỉ gây ra
những hậu quả thiệt hại về vật chất, về con người mà quan trọng hơn nó
gây phiền hà cho các hoạt động kinh doanh, làm giảm năng lực sáng tạo
của các doanh nghiệp, làm tổn thương lòng tin của nhân dân vào lực lượng
điều tra.
Giải pháp khắc phục hiện tượng “hình sự hoá” các tranh chấp kinh tế và “phi hình sự hoá” trong điều tra các vụ án kinh tế
Ngày 31 tháng 3 năm 1998, Thủ tướng Chính
phủ đã có chỉ thị số 16/TTg về việc tìm kiếm và thực thi các giải pháp
chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế, chống oan sai và bảo vệ
các hoạt động kinh doanh của người dân. Ngày 4 tháng 7 năm 1998, Ban
nội chính TW cũng đã có công văn số 170 báo cáo Bộ Chính trị về vấn đề
này. Trong báo cáo nêu rõ “Vấn đề hình sự hoá và cả phi hình sự hoá
trong giải quyết các quan hệ kinh tế dân sự của các cơ quan tố tụng hiện
nay, các ngành nội chính cần có sự nghiên cứu toàn diện sâu sắc….”, “
Trong thời gian qua, số vụ việc xử lý về hình sự quá nhiều, trong khi
thực tế có thể chuyển qua các toà hành chính, dân sự để giải quyết…”.
Ngày 21 tháng 3 năm 2000, Bộ Chính trị đã
có chỉ thị số 53/CT-TW khẳng định quyết tâm chống oan sai trong hoạt
động tố tụng. Trong báo cáo chính trị của Ban chấp hành TW Đảng khoá
VIII tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX ngày 19 tháng 4 năm 2001 cũng
đã nêu rõ: “Cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của các
cơ quan tư pháp, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan tư pháp
trong công tác điều tra, bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử thi hành án
không để xẩy ra những trường hợp oan, sai”.
Một là, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến giải quyết các tranh chấp kinh tế, dân sự.
Trong thời gian qua, các cơ quan bảo vệ
pháp luật (Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân
tối cao) đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhằm thực hiện các yêu cầu về
nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng với mục đích chống các hiện tượng
“hình sự hoá” các tranh chấp kinh tế và “phi hình sự hoá” trong điều tra
các vụ án kinh tế.
Giải quyết các tranh chấp kinh tế, dân sự
phải áp dụng qui phạm pháp luật phù hợp. Bên cạnh đó cũng phải không
ngừng hoàn thiện các qui phạm pháp luật khác như Luật hình sự, Luật tố
tụng hình sự, Luật dân sự, Luật tố tụng dân sự, Luật doanh nghiệp… Hệ
thống pháp luật này trong thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề chồng chéo,
khó xác định ranh giới, bởi vậy rất dễ bị lạm dụng để phục vụ cho những
mục đích tư lợi.
Để tạo điều kiện kích thích sản xuất,
kinh doanh phát triển kinh tế, ngăn chặn hiện tượng “hình sự hoá” và
“phi hình sự hoá” các quan hệ kinh tế, dân sự thì hệ thống pháp luật
liên quan phải được xây dựng theo hướng cụ thể hoá.
Phải phân định một cách rõ ràng giữa hành
vi vi phạm pháp luật về kinh tế với tội phạm. Tăng cường hiệu lực pháp
luật trong việc chấp hành các phán quyết của Toà án kinh tế, Toà dân sự
và Trọng tài kinh tế đối với các tranh chấp kinh tế, dân sự.
Không ngừng sửa đổi bổ sung Bộ luật tố
tụng hình sự, Bộ luật hình sự. Cụ thể, cần qui định chặt chẽ việc áp
dụng các biện pháp ngăn chặn như bắt, tạm giữ, tạm giam, đặc biệt là
biện pháp bắt khẩn cấp… Các qui định để đảm bảo quyền bào chữa của bị
can, bị cáo, quyền tham gia tố tụng của luật sư phải được bình đẳng với
điều tra viên, kiểm sát viên trong toàn bộ quá trình điều tra, xử lý các
vụ án hình sự về kinh tế.
Hai là, tăng cường hiệu lực quản lý nhà
nước trong kiểm tra, giám sát các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử
nhằm chống lại hiện tượng “hình sự hoá” các tranh chấp kinh tế và “phi
hình sự hoá” trong điều tra các vụ án kinh tế.
Hoàn thiện pháp luật phải trên cơ sở tăng
cường hiệu lực quản lý của nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân
dân. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phải gắn liền với việc cải cách hành
chính, đảm bảo phát huy một cách tốt nhất quyền giám sát kiểm tra của
nhân dân cũng như các tổ chức chính trị xã hội khác đối với việc áp dụng
các qui phạm pháp luật giải quyết các tranh chấp kinh tế, dân sự của
các cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh việc thi hành Chỉ thị 02/1998/CT-TTg ngày
07 tháng 1 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giáo dục
và phổ biến pháp luật, nâng cao dân trí, đảm bảo để các chủ thể tham
gia các quan hệ kinh tế, dân sự phân biệt được đâu là vi phạm các qui
định pháp luật về kinh tế, đâu là vi phạm các qui định pháp luật về hành
chính, đâu là hành vi tranh chấp dân sự, đâu là tội phạm. Tăng cường
quản lý nhà nước trong áp dụng pháp luật giải quyết các tranh chấp kinh
tế, dân sự đồng thời củng cố vai trò các cơ quan kiểm tra, giám sát để
đảm bảo kịp thời phát hiện và ngăn chặn, khắc phục hiện tượng “hình sự
hoá” các tranh chấp kinh tế và “phi hình sự hoá” trong điều tra các vụ
án kinh tế.
Ba là, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất chính trị của đội ngũ cán bộ trong các cơ quan điều tra, kiểm sát, toà án.
Việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ
cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ điều tra, truy tố, xét xử là hết sức cần
thiết. Đây là tiền đề để chống các hiện tượng oan sai trong hoạt động
tố tụng.
Nâng cao nhận thức pháp lý cho đội ngũ
cán bộ này còn mang tính giáo dục, phòng ngừa rất cao. Bộ Công an, Toà
án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần có kế hoạch
thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra giám sát những hoạt động của
cán bộ trong ngành mình có liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét
xử đảm bảo để các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế và tội phạm kinh
tế được phát hiện và xử lý đúng pháp luật, đồng thời không để hiện
tượng oan sai xẩy ra.
Đấu tranh chống hiện tượng “ hình sự hoá”
các tranh chấp kinh tế “ phi hình sự hoá” trong điều tra các vụ án kinh
tế hiện nay ở nước ta đang là một vấn đề hết sức cần thiết. Nó là một
trong những nội dung nhằm thực hiện tốt yêu cầu của Nghị quyết 08- NQ/TW
về cải cách tư pháp. Đồng thời, nó có tác dụng thiết thực góp phần nâng
cao năng lực, phẩm chất cán bộ trong các cơ quan điều tra, kiểm sát,
toà án, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế trong
tình hình mới
SOURCE: NCLP.ORG.VN (PHIÊN BẢN CŨ CỦA TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ)
0 comments:
Post a Comment