Thursday, October 17, 2013

TRANH CHẤP VỀ XÁC ĐỊNH NGƯỜI THỪA KẾ: MỘT NGƯỜI HAI GIẤY KẾT HÔN

HOÀNG YẾN

Một vụ tranh chấp di sản thừa kế đang bị bế tắc bởi nguyên đơn có cùng lúc… hai giấy đăng ký kết hôn với hai người chồng.
Tháng 2-2010, bà H. đã nộp đơn khởi kiện đến TAND quận 11 (TP.HCM) để tranh chấp tài sản thừa kế với các anh em bên gia đình chồng.
Kiện tranh chấp di sản
Trong đơn, bà H. trình bày: Năm 2001, bà lập gia đình với ông L., có đăng ký kết hôn tại phường 13. Bốn năm sau, họ sinh được một bé gái. Năm 2009, chồng bà bị bệnh qua đời, bà ở vậy trong căn nhà của chồng (do cha mẹ chồng đã mất để lại) và chăm sóc một người anh chồng bị bệnh tâm thần.
Thế rồi các anh chị của chồng bà ở gần đó liên tục kéo đến gây chuyện, đòi đuổi bà ra khỏi nhà. Có lần xung đột căng thẳng, bà phải nhờ công an đến giải quyết. Nay bà không dám về nhà nữa vì mỗi lần về đều bị anh chị của chồng chửi rủa. Bà yêu cầu tòa xác định phần thừa kế của bà trong căn nhà này với các anh chị bên chồng để có điều kiện tạo lập cuộc sống mới.
Làm việc với tòa, phía gia đình bên chồng bà H. không đồng ý với yêu cầu trên. Theo họ, người mẹ trước khi mất đã dặn không được bán căn nhà này, để lại làm nhà thờ tổ và làm chỗ ở cho người anh bị tâm thần.
Phía bị đơn còn yêu cầu tòa xem xét bé gái con bà H. có đúng là con của em trai họ hay không. Bởi giấy khai sinh của bé ghi sinh năm 2005, không có tên cha trong khi đến năm 2006 em trai họ mới kết hôn với bà H., không phải từ năm 2001 như bà H. nói. Họ còn cho rằng lúc còn sống, em trai họ cũng không thừa nhận đứa con này…

Xuất hiện người thứ ba
Vụ kiện sẽ không có gì phức tạp nếu như trong quá trình giải quyết án, TAND quận 11 không bất ngờ nhận được đơn của một người tên K., viết rằng việc kết hôn của bà H. với ông L. là trái pháp luật và yêu cầu tòa hủy.
Theo ông K., ông và bà H. đã đăng ký kết hôn vào năm 1998 tại xã Ka Đô, Đơn Dương (Lâm Đồng). Hai người có một con chung năm 2000. Khi con trai vừa tròn ba tháng tuổi, do bất đồng với gia đình chồng, bà H. đã ẵm con bỏ đi. Cho đến nay, ông và bà H. chưa hề ra tòa ly hôn nên về mặt pháp lý, họ vẫn là vợ chồng hợp pháp.
Tòa mời bà H. đến tìm hiểu. Bà H. thừa nhận có việc kết hôn với ông K., sau đó bỏ nhà đi. Một tháng sau, bà quay về thì ông K. đã cưới vợ khác. Vì thế, bà có làm giấy tay với nội dung cắt đứt quan hệ vợ chồng với ông K., có chính quyền xã chứng nhận. Sau đó bà vào TP.HCM sinh sống. Về mặt pháp lý, đúng là giữa bà và ông K. tuy chưa ra tòa làm thủ tục ly hôn nhưng thực tế thì đã có giấy xác nhận của chính quyền địa phương. Từ đó bà mới có được giấy chứng nhận độc thân để lập gia đình mới…
Tòa bế tắc
Trước tình tiết mới này, TAND quận 11 yêu cầu ông K. về địa phương trích lục giấy đăng ký kết hôn giữa ông và bà H. rồi làm đơn gửi kèm chứng cứ yêu cầu hủy đăng ký kết hôn trái phép. Nhưng cũng bất ngờ y như lúc xuất hiện, tung ra lá đơn xong, ông K. lại… biệt tăm biệt tích nên tòa lúng túng, chưa biết sẽ giải quyết vụ tranh chấp di sản của bà H. ra sao.
Cụ thể, nếu tòa xem xét luôn yêu cầu hủy hôn nhân trái pháp luật của ông K. trong vụ kiện thì không có cơ sở bởi ngoài một lá đơn, ông K. không hề nộp cho tòa các chứng cứ khác. Bản thân ông không tiến hành các thủ tục khởi kiện đúng quy định, lại không đến tòa.
Tuy nhiên, nếu tòa tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp di sản một cách bình thường, coi như ông K. không hề liên quan gì thì cũng không ổn bởi sự thật, theo trình bày của ông K. và xác nhận của bà H. thì đúng là giữa họ đang tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp. Như vậy làm sao tòa dám công nhận quan hệ hôn nhân của bà H. với ông L. – người chồng sau, từ đó tính đến yêu cầu phân chia di sản.
Làm sao để hủy hôn?
Vụ việc trên xuất hiện nhiều vấn đề đáng bàn: Hai quan hệ hôn nhân của bà H. đều có giấy đăng ký kết hôn, vậy quan hệ nào trái pháp luật? Ai là người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật trong trường hợp này?
Theo nhiều chuyên gia, rõ ràng quan hệ hôn nhân sau của bà H. là trái luật bởi bà chưa ly hôn người chồng trước, chỉ nhờ thiếu sót trong việc quản lý nhà nước mà bà mới được cấp giấy đăng ký kết hôn lần hai.
Theo Điều 15 Luật Hôn nhân và Gia đình, các cá nhân là vợ, chồng, cha, mẹ, con của các bên kết hôn có quyền yêu cầu tòa hoặc đề nghị VKS yêu cầu tòa hủy hôn trái pháp luật. Vấn đề rắc rối ở đây là bà H. thì không yêu cầu, người chồng sau của bà đã chết, còn người chồng trước thì lại biến mất không rõ nguyên do. Trong khi đó theo luật, nếu những người trong cuộc này không tự yêu cầu hủy hôn thì không cơ quan nào đứng ra giải quyết được.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code