Thursday, October 17, 2013

VỤ ÁN: CHA CHỒNG, CON DÂU ĐI NHÀ NGHỈ

HOÀNG VÂN
Cha chồng và nàng dâu lén lút “đi lại”, vi phạm đạo đức luân thường nhưng pháp luật lại không thể “đụng” tới.
Đã ở cái tuổi 64 nhưng ông Q. ở Gia Lâm (Hà Nội) vẫn một mực đề nghị TAND huyện này cho vợ chồng ông ly hôn. Lý do mà ông đưa ra là vợ ông không quan tâm chăm sóc, bắt ông ăn riêng, ngủ riêng, nhiều lần còn đóng đinh vào vỏ xe máy của ông để ngăn ông đi lại, làm mất quyền tự do của ông. Đã từ lâu ông bà sống ly thân. Bà ở tầng dưới, ông ở tầng trên, mỗi người một bếp. Hiện tình cảm vợ chồng không còn, ông muốn chia tay để an phận tuổi già, đồng thời để hai bên khỏi cãi vã, gây mất trật tự khu phố…
Vì… cô con dâu
Tuy nhiên theo vợ ông Q., vợ chồng bà chung sống đầm ấm, hạnh phúc mấy chục năm qua và đã có với nhau năm mặt con, cháu nội, cháu ngoại cũng đủ đầy. Việc chồng bà muốn ly hôn lại xuất phát từ… cô con dâu.
Vợ ông Q. kể: Sau khi con trai mất, ông Q. và nàng dâu của họ đã lén lút qua lại với nhau. Chính bà đã nhiều lần thấy chồng và nàng dâu quan hệ với nhau tại căn nhà sát nhà ông bà mà cô con dâu ở. Vì ông bà đều đã già và “người thứ ba” lại là con dâu nên bà nhiều lần đóng cửa khuyên nhủ hai người nhưng cũng không ăn thua.
Bất lực, bà đem chuyện ra nói với con cái. Ban đầu chúng không tin, cho là bà ghen quá. Nhưng đến một ngày ông Q. đi xa, không gọi điện thoại về cho bà mà liên tục gọi về cho nàng dâu, xưng “anh”, “em” với những lời lẽ yêu đương thắm thiết. Do điện thoại được bí mật liên thông giữa hai nhà nên nhiều người cùng nghe thấy và té ngửa rằng chuyện này có thật.
Giông tố trong gia đình này sau đó đã lên đến đỉnh điểm khi người nhà và công an bắt quả tang ông Q. cùng nàng dâu đang ở chung phòng trong một nhà nghỉ ở tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, cô con dâu đã phải viết bản kiểm điểm, thừa nhận “hành vi trên là phạm pháp, phạm đạo đức” và hứa sẽ không “tái phạm”.
Sau khi việc đã hai năm rõ mười, vợ ông Q. cho cô con dâu về nhà bố mẹ ruột để nhờ gia đình bên đó khuyên bảo, cũng là để ông Q. và nàng dâu “ở xa nhau cho tình cảm nguôi ngoai”. Tuy nhiên, cô con dâu thuê nhà và tiếp tục mối quan hệ lén lút với chồng bà. Không chỉ thế, cô con dâu còn xúi giục ông Q. bỏ bà nên giữa bà và cô này đã có nhiều phen “đốp chát” nảy lửa…
Tòa bác đơn ly hôn
Chuyện của ông bà Q., địa phương đã nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng không thành. Tại phiên xử sơ thẩm vừa qua tại TAND huyện Gia Lâm, ông Q. vẫn khăng khăng biện bạch là do vợ cấm đoán, không cho nói chuyện với nàng dâu nên hai người phải tìm chỗ kín đáo (nhà nghỉ) để… nói chuyện chứ không hề có gì mờ ám. Theo ông, con trai ông mất sớm, để lại vợ con thì ông “phải có trách nhiệm quan tâm, giúp đỡ”.
Tuy bầm gan tím ruột, vợ ông Q. vẫn tha thiết đề nghị tòa bác đơn xin ly hôn của chồng vì nếu không sẽ “tiếp tay cho mối quan hệ bất chính kia tiếp tục tồn tại”. Bà bảo sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của chồng và thấy rằng ông bà tuổi đã cao thì nên tu nhân, tích đức cho con cháu.
Xét thấy mâu thuẫn giữa hai ông bà chưa đến mức trầm trọng, vợ ông Q. vẫn còn tình cảm, các con ông bà cũng có đơn bày tỏ ý nguyện không muốn cha mẹ chia tay nên tòa đã bác đơn của ông Q. để tạo điều kiện cho họ quay về với nhau.
Pháp luật bó tay!
Tòa xử là vậy nhưng hiện bà H. vẫn rất lo lắng, vì theo bà, quan hệ giữa ông Q. và cô con dâu đã “ăn sâu bén rễ”, khó dứt ra được mà bà thì đã già yếu lắm rồi, không còn hơi sức đâu để theo dõi, ngăn cản nữa.
Xung quanh việc này, vấn đề đặt ra là liệu có thể xử lý hành chính hay hình sự chuyện “ăn vụng” của ông Q. và cô con dâu?
Theo Điều 8 Nghị định 87 ngày 21-11-2001 của Chính phủ (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân-gia đình), người đang có vợ, có chồng bị phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng nếu kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu bố chồng và con dâu kết hôn với nhau thì cũng bị phạt tương tự.
Ở đây, giữa ông Q. và cô con dâu chỉ “quan hệ lén lút” chứ không phải là “chung sống như vợ chồng” (sống chung, lối xóm có chứng kiến, thừa nhận). Mặt khác, ông Q. cũng không kết hôn với cô con dâu. Do đó không thể xử phạt họ.
Hành chính đã thế, còn hình sự thì sao? Theo BLHS, ông Q. và cô con dâu không phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147) bởi tội này đòi hỏi việc ngoại tình phải có các yếu tố “chung sống như vợ chồng”, “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “đã bị xử phạt hành chính về hành vi mà còn vi phạm”. Trong khi đó, ông Q. và nàng dâu không “chung sống như vợ chồng”, chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và cũng chưa từng bị phạt hành chính.
Ngoài ra, cũng không thể xử lý hai người về tội loạn luân (Điều 150 BLHS) bởi chủ thể của tội này chỉ là những người cùng dòng máu về trực hệ, anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.
Như vậy, hành vi của ông Q. và nàng dâu dù vi phạm luân thường đạo lý, trái đạo đức xã hội nhưng pháp luật cũng không thể “đụng” tới vì không quy định. Tuy nhiên, với mối tình bất chính ấy, họ đã và sẽ phải trả giá vì gia đình đổ vỡ và người đời lên án.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code