Thursday, October 3, 2013

XUẤT HIỆN NHIỀU HÌNH THÁI GIA ĐÌNH MỚI

LAN HƯƠNG
Cuộc điều tra toàn quốc về gia đình Việt Nam lần đầu tiên được công bố đã cho những kết quả bất ngờ. Đáng chú ý là đã có một tỷ lệ không nhỏ ông bố, bà mẹ không quan tâm đến các con, bạo lực gia đình vẫn chiếm tỷ lệ cao…
Mức độ bình đẳng giới ngày càng tăng
Đây là cuộc điều tra do Vụ Gia đình của Uỷ ban Dân số, gia đình và trẻ em trước đây, nay trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, phối hợp với Tổng cục thống kê, Viện nghiên cứu gia đình của Australia và Viện nghiên cứu gia đình và giới tiến hành từ năm 2006 với sự hỗ trợ của Unicef.
Cuộc điều tra đã phỏng vấn 9.300 hộ gia đình, gồm các đối tượng người lớn, trẻ vị thành niên và các bậc cao tuổi ở tất cả 64 tỉnh, thành. Kết quả chỉ ra rằng chủ hộ của các gia đình hiện đại ở Việt Nam giờ đây là người vợ, người chồng hay cả hai.
Điều đó cho thấy mức độ bình đẳng giới trong mỗi gia đình ngày càng tăng. Đại đa số những người trả lời phỏng vấn phản đối quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Đặc biệt nhóm người cao tuổi và vị thành niên phản đối nhiều nhất, chỉ có dưới 2% tán thành.
Nhưng song song với tín hiệu tốt lành đó thì tình trạng bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nghiêm trọng, nó chiếm tỷ lệ trên 20% trong các gia đình.
Các hình thức bạo lực đó là: đánh, mắng chửi, nhục mạ và bị ép quan hệ tình dục ngoài ý muốn. Có 3,4% số nam giới đánh vợ trong khi có 0,6% phụ nữ đánh chồng. 15,1% người chồng chửi mắng vợ trong khi tỷ lệ vợ mắng chửi chồng là 8,5%.
Nạn nhân chủ yếu là người phụ nữ và con cái trong gia đình. Theo ý kiến của những người được phỏng vấn thì say rượu ở nam giới, các quyết định kinh doanh sai lầm, mâu thuẫn trong sinh hoạt, vấn đề tiền bạc, ngoại tình và cờ bạc là nguyên nhân của mâu thuẫn và xung đột.
Điều đáng nói là, sở dĩ có sự tồn tại này là do đây vẫn được coi là vấn đề nội bộ trong các gia đình và chưa có sự can thiệp thích đáng của cảnh sát hay toàn thể xã hội vì các cặp vợ chồng sợ bị “mất mặt” hay không muốn “vạch áo cho người xem lưng”.
Theo Phó đại diện Unicef tại Việt Nam Maniza Zaman: “Một trong các giải pháp chính là làm thay đổi thái độ, quan niệm của xã hội đối với hành vi bạo lực gia đình dể hành vi đó không còn được coi là bình thường hay có thể chấp nhận trong cuộc sống gia đình như vẫn thường diễn ra từ trước đến nay”.
Không chỉ có vậy, cuộc điều tra này còn cho thấy bắt đầu xuất hiện hình thái gia đình mới ngày càng nhiều. Chẳng hạn phụ nữ ly hôn sau khi đã có con hay gia đình chỉ có bố hoặc mẹ. Số trường hợp ly hôn cũng đang tăng, chủ yếu là do áp lực về kinh tế, khác nhau về lối sống và sự không chung thuỷ của vợ, chồng.
Không có thời gian dành cho con cái
Hầu hết những người trả lời phỏng vấn đều cho rằng việc nuôi dậy con là một chức năng quan trọng của gia đình. Đáng lưu ý là quan niệm về số con đã thay đổi đáng kể.
Chỉ có 18,6% người cao tuổi, 6,6% người tuổi từ 18-20 và 2,8% vị thành niên cho rằng cần có nhiều con. Các gia đình đã nhận thức được việc cần phải chăm con cái đầy đủ và nuôi chúng khôn lớn, mặc dù vậy tâm lý thích con trai vẫn còn tồn tại.
Theo kết quả điều tra, các ông bố, bà mẹ cảm thấy chưa đủ thời gian cho con cái trong cuộc sống hàng ngày. Phụ nữ dành thời gian nhiều gấp 6 lần nam giới về chăm sóc con cái.
20% các ông bố và 7% các bà mẹ hoàn toàn không dành một chút thời gian nào cho việc chăm sóc con cái do phải lo kiếm sống. Việc bố, mẹ không quan tâm chăm sóc, dạy dỗ và bảo vệ con cái đến nơi đến chốn gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển về thể chất, trí tuệ và tình cảm của con trẻ, nhất là đối với trẻ thơ.
Về vấn đề này, ông Jesper Morch cho rằng: “Không phải là không muốn hay thờ ơ với việc chăm sóc, dạy dỗ con cái, các ông bố, bà mẹ phải làm việc để nuôi sống gia đình, và vì vậy không có thời gian dành cho con cái”. Bởi vậy, ông cũng kiến nghị hệ thống giáo dục và cộng đồng cần góp phần đưa ra các giải pháp cho vấn đề này.
Đối với trẻ vị thành niên, hơn 80% các em từ 15 đến 17 tuổi cho biết bố, mẹ cho phép các em tự quyết định về mọi vấn đề liên quan tới cuộc sống của mình. Trong khi đó, hơn một nửa thành viên cao tuổi trong gia đình cho biết họ phải đối mặt với nhiều khó khăn như sức khoẻ yếu kém, không đủ tiền để đáp ứng các nhu cầu hàng ngày và nhu cầu khám chữa bệnh.
Hầu hết các bậc cao niên hỗ trợ cho những đứa con đã trưởng thành của mình bằng việc cung cấp tiền bạc, lời khuyên hay phụ giúp việc trông trẻ và nội trợ.
SOURCE: DÂN TRÍ
Trích dẫn từ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code