Thursday, October 3, 2013

VẤN ĐỀ CHUNG SỐNG NHƯ VỢ CHỒNG KHÔNG CÓ ĐĂNG KÝ KẾT HÔN: ĐỊNH HƯỚNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG VÀ LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ GIỚI


NGUYỄN HỒNG HẢI – Vụ pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp
1. Khái quát về việc chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn và quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành
a. Trong thực tiễn xã hội, bên cạnh các quan hệ hôn nhân tuân thủ điều kiện kết hôn và thủ tục đăng ký kết hôn theo luật định cũng luôn tồn tại những quan hệ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc chung sống như vợ chồng có thể được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau hoặc cách tiếp cận khác nhau.
* Trên phương diện chủ thể, có thể hình thành việc chung sống như vợ chồng:
- Giữa nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn. Họ không thực hiện việc đăng ký kết hôn theo ý chí của họ hoặc hoặc vì một lý do chủ quan, khách quan nào đó không thực hiện được việc đăng ký (ví dụ, họ quan tâm đến tổ chức lễ cưới theo tập quán hơn là tổ chức theo nghi thức kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền…);
- Giữa nam, nữ vi phạm một trong các điều kiện kết hôn (ví dụ, người đang có vợ, chồng lại chung sống như vợ chồng với người khác…). Họ không thực hiện việc đăng ký theo ý chí của họ hoặc họ mong muốn được đăng ký nhưng không thể đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền do vi phạm điều kiện kết hôn;
- Giữa những người cùng giới tính. Họ không thực hiện việc đăng ký kết hôn theo ý chí của họ hoặc mong muốn được đăng ký kết hôn nhưng không thể đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền do vi phạm điều kiện về giới tính;
- Giữa người chuyển giới với người khác hoặc giữa những người chuyển giới với nhau. Họ không thực hiện việc đăng ký kết hôn theo ý chí của họ hoặc họ mong muốn được đăng ký nhưng không thể đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền vì việc chuyển giới của họ chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
* Trên phương diện công khai của quan hệ, việc chung sống có thể thuộc một trong các trường hợp sau:
- Có tổ chức lễ cưới theo tập quán hoặc dưới một hình thức công khai nhất định;
- Được gia đình một bên hoặc gia đình hai bên thừa nhận;
- Được tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền chứng kiến hoặc công nhận;
- Các bên thực hiện trên thực tế các hành vi coi nhau như vợ chồng.

b. Về quan điểm của Nhà nước đối với việc chung sống như vợ chồng, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Luật HNGĐ) quy định, các trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn thì không được thừa nhận là có quan hệ vợ chồng (khoản 1 Điều 11).
Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc hội và Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ có hướng dẫn:
- Nam, nữ chung sống như vợ chồng xác lập trước ngày 3/1/1987 (ngày Luật HNGĐ năm 1986 có hiệu lực ) nếu không vi phạm các điều kiện kết hôn thì được công nhận có quan hệ hôn nhân. Pháp luật khuyến khích các bên đi đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp các bên tự nguyện đăng ký kết hôn thì quan hệ hôn nhân của họ được tính xác lập từ ngày bắt đầu chung sống như vợ chồng;
- Nam, nữ chung sống như vợ chồng xác lập từ ngày 3/1/1987 đến ngày 1/1/2001 (ngày Luật HNGĐ năm 2000 có hiệu lực) nếu không vi phạm điều kiện kết hôn thì phải thực hiện việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến thời điểm ngày 1/1/2003. Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn được thực hiện trước ngày 1/1/2003 thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ ngày các bên bắt đầu chung sống như vợ chồng. Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn thực hiện sau ngày 1/1/2003 thì quan hệ hôn nhân được xác lập kể từ ngày đăng ký. Trường hợp các bên chưa thực hiện việc đăng ký kết hôn và phát sinh tranh chấp trước ngày 1/1/2003 thì Tòa án vẫn công nhận hôn nhân của các bên;
- Nam, nữ chung sống như vợ, chồng xác lập từ ngày ngày 1/1/2001 đến nay thì không được thừa nhận có quan hệ hôn nhân. Trong trường hợp mootj bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng, nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo hậu quả của việc hủy kết hôn trái pháp luật (Điều 87 Luật HNGĐ).
c. Bên cạnh những đóng góp tích cực (xin không phân tích ở tham luận này), quy định hiện hành về chung sống như vợ chồng có những bất cập sau:
- Thứ nhất, việc giải quyết chung sống như vợ chồng hầu hết được quy định ở các văn bản dưới luật;
- Thứ hai, luật chưa bao quát hết các quan hệ chung sống như vợ chồng trong thực tiễn. Luật mới chỉ đề cập đến việc nam, nữ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn, còn các việc chung sống như vợ chồng khác không có căn cứ pháp lý để điều chỉnh;
- Thứ ba, Luật mới chỉ quy định việc chung sống như vợ chồng dưới góc độ hôn nhân thuần túy mà chưa nhìn nhận giữa các bên chung sống có thể hình thành một gia đình với đầy đủ các nhu cầu của một thiết chế xã hội. Do đó Luật mới chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên trong trường hợp họ có đơn yêu cầu ly hôn mà chưa quy định nguyên tắc chung điều chỉnh các quan hệ về con, nhân thân, tài sản và giao dịch phát sinh trong quá trình chung sống;
- Thứ tư, Luật chưa quy định nguyên tắc để bảo đảm công khai, minh bạch đối với những trường hợp chung sống như vợ chồng được pháp luật thừa nhận là có hôn nhân.
2. Định hướng trong sửa đổi, bổ sung các quy định về chung sống như vợ chồng
- Thứ nhất, cần nhìn nhận chung sống như vợ chồng là hiện tượng tồn tại khách quan trong xã hội. Việc chung sống này có thể không xác lập một quan hệ hôn nhân về mặt pháp lý, nhưng nó có thể hình thành một gia đình giữa các bên chung sống, gia đình đó cũng có những chức năng cơ bản về sinh đẻ, giáo dục và kinh tế. Pháp luật cần có quy định để điều chỉnh ở góc độ này;
- Thứ hai, quy định chung sống như vợ chồng cần bao quát hơn ngoài việc điều chỉnh quan hệ chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ, cũng phải bảo đảm có căn cứ để điều chỉnh quan hệ chung sống như vợ chồng giữa người cùng giới tính hoặc việc chung sống như vợ chồng của người chuyển giới. Ví dụ: Luật có thể sử dụng cụm từ trung tính “Việc chung sống như vợ chồng” thay cho cụm từ Nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng”;
- Thứ ba, Luật cần kế thừa và luật hóa các các trường hợp chung sống như vợ chồng đã được pháp luật hiện hành thừa nhận có quan hệ hôn nhân, để bảo đảm tính hệ thống trong quy định của Luật. Có thể quy định: “Trong trường hợp có yêu cầu về hôn nhân đối với những trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng được xác lập trước thời điểm Luật này có hiệu lực, thì Tòa án căn cứ vào các quy định đang có hiệu lực về việc thừa nhận hôn nhân của các bên chung sống như vợ chồng và thực tế quan hệ sống chung giữa các đương sự để quyết định công nhận hay không công nhận quan hệ vợ chồng giữa các bên.”;
- Thứ tư, về quan hệ giữa cha, mẹ và con, Luật cần quy định rõ nguyên tắc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên chung sống như vợ chồng với con chung theo các quy định chung về quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con. Ngoài ra, xác định cha, mẹ, con trong quan hệ chung sống như vợ chồng cũng cần áp dụng tương tự như xác định con chung của vợ chồng. Có thể quy định: “con sinh ra trong thời kỳ chung sống như vợ chồng hoặc do người phụ nữ có thai trong thời kỳ đó là con chung của các bên chung sống như vợ chồng”;
- Thứ năm, về quan hệ tài sản và giao dịch, Luật cần thừa nhận quyền của các bên chung sống như vợ chồng về thỏa thuận trong xác định tài sản, xác lập và thực hiện giao dịch. Trong trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vô hiệu thì quan hệ tài sản và giao dịch được xác định theo chế độ sở hữu cá nhân (áp dụng cho tài sản riêng của một bên) hoặc chế độ sở hữu chung theo phần (áp dụng cho tài sản chung của hai bên chung sống) được quy định trong Bộ luật dân sự. Luật cũng cần quy định nguyên tắc công khai thỏa thuận về tài sản giữa các bên chung sống. Trong trường hợp thỏa thuận về tài sản không được công khai, người thứ ba có xác lập, thực hiện giao dịch với các bên chung sống như vợ chồng có quyền suy đoán quan hệ tài sản giữa các bên chung sống như vợ chồng được áp dụng theo chế độ sở hữu cá nhân hoặc chế độ sở hữu chung theo phần được quy định trong Bộ luật dân sự.
Luật cũng cần quy định rõ thỏa thuận về tài sản giữa các bên chung sống như vợ chồng xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của con, của người thứ ba hoặc có mục đích trốn tránh nghĩa vụ thì bị tuyên vô hiệu.
3. Lồng ghép bình đẳng giới trong quy định về chung sống như vợ chồng
Trong các định hướng sửa đổi, bổ sung về chung sống như vợ chồng, cần cân nhắc những nội dung bảo đảm bình đẳng giới như:
- Thứ nhất, cần đảm bảo trung tính trong các quy định có liên quan, không có sự phân biệt về giới và bản dạng giới trong điều chỉnh việc chung sống như vợ chồng;
- Thứ hai, về quan hệ tài sản và giao dịch giữa các bên chung sống như vợ chồng cần ưu tiên áp dụng nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận giữa các bên. Quy định của pháp luật được áp dụng khi không có thỏa thuận giữa các bên;
- Thứ ba, trong xác định cha, mẹ, con, để bảo quyền, lợi ích của người phụ nữ và con không áp dụng nguyên tắc xác định cha, mẹ cho con ngoài giá thú mà cần áp dụng tương tự nguyên tắc xác định con chung của vợ chồng. Theo đó, không phụ thuộc vào ý kiến của người đàn ông có quan hệ chung sống như vợ chồng với người phụ nữ có thai và sinh con: con sinh ra trong thời kỳ chung sống như vợ chồng hoặc do người phụ nữ có thai trong thời kỳ đó là con chung của các bên chung sống như vợ chồng;
- Thứ tư, công nhận bình đẳng về tư cách chủ thể trong tham gia tố tụng khi có tranh chấp liên quan đến quan hệ chung sống như vợ chồng.
SOURCE: TỌA ĐÀM CHUYÊN GIA VỀ LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ GIỚI TRONG DỰ ÁN LUẬT HNGĐ (SỬA ĐỔI) CỦA ỦY BAN CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. Hà Nội, ngày 8/10/2012

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code