Wednesday, October 16, 2013

TRANH CHẤP NUÔI CON NUÔI

GIA TUỆ
TAND TP Cần Thơ vừa xử phúc thẩm một vụ án khá lạ ở địa phương: Chị Nguyễn Thị Lượm, ngụ ấp Thới Bình B, xã Thới Thạnh (Cờ Đỏ) kiện ông hàng xóm là Nguyễn Văn Tám ra tòa để tranh chấp quyền nuôi… con nuôi.
Ai cũng muốn nuôi con
Theo chị Lượm trình bày, trước đây ngày 16-11-2001, mẹ chị có xin một cháu trai tại Bệnh viện 121 (Cần Thơ) về nuôi và cho chị ra xã Thạnh Hòa (Phụng Hiệp) đứng tên làm giấy khai sinh cho cháu với tên là NCB. Sau đó, vợ chồng chị đem theo cháu B. chuyển đến huyện Cờ Đỏ sống nhờ ở nhà một người bạn là ông Tám.
Là chỗ thân quen, vợ chồng chị Lượm lại ở nhờ nhà ông Tám nên mỗi lần đi làm xa, vợ chồng chị đều để cháu B. ở nhà cho ông trông nom giúp. Mãi hơn hai năm trước, đến khi vợ chồng chị có điều kiện cất nhà riêng và qua xin rước cháu B. về thì ông Tám quyến luyến, nhất quyết không chịu giao trả cháu.
Đòi con hoài không được, cuối cùng chị Lượm phải khởi kiện ra TAND huyện Cờ Đỏ để nhờ phân xử, buộc ông Tám trả lại cháu B. để chị nuôi dưỡng, chăm sóc và cho đi học.

Bên tình, bên lý
Đầu năm nay, TAND huyện Cờ Đỏ đã đưa vụ kiện ra xử sơ thẩm. Tại tòa, ông Tám khai rằng vợ chồng chị Lượm thỏa thuận miệng với ông là để ông nuôi cháu B. đến lớn. Vợ chồng ông trực tiếp nuôi nấng cháu B. hàng ngày nên yêu mến cháu như con đẻ. Ông bà quyến luyến cháu, cháu cũng quyến luyến ông bà (cháu B. gọi họ là ông bà ngoại). Vì thế, ông bà muốn nuôi dưỡng cháu đến tuổi trưởng thành, không yêu cầu chị Lượm cấp dưỡng gì cả.
Ông Tám cũng đồng ý để chị Lượm tới lui thăm nom, chăm sóc cháu. Trong trường hợp cháu B. không chịu ở với ông nữa, muốn về sống với chị Lượm thì ông sẽ để cháu về nhưng vợ chồng chị Lượm phải thanh toán lại cho ông chi phí nuôi dưỡng cháu B. mỗi tháng 350 ngàn đồng trong vòng sáu năm qua.
Ngược lại, chị Lượm khẳng định mình không hề thỏa thuận cho con mà chỉ tin tưởng nhờ vợ chồng ông Tám trông giúp mỗi khi chị đi làm ăn xa mà thôi. Chị sẵn sàng gửi lại tiền công chăm sóc, nuôi dưỡng cháu B. cho vợ chồng ông Tám, chỉ mong tòa giao quyền nuôi con cho chị.
Thấy cả hai bên đều tha thiết muốn nuôi cháu B., tòa hỏi ý kiến cháu thì cháu bảo muốn tiếp tục được ở với ông Tám. Từ đó, tòa nhận định: Xét về tình, cháu B. sống với ông Tám nhiều hơn, gần gũi hơn. Vợ chồng ông cũng thương yêu cháu, có nguyện vọng được tiếp tục nuôi dưỡng. Tuy nhiên, xét về lý thì cháu B. chưa tròn bảy tuổi. Chị Lượm đã đăng ký việc nuôi con nuôi và cũng có đủ điều kiện nuôi con nên tòa tuyên chấp nhận yêu cầu của chị, buộc ông Tám phải giao cháu B. cho chị. Ngược lại, chị Lượm phải thanh toán chi phí nuôi con cho ông Tám gần 6,8 triệu đồng.
Giá như không phải ra tòa…
Buồn bã vì thua kiện, ông Tám kháng cáo xin TAND TP Cần Thơ xem xét lại. Tuy nhiên sau đó, trong ba lần TAND TP mở phiên phúc thẩm thì ông đều vắng mặt (lần đầu không có lý do, lần hai có lý do, lần cuối cùng thì không đến tòa).
Trong lần mở phiên xử cuối cùng này, vì người kháng cáo vắng mặt không rõ lý do dù đã được triệu tập hợp lệ nên hội đồng xét xử đã hội ý và tuyên bố đình chỉ xét xử phúc thẩm, công nhận bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Tòa cũng hướng dẫn chị Lượm sau khi có quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm thì liên hệ với cơ quan thi hành án địa phương để thực hiện việc đòi lại cháu B.
Như vậy, sau hơn hai năm tranh chấp, vợ chồng chị Lượm đã được cơ quan pháp luật phán quyết quyền nuôi dưỡng con nuôi chính đáng của mình. Tuy nhiên, người biết chuyện vẫn tiếc rằng giá như những người trong cuộc dàn xếp được với nhau thì cái tình cái nghĩa giữa họ vẫn còn và cháu B. cũng hạnh phúc, bởi cháu không chỉ có sự chăm sóc của cha mẹ nuôi mà còn có cả tình thương yêu của vợ chồng ông Tám.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code