Sunday, October 13, 2013

VỐN CHỦ SỞ HỮU TRONG CÁC NGÂN HÀNG TẠI VIỆT NAM – CÁC VẤN ĐỀ VỀ QUẢN TRỊ VỐN


THS. LÊ THỊ LỢI – Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội
Trong những năm từ 2007 trở lại đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, ngành Ngân hàng Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, những bất cập trong quản lý của các ngân hàng cũng như các khó khăn cũng nảy sinh trên nhiều mặt hoạt động, trong đó có vấn đề về vốn chủ sở hữu – là cấu phần vốn vô cùng quan trọng trong nguồn vốn hoạt động của các ngân hàng thương mại. Do đó, đòi hỏi cần có những thay đổi mạnh mẽ trong nhìn nhận và quản lý vốn chủ sở hữu ngân hàng từ  phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như từ các ngân hàng thương mại.
1. Phát triển kinh tế và sự phát triển của các ngân hàng thương mại
Đánh giá về bối cảnh chung của hoạt động ngân hàng trong hơn 5 năm qua, có thể nói nền kinh tế đã chuyển qua những thái cực khác nhau trong giai đoạn này, một phần do tác động của nền kinh tế toàn cầu, và một phần do các yếu tố nội tại của nền kinh tế trong nước nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng. (Biểu đồ 1) Ngành ngân hàng với các chức năng vốn có của mình đã tham gia sâu sắc và tích cực trong phát triển kinh tế. So sánh giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng trong những năm qua, có thể thấy tín dụng ngân hàng là  một trong những nhân tố vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh tăng trưởng nền kinh tế, Việt Nam còn gặp phải rất nhiều vấn đề về kinh tế vĩ mô như cơ cấu tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm và cạnh tranh quốc gia. Lạm phát gia tăng và tác động xấu toàn diện đến mọi mặt kinh tế xã hội, đi kèm với  với lạm phát là việc tăng nóng và bất hợp ý của tín dụng ngân hàng (Xem Biểu đồ 2).
Tăng trưởng nóng và bất hợp lý của tín dụng của các ngân hàng là nguyên nhân tăng trưởng  nhanh của tổng tài sản các ngân hàng trong những năm 2008 – 2011, và có thể nói điều này là hệ quả trực tiếp từ việc tăng vốn điều lệ/vốn chủ sở hữu rất mạnh của các ngân hàng trong những năm qua.  Các ngân hàng tăng vốn chủ sở hữu cho mục đích đầu tư tăng năng lực hạ tầng (đầu tư xây dựng trụ sở, đầu tư cho công nghệ, mở rộng mạng lưới hoạt động…) và  tăng vốn để tăng năng lực tài chính nhằm nâng cao cạnh tranh và đảm bảo các hệ số an toàn vốn (hệ số CAR)  đáp ứng cho việc ngân hàng tăng trưởng nóng tín dụng và tài sản có rủi ro khác trong tổng tài sản. Chúng ta còn nhớ, vào thời điểm Việt Nam được chấp thuận  gia nhập WTO vào năm 2007, khi đó các cơ quan quản lý nhà nước và ngành Ngân hàng dự đoán: sẽ có một cuộc xâm nhập của các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam khi Việt Nam mở cửa ngành Ngân hàng vào năm 2011, vì thế các ngân hàng thương mại trong nước đã có cuộc đua tăng vốn điều lệ/vốn chủ sở hữu nhiều hơn nữa nhằm đảm bảo năng lực tài chính, giữ thị phần trước sự cạnh tranh của các ngân hàng nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Yêu cầu tăng vốn đối với các ngân hàng Việt Nam chủ yếu xuất phát từ quy mô về tài sản và vốn chủ sở hữu của các ngân hàng Việt Nam là quá nhỏ so với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới, và khuyến nghị của các nhà kinh tế cũng như của các cơ quan quản lý nhà nước về sáp nhập các ngân hàng nhỏ để tạo ra những ngân hàng lớn hơn đã không được thực hiện vào thời gian đó.

XEM TOÀN VĂN BÀI VIẾT TẠI ĐÂY
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 2+3/2013
Trích dẫn từ:  Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code