Sunday, October 13, 2013

TÀI SẢN ẢO VÀ PHƯƠNG ÁN “KHÔNG HÀNH ĐỘNG”

THỤY ANH
Khái niệm: mỗi người một cách
Theo ông Trần Thanh Hải, vụ trưởng Vụ Thương Mại Điện Tử, Bộ Thương Mại, tài sản ảo (TSA) là dữ liệu do các chương trình, phần mềm tạo ra (không phải là chính các chương trình phần mềm đó). Ông Hải đặc biệt chú ý tới những sản phẩm ảo trong các trò chơi trực tuyến (game online) và cho rằng chúng có những đặc tính của tài sản như: có thể chiếm hữu; là kết quả của sự đầu tư công sức, thời gian và tiền bạc; có thể định giá bằng tiền; có thể chuyển giao được theo thoả thuận. Vì vậy, cần xem TSA là một dạng tài sản và pháp luật cần công nhận quyền sở hữu TSA.
Ngược lại, bà Nguyễn Thị Thu Vân, chuyên viên Vụ Pháp Luật Dân Sự – Kinh Tế (PLDSKT) – Bộ Tư Pháp lại cho rằng TSA không phải là tài sản. Theo Điều 163 của Bộ Luật Dân Sự (BLDS), tài sản gồm vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản. TSA không phải là tiền, không phải là giấy tờ có giá, không phải là vật có thực, cũng không phải là tài sản vô hình. Theo bà Vân, các tài sản vô hình như sáng chế, tên thương mại, biển hiệu, tên miền, địa chỉ email, khả năng thu hút khách hàng v.v… tồn tại trong thế giới thực, không hình ảnh (ý niệm), thuộc sở hữu người bán, người đưa tài sản vào giao dịch. Trong khi đó, TSA có hình ảnh, không tồn tại trong thế giới thực, và không thuộc sở hữu của người bán (game thủ). TSA cũng không phải là quyền tài sản. Trong 3 thuộc tính của quyền tài sản là quyền chiếm hữu, quyền định đoạt và quyền sử dụng, thì người chơi không có quyền chiếm hữu (TSA nằm ở máy chủ của nhà cung cấp, máy chủ có thể bị hack, bị hỏng, người chơi có thể bị khóa nick nếu vi phạm), không có quyền định đoạt TSA (có thể bị khoá nick, tuổi thọ trò chơi không phụ thuộc người chơi).
Nếu không là tài sản thì TSA là gì? Bà Vân cho rằng, trong quan hệ giữa nhà cung cấp với game thủ, thì đó là một loại dịch vụ. Còn khi game thủ bán TSA là họ bán quyền sử dụng phần tính năng cao của trò chơi, và đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản ảo giữa 2 người chơi là quyền yêu cầu thực hiện một công việc (chuyển giao quyền sử dụng dịch vụ trò chơi). Tóm lại, bà Vân nhận xét khái niệm “tài sản” trong “tài sản ảo” không cùng nội hàm với khái niệm “tài sản” trong BLDS hiện hành.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng trong thực tế đã hình thành thị trường mua bán TSA, và chúng ta không cần thừa nhận điều đó. Có người cho là bà Nguyễn Thị Thu Vân có vẻ phụ thuộc vào BLDS, trong khi luật thì luôn đi sau thực tế. Khái niệm TSA được nhắc tới trong hội thảo quá thiên về TSA trong game, trong khi TSA còn có thể bao gồm tên miền, các tài khoản, địa chỉ e-mail, các trang web/công cụ học tập từ xa, cơ sở dữ liệu… Riêng TSA trong game cũng không phải chỉ là các món đồ vật (game items), mà còn là các tài khoản game, các nhân vật game (game characteristics). Các khái niệm "tài sản vô hình", "tài sản hữu hình" hiện nay cũng chưa rõ ràng, chưa có định nghĩa mang tính pháp lý…
Vậy phải hiểu về TSA như thế nào? Ông Nguyễn Am Hiểu, phó vụ trưởng Vụ PLDSKT nhắc lại định nghĩa về tài sản trong BLDS 2005 (tài sản gồm vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản) và nhấn mạnh rằng khi sửa đổi BLDS năm 1995, các nhà làm luật đã có bước tiến bộ vượt bậc khi bỏ chữ “có thật” trong cụm từ “vật có thật”.
Luật chỉ là giải pháp cuối cùng
Ông Nguyễn Hồng Minh, chủ tịch HĐQT công ty VinaGame: Nếu công nhận quyền đối với TSA trong game thì các công ty cung cấp game sẽ phá sản. Quyền sở hữu TSA nếu được bảo hộ thì phải bảo hộ 100%. Nhưng trong trò chơi thì không thể như thế. Trong một thế giới mà hằng ngày có 200.000 người chơi và hàng triệu tương tác (như trong Võ Lâm Truyền Kỳ của VinaGame) thì nhà cung cấp không thể ghi nhận tất cả các dữ liệu và đứng ra xác nhận, phân giải mọi chuyện được. Trên thế giới chỉ có 3 nhà cung cấp cho phép mua bán chính thức trong trò chơi, còn lại đều không bảo đảm và không chịu trách nhiệm đối với việc mua bán của các game thủ. Khách hàng chơi mỗi tháng chỉ hết 60.000 đồng mà yêu cầu bảo hộ các món đồ lên tới hàng triệu, hàng chục triệu là vô lý. Vấn đề là cần bảo đảm một môi trường giải trí lành mạnh và quyền lợi chính đáng của người sử dụng dịch vụ.
Mặc dù quan niệm TSA không phải là tài sản theo pháp luật hiện hành, bà Nguyễn Thị Thu Vân (Bộ Tư Pháp) vẫn cho rằng cần ghi nhận công sức người chơi và bảo hộ TSA để quyền lợi người chơi không bị ảnh hưởng. Nếu bảo hộ theo hướng tài sản (quyền đối vật) thì sẽ khó thực hiện vì phụ thuộc vào công ty phát triển trò chơi nước ngoài, bế tắc trong thi hành án. Bà đề xuất bảo hộ theo hướng quyền đối nhân (là quyền được thực hiện thông qua người khác, như quyền đối với một khoản nợ cho ai đó vay). Theo hướng này, việc bảo hộ sẽ có tính chất tương đối, không phải bảo hộ quyền sở hữu, không phụ thuộc các đối tác nước ngoài, có thể đặt điều kiện bảo hộ như không kích thích bạo lực, không vi phạm thuần phong mỹ tục…
Cùng ở Vụ Pháp Luật Dân Sự – Kinh Tế, Bộ Tư Pháp, nhưng bà Trần Thị Thơ lại có cách tiếp cận hơi khác. Đối với bà Thơ, việc nắm giữ tài sản không quan trọng bằng quyền quản lý và hưởng lợi từ tài sản đó. Nếu có sự bảo hộ của Nhà Nước thì một thông tư liên tịch (mà Bộ VHTT, Bộ Công An, Bộ BCVT đang soạn) là không đủ tầm pháp lý, cũng không đúng với Điều 56 Luật Ban Hành Các Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật. Muốn điều chỉnh quan hệ xã hội mới này cần phải có một nghị định.
Bà Thơ cũng đưa ra một phương án khác, là “không hành động”. Điểm mấu chốt của phương án này là phát huy vai trò của các hiệp hội, các nhà cung cấp dịch vụ game online, yêu cầu họ đặt ra bộ quy tắc xử sự trong game và trong việc chơi game. Nếu không tuân thủ những quy phạm đó, người chơi sẽ bị nhà cung cấp và những người chơi khác tẩy chay, loại bỏ. Phương án này phù hợp với quan điểm của ông Danilo A. Leonardi đến từ ĐH Oxford (Vương Quốc Anh). Ông này cho biết việc giải quyết các mối quan hệ liên quan đến TSA ở Anh thường dựa trên sự tự điều chỉnh hơn là các quy định do cơ quan nhà nước đặt ra. Các thẩm phán khi giải quyết tranh chấp thì không mấy quan tâm đến các khái niệm và lĩnh vực mới hay cũ, mà dựa trên cơ sở các hợp đồng được ký kết giữa người sử dụng và bên cung cấp dịch vụ.
Ông Nguyễn Am Hiểu, đại diện Bộ Tư Pháp cũng cho rằng những người sở hữu TSA nên tự bảo hộ lấy. Luật bao giờ cũng là giải pháp cuối cùng và chỉ mang tính hỗ trợ chứ không phải là giải pháp tuyệt đối.
Ông Phạm Thành Long,
giám đốc công ty Luật Gia Phạm

Không nên bảo hộ TSA trong game bằng pháp luật, vì 3 lẽ:
1 Các công ty game chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số các doanh nghiệp, cuộc sống của game tồn tại ngắn nên không quan trọng với xã hội.
2 Nhà Nước không cần thiết điều chỉnh mọi quan hệ xã hội bằng pháp luật mà chỉ cần đưa ra nguyên tắc tối thiểu cho các nhà cung cấp dịch vụ.
3 Pháp luật mang tính quốc gia, nhưng người chơi game lại không biên giới.
SOURCE: TẠP CHÍ THẾ GIỚI VI TÍNH –  “Hội nghị bàn tròn về tài sản ảo” do Bộ Tư Pháp và Dự Án về Chính Sách Internet Toàn Cầu tại VN (GiPi Việt Nam) tổ chức sáng 25/4/2006, tại Hà Nội.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code