Thursday, October 17, 2013

THỰC TIỄN TỐ TỤNG: ĐUỔI BẮT MỆT MỎI ĐỂ … LY HÔN

HOÀNG YẾN
Phía bị đơn không có nơi cư trú cố định hay cố tình lẩn tránh thì nguyên đơn chỉ biết khóc ròng vì ly hôn không được mà vợ chồng cũng chẳng xong.
Năm 2005, vợ chồng chị V. (quận 2, TP.HCM) xảy ra mâu thuẫn trầm trọng nên người chồng bỏ nhà ra đi. Thấy đã cạn nghĩa, chị V. nộp đơn đến TAND quận 2 để xin ly hôn.
Khốn khổ vì cái địa chỉ
Tuy nhiên, tòa đã trả lại đơn vì không biết anh chồng hiện đang ở đâu. Dõi theo chân chồng, chị V. cứ chạy hết tòa này đến tòa khác rồi đành phải lủi thủi vác đơn về vì cứ vài ba tháng anh chồng tạm trú ở nơi quận này, vài ba tháng sau anh lại xin tạm trú nơi khác. Năm năm nay chị V. vẫn chưa thể ly hôn bởi anh chồng thay đổi xoành xoạch chỗ ở.
Tương tự, chị M. (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng không thể dứt khoát được với chồng. Năm 2001, vợ chồng chị kết hôn nhưng được hơn hai năm anh chồng đã dọn đi chỗ khác. Chị gửi đơn xin ly hôn đến TAND quận Bình Thạnh và cho tòa biết rõ ràng nơi chồng đang ở. Tòa đi xác minh thì người chồng đã chuyển đi chỗ khác. Gọi điện thoại cho chồng đến tòa để làm thủ tục thì chồng trả lời “Muốn làm gì thì làm” nhưng nhất quyết giấu biệt nơi ở. Vì thế, vụ án ly hôn của chị bị tòa đình chỉ vì không có cơ sở thụ lý.
Trường hợp chị E. ở quận 12 (TP.HCM) cũng vậy. Vì mâu thuẫn gia đình, người chồng cũng đã bỏ đi. Sau đó, chị E. có người yêu mới và muốn ly hôn với chồng cũ nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được tòa thụ lý vụ án. Nguyên do cũng bởi anh chồng rày đây mai đó nên chị không biết hiện chồng đang ở đâu. Năm 2007, chị về nơi chồng đăng ký thường trú để xin ly hôn nhưng tòa cũng không thụ lý vì lúc này người chồng vừa đi lao động ở nước ngoài… Còn gia đình chồng cũng không cung cấp địa chỉ cho chị.

Lách luật cầu may?
Theo quy định, tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn là tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Nơi cư trú của cá nhân là nơi cá nhân thường xuyên sinh sống hoặc đang sinh sống. Do vậy, để được tòa án thụ lý giải quyết vụ án, bên nguyên đơn chứng minh được nơi bị đơn thường xuyên sinh sống hoặc đang sinh sống, hoặc nơi người này làm việc. Nếu thấy bị đơn thay đổi địa chỉ, không còn cư trú hoặc làm việc tại địa phương nữa mà thực tế đang cư trú hoặc làm việc tại địa phương khác, tòa án đang thụ lý sẽ chuyển vụ án cho tòa án nơi bị đơn đang cư trú hoặc làm việc để tiếp tục giải quyết vụ kiện.
Nhiều thẩm phán xét xử dân sự thừa nhận những vụ án ly hôn rất khó giải quyết nếu người chồng hoặc vợ (bên bị đơn) cố tình thay đổi chỗ ở. Nhiều chuyên gia cho rằng có thể linh hoạt áp dụng cho bên nguyên đơn chỉ cần chứng minh nơi bị đơn làm việc là đủ. Sau đó, tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì tòa án lập biên bản và đưa vụ án ra xét xử vắng mặt phía này. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định đây chỉ là giải pháp đối phó chứ không phải cho mọi trường hợp. Bởi nếu họ thường xuyên thay đổi nơi làm việc hay không có chỗ làm nhất định thì cũng như không.
Cũng có ý kiến cho rằng trong trường hợp bất đắc dĩ có thể tuyên bố người kia mất tích khi người đó biệt tích hai năm liền trở lên (mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định). Khi đó, vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì tòa án giải quyết cho ly hôn. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng đây cũng chỉ là biện pháp đối phó và con đường để tuyên bố một người mất tích là khá tốn kém và thời gian kéo dài.
Khó ly hôn vì chồng ở… lung tung
Năm 2005, chị T. đã gửi đơn ra TAND huyện Sông Hinh (Phú Yên) xin được ly hôn. Tuy nhiên, tòa này đã phải chuyển tới chuyển lui vụ án của chị. Đi xác minh, tòa huyện thấy vợ chồng chị T. có hộ khẩu ở huyện nhưng đã bán nhà đi khỏi địa phương nên trả lại đơn. Chị vội cung cấp địa chỉ tạm trú của vợ chồng tại TP Tuy Hòa (Phú Yên). Tuy nhiên, TAND huyện Sông Hinh vẫn không nhận thụ lý vì không thuộc thẩm quyền lãnh thổ. Chị T. lại tiếp tục gửi đơn đến TAND huyện Sông Hinh đề nghị giải quyết ly hôn vì cho rằng vợ chồng chị vẫn đang đăng ký hộ khẩu tại huyện. Tòa án huyện lại tiếp tục xác minh và thấy đúng là vợ chồng chị T. có hộ khẩu ở đây thật nên thụ lý giải quyết.
Sau đó, biết tin anh chồng đang sống với người khác ở huyện Tây Hòa, TAND huyện Sông Hinh đã chuyển đơn của chị T. đến tòa huyện này. Thế nhưng TAND huyện Tây Hòa đã trả lại đơn cho TAND huyện Sông Hinh vì anh T. không có hộ khẩu ở huyện.
Mới đây, chị T. lại báo cho TAND huyện Sông Hinh biết anh chồng đã dạt qua huyện Đông Hòa sinh sống. Tòa này lại vội chuyển hồ sơ của chị T. đến TAND huyện Đông Hòa. Hiện nay, TAND huyện Đông Hòa đang xem xét việc tiếp nhận hồ sơ.
“Nhiều năm nay anh chồng luôn cố tình lẩn tránh làm việc với tòa án. Mỗi khi tòa án tìm đến nơi người chồng đang cư trú để giải quyết, anh này thường bất hợp tác” – bà Lương Thị Đông, thẩm phán TAND huyện Sông Hinh, người trực tiếp thụ lý vụ án trên cho biết.
Nơi cư trú nên là nơi có hộ khẩu
Trong thực tế, nơi cư trú của bị đơn được một số tòa án hiểu là nơi bị đơn thường xuyên sinh sống hoặc đang sinh sống vì vậy nếu bị đơn cư trú không ổn định thì tòa án phải chuyển vụ án vòng vòng thậm chí rơi vào bế tắc, tòa đình chỉ vụ án. Theo tôi, luật quy định nơi cư trú của bị đơn nên hiểu là nơi bị đơn đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi bị đơn thường xuyên sinh sống vì nếu hiểu nơi cư trú là nơi đang sinh sống thì pháp luật sẽ bị lợi dụng. Bị đơn trong các vụ án ly hôn nếu không muốn hợp tác sẽ rất dễ dàng đối phó bằng cách di chuyển chỗ ở liên tục.
Với những trường hợp bị đơn có hộ khẩu thường trú nhưng không thường xuyên sinh sống tại địa phương này mà đến sinh sống tại một nơi khác thì nguyên đơn được quyền chọn lựa tòa án để khởi kiện là nơi đăng ký thường trú của bị đơn hoặc là nơi bị đơn thường xuyên sinh sống. Khi tòa án thụ lý và trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn di chuyển chỗ ở thì tòa án yêu cầu nguyên đơn bổ sung thủ tục thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú để giải quyết vụ án theo quy định, chứ không chuyển vụ án theo đuôi bị đơn như hiện nay sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn.
Luật gia ĐẶNG ĐÌNH THỊNH, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật – Hội Luật gia Việt Nam
Đã tìm nhưng vẫn vắng mặt là xử được
Theo tôi, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần thiết phải ra nghị quyết để hướng dẫn giải quyết các trường hợp tương tự nêu trên theo hướng gần giống như quy định về việc tuyên bố một người mất tích. Cụ thể là sau khi đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng người chồng hoặc vợ vẫn cố tình vắng mặt thì tòa án lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được do bị đơn vắng mặt và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung.
Luật sư Nguyễn Minh Luận, Đoàn Luật sư TP.HCM
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code