Thursday, October 10, 2013

TỶ LỆ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT MANG TÊN CẢ VỢ VÀ CHỒNG CÒN RẤT THẤP

V.A
Báo cáo khảo sát của ActionAid Việt Nam” được công bố ngày 12/10 tại Hà Nội cho thấy, đa số người dân ở các vùng khảo sát chưa biết đến quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang hai tên vợ và chồng của Nhà nước.
Với mục tiêu tìm hiểu quyền tiếp cận và sử dụng đất của phụ nữ thông qua thực trạng cấp giấy chứng nhận sử dụng đất mang cả hai tên vợ và chồng, cuộc khảo sát Quyền tiếp cận đất của phụ nữ nhìn từ thực trạng cấp giấy chứng nhận quyền sủ dụng đất tại sáu vùng phát triển do ActionAid Việt Nam phối hợp cùng Mạng lưới Các tổ chức dân sự xã hội vì an ninh lương thực và giảm nghèo CIFPEN thực hiện tại các huyện hiện là địa bàn triển khai các chương trình phát triển dài hạn của ActionAid Việt Nam gồm huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), Tam Đường (Lai Châu), Ninh Phước (Ninh Thuận), Mang Yang (Gia Lai), Cầu Ngang (Trà Vinh) và Vũng Liêm (Vĩnh Long).
Theo thống kê, phụ nữ là lực lượng sản xuất nông nghiệp chính của thế giới, song vì những tập quán và nguyên nhân văn hóa xã hội khác nhau nên phụ nữ lại là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng đói nghèo hơn nam giới. Trong những năm qua, Việt Nam luôn được coi là một tấm gương về phát triển và xóa đói giảm nghèo, đưa hàng triệu người thoát nghèo. Tuy nhiên, mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo trong những năm tới vẫn là một thách thức lớn do khoảng cách giàu nghèo ngày một tăng và những bất cập trong phân phối và tiếp cận đất sản xuất và tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đối với phụ nữ.
Ở Việt Nam, tuy luật pháp quy định phụ nữ và nam giới đều có quyền và có khả năng thực hiện, quản lý tài nguyên bền vững nhưng họ nhận thức về sử dụng quyền khác nhau tùy theo điều kiện tiếp cận nguồn đất đai. Trong gia đình, việc không thực sự được làm chủ nguồn đất đai, tư liệu, công cụ sản xuất, người phụ nữ luôn ở vào vị thế phụ thuộc, vai trò giới không được phát huy nên đói nghèo, chậm phát triển luôn là ẩn hoạ đối với người phụ nữ và con cái họ.
Phát biểu tại lễ công bố báo cáo, ông Saroj Dash, Quyền Giám đốc Quốc gia ActionAid Việt Nam khẳng định: “Không thể nào ngay lập tức chấm dứt tình trạng nghèo đói, nhưng chúng ta có thể thực hiện các giải pháp lâu dài, mà một trong số đó chính là thực hiện quyền của người phụ nữ. Một trong những biện pháp để đảm bảo an ninh lương thực mà các chính phủ có thể áp dụng chính là tăng cường việc đảm bảo quyền tiếp cận và sử dụng đất đai thực sự cho phụ nữ cả trên góc độ pháp lý và trong thực tế. Đây chính là một quyền hết sức căn bản và chính đáng của phụ nữ.”
Được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 8/08, cuộc khảo sát cho biết, các thông tin về Luật đất đai và những điều liên quan đến quyền tiếp cận đất của phụ nữ chỉ mới tới được cấp huyện, chưa được phổ biến đến người dân, do vậy tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cả vợ và chồng tại các địa bàn khảo sát còn rất thấp. Nguyên nhân của thực trạng này đến từ hai phía, do các cấp chính quyền địa phương còn chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết phải tiến hành cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ một tên sang hai tên, do công tác thông tin tuyên truyền về Luật đất đai 2003 chưa được quan tâm đúng mức, cũng như do bản thân người dân, đặc biệt là phụ nữ cũng chưa hiểu về quy định này và ý nghĩa của nó đối với việc sản xuất nông nghiệp hàng ngày, và thủ tục hành chính còn rườm rà, chi phí mà người dân phải trả còn cao.
Báo cáo cũng đã nêu lên một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang hai tên vợ và chồng cũng như nhận thức của người dân về vấn đề này, bao gồm các nhóm giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, công tác tuyên truyền – vận động, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ địa chính địa phương… cũng như những gợi ý để các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo như ActionAid có thể thực hiện nhằm tăng cường quyền tiếp cận đất của phụ nữ. 
Lễ công bố báo cáo là một hoạt động thuộc đợt vận động Chung tay Xóa đói nghèo (HungerFREE) 2008 do ActionAid phát động tại nhiều nước trong 5 năm từ 2006 đến 2010 nhằm kêu gọi các chính phủ thực hiện cam kết “giảm một nửa số người đói trên thế giới vào năm 2015” đã được nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh Lương thực thế giới năm 1996. Tại Việt Nam, các hoạt động của đợt vận động đã diễn ra từ tháng 5/2008 và kết thúc bằng sự kiện cao điểm “Chung tay Xóa đói nghèo” trong sinh viên Thủ đô được tổ chức vào ngày 12/10/2008 do ActionAid Việt Nam phối hợp cùng Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện.
SOURCE: BÁO CÔNG THƯƠNG

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code